Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

KỶ NIỆM 80 NĂM CUỘC KHAI QUẬT ĐẦU TIÊN VỀ VĂN HÓA ÓC EO

10:00 14/02/2024

Ngày 10 tháng 2 năm 2024 (nhằm ngày Mồng Một tết Giáp Thìn) là ngày kỷ niệm 80 năm Cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên được tổ chức tại vị trí mà ngày nay là Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (An Giang) do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện.

 Ông Louis Malleret đã viết: “Kể ra công cuộc cũng gặp khó khăn: nào là ở nhiều chỗ, những người đãi vàng đã gây nhiều tổn thất quan trọng, nào là lại vì thiếu thốn mọi tiếp tế từ bên ngoài,Chiến dịch phát quật đi từ ngày 10 tháng 2 đến 19 tháng 4 năm 1944. Chúng tôi chọn thời kỳ này, vì có dịp tết, năm mới của Việt Nam chấm dứt một vụ ở đồng áng, vì đi trước lúc đất rắn chắc sau khi nước đã rút. Kể ra ở miền Tây ngập lụt, thời gian ở Nam Bộ thuận lợi cho các cuộc phát quật khảo cổ cũng tương đối ngắn. Cho mãi tới đầu tháng 2, và có khi muộn hơn, có lắm nơi, nhất là đất trũng, vẫn là đầm lầy. Đến tháng 4, nắng dữ làm rắn đất và kìm hãm công tác. Bắt đầu tháng 6, mưa lớn sũng đất và làm ngập công trường. Bốn mùa, nước ngập ở mức nông cho nên công tác bị ngăn trở nhiều” (1).

Khai quật di tích Gò Cây Thị năm 1944

(Nguồn: EFEO)

 

Nhà khảo cổ học Louis Malleret và các cộng sự (Nguồn: EFEO)

 

 

Địa điểm khai quật đầu tiên là ở gò Óc Eo, sau đó là các công trình kiến trúc đền thờ được xây dựng bằng gạch - đá ở Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Ông Phi…và một số địa điểm trên sườn núi Ba Thê. Đối với hai di tích có quy mô khá lớn đã được phát lộ trong cuộc khai quật năm 1944, thì di tích Gò Óc Eo thuộc loại kiến trúc hỗn hợp gồm những phiến đá hoa cương lớn kết hợp với móng gạch. Di tích kiến trúc Gò Cây Thị có cấu trúc rất phức tạp gồm phần trước và một phần trung tâm gồm 4 gian hình vuông, sâu 4 mét với 18 hình chữ nhật bao quanh; các gian, các hộc không hề có sự liên thông.

 

Tại di tích Óc Eo, người ta đã phát hiện khối lượng di vật rất lớn, trong đó có 1.619 hiện vật gồm các chất liệu vàng, đá quý, đồng, thiếc, chì, bạc, sắt, đất nung, gỗ và hàng chục ngàn hạt chuỗi bằng thủy tinh; những hiện vật này được đem về trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau khi kết thúc đợt khai quật tại di chỉ Óc Eo năm 1944, Louis Malleret đã dành 20 năm nghiên cứu và cho ra đời bộ sách công trình nghiên cứu trọng yếu Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong bao gồm 04 tập. Khi nói về công trình nghiên cứu của Louis Malleret, nhà khoa học lớn của Viện Viễn Đông Bác cổ là Giáo sư P.Y. Manguin cho rằng: “Công trình của Louis Malleret với nhan đề Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong, gồm 04 tập, ấn hành từ 1959 đến 1963, đến nay vẫn là một điểm khởi đầu bắt buộc cho tất cả mọi nghiên cứu khảo cổ về các tỉnh miền Nam của Việt Nam” (2)

Các nhà khoa học Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của Louis Malleret trong cuộc khai quật đầu tiên ở Óc Eo (An Giang). Giáo sư Lương Ninh nhận định: Có thể nói đây là một cuộc đào và nghiên cứu khảo cổ học có ý nghĩa lớn vào bậc nhất của sử học thế giới: nó phát hiện một quốc gia “đã bị biến mất” (Mariam Stark), hơn thế nữa, một đầu mối thương mại biển Đông Tây” (Ch. Highlam) và một “Đế chế hàng hải ở biển phương Nam” (Wang Gung Wu) (3).

