Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

DU LỊCH VĂN HÓA ÓC EO THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

08:13 23/02/2021

              1. Giới thiệu
          1.1 Giới thiệu đôi nét về tài nguyên du lịch An Giang
          An Giang là một trong mười ba tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm phía tây Nam Bộ, cách Thành phố Hồ Chí Minh 234 km (ngả Quốc lộ 1 và Quốc lộ 91 đi qua Cần Thơ) hoặc 189 km (ngả Quốc lộ 1 và Quốc lộ 80 đi qua Sa Đéc). Tây bắc giáp Campuchia, thông qua hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương. Tây nam giáp Kiên Giang, đông nam giáp Cần Thơ và đông bắc giáp Đồng Tháp.
          Khí hậu An Giang cũng tương tự các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, mỗi năm chỉ hai mùa mưa nắng. Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, nhiệt độ trung bình 27oC, độ ẩm khoảng 80%, lượng mưa trung bình năm gần 1.400mm.
          Ngoài các loại cá tôm nước ngọt, trái cây miền nhiệt đới, An Giang còn có các đặc sản nổi tiếng, được người dân địa phương cũng như du khách ưa chuộng: các loại mắm thái, trèn, chốt, sặc, cá linh ở Châu Đốc, cá lóc ở Thoại Sơn, đường thốt nốt, lá sầu đâu, bông điên điển, búm mắm… với hương vị đậm đà khó quên.
          An Giang còn là tỉnh duy nhất có núi rừng giữa đồng bằng, có sông rạch, ao hồ và vùng biên cương với nhiều danh nhân, nhiều truyền thuyết, huyền thoại, chuyện kể hấp dẫn, lý thú từ thời mở cõi, định cư, chống chọi thiên tai, thú dữ, giặc khuấy nhiễu, giặc ngoại xâm… được lưu truyền trong dân gian đến hôm nay.
          1.2 Giới thiệu về du lịch Văn hóa Óc Eo
          Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012.
          Khu di tích này là nơi tập trung mật độ dày đặc các di tích, di vật Văn hóa Óc Eo so với các địa điểm có di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang với số lượng 46/84 di tích.
          Di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng để kiến tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu cho An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.      
            2. PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG DU LỊCH VĂN HÓA ÓC EO THÔNG QUA MÔ HÌNH SWOT
ĐIỂM MẠNH (S)
ĐIỂM YẾU (S)
- Mật độ tập trung các di tích lớn nhất Nam Bộ, nơi duy nhất có đầy đủ các giai đoạn với quá trình hình thành và phát triển của VHOE ở ĐBSCL.
- Mang 4 giá trị tiêu biểu về khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và văn hóa.
- Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc: cảnh quan khu vực được phân thành hai trạng thái rõ rệt bao gồm cánh đồng Óc Eo và núi Ba Thê; vừa có yếu tố núi vừa có yếu tố đồng bằng.
- Các di tích chỉ còn là phế tích.
- Phạm vi phân bố di tích còn manh mún, nhỏ lẻ.
- Giao thông, các cơ sở lưu trú trong khu vực chưa đủ chuẩn đáp ứng nhu cầu của du khách.
- Nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ngân sách.
- Công tác quảng bá, thông tin truyền thông còn hạn chế.
CƠ HỘI (O)
THÁCH THỨC (T)
- Quyết định 1008/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang, tầm nhìn đến năm 2030 phát triển khu di tích Óc Eo trở thành 1 trong 4 trọng điểm du lịch của tỉnh.
- Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 18/01/2013 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh An Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
- Nghị quyết số 19/2018/NQHĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 về việc Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang.
- Dự án: “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê”
- Đề án nghiên cứu khoa học và nhân văn cấp quốc gia: “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa được phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt đến năm 2020.
- Trong lộ trình xây dựng Hồ sơ Di sản thế giới.
