Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Giới thiệu 8 bảo vật quốc gia của Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang (Thuộc nền Văn hóa Óc Eo Nam Bộ - Việt Nam)

10:40 20/04/2023

          Theo quy định tại Khoản 21 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009, bảo vật quốc gia là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và là hiện vật có giá trị đặc biệt. Trong thời gian qua, từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và bảo tàng An Giang đã xây dựng hồ sơ đề nghị và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận 8 bảo vật quốc gia liên quan đến văn hóa Óc Eo. Đây là niềm tự hào của người dân An Giang.

          08 bảo vật quốc gia bao gồm Bộ Linga - Yoni Đá Nổi, Tượng thần Brahma Giồng Xoài, Tượng Phật gỗ Giồng Xoài, Tượng Phật đá Khánh Bình, Bộ Linga – Yoni Linh Sơn, Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, Nhẫn Nandin Giồng Cát và Mukhalinga Ba Thê. Bài viết này sẽ giới thiệu những nét đặc sắc nhất của các bảo vật quốc gia.

          1/ Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc

          Chất liệu: đá

          Niên đại: thế kỷ III - IV

          Khai quật tại di tích Linh Sơn Bắc, năm 2019.

Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc

- Tính độc bản: Hiện vật tìm thấy trong địa tầng khai quật còn khá nguyên vẹn tại di tích Linh Sơn Bắc năm 2019. Cho đến nay, đây là hiện vật độc bản thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo.

- Tính độc đáo: Kỹ thuật tạo hình đơn giản, trên tổng thể có hình ảnh của Đức Phật ngồi tọa thiền, còn các chi tiết không được thể hiện cụ thể. Nghệ thuật chạm khắc thô, đơn giản, mộc mạc, chân thực, trực quan sinh động trên một chất liệu bản địa chính là điểm khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật điêu khác đá của Phù Nam ở những giai đoạn phát triển.

          - Giá trị đặc biệt: thể hiện nền nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo.

          
           2/Tượng Phật đá Khánh Bình

           Chất liệu: đá

           Niên đại: thế kỷ VI - VII

           Khai quật tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Tượng Phật đá Khánh Bình

- Tính độc bản: được tìm thấy tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, có niên đại thế kỷ VI-VII, là hiện vật có độ hoàn thiện rất cao và rất tiêu biểu thuộc nền Văn hóa Óc Eo.

- Tính độc đáo:  Hiện vật là một tác phẩm điêu khắc hoàn thiện, rất cân đối với đường nét mềm mại, hài hòa… Các đường nét, hình khối thể hiện trên nền chất liệu đá chuyển tải được tính trang trọng sự sống động cho tác phẩm.

          - Giá trị đặc biệt: Những đường nét thể hiện trên khuôn mặt đã mang những dấu ấn rõ nét của cư dân bản địa, có thể xem như là một biểu hiện của sự bản địa hóa. Hiện vật là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra rất mạnh trong thiên niên kỷ I Công nguyên của cư dân Óc Eo.

       

 

           3. Tượng Phật gỗ Giồng Xoài

          Chất liệu: gỗ

          Niên đại: thế kỷ IV - VI

          Khai quật tại di tích Giồng Xoài.

Tượng Phật gỗ Giồng Xoài

- Tính độc bản: Hiện vật có kích thước to lớn, hiếm có trong văn hóa Óc Eo được tìm thấy tại di tích Giồng Xoài, có niên đại thế kỷ IV – VI.

- Tính độc đáo: Hiện vật được làm bằng gỗ sao, là sản phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình và điêu khắc nói chung, sản phẩm đỉnh cao của kỹ thuật chế tác thủ công (điêu khắc, dát mỏng kim loại và phủ vàng).

          - Giá trị đặc biệt: Hiện vật là một sản phẩm tiêu biểu, kết tinh đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng nói riêng và các nghề chế tác thủ công vốn là một truyền thống được hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử vùng dất Nam Bộ từ những thế kỷ đầuCông nguyên.

 

          4/ Tượng thần Brahma Giồng Xoài

         Chất liệu: đá

         Niên đại: thế kỷ VI - VII

         Khai quật tại di tích Giồng Xoài, năm 1983.

Tượng thần Brahma Giồng Xoài

- Tính độc bản: tìm thấy năm 1983 tại di tích Giồng Xoài, có niên đại thể kỷ VI-VII, là tượng thần Brahma bằng đá có niên đại sớm nhất và duy nhất thuộc văn hóa Óc Eo còn lại hiện nay.  

- Tính độc đáo: Tượng thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn-Âu còn rất rõ: tỷ lệ vàng trong đặc điểm giải phẫu cơ thể học, khuôn mặt trái xoan với mũi thẳng và sống mũi khá cao; những nét bản địa thể hiện như cổ thấp ngắn, đôi mắt hình hạnh nhân hơi xếch, đôi môi dầy, hai tai dài và mọng có phần thùy tai được căng rất rộng.       

