Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Năm 2026 hoàn thành hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO

12:25 15/04/2024

Ông Nguyễn Hữu Giềng - Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (An Giang) - khẳng định quyết tâm hoàn thành hồ sơ đề cử trình UNESCO trong năm 2026.

 

Vậy công tác này diễn ra ở giai đoạn nào, thưa ông?

- Công tác xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới bắt đầu được tỉnh An Giang giao chuyên môn thực hiện từ năm 2018.

Giai đoạn đầu tập trung thực hiện hệ thống hóa tư liệu sơ bộ và xây dựng báo cáo tóm tắt của hồ sơ đề cử để thực hiện đăng ký vào danh sách dự kiến của UNESCO. Tháng 1.2022, UNESCO chính thức đưa Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ đề cử Di sản Văn hóa thế giới và đã công bố trên trang website của UNESCO. Đây là dấu mốc đánh dấu kết thúc Giai đoạn 1 của công tác xây dựng hồ sơ đề cử.

Sau khi kết thúc Giai đoạn I, ngày 30.12.2022, UBND tỉnh An Giang đã quyết định ban hành Kế hoạch số: 3182/QĐ-UBND thực hiện lập hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đến tháng 11.2023, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã cử chuyên gia đến thực hiện Quy trình Tập trung đánh giá tiềm năng đề cử di sản thế giới của Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê và ICOMOS đã gửi báo cáo chính thức cho Việt Nam từ tháng 3.2024.

Hiện nay, tỉnh An Giang đang hoàn thiện các bước cuối cùng để ban hành đề cương nhiệm vụ - dự toán kinh phí và tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng. Sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn sẽ triển khai xây dựng hồ sơ đề cử.

Trong quá trình triển khai, đã và đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ các cơ quan Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, còn có sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà quản lý di sản Việt Nam đối với văn hóa Óc Eo và lịch sử nghiên cứu lâu đời của nền văn hóa này, đã tạo nên một hệ thống tư liệu đồ sộ là những thuận lợi lớn cho việc xây dựng hồ sơ đề cử.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp một số vấn đề cần tháo gỡ. Một số nội dung công việc cần phải được thẩm định độc lập trước khi được thông qua. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có nhiều đơn vị chuyên môn, có đủ chức năng để thực hiện các công việc này…

Những khó khăn này ảnh hưởng thế nào đến việc hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới?

- Theo kế hoạch tại Quyết định số 3182/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang, năm 2026 sẽ hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên Trung tâm Di sản thế giới. Dù khối lượng công việc xây dựng hồ sơ đề cử còn lại rất lớn, nhưng chúng tôi quyết tâm chạy đua với thời gian một cách quyết liệt nhất có thể. Bởi ngoài mục tiêu hoàn thành công việc được giao theo kế hoạch, chúng tôi còn có thêm động lực khác. Đó là hạn chế tối đa các nguy cơ có thể kéo dài thời gian xem xét.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2027, UNESCO sẽ có chủ trương áp dụng thủ tục cho phép có thời gian đánh giá sơ bộ (Preliminary Assessment) đối với các Hồ sơ đề cử Di sản Văn hóa thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu chúng ta không hoàn chỉnh và trình trong năm 2026, sẽ khiến cho thời gian xây dựng hồ sơ đề cử bị kéo dài thêm...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nam-2026-hoan-thanh-ho-so-khu-di-tich-khao-co-oc-eo-ba-the-trinh-unesco-1323067.ldo?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&gidzl=yQGuKp9Hj1ZpkZbMDKoq6lM-F58iGxHEkR1g3tT1i12tl3nQ8akv4E7jFLbrIxSNvxiyLpZtnRnvDrUs70

 

Theo Báo Lao động

các tin khác