- Sự khởi sắc của du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
- Đô thị hóa: Nằm ngay thị trấn Óc Eo, khu vực có dân cư tập trung, đặc biệt là khu vực chân núi Ba Thê, quá trình đô thị hóa hình thành hàng loạt công trình nhà ở, công trình dịch vụ.
- Các di tích Óc Eo ở An Giang hầu hết đang nằm trong khu vực dân cư, khu vực sản xuất của người dân.
- Biến đổi khí hậu.
- Kinh phí đầu tư ban đầu xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng cần đầu tư rất lớn.
 
          3. CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CỦA KHU DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO
          3.1 Thống kê số lượng khách du lịch giai đoạn 2015 – 2019
Thời gian
SỔ LƯỢNG KHÁCH
2015
9.244
2016
8.187
2017
10.965
2018
10.000
2019
7.633
                                                          Nguồn: Phòng Tổ chức hành chính
            Theo bảng số liệu trên ta thấy, số lượt khách tham quan đến khu di tích cao nhất là vào năm 2017, do năm 2017 Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với Ban Quản lý di tích và Bảo tàng của 16 tỉnh thành Nam Bộ tổ chức triển lãm quy mô cấp vùng “Gốm Óc Eo Nam Bộ lần thứ I”. Sự kiện này đã thu hút được nhiều khách tham quan.
          Số lượng khách trong bảng thống kê chủ yếu là khách nội địa, có rất ít khách nước ngoài (bình quân khoảng 100 người cho mỗi năm), khách nước ngoài đến khu di tích đa số không phải vì mục dích du lịch, chủ yếu là khách tham quan nghiên cứu đến từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan…
          3.2 Hệ thống nhận diện thương hiệu của Khu di tích Văn hóa Óc Eo
          Tính đến thời điểm này, Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã xây dựng được bộ nhận diện thương bao gồm 3 thành tố cơ bản: Tên đơn vị; Logo; Hệ thống ứng dụng nhận diện thương hiệu.
  
STT
TÊN ẤN PHẨM
DANH MỤC
1
Tên thương hiệu
Tên đơn vị
Tên các phòng trực thuộc
2
Biểu tượng logo
Thiết kế logo của đơn vị
3
Hệ thống ứng dụng nhận diện thương hiệu
Phong bì
Hệ thống website
Các mẫu quà lưu niệm
Các ấn phẩm sách
Túi xách
                                                     Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
          Từ khi thành lập năm 2012 đến nay, đơn vị có tên gọi là Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo.

          Từ năm 2019 đến nay, đơn vị chỉ có một logo và được thiết kế như sau:

                                                                                             

Logo là sự kết hợp ba hình tượng đặc trưng của văn hóa Óc Eo An Giang là hình tượng Linga, đền thờ và thần Vishnu, ba hình tượng được cách điệu đơn giản bằng hình mảng và kết hợp âm bản hình tượng Linga làm nổi bật hình tượng Thần Vishnu. Tổng thể các hình tượng được đặt trong một hình tròn khép kín chính là chữ cái O đầu tiên của tên nền văn hóa Óc Eo. Hình tròn chữ O cũng thể hiện cho một nền văn hóa trường tồn với thời gian. Với tông màu nâu đất thể hiện màu đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo và tổng thể toát lên tính lịch sử và tính văn hóa. 
3.3 Mô hình thương hiệu
Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo lựa chọn mô hình thương hiệu gia đình (tức là tất cả các hoạt động và loại hình dịch vụ của đơn vị có chung một thương hiệu). Tại thời điểm hiện tại, đơn vị đang gặp phải những khó khăn trong quá trình phát triển dịch vụ du lịch và kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các giá trị di sản Văn hóa Óc Eo. Đồng thời, chi phí cho hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế, mô hình thương hiệu gia đình giúp đơn vị tiếp cận với công chúng nhanh chóng và giảm thiểu được nhiều chi phí. Đây là mô hình hiệu quả nhất trong việc tạo ra hình ảnh nhất quán và trọn vẹn về Khu di tích Văn hóa Óc Eo.
