Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
09:50 14/02/2024
Tác giả: Louis Malleret; Tổ chức biên soạn: Olivier Tessier; Dịch và giới thiệu: Nguyễn Hữu Giềng, Nguyễn Thị Hiệp; Võ Thị Minh Tâm. Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Khổ sách: 18,5 x 27,5cm; số lượng: 567 trang; Xuất bản: 2023.
Vào nửa đầu thế kỷ XX, Đông Dương được các nhà khảo cổ học Pháp xem là một trong những vùng đất thú vị để du hành, khám phá, khai quật khảo cổ, nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Một trong những nhà khảo cổ học nổi bật của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) là Louis Malleret, người tiên phong trong các cuộc khai quật, khảo sát và nghiên cứu những nền văn minh cổ đại của Đông Dương ở miền Tây sông Hậu, bao gồm nền văn minh Óc Eo gắn với vương quốc cổ Phù Nam, một vùng đất sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, kinh tế, thương mại phát triển phồn thịnh và thủ công mỹ nghệ đạt trình độ tinh xảo, dù sự tồn tại của nó được cho là khá ngắn ngủi (khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ VII), và lãnh thổ của quốc gia cổ huyền bí này chưa được xác định một cách chính xác. Louis Malleret sau khi khảo sát di tích Óc Eo đã hình dung ra được phần nào xứ sở Phù Nam – cầu nối giữa nhiều nền văn minh trên thế giới vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Tác giả đã dành tập III của bộ sách Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông (gồm 4 tập) để khảo cứu về xứ sở độc đáo này và đặt tiêu đề là Văn hóa Phù Nam.
Louis Malleret (1901 – 1970): Từ một giáo viên dạy văn trẻ tuổi mới tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Saint-Cloud, ông xin được chuyển sang Đông Dương cộng tác và có mặt ở Sài Gòn vào năm 1929. Hơn một phần tư thế kỷ lưu trú ở Việt Nam (1929-1937) đã đưa Louis Malleret thành biểu tượng cho những tiến bộ về nghiên cứu châu Á và những thay đổi tích cực của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO). Chính ông là người đã phát hiện ra thương điếm chứng minh sự tồn tại thực sự của đất Phù Nam xưa. Cũng chính ông đã lãnh đạo EFEO từ năm 1950 đến 1956, thời kỳ mang tính chất bước ngoặt đối với lịch sử của Viện. Trước đó, ông từng là thủ thư ở Hội Nghiên cứu Đông Dương (1930-1942) và là Tổng thư ký của Hội (1942-1948), quản đốc Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 1935, Malleret trở thành chuyên gia chính thức của EFEO kể từ năm 1943.
Là một người đa năng, nhà khảo cổ học Louis Malleret đã đồng thời theo đuổi đam mê thời trẻ của mình về lịch sử h iện đại, nghiên cứu văn học, từ thủ thư đến quản đốc bảo tàng. Lý lịch độc đáo của nhà nghiên cứu này đã cho phép trụ sở của EFEO được tạm thời bố trí ở miền Nam, trước khi chuyển hẳn về Paris vào năm 1963. Đặc biệt là ông đã góp phần mở rộng hợp tác nghiên cứu hiệu quả trong giới hàn lâm Pháp - Việt và trên trường quốc tế, quy tụ họ xung quanh các bộ sưu tập và các nguồn tài liệu lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Về phương pháp nghiên cứu, nội dung cuốn sách này cho thấy sự khảo sát rất tỉ mỉ của Louis Malleret cả về lý thuyết lẫn thực tiễn trên địa bàn khai quật khảo cổ. Một mặt, ông tận dụng các nguồn kiến thức từ bi ký, thư tịch cổ về lịch sử, văn hóa Viễn Đông qua nghiên cứu của các tác giả phương Tây và Pháp…Mặt khác, Louis Malleret cùng với các cộng sự thực hiện những cuộc khai quật, khảo sát, miêu tả, nghiên cứu nhằm phục dựng diện mạo của đế quốc Phù Nam xưa. Ông thử xác lập vị trí, niên đại, hình dung về môi trường tự nhiên, lối sống, văn hóa của cư dân cổ xưa trên lãnh thổ được cho là thuộc Phù Nam. Di vật khảo cổ thu được ở vùng này rất phong phú, bao gồm nhiều vật dụng và đồ kim hoàn với kỹ thuật chế tác tiên tiến, tinh xảo, lối trang trí cầu kỳ cho thấy Phù Nam từng có một thời kỳ phát triển toàn thịnh về kinh tế, thương mại và thủ công nghiệp. Trong khoảng từ 1942 đến 1945, Louis Malleret đã tìm thấy 1.311 hiện vật văn hóa Óc Eo là đồ trang sức và vật dụng bằng vàng có tổng khối lượng là 1.120 gram. Ngoài ra, còn có một khối lượng lớn đồ trang sức được chế tác bằng thủy tinh và ngọc bích, bao gồm những vật phẩm đến từ nền thủ công bản địa và sản phẩm du nhập thông qua thương mại. Những hiện vật văn hóa Óc Eo thuộc bộ sưu tập này “đa dạng về số lượng, phong phú về đề tài trang trí, kỹ thuật hoàn thiện, cho thấy đây là một nền văn minh đã đạt đến trình độ cao về cơ sở vật chất cùng với sở thích và nhu cầu sang trọng là cơ sở thúc đẩy văn hóa thẩm mỹ phát triển”. Những kết quả khảo cứu, miêu tả, nghiên cứu về bộ sưu tập kim hoàn và trang sức đá quý này đã được Louis Malleret trình bày trong bộ sách L’Ar chéologie du Delta du Mékong (Khảo cổ học đồng bằng sông MêKông), Tập III – Văn hóa Phù Nam ấn hành bằng tiếng Pháp vào năm 1962.