           - Giá trị đặc biệt: Hiện vật là sự kết hợp của nghệ thuật tạo hình ngoại nhập và bản địa, là một trong những đại diện đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

 

          5/ Bộ Linga – Yoni

          Chất liệu: kinh loại vàng, đồng

          Niên đại: thế kỷ V – VI

          Khai quật tại di tích Đá Nổi, năm 1985.

Bộ Linga – Yoni

- Tính độc bản: Hiện vật gốc, được phát hiện trong cuộc khai quật di tích Đá Nổi năm 1985, là bộ Linga-yoni duy nhất bằng kim loại vàng, đồng thau gồm nhiều phần ghép lại thống nhất, có niên đại thế kỷV- VI.

- Tính độc đáo: Cách bố cục linga xuyên thủng yoni mang tính tượng trưng rất cao, rất sinh động. Nó vừa thể hiện đậm nét nội dung tôn giáo của Ấn Độ giáo, vừa thể hiện năng lực sáng tạo mạnh mẽ cùng sáng tạo nghệ thuật trang trí của người thợ thủ công.

- Giá trị đặc biệt: Hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử sâu đậm của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á trong nửa sau thiên niên kỷ I.

           6/ Bộ Linga – Yoni Linh Sơn

           Chất liệu: hai loại đá khác nhau

           Niên đại: thế kỷ VII

           Khai quật ở phía Đông khu vực chùa Linh Sơn, năm 1985.

Bộ Linga – Yoni Linh Sơn

- Tính độc đáo: Hiện vật tìm thấy năm 1985 ở phía đông khu vực chùa Linh Sơn, có niên đại thế kỷ VII. Hiện vật sử dụng kết hợp hai loại chất liệu đá khác nhau đã đem lại hiệu ứng về thẩm mỹ cũng như tính hướng tâm, làm cho khối linga - yoni nổi bật lên hẳn, được tôn lên nổi trội khi đặt trên phần bệ đỡ được chế tác cầu kỳ.   

- Giá trị đặc biệt: Hiện vật là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử vương quốc Phù Nam với những nét đặc trưng riêng bên cạnh sự tương đồng rõ nét thể hiện qua nội dung tôn giáo Ấn Độ được tiếp nhận thông qua quá trình trao đổi, giao lưu và tiếp biến văn hóa.

          7/ Nhẫn Nandin Giồng Cát

          Chất liệu: vàng

          Niên đại: thế kỷ V

          Khai quật tại di tích Gò Giồng Cát, năm 2018.

Nhẫn Nandin Giồng Cát

          - Tính độc bản: Hiện vật là duy nhất phát hiện trong địa tầng khảo cổ tại di tích Giồng Cát năm 2019, có niên đại thế kỷ V.

          - Tính độc đáo: Hiện vật nhẫn có mặt hình bò Nandin dưới dạng tượng tròn trong tư thế nằm được chế tác với kỹ thuật kết hợp đúc và chạm. Hiện vật được chế tác với những chi tiết nhỏ, tinh tế, đòi hỏi trình độ chế tác rất cao, thuận thức. Tính độc đảo trong việc sử dụng chất liệu kim loại vàng đã đem lại hiệu ứng về thẩm mỹ, hiệu ứng về mặt tôn giáo và sự trang trọng cao quý.

          - Giá trị đặc biệt: Nhẫn Nandin cùng với nhiều hiện vật và vàng lá tìm được trong Văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển và có giao lưu thương mại với nhiều nước trên thế giới qua con đường tơ lụa trên biển.

         

          8/ Mukhalinga Ba Thê

          Chất liệu: đá

          Niên đại: thế kỷ VI

          Phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Mukhalinga Ba Thê

 

          - Tính độc bảnhiện vật có niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện biểu tượng “mukha” trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.

          - Tính độc đáo: Là di vật lịch sử tiêu biểu duy nhất trong văn hóa Óc Eo thể hiện sự chuyển biến về mặt phong cách nghệ thuật tạo hình trong nhóm loại hình linga, là gạch nối liên kết giữa linga 2 phần hiện thực với nhóm hiện vật linga – mukhalinga có cấu trúc 3 phần đều nhau.

          - Giá trị đặc biệt: nội dung tôn giáo và hình mẫu thể hiện mang đậm nét ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, phản ánh mối quan hệ lịch sử trao đổi văn hóa diễn ra trong thời gian dài và mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ.

           Các bảo vật nêu trên đều là những di sản độc bản, có niên đại từ rất lâu đời, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Vấn đề đặt ra là làm sao gìn giữ, phát huy giá trị, xứng tầm bảo vật của đất nước. Trước mắt, các nhà quản lý di sản văn hóa đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh và bảo quản cho bảo vật, xây dựng mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và Bảo tàng An Giang cũng đã định hướng quảng bá, lan tỏa sâu rộng các giá trị bảo vật tới công chúng: đưa bảo vật quốc gia vào chương trình giáo dục ngoại khóa; đẩy mạnh giao lưu trưng bày Bảo vật quốc gia với các địa phương khác; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tỉnh An Giang; chế tác mô hình thu nhỏ các Bảo vật quốc gia cũng là một cách tôn vinh, quảng bá, góp phần lan tỏa giá trị bảo vật./.

Ntl Nhân

các tin khác