Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

TRƯNG BÀY MỘT SỐ HIỆN VẬT TIÊU BIỂU PHỤC VỤ HỘI THẢO QUỐC TẾ “VĂN HÓA ÓC EO TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA CHÂU Á”.

08:26 22/11/2023

         Ngày 17/11/2023, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á” tại thành phố Long Xuyên. Trong khuôn khổ cuộc hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý được tham quan gian trưng bày một số hiện vật tiêu biểu khai quật được trong đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) giai đoạn 2017-2020”.

 

           158 hiện vật được tuyển chọn trưng bày với các chủ đề: các hiện vật gốm dùng trong sinh hoạt; các hiện vật làm bằng chất liệu gỗ; các hiện vật có chức năng dụng cụ sản xuất và vật dụng bằng đá và kim loại; bộ sưu tập hiện vật trang sức bằng đá quý, kim loại, thủy tinh; các hiện vật có nguồn gốc nước ngoài.

Hiện vật trưng bày theo các chủ đề

 

Hiện vật trưng bày theo các chủ đề

 

         Ở chủ đề các hiện vật gốm dùng trong sinh hoạt, thể hiện sự phong phú, đa dạng của các loại hình gốm trong Văn hóa Óc Eo như nồi, bình, vò, đĩa, nắp gốm, mảnh gốm trang trí hoa văn…Các hiện vật này được khai quật tại di tích Lung Lớn, rất có giá trị không những phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học mà còn là đối tượng quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

          Ở chủ đề các hiện vật làm bằng chất liệu gỗ, đáng chú ý là các mái chèo cùng với những “đầu sào” chống thuyền. Ngoài ra, còn có nhiều dụng cụ bằng gỗ khác từ các thanh nêm, các nút bình hoặc lọ nhỏ. Các hiện vật này cũng tìm thấy trong di tích Lung Lớn. Cùng với việc phát hiện hàng cột đóng xiên, khả năng là những hàng “cột neo thuyền” tại Lung Lớn, đã cung cấp thêm nhiều minh chứng xác thực chức năng của Lung Lớn là một tuyến giao thông thường thủy và hình thức cư trú ven kênh rạch của cư dân Óc Eo.

         Đối với nhóm hiện vật dụng cụ sản xuất và vật dụng sinh hoạt bằng  đá, kim loại, gỗ có bàn nghiền, chày nghiền, cối, kim khâu, thước thợ, chì lưới, dọi xe sợi.

Đồ trang sức phổ biến nhất là hạt chuỗi thủy tinh, ngoài ra còn có vòng tay, khuyên tai, lục lạc, vòng đeo, hạt chuỗi bằng vàng. Bên cạnh đó còn có những mảnh vàng nhỏ mỏng, sợi nguyên liệu hay phế phẩm trong quá trình chế tác. Hợp kim chì – thiếc cũng được dùng để làm các loại khuyên tai, nhẫn, vật đeo, các huy hiệu hình voi và chuột (Ganesa và vật cưỡi), các ốp trang trí bằng kim loại trên bao gươm/kiếm?. Đồ trang sức bằng xương, răng có các loại hình hạt chuỗi hình ống trụ, bùa đeo bằng răng thú, răng cá mập, khuyên tai bằng đốt sống cá…

Tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê, bên cạnh những loại hình đồ gốm được sản xuất tại Óc Eo còn tìm thấy nhiều loại đồ gốm có nguồn gốc nước ngoài đến từ nhiều khu vực khác nhau thời bấy giờ: đồ gốm Trung Quốc thời Đông Hán (thế kỷ 2 – 3 với kiểu in ô vuông hay các hình thoi lồng nhau), các loại gốm đen miết láng và gốm vẽ màu của Ấn Độ (thế kỷ 4 – 6). Ngoài gốm còn có loại hình chất liệu khác như gương đồng Đông Hán (thế kỷ 2 - 3)…Những hiện vật này phản ánh mối giao lưu giữa văn hóa Óc Eo với các nền văn hóa đa dạng trên thế giới.

          Ngoài các nhóm chủ đề, gian trưng bày còn trưng bày một hiện vật độc đáo là Bia đá, phát hiện tại di tích Linh Sơn Bắc, đầu tượng đất nung có vòm rắn Nagar và 2 Bảo vật quốc gia là Nhẫn Nandin Giồng Cát và Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc

Khách tham quan gian trưng bày

 

Khách tham quan gian trưng bày

 

Nguồn gốc đa dạng của những hiện vật trên là những bằng chứng xác thực từ khảo cổ học để góp phần cùng những ghi chép trong thư tịch Trung Quốc cho thấy nền văn minh đã phát triển ở mức cao, vùng đất Óc Eo là một điểm dừng chân quan trọng, là ngã tư đường trong hệ thống thương mại hàng hải trong những thế kỷ đầu Công nguyên.

          Trưng bày một số hiện vật tiêu biểu nhằm tuyên truyền về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa Óc Eo đồng thời góp phần cung cấp thêm thông tin một cách trực quan, sinh động cho các đại biểu tham dự Hội thảo./.

Lê Hậu

các tin khác