Qua phỏng vấn chuyên sâu đại diện các phòng, đoàn thể trong đơn vị thu được kết quả như sau: 100% viên chức nhất trí ủng hộ phương án xây dựng mô hình thương hiệu gia đình.
Mặc dù, thương hiệu gia đình có sự khái quát rất cao, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Nếu một dịch vụ hay hoạt động bất kỳ của đơn vị kém chất lượng, thì tất cả dịch vụ còn lại sẽ bị ảnh hưởng theo. Trong trường hợp này, Ban giám đốc sẽ xem xét phương án tạo ra thương hiệu cá biệt cho một số chương trình hoạt động nhất định.
3.4 Xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi của thương hiệu Khu di tích Văn hóa Óc Eo
Hệ thống giá trị cốt lõi của đơn vị bao gồm ba nhân tố chính: chất lượng hướng dẫn viên tại điểm, các sản phẩm du lịch và truyền thông – quảng bá. 
3.3.1 Chất lượng hướng dẫn viên tại điểm
Hiện nay, số lượng hướng dẫn viên tại điểm cụ thể như sau:
- Hướng dẫn viên tại điểm phục vụ khách nội địa: 03 người;
- Hướng dẫn viên tại điểm phục vụ khách quốc tế: 02 người.
3.3.2 Các sản phẩm du lịch
Nhà Trưng bày văn hóa Óc Eo
Nhà trưng bày được đưa vào hoạt động vào tháng 01/2016. Hiện đang trưng bày hàng ngàn hiện vật Văn hóa Óc Eo có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII trong 05 gian trưng bày chính, bao gồm: (1) Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến hoạt động cư trú, (2) Gian trưng bày các hiện vật mộ táng, (3) Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến chế tác thủ, (4) Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến hoạt động giao thương và (5) Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
          Chùa Linh Sơn (Linh Sơn cổ tự - Chùa phật bốn tay)
          Chùa Linh Sơn được xây dựng năm 1912, tính đến nay đã được 108 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
          Hiện trong chùa đang lưu giữ 03 hiện vật thuộc nền Văn hóa Óc Eo là tượng thần Vishnu và 02 bia đá cổ có niên đại từ thế kỷ V. Tượng thần Vishnu và hai bia đá đã được công nhận là Di tích Quốc gia vào ngày 18/01/1988 (theo Quyết định số 28/VH.QĐ)
                Di tích Nam Linh Sơn tự (Di tích Linh Sơn Nam)
          Di tích nằm ở hướng Nam của chùa Linh Sơn nên được gọi là Di tích Nam Linh Sơn Tự hay còn gọi là Linh Sơn Nam.
          Di tích có diện tích hơn 350 m2, có niên đại từ thế kỷ I SCN và tiếp tục tồn tại đến thế kỷ IX, là loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo. Di tích có kiến trúc xây dựng bằng đá và gạch cùng với những đường cống ngầm bên trong thể hiện trình độ văn minh khá cao của cư dân cổ từ hơn 10 thế kỷ trước.
          Di tích Gò Cây Thị AB
          Di tích Gò Cây Thị thuộc loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo.
        Di tích Gò Cây Thị A có diện tích 488m2, các cuộc khai quật đã phát hiện được các loại vật liệu trang trí mái như mảnh ngói, diềm ngói, chóp ngói ở đây. Giai đoạn 1, việc tìm thấy các hiện vật vàng chạm khắc hình tượng Surya ở đây cho thấy vào thế kỷ III – V nơi đây là đền thờ thần mặt trời Surya của Hindu giáo. Giai đoạn 2, việc tìm thấy các tượng phật bằng đồng mang phong cách Bắc Ngụy của Trung Quốc cho thấy sự chuyển mình của tôn giáo từ Hindu giáo sang Phật giáo giai đoạn này.