Giáo sư Vũ Minh Giang nhận xét: “Công cuộc nghiên cứu của Louis Malleret đã mở ra một chương mới trong nghiên cứu lịch sử đồng bằng Nam Bộ, trong đó chủ yếu là lịch sử văn hóa Óc Eo - Phù Nam” (4).

Tiến sĩ Đào Linh Côn và Giáo sư Lê Xuân Diệm đã viết: “Có thể nói, Louis Malleret, một nhà khoa học Pháp đã phát hiện ra di tích Óc Eo, đã khám phá ra nền văn hóa Óc Eo – Phù Nam ở vùng châu thổ sông Cửu Long; đồng thời là người đã đưa ra nhiều nhận định cơ bản, quan trọng về di tích Óc Eo về văn hóa Óc Eo – Phù Nam. Ông đã tạo ra tiền đề khoa học cho các nhà khoa học cùng thời và hậu thế có điều kiện tiếp tục nghiên cứu về di tích Óc Eo, văn hóa Óc Eo. Từ sau khi phát hiện và công bố những kết quả của khám phá, nghiên cứu khu di tích Óc Eo của Louis Malleret, giới khoa học Phương Tây hầu như đều công nhận giá trị khoa học to lớn của nó. Họ coi đây là khám phá khảo cổ học lớn nhất thời bấy giờ ở Đông Nam Á. Bởi lẽ, nó đưa đến những cứ liệu cụ thể, tôn chỉ liên quan trực tiếp đến lịch sử – văn hóa của các quốc gia cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á. Hơn thế nữa, nội hàm văn hóa vật thể được phát lộ từ khu di tích Óc Eo đặc biệt nhiều về số lượng rất đa dạng và phong phú, có giá trị lớn và nhiều mà cho đến nay vẫn chưa có khu di tích văn hóa nào sánh kịp”(5)

Năm 2019, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã đạt được thỏa thuận với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO- Paris) về bản quyền để tổ chức chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, ấn hành Tập II – Văn minh vật chất Óc Eo vào năm 2021 tại Việt Nam. Sau thành công của tập II, năm 2023 Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tiếp tục hợp tác và được sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức dịch thuật, biên tập và ấn hành tập III trong bộ sách L’Ar chéologie du Delta du Mékong (Khảo cổ học đồng bằng sông MêKông), để giới thiệu đến các nhà nghiên cứu, bạn đọc Việt Nam về những thành tựu nghiên cứu đồ kim hoàn và đá quý thuộc nền văn hóa Óc Eo của Louis Malleret.

 

Ngày 10 tháng 2 năm nay vào đúng ngày Mồng Một tết cổ truyền của dân tộc. Trong thời khắc thiêng liêng này, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến nhà khảo cổ học Louis Malleret và nhiều thế hệ nhà khảo cổ học Việt Nam đã dày công nghiên cứu làm sáng tỏ nền văn hóa Óc Eo – một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Louis Malleret, L’Archélogie du Delta du Mékong (Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long, tập 1), bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 1969, tr.270.

(2) Louis Malleret 2021, Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông, tập II, Văn minh vật chất Óc Eo, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh

(3) Dẫn theo Lương Ninh, Về Văn hóa Óc Eo, trong: Văn hóa Óc Eo nhận thức và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di tích, kỷ yếu hội thảo 2009, An Giang, tr.18.

(4) Vũ Minh Giang, Nguyễn Việt (2017), Vùng đất Nam Bộ tập II (Từ cội nguồn đến thế kỷ VII), Nxb chính trị quốc gia sự thật, tr.17.

(5) Đào Linh Côn, Lê Xuân Diệm 2010. Giá trị văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ qua tư liệu hiện có, đề tài khoa học cấp bộ, tr.54.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác