Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

An Giang: Đưa nghệ thuật múa Óc Eo vào trường học

04:12 27/04/2023

(ĐCSVN) - Đưa giáo dục di sản văn hoá tới học sinh, ngay tại khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là một phương pháp rất hiệu quả để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa; giúp thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, thêm tự hào về di tích, thêm trân trọng tiền nhân và cùng ra sức giữ gìn các di tích của địa phương.

Điệu múa Óc Eo do diễn viên Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật An Giang biểu diễn

 

Nghệ thuật múa Óc Eo

Theo một nghiên cứu của TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, khoảng 2.000 năm trước, vùng đất An Giang từng là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Óc Eo, với sự xuất hiện của một “đô thị” quan trọng của quốc gia cổ Phù Nam vào đầu Công nguyên.

Nơi đây từng có một thời hoàng kim với những hoạt động kinh tế nông nghiệp và thương mại sôi động, là điểm dừng quan trọng của những tuyến hàng hải đường dài kết nối phương Đông và phương Tây.

Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang cho biết, từ năm 2016, cố Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Múa Việt Nam và Nhạc sỹ Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã tìm hiểu, nghiên cứu, mô phỏng và khắc họa từ các cổ vật của nền văn hóa Óc Eo để hình thành nên những tiết tấu, cung bậc, thang âm điệu thức, động tác và điệu bộ của “Múa Óc Eo” đầu tiên ở Việt Nam.

Múa Óc Eo là một loại hình nghệ thuật mới lạ, mang âm hưởng dân gian phi vật thể. Bài múa tái hiện điệu múa Óc Eo do Cố Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng và Nhạc sỹ Trương Bá Trạng sáng tác gồm các động tác múa đơn giản, ít đòi hỏi sự mềm dẻo, uốn éo của tay, chân và cơ thể.

Một bài múa Óc Eo tổng thể dài 15 phút, gồm 3 bài múa nhỏ là “Ông voi”, “Lưỡi kiếm” và “Sum họp”. Trong đó, bài múa “Sum họp” có thể sinh hoạt trong môi trường tập thể với hàng trăm người cùng tham gia múa hát, có sức hấp dẫn đặc biệt để du khách tham gia trải nghiệm.

Đại diện Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn ký kết hợp tác giai đoạn 2023 - 2025

Đưa nghệ thuật múa Óc Eo vào trường học

Thời gia qua, hàng chục lớp múa Óc Eo do Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đứng ra tổ chức đã thu hút hàng trăm học sinh và giáo viên của các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn tham gia.

Có những đội múa Óc Eo đã nhuần nhuyễn cả ba bài múa cổ nên được tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch, phục vụ trong các hội nghị, hội thảo, hội chợ thương mại đầu tư và du lịch tỉnh An Giang tổ chức tại thành phố Châu Đốc.

Đại dịch COVID-19 xảy đến, việc dạy múa Óc Eo tạm gián đoạn hai năm. Từ năm 2022, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo quyết định củng cố và khởi động lại phong trào, với mong muốn trao truyền cho thế hệ trẻ một tác phẩm nghệ thuật vừa hiện đại, vừa cổ kính, mang âm hưởng của nguồn gốc Ấn Độ giáo, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư ở miền Tây Nam bộ.

Đối tượng được tập trung truyền dạy là học sinh khối 10 trường THPT Vọng Thê và khối 9 trường THCS Nguyễn Công Trứ, với số lượng ít nhất 20 em/trường. Để nhuần nhuyễn ba bài múa cơ bản, các em phải học trong 3 tháng, theo lịch học mỗi tuần 02 buổi, mỗi buổi 60 phút. Địa điểm tổ chức lớp múa được đặt ngay tại Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn với ngụ ý chỉ cần bước chân đến đó, các em đã được truyền cảm hứng và niềm đam mê về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc nền văn hóa Óc Eo rực rỡ một thời.

Chia sẻ ý tưởng tiến tới nhân rộng phong trào học múa Óc Eo ra các trường học trong toàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cho rằng, việc đưa nội dung giáo dục di sản văn hoá vào đối tượng học sinh, ngay tại chính khu di tích quốc gia đặc biệt là một phương pháp rất hiệu quả để di tích trở thành địa chỉ thân thiện với học sinh. Qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, giúp thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, thêm tự hào về di tích, thêm trân trọng tiền nhân, cùng ra sức giữ gìn các di tích của địa phương.

Nỗ lực này của Ban đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác của cô Lý Thị Ngọc Sương, một Cử nhân âm nhạc, đồng thời là biên đạo múa. Bên cạnh đó là sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu Trường THPT Vọng Thê, Trường THCS Nguyễn Công Trứ và các em học sinh tham gia lớp học múa Óc Eo.

Em Nguyễn Trần Ngữ Yên, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Vọng Thê, huyện Thoại Sơn hào hứng chia sẻ quyết tâm sẽ học thật tốt từng động tác để có dịp đi biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của tỉnh và giới thiệu với bạn bè quốc tế về điệu múa Óc Eo.

Ngoài nỗ lực mở lại các lớp dạy múa Óc Eo cho học sinh THPT, THCS, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cũng vừa ký kết hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 với Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn.

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết, Trường đã có nhiều năm gắn bó với tỉnh An Giang trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho địa phương. Việc ký kết hợp tác sẽ góp phần tiếp tục phát huy thế mạnh của cả hai bên, để cùng nhau tạo ra được nhiều hoạt động du lịch mới, hấp dẫn từ văn hóa Óc Eo trong tương lai.

"Thế mạnh của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo là có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có thể hỗ trợ cho Trường trong công tác đào tạo. Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn hiện có Khoa Du lịch đào tạo hướng dẫn viên du lịch và quản trị lữ hành. Nếu sinh viên được tiếp cận kiến thức chuyên sâu thì những giá trị quý báu của văn hóa Óc Eo càng có thêm cơ hội lan tỏa rộng rãi đến bạn bè quốc tế", bà Ngô Thị Quỳnh Xuân nói.

Về phía Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn với hơn 30 năm kinh nghiệm đào tạo du lịch sẽ tiếp sức cho Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn viên.

Những nỗ lực trên sẽ góp phần bảo tồn, nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền văn hoá Óc Eo và nền văn minh Phù Nam rực rỡ một thời; tạo điều kiện thuận lợi trong việc quảng bá du lịch, văn hóa của An Giang với các vùng trong cả nước và bạn bè trên thế giới. Điều này rất có ý nghĩa khi mới đây, Khu di tích Óc Eo – Ba Thê được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới./.

Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang)

các tin khác