         Gò Cây Thị B có diện tích khoảng 300 m2. Qua khai quật xác định đây là loại hình kiến trúc xây bằng gạch – đá, cấu tạo gồm 2 vòng tường xây bọc quanh một nền hình chữ nhật đắp bằng đất cát. Bên trong kiến trúc là một nền bằng phẳng, được nện chặt bằng nhiều lớp đất màu sắc khác nhau, bên ngoài kiến trúc có hành lang bằng gạch bao quanh. Nhiều nhận định cho rằng đây là một kiến trúc mộ hỏa táng xây bằng gạch – đá tuy nhiên còn dang dở.
            Với giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa khoa học cao, Di tích Gò Cây Thị được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT-DL) xếp hạng là Di tích khảo cổ cấp quốc gia vào 30/12/2002 (theo quyết định số 39/2002/QĐ.BVHTT).
            Múa Óc Eo
           Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nền Văn hóa Óc Eo, trong điều kiện các di sản văn hóa vật thể của Óc Eo đang vô cùng phong phú và đã được các nhà khoa học trong nước, nước ngoài khẳng định, từng bước làm sáng tỏ; nhưng di sản văn hóa phi vật thể thuộc nền văn hóa Óc Eo hiện là một khoảng trắng rất lớn, rất thiếu những thông tin; chưa có nhà khoa học nào tìm hiểu, nghiên cứu cũng như chưa có tài liệu và sự trao truyền nào nói về vấn đề phi vật thể của văn hóa Óc Eo.
          Do đó, điệu múa Óc Eo đã được sáng tạo và phát triển. Múa Óc Eo là điệu múa cộng đồng được mô phỏng và khắc họa từ các cổ vật được lưu truyền gần hai thiên niên kỷ qua, là loại hình nghệ thuật mang âm hưởng dân gian, hiện đang được trao truyền cho lớp trẻ đương đại và cộng đồng khắp nông thôn và thành thị An Giang.
           Một tiết mục múa Óc Eo hoàn chỉnh bao gồm 03 bài múa với thời lượng là 13 phút, cụ thể là Múa Ông Voi, múa Lưỡi Kiếm và múa Sum Họp.
 3.3.3 Truyền thông và quảng bá
          Trong những năm qua, Khu di tích Văn hóa Óc Eo đã sử dụng nhiều hình thức quảng bá khác nhau nhằm đưa hình ảnh và thương hiệu của đơn vị đến với công chúng, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
          Đến nay, đơn vị chưa có một bộ phận riêng phụ trách Truyền thông, do đó các hoạt động Marketing nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng vẫn mang tính riêng lẻ, chưa thể hiện được sự đồng bộ và bài bản.
          Đơn vị sử dụng website: http://vanhoaoceo.angiang.gov.vn/ như một công cụ quảng bá chính thức. Website của đơn vị đã có nhiều cải tiến tích cực so với những năm trước đây, các danh mục được phân chia rõ ràng, các hoạt động đều được cập nhật kịp thời. Ngoài ra, đơn vị còn có một fanpage riêng để tương tác với khách du lịch, các nhà nghiên cứu thông qua mạng xã hội facebook.
          Theo thống kê từ tháng 01/01/2020 đến 30/3/2020, trung bình lượt tiếp cận bài viết và tương tác trên fanpage của đơn vị là 828 lượt/ bài viết.
          Bên cạnh website và fanpage, đơn vị còn quảng bá thông qua các Hội chợ thương mại, hội chợ du lịch quốc tế. Cụ thể như sau:
- Tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2018, gian hàng Du lịch Văn hóa Óc Eo đón tiếp tổng lượng khách gian hàng đón tiếp trong 03 ngày hội chợ khoảng 3.000 lượt khách.
- Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2019, gian hàng Du lịch Văn hóa Óc Eo đón tiếp trong 03 ngày hội chợ khoảng 20.000 lượt khách.
- Gian hàng quảng bá ở Hội chợ thương mại quốc tế An Phú 2019 thu hút 1.200 lượt khách.
4. Một số giải pháp hoàn thiện và phát triển thương hiệu du lịch Văn hóa Óc Eo
Việc khai thác giá trị di sản văn hóa Óc Eo trong hoạt động du lịch là hướng phát huy giá trị di sản góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tuy nhiên việc khai thác đó phải đảm bảo không để lại những hậu quả tiêu cực cho các di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê, đảm bảo tính bền vững, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giao lưu, trao đổi của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, đưa những giá trị đặc biệt của khu di tích Óc Eo – Ba Thê trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh An Giang và đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động du lịch, cần quan tâm, chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp sau:
4. 1 Quản lý quy hoạch, bảo tồn
- Quản lý theo phân vùng quy hoạch:
• Khu vực bảo vệ I: Biện pháp quản lý bảo vệ phải đáp ứng mục tiêu bảo tồn, tôn tạo di sản mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành, cụ thể:
- Các dự án thành phần xây dựng trong khu vực phải được hội đồng chuyên môn xem xét thẩm định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc bảo vệ, tôn tạo cảnh quan khu vực.
- Kiểm tra chặt chẽ các hoạt động phát triển du lịch dịch vụ, xây dựng trong khu vực. Nghiêm cấm các hoạt động gây tác động xấu trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường.
- Không tiến hành các hoạt động quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan của di tích.
- Các phương tiện vận chuyển khách du lịch lựa chọn hình thức phù hợp. Không gây ô nhiễm môi trường về tiếng động, không khí, nguồn nước.
- Các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng hệ thống ngầm để đảm bảo mỹ quan: Chọn lọc hình thức chiếu sáng phù hợp làm tăng vẻ tôn nghiêm trong Khu di tích.
- Lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng, trực tiếp hoặc gián tiếp giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
• Khu vực bảo vệ II:
- Trong tương lai, hoạt động du lịch trong khu vực di tích phát triển mạnh mẽ, do đó phải thường xuyên kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường từ khách du lịch, đặc biệt là chất thải rắn.
- Phương tiện dịch vụ vận chuyển: xe ô tô điện, hạn chế sử dụng phương tiện xe gắn máy gây ô nhiễm tiếng ồn.
- Thường xuyên kiểm tra để xem xét đánh giá về sự biến đổi môi trường, những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động du lịch gây ra.
- Các dự án thành phần phải được hội đồng khoa học xem xét và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Lựa chọn hình thức biển báo, quảng cáo một cách thận trọng để không ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan
- Định hướng quy mô, mẫu kiến trúc cho các công trình nhà ở của dân trong khu di tích để tránh các công trình xây dựng quy mô lớn, kiến trúc lai tạp, lộn xộn, không phù hợp với cảnh quan không gian của Khu di tích.
- Bảo tồn di tích: vấn đề làm thế nào để các di tích tồn tại lâu dài là vấn đề cốt lõi. Kinh phí bảo quản và phương pháp kỹ thuật bảo tồn, xây dựng mái che là những yếu tố quan trọng cần xem xét. Các di tích văn hóa Óc Eo thường bị tác động bởi độ ẩm, rong rêu, muối và acid…nên cần cải tạo lại hệ thống cống dẫn nước thấp hơn so với di tích để có thể dẫn tối đa nguồn nước tồn đọng trong di tích ra bên ngoài, đảm bảo di tích luôn khô thoáng, hạn chế độ ẩm do nước gây ra, từ đó hạn chế được các tác nhân xâm hại di tích. Bên cạnh đó, cũng chú trọng công tác vệ sinh các điểm di tích, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý ngay tác nhân xâm hại. Tham vấn chuyên gia trong công tác bảo quản di tích có kiến trúc gạch, đất sét, gỗ… để có phương pháp khoa học kéo dài tuổi thọ cho di tích.
4.2 Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch tại khu di tích. Lựa chọn, ưu tiên đầu tư bảo tồn các điểm di tích tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê, hình thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn du khách.
- Nghiên cứu, lập danh mục, đưa vào kêu gọi xã hội hóa các dự án dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm…gắn với di tích nhằm tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tốt lượng khách đến với Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, đồng thời phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ bảo đảm chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất đặc thù của di tích.
