Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ÓC EO – BA THÊ, THÀNH TRỌNG ĐIỂM DU LỊCH CỦA TỈNH AN GIANG TRONG TƯƠNG LAI

02:13 18/02/2021

I. Khái quát về di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê
Óc Eo là một thị trấn trẻ của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, được thành lập vào năm 2003, theo Nghị định số 53/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ. Tuy là thị trấn mới được thành lập nhưng văn hóa Óc Eo đã tồn tại trên vùng đất này đã qua hàng ngàn năm lịch sử. Theo Địa chí An Giang, dưới thời Phong kiến và Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn đã cho đổi “Ngủ Trấn” thành “Lục Tỉnh” và An Giang cũng được thành lập từ đó (1832); nhưng làng Thoại Sơn lại được hình thành sớm hơn (1822) do Khâm sai thống chế, Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại cho thành lập sau khi vâng lệnh vua Minh Mạng đào xong kinh Thoại Hà. Đến năm 1917, An Giang tách ra thành hai tỉnh là Châu Đốc, Long Xuyên; làng Thoại Sơn cũng chia ra thành hai xã đó là xã Vọng Thê và xã Thoại Sơn, thuộc tổng Định Phú, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1957, An Giang được tái sáp nhập, theo đó hình thành thêm quận Núi Sập và xã Vọng Thê khi xưa (nay là Thị Trấn Óc Eo) trực thuộc tổng Định Phú, quận Núi Sập. Đến năm 1961, Núi Sập đổi tên là Huệ Đức cho đến năm 1975. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977  quận Huệ Đức không còn khi được sáp nhập vào huyện Châu Thành và năm 1979, huyện Thoại Sơn, An Giang được tách ra từ huyện Châu Thành cho đến nay.
Như vậy, so với toàn vùng thì Vọng Thê đã được hình thành khá sớm  (1917), lúc đó xã bao gồm cả một vùng đất rất rộng lớn, nhiều nơi vẫn còn hoang hóa với ngút ngàn rừng Tràm, Năng, ruộng lúa mùa nỗi và nhiều loài động, thực vật khác cùng sinh trưởng trên vùng đất còn bị nhiễm phèn nặng này. Sau ngày giải phóng miền Nam, qua hai lần chia cắt đơn vị hành chính cấp cơ sở vào các năm 1979 và 2003, đất Vọng Thê xưa được tách ra thành 5 xã và một thị trấn, đó là xã Vọng Thê, Tây Phú, An Bình, Mỹ Phú Đông, Vọng Đông và thị trấn Óc Eo ngày nay.
Óc Eo có diện tích tự nhiên là 1.264, 63 ha, trong đó có 248 ha đất núi và 433,2 ha đất di tích đã được khoanh vùng bảo vệ theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ; dân số có 16.068 người, trên cơ sở tách 989,9 ha diện tích tự nhiên và 11.819 nhân khẩu của xã Vọng Thê cũ 1, trong đó có hơn 3.000 người Khmer.Đời sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và mua bán nhưng còn rất khó khăn; cư dân theo đạo Phật và Phật Giáo Hòa Hảo là đa số. Thị trấn Óc Eo, Phía Đông và Đông - Nam giáp xã Vọng Đông, xã Bình Thành, Thoại Sơn An Giang; phía Nam và Tây - Nam giáp xã  Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang; phía Bắc và Tây - Bắc giáp xã Vọng Thê, Thoại Sơn An Giang.
Thị trấn mang tên gọi Óc Eo do chính quyền địa phương đề xuất, được Chính phủ thống nhất. Đây là cách gọi theo di chỉ khảo cổ học nổi tiếng tên Gò Óc Eo được Louis Marllerest nhà khảo cổ học người Pháp đặt, khi ông khám phá và tổ chức khai quật từ những năm 1940 trên cánh đồng phía đông nam núi Ba Thê.
Thị trấn Óc Eo là trung tâm kinh tế - xã hội và văn hóa thứ ba của huyện Thoại Sơn, có ảnh hưởng đến toàn vùng kinh tế tứ giác Long Xuyên; đây là điểm đô thị hóa tập trung chủ yếu các thành phần lao động nông nghiệp, phi nông nghiệp tại chỗ và lân cận, đồng thời cũng là điểm thu hút khách tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học về văn hóa Óc Eo trong nước và quốc tế, từng bước nâng cao mức sống của người dân địa phương.
