Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

DI TÍCH GÒ ÚT TRẠNH

09:07 18/03/2021

 
Gò Út Trạnh là di tích kiến trúc tôn giáo nằm trong quần thể khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Di tích nằm ở tọa độ 1014’ 37, 45’’ vĩ bắc, 10509’,12,64’’ kinh đông, thuộc địa phận ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Địa danh Gò Út Trạnh được đặt theo tên của chủ đất Trịnh Văn Trạnh tại khu vực phát hiện di tích. Gò Út Trạnh cách chùa Linh Sơn khoảng 400m theo hướng nam, hướng về UBND thị trấn Óc Eo.
Di tích được phát hiện vào tháng 9/2010 khi đang bị người dân tại đây đào phá lấy gạch và cát dùng đắp nền nhà. Ngay sau khi phát hiện, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ và Bảo tàng An Giang đã tiến hành khảo sát, sau đó tổ chức đào thám sát tại khu vực này.
Từ kết quả khảo sát và đào thám sát đã xác định dấu vết của di tích kiến trúc có quy mô rộng lớn. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và giá trị di tích, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2011 Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ khai quật với tổng diện tích 640m2. Các nhà khảo cổ sau hai lần khai quật năm 2011 đã làm xuất lộ cơ bản tòan bộ bình diện của một kiến trúc được cấu thành từ nhiều công trình trong một tổng thẻ thống nhất, xây dựng bằng gạch – đá gồm hợp gồm ba kiến trúc chính, hệ thống sàn thềm phân bậc hai lần bao quang và hệ thống tường bao. Ba kiến trúc chính phân bố cách đều nhau trên cùng một trục thẳng hướng Bắc – Nam (Bắc lệch Tây 20o), có đặc điểm cấu trúc tương tự với bình đồ vuông, cửa mở về phía Đông, thềm cửa xây chớm ra ngoài tạo nên cấu trúc bẻ góc hai lần ở đầu phía đông kiến trúc. Được đánh dấu gọi theo thứ tự: kiến trúc Nam; kiến trúc trung tâm và kiến trúc Bắc.
Kiến trúc Nam nằm ở đầu phía nam của nhóm ba kiến trúc. Vật liệu kiến trúc chính là gạch, đá kết hợp, có cấu tạo gồm kiến trúc chính, hệ thống bậc cửa chia cấp ở phía Đông và sàn bao quanh. Kiến trúc chính được xây theo kiểu nửa chìm nửa nổi. Phần nổi là phần kiến trúc gạch với bình đồ hình vuông có cửa mở về phía đông, xây nổi hoàn toàn trên bề mặt di tích, phần chìm là cấu trúc xây bên dưới lòng sàn của kiến trúc và đào âm xuống đất, được gọi là hố thờ. Kiến trúc nam cách kiến trúc trung tâm 1,7m. Chiều ngang 7,3m, chiều dọc dài 7,2m; bậc cửa phía đông chờm ra ngoài có hình chữ nhật có kích thước 1,2m x 2,7m; độ dày của tường là 1,75m. Bên trong là hố hình trụ vuông xây hoàn toàn bằng gạch diện tích 2,85m x 2,85m.
Kiến trúc trung tâm có chiều ngang dài 7,3m, dày 1,6m; chiều dọc dài 7,35m, dày 2m; phần thềm cửa hình chữ nhật có kích thước 0,8x3,2m. Bên trong là hố hình vuông diện tích 2,75m x 2,7m, được gia cố bằng gạch vụn. Kiến trúc trung tâm nằm ở vị trí trung tâm của di tích Gò Út Trạnh, giữa hai kiến trúc Nam và Bắc. Tương tự với 2 kiến trúc còn lại, cấu trúc kiến trúc trung tâm gồm phần dương có bình đồ hình vuông, thềm cửa xây chờm ra ngoài tạo cấu trúc bẻ góc 2 lần ở mặt phía đông. Bên ngoài thềm cửa có cấu trúc sàn bao quanh phân bậc thấp dần về phía đông. Phần âm của kiến là hố thờ với dạng phân bậc giập cấp nhỏ dần từ trên xuống dưới.
Kiến trúc bắc cách kiến trúc trung tâm 1,6m, chiều ngang dài 7,5m, dày 1,4m; chiều dọc dài 7,2m, dày 2m; thềm cửa hình chữ nhật nối liền với đền có diện tích 1,3m x 3,7m. Bên trong là hố thờ có diện tích 3,5m x 3,5m, được lắp đầy và nện chặt bằng gạch - đất.
Bên ngoài ba kiến trúc chính còn có tường bao bằng gạch, chân chèn đá tảng, hình chữ nhật; chiều hướng bắc - nam là 31,5m, chiều dài hướng đông tây là 16m, dày 0,8 - 0,9 m.
Ngoài ra còn có dấu tích kiến trúc xây sau này tạo nên một kiến trúc hoàn toàn khác so với cấu trúc ban đầu. Kiến trúc có bình đồ hình chữ nhật, bẻ góc nhiều lần, có kỹ thuật xây dựng đơn giản hơn, trong đó đa phần đều dùng vật liệu của kiến trúc ban đầu để dùng.
Hiện vật khai quật được từ di tích Gò Út Trạnh tìm thấy rất ít, gồm gạch, các mảnh gốm vụn phân bố rải rác và một phần bị xáo trộn, mảnh phiến đá và mặt nhẵn bằng Carnelian. Hiện vật đáng chú ý tại Gò Út Trạnh gồm 01 mặt nhẵn bằng Carnelian màu đỏ đậm, có hình tròn dẹt, rìa cạnh được mài nhẵn láng, hai bề mặt đáy cũng được mài nhẵn. Trên một bề mặt có khắc chìm hình một con vật trong tư thế đứng, đầu quay ngược lại nghếch cao lên về phía sau. Thân tròn mập, đuôi ngắn, chã cao. Phía sau đuôi có hình trăng khuyết. Những mảnh gốm vỡ tập trung ở khu vực bên ngoài phía đông. Những mảnh gốm vỡ đồ gốm được xác định là các loại đồ đựng. Ngoài ra, còn phát hiện mảnh đá hình bán nguyệt, dẹt, mặt trên nhẵn láng đã bị mòn do việc tận dụng làm bàn mài, trên bề mặt có các đường viền trang trí, kiểu trang trí hình cuốn xoắn ốc.   
Qua đánh giá của các nhà khảo cổ học kiến trúc Gò Út Trạnh được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu là một tổng thể kiến trúc tôn giáo dạng đền thờ mang ảnh hưởng của Hindu giáo từ Ấn Độ, niên đại thế kỷ VII. Đặc điểm cấu trúc, bố cục và tính chất tôn giáo tuân thủ chắt chẽ theo quy chuẩn bất buộc với một kiến trúc thờ thần của Hindu giáo theo quan điểm “ Tam vị nhất thể” gồm: kiến trúc phía Bắc tượng trưng cho thần Brahma (thần Sáng Tạo), kiến trúc Nam là thần Vishnu (thần Bảo Tồn), kiến trúc trung tâm là thần Shiva (thần Hủy Diệt). Nó khác biệt so với các kiến trúc thờ thần (thường chỉ có một ngôi đền và thờ một vị thần duy nhất ) khác tại khu vực, cũng là kiểu duy nhất dạng này được phát hiện ở địa điểm Óc Eo-Ba Thê.
Giai đoạn hai được xác định với các thay đổi cơ bản về mặt cấu trúc ở kiến trúc Bắc và kiến trúc trung tâm, xảy ra vào thế kỷ VIII IX hoặc X. Kiến trúc bắc và kiến trúc trung tâm được xây thêm các những đường gạch đè lên phần kiến trúc  ban đầu và nối dài về phía Đông của kiến trúc, tạo ra một bình đồ kiến trúc mới hoàn toàn có dạng hình chữ nhật, bẻ góc nhiều lần ở phía đông.
Trong giai đoạn sắp tới, Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang sẽ phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội vùng Nam bộ tiến hành khai quật trên diện rộng nhằm bảo tồn và phát huy giá tri di sản văn hóa Óc Eo và xây dựng mái che để phục vụ du khách tham quan, học tập, nghiên cứu …
Tài liệu tham khảo
Đặng Văn Thắng 2020. Na Phật Na Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam. Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Hậu 2009. Văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ, tronghttp://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/, 07 tháng 2, 2009.
Võ Sĩ Khải 2002. Văn hoá đồng bằng Nam Bộ (di tích kiến trúc cổ). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Lê Thị Liên 2003. Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cưủ Long trước Thế Kỷ 10. Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang 2017. Một số di tích văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở An Giang.
Louis Malleret (1959). L’Archéologie du delta du Mekong, Tome Priemer: L’Exploration archéologie et les fouilles d’Oc Eo École Francaise d’Êxtreme Orient, Paris.
Đặng Văn Thắng 2005. Vương quốc Phù Nam Lịch sử và Văn hóa. Viện văn hóa Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin.
Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch tỉnh An Giang (2011). Báo cáo khoa học Khai quật di tích kiến trúc Gò Út Trạnh năm 2011 (Khu di tích Óc Eo – Ba Thê).

 

Thùy Trâm

các tin khác