- Chú trọng tôn tạo cảnh quang và môi trường xung quanh các điểm di tích. Đầu tư xây dựng hoặc cải tạo lại hệ thống giao thông, đưa vào thí điểm sử dụng xe điện hoặc các phương tiện du lịch khác như xe bò, xe ngựa, xích lô… phục vụ việc đi lại, tham quan di tích.
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch trong khu di tích.
4.3 Hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu
Trong thời gian tới, du lịch Văn hóa Óc Eo cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu của mình để gia tăng mức độ nhận biết, khẳng định vị thế trong xã hội, phát triển thương hiệu một cách bền vững.
Thứ nhất, bổ sung câu khẩu hiệu (slogan) vào bộ nhận diện thương hiệu.
Đơn vị nên đưa ra slogan nhằm tạo ra sức hút mạnh mẽ với công chúng, đồng thời thiết kế slogan cũng phải đảm bảo các yếu tố: ngắn gọn, dễ hiểu, có ý nghĩa và tạo sức hút.
Thứ hai, tăng cường tạo dựng và phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của du lịch Văn hóa Óc Eo.
          Để tạo dựng được nền văn hóa tốt đẹp, du lịch Văn hóa Óc Eo cần tập trung tạo dựng những yếu tố sau:
          - Xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện giữa các nhà cung cấp dịch vụ trên địa bàn và khách du lịch;
          - Đơn vị nên đưa ra quy trình đánh giá chất lượng hướng dẫn viên tại điểm một cách khoa học, khách quan;
          - Thực hiện văn hóa ứng xử, giao tiếp một cách văn minh, lịch sự giữa hướng dẫn viên đối với du khách;
          - Ban hành bộ quy tắc ứng xử du lịch nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức, cá nhân là người Việt Nam và du khách nước ngoài khi tham gia các hoạt động du lịch.
          Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
          Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0 là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Do đó, đòi hỏi các sản phẩm du lịch cần phải cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
          Đổi mới chất lượng trưng bày tại Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo bằng cách ứng dụng QR Code sẽ mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch, cho phép du khách truy cập thông tin chi tiết của hiện vật bao gồm niên đại, tên gọi, xuất xứ, công dụng bằng… nhiều ngôn ngữ khác nhau được tích hợp trong cùng một mã (code).
          Thứ tư, tăng cường quảng bá thương hiệu
          Để gia tăng mức độ nhận biết về thương hiệu, cần tăng cường tham gia các chương trình xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, các hội thảo khoa học có sự tham gia của các doanh nghiệp;
          Đồng thời, liên kết với các trang thông tin, truyền thông có uy tín để đưa tin, quảng bá về hoạt động.
          4.4 Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
          Thứ nhất, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên tại điểm
          Đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm cần được chuyên môn hóa về nội dung  đối với từng đối tượng du khách. Đặc biệt chú trọng đến khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ nhằm chuyển tải đầy đủ thông tin của di tích đến khách du lịch quốc tế.
          Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn khảo cổ chuyên sâu
        Cần có kế hoạch tập trung đào tạo những viên chức có chuyên môn khảo cổ có khả năng nghiên cứu chuyên sâu để tìm hiểu và nắm được phương pháp cũng như chính sách phát triển văn hóa xã hội gắn với khoa học công nghệ. Đội ngũ này sẽ làm tốt công tác tham mưu, báo cáo, nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng.
          Thứ ba, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác thông tin – truyền thông
          Để tạo sức bậc trong công tác tuyên truyền, quảng bá di sản, cần lựa chọn và bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện tốt kỹ năng viết tin bài, phân tích, tổng hợp số liệu, cập nhật tin tức nhanh nhạy, biết chọn lọc thông tin… để đăng tải tin tức, bài viết lên website, sách, báo, tạp chí…
 

Nguyễn Xuân Minh

các tin khác