Là một thị trấn trẻ của An Giang – một tỉnh mới được mở cõi và khai phá vào thời Nguyễn, nhưng lịch sử phát triển của vùng đất Óc Eo - Ba Thê đã bắt đầu từ rất sớm. Thông qua việc xác định niên đại của các nhà khoa học từ di chỉ khảo cổ học khai quật được, đã khẳng định An Giang là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo; cư dân cổ đã sinh tụ và phát triển tại đây từ những năm đầu Công nguyên, trong đó có những cư dân bản địa đã sớm tiếp nhận tinh hoa văn hóa Ấn Độ và tạo dựng nên nền văn  hóa Óc Eo với nhiều dấu tích huy hoàng còn để lại đến ngày nay.
Như vậy, Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ lâu đời và nổi tiếng ở Nam Bộ Việt Nam. Đây là nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Không gian phân bố của nền văn hóa Óc Eo là vô cùng rộng lớn, bao gồm phần lớn vùng châu thổ sông Mekong miền Nam Việt Nam. Trong không gian rộng lớn ấy, Óc Eo - Ba Thê An Giang được xác định là một đô thị, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của nhà nước Phù Nam, có cả cảng biển quan trọng,được xem như là nơi xuất nhập hàng hóa ra bên ngoài cho đô thị Óc Eo và các thị tứ trong vùng tứ giác Long Xuyên ngày nay.
II. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê
Xác định tầm quan trọng như vậy, trong suốt những thập niên qua, huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang đã tăng cường các nguồn lực đầu tư, nghiên cứu và quy hoạch bảo tồn di tích văn hoá Óc Eo trong tỉnh, nhất là di tích Óc Eo – Ba Thê.Đầu tiên là nhận thức được những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản đặc biệt, riêng tại An Giang đã cố gắng tiên phong trong công tác phối hợp biên soạn hàng chục đầu sách; tổ chức nhiều cuộc Tọa đàm, Hội thảo khoa học chuyên ngành về bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích...
Gần đây Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết về phát triển du lịch và tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo; đã cho thành lập Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, đây là đơn vị đầu tiên có chức năng quản lý trực tiếp về chuyên môn của nền văn hóa Óc Eo ở cấp tỉnh, thuộc khu vực Nam bộ; liền sau đó đã chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư nhân lực, vật lực cho văn hoá Óc Eo như: triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch văn hóa Óc Eo; xây dựng hoàn thiện Nhà Trưng bày chuyên ngành văn hoá Óc Eo; từng bước đầu tư nâng cấp nhà làm việc, hệ thống giao thông nối liền các di tích; xây dựng Bản đồ các di tích văn hóa Óc Eo toàn tỉnh; xây dựng hồ sơ di sản và tổ chức thám sát, khai quật di tích ...
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Óc Eo – Ba Thê còn được sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư địa phương; người dân cũng chính là những chủ nhân thực sự của di sản này, họ đã chấp hành các chủ trương đầu tư, phát triển cho nơi này và đã tự nguyện hiến tặng hàng ngàn hiện vật văn hóa Óc Eo; đã đồng thuận trong việc giao đất di tích cho nhà nước bảo tồn, phát huy giá trị di tích, những hành động như vậy đã góp phần cùng các cơ quan chức năng bảo vệ di tích, tránh tình trạng xâm phạm di tích như đào phá, mua bán trái phép cổ vật...và tiến hành các hoạt động kinh tế bước đầu trên cơ sở đảm bảo tính toàn vẹn của quần thể di tích Óc Eo – Ba Thê,nhất là từ khi di tích này đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt trong tháng 9/2012 đến nay.