Năm 2019, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã đạt được thỏa thuận với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO- Paris) về bản quyền để tổ chức chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, ấn hành Tập II – Văn minh vật chất Óc Eo vào năm 2021 tại Việt Nam. Sau thành công của tập II, năm 2023 Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tiếp tục hợp tác và được sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức dịch thuật, biên tập và ấn hành tập III trong bộ sách L’Ar chéologie du Delta du Mékong (Khảo cổ học đồng bằng sông MêKông), để giới thiệu đến các nhà nghiên cứu, bạn đọc Việt Nam về những thành tựu nghiên cứu đồ kim hoàn và đá quý thuộc nền văn hóa Óc Eo của Louis Malleret.
Tập III – Văn hóa Phù Nam được chia làm hai quyển (Chính văn và Phụ bản). Chính văn (I) dành cho việc khảo cứu, miêu tả các bộ sưu tập hiện vật trang sức bằng vàng, tiền kim loại, các đồ tạo tác bằng thủy tinh, ngọc bích và những nghiên cứu về đặc tính dân tộc Phù Nam. Phụ bản (II) bao gồm hình ảnh và chú thích về các sản phẩm kim hoàn, đá quý, thủy tinh được tìm thấy ở Óc Eo – Ba Thê và các vùng phụ cận thuộc khu vực miền Tây sông Hậu.
Nội dung của cuốn sách cho thấy Louis Malleret là một nhà khảo cổ học lịch sử, chú trọng nghiên cứu quá trình văn hóa, sự thay đổi về kinh tế, xã hội, giao thương quốc tế và tái hiện tổ chức xã hội hơn là đơn thuần khảo cứu miêu tả các hiện vật khảo cổ. Qua việc lật lại các cứ liệu lịch sử và địa lý, từ vùng biển Ấn Độ, Vịnh Xiêm, Vịnh Sinai…đến mũi Cà Mau, Loui Malleret xác định bán đảo Cà Mau và cả châu thổ sông Mê Kông đã được định hình từ buổi đầu lịch sử, không phải chỉ được bồi đắp về sau như một số nhận định.
Tập sách này là công trình nghiên cứu đồ sộ, đầy đủ và sớm nhất của nhà khảo cổ Louis Malleret về các sản phẩm kim hoàn, ngọc bích, thủy tinh cùng với nền kinh tế thương mại hàng hải của Phù Nam. Công trình có giá trị rất lớn trong nghiên c ứu về nghệ thuật của cư dân cổ, kỹ thuật chế tác và trình độ phát triển của nền văn minh Óc Eo.
Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Christophe Marquet – Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO – Paris); PGS.TS. Oliver Tessler – Trưởng đại diện Trung tâm EFEO tại Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp – Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp (EPHE- Paris) và Bà Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, ban biên tập, dịch thuật cùng toàn thể các cá nhân, sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh An Giang và huyện Thoại Sơn đã hỗ trợ, đồng hành cùng chúng tôi trong việc xuất bản bộ sách quý giá này.
Vùng đất Phù Nam huyền bí bao đời vẫn gây cho con người đương đại cả nỗi hiếu kỳ lẫn lòng kính sợ. Sự biến mất của nền văn hóa này đã chôn vùi cùng với nó những sự kiện lịch sử mà có thể muôn đời không thể phục dựng, Louis Malleret đã đặt những viên gạch đầu tiên và cho đến nay chưa một nghiên cứu khảo cổ học nào về vùng đất này có thể vượt qua được. Những dữ kiện còn lại có thể đang nằm ở một nơi nào đó, trong một khu lưu trữ hay đơn giản là dưới lòng đất, dưới nước, đang chờ đợi thế hệ các nhà khảo cổ học đương đại từng bước vén màn. Hy vọng một ngày không xa, bạn đọc có thể được khám phá thêm những bí mật vẫn còn ẩn giấu về vương quốc cổ xưa này.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang xin trân trọng giới thiệu Tập III – Văn hóa Phù Nam của bộ sách L’Ar chéologie du Delta du Mékong (Khảo cổ học đồng bằng sông MêKông) của tác giả Louis Malleret, và cảm ơn sự đón nhận công trình này từ quý bạn đọc!
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang