Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo

09:01 25/01/2024

 Hôm nay 14.7, Ban Quản lý (BQL) Di tích văn hóa Óc Eo đã sơ kết kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang năm 2022 và các năm trước. 

Tặng Bằng khen cho các đơn vị thực hiện tốt việc phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo 

Thoại Sơn là huyện có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, trong đó nổi tiếng nhất là Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê. Khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Cũng trong năm 2012, Bộ VHTTDL đã quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng Hồ Sơ Khu di tích Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Để việc bảo vệ, bảo quản, phát huy di tích theo chiều rộng và chiều sâu, UBND tỉnh An Giang cũng đã quyết định thành lập BQL Di tích văn hóa Óc Eo trực thuộc UBND tỉnh. 

Ngoài khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trên địa bàn huyện Thoại Sơn còn có nhiều di tích khác phân bố ở các xã, thị trấn trong huyện. Để việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện có hiệu quả, BQL Di tích văn hóa Óc Eo ngay từ những ngày đầu mới thành lập đã tích cực phối hợp với UBND huyện và gần đây nhất, ngày 10.2.2022, hai bên đã ký kết kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo. Phạm vi phối hợp quản lý và bảo vệ gồm có: Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê với 26 di tích tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (diện tích khu A và khu B với diện tích 433,2 hecta); Di tích cấp tỉnh Đá Nổi, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (khoảng 2,5 hecta) và các di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê. 

Trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 34 di tích văn hóa Óc Eo. BQL đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Vinasa tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các điểm Di tích văn hóa Óc Eo, trong đó có địa bàn huyện Thoại Sơn. BQL phối hợp với UBND huyện Thoại Sơn tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích Đá Nổi và đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. 

Đối với các hoạt động tồn di tích, đơn vị ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích có nguy cơ bị hủy hoại do thiên nhiên và con người; ưu tiên tu bổ, bảo quản và phục hồi các di tích đã xếp hạng, có tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương. Cạnh đó, hoàn thành Dự án Khu di tích Óc Eo (đầu tư bổ sung một số hạng mục) đối với các di tích: Nam Linh Sơn, Gò Cây Thị, Gò Út Trạnh với tổng nguồn vốn thuộc ngân sách tỉnh hơn 6 tỷ đồng.

Công tác vận động nhân dân hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo luôn được duy trì thường xuyên

Trong giai đoạn từ 2014-2022, thông qua nguồn kinh phí bảo tồn di tích của tỉnh, BQL Di tích văn hóa Óc Eo thực hiện 10 đợt bảo quản định kỳ và thực hiện bảo quản thường xuyên cho các di tích đang được trưng bày như: Di tích Gò Cây Thị A&B, di tích Nam Linh Sơn. Ngoài ra, một số dấu tích kiến trúc dễ bị hủy hoại được lấp cát để bảo vệ thuộc các điểm di tích đã khai quật như di tích Gò Đế, một số khu vực xung quanh gò Óc Eo, gò Giồng Trôm, gò A1, gò A3, gò Giồng Cát… 

Thời gian qua, BQL đã tích cực phối hợp tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức cho cán bộ và nhân dân hiểu biết về văn hóa Óc Eo, nhất là pháp luật về văn hóa để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Thoại Sơn. 

Trong năm 2022, BQL đã phối hợp với các trường học tổ chức 4 đợt tuyên truyền tại các trường THPT và 8 đợt trải nghiệm thực tế tại các điểm di tích (Gò Cây Thị, Nam Linh Sơn tự, Chùa Linh Sơn) với tổng số học sinh tham gia hơn 1.160 lượt. Ngoài ra, BQL Di tích văn hóa Óc Eo còn phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật huyện Thoại Sơn tổ chức cuộc thi vẽ tranh về văn hóa Óc Eo, tổ chức các trại thơ nhạc; tổ chức các lớp “múa Óc Eo” cho học sinh nhằm góp phần phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa Óc Eo.

Năm 2014, BQL đã tiếp nhận 132 danh mục từ BQL Du lịch và văn hóa huyện Thoại Sơn. Trên cơ sở tiếp nhận những hiện vật này, cùng với những hiện vật sưu tầm từ những nguồn khác nhau, đơn vị đã đề xuất và được UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Nhà Trưng bày văn hóa Óc Eo (đưa vào sử dụng năm 2015). 

Công tác vận động nhân dân hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo luôn được duy trì thường xuyên. Từ năm 2016 đến nay, BQL đã vận động nhân dân hiến tặng hơn 6.000 hiện vật. Điều này góp phần làm phong phú thêm số lượng và chất lượng hiện vật văn hóa Óc Eo. 

Tại hội nghị, BTC đã nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Nhiều điểm di tích được phát hiện nhưng chưa có điều kiện khai quật, nghiên cứu bảo tồn và phát huy như: các di tích ở thị trấn Núi Sập, Vọng Thê, An Bình, Mỹ Phú Đông, Định Mỹ. Công tác xây dựng mái che di tích trong Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (2017-2020) tiến hành còn chậm, điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn di tích. Di tích bị tác động nhiều bởi mưa, nắng, ẩm mốc, trong khi đó nguồn lực của địa phương chưa chủ động được trong công tác này.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng vi phạm di tích, việc tu bổ gặp nhiều khó khăn do các di tích chỉ còn lại phần nền móng. Sức ép của quá trình đô thị hóa, sự xuống cấp của di sản do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, của biến đổi khí hậu, của việc đào phá tìm vàng, tìm cổ vật… Cạnh đó, việc triển khai hệ thống đê bao và kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp khiến cho nhiều di tích bị san lấp để làm đất sản xuất… là những nguy cơ hiện hữu đối với di sản Óc Eo huyện Thoại Sơn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. 

NKN

các tin khác