Chính phủ đã có chủ trương, giao cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phối hợp với tỉnh An Giang, Kiên Giang triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu tổng thể di tích văn hoá Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa từ tháng 8/2017.Đây là chủ trương đầu tư nguồn vốn khoa học lớn nhất từ trước đến nay cho công tác nghiên cứu văn hoá Óc Eo, việc này hoàn thành sẽ góp phần quyết định công tác tổng kết đánh giá những thành tựu nghiên cứu khoa học cơ bản nhất về văn hóa Óc Eo trên nhiều phương diện kể từ khi được phát hiện cho đến nay; tổng hợp, phân tích và hệ thống hóa toàn bộ tư liệu về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, trên cả hai mảng di tích và di vật; xây dựng cơ sở dữ liệu được số hóa toàn bộ di tích - di vật, được tích hợp và được quản lý bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS), xây dựng công cụ phần mềm có khả năng cập nhật và truy vấn dữ liệu tích hợp trong hệ thống GIS theo các yêu cầu khoa học cần thiết để xử lý, phân tích các tư liệu khoa học phục vụ các nghiên cứu về văn hóa Óc Eo.
Tổ chức điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang), trong đó vừa khai quật vừa có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị đối với các khu di tích quan trọng. Đồng thời, tái điều tra, khai quật những di tích đặc biệt đã từng được khai quật từ những năm trước đây như: di tích Nền Chùa (Kiên Giang), Gò Giồng Trôm, Gò Giồng Cát, Gò Óc Eo, Gò Út Trạnh… nhằm xác lập lại tư liệu hiện trường cùng với việc chuẩn hóa tư liệu khoa học đạt chuẩn quốc tế, gia cố, tái định vị và phục hồi tổng thể các di tích kiến trúc.
Trong từng trường hợp cụ thể sẽ đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị từng di tích sau khi khai quật lộ thiên; hệ thống hóa và làm Hồ sơ khoa học về kết quả nghiên cứu của đề án; đây sẽ là điều kiện quan trọng nhất để cung cấp những luận cứ khoa học đặc biệt cho cơ quan xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO công nhận khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa là Di sản văn hóa Thế giới.
Mặc dù được sự quan tâm của Chính phủ, các ngành chức năng cũng như chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản này, nhất là đầu tư phát triển du lịch từ lợi thế của di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Vì phần lớn các di tích đều nằm ngoài trời hoặc còn nằm trong lòng đất ở nhiều nơi, nên đã phải chịu tác động trực tiếp của điều kiện khí hậu thời tiết và thời gian; dân cư vừa thưa thớt, vừa sống đan xen trên di tích, hoặc sống cùng bên cạnh di tích; các di tích có mái che hiện hữu vừa đơn điệu, vừa quá ít không nói lên được qui mô và tầm cỡ của một Khu di tích đại diện cho cả vùng Nam bộ, vì vậy chưa thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch.
Còn nhiều di tích đã được phát hiện qua thám sát, khai quật khảo cổ học, nhưng phải lắp lại do chưa có nguồn kinh phí bảo tồn; tình trạng xây dựng trái phép, đào phá di tích của con người vẫn còn, do đó tính chất nguyên vẹn của di tích ít nhiều sẽ bị thay đổi; cổ vật khai quật từ các di tích cần nghiên cứu đánh giá, phân loại kỹ càng, qua đó để khẳng định được giá trị thực sự của chúng; công tác bảo tồn, phục chế cổ vật càng khó khăn bởi nó đòi hỏi những nghiên cứu sâu của các chuyên gia đầu ngành; việc giới thiệu giá trị của cổ vật đến với công chúng một cách rộng rãi, thường xuyên càng đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa ở địa phương lúc này.
Công tác Quy hoạch du lịch cho di tích và cho huyện, tỉnh còn chậm, bởi vừa phải chờ Luật Quy hoạch có hiệu lực (đến 01/01/2019), vừa loay hoay tìm ra các mô hình. Trong khi các Quy hoạch khác như Quy hoạch Vùng (tại địa phương); điều chỉnh Quy hoạch thị trấn Óc Eo vẫn chưa được phê duyệt.
Có được di tích và còn được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt là một sự tự hào cho địa phương và không có mong đợi nào hơn. Tuy nhiên do cả nước có đến hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt, nên sự quan tâm đầu tư bảo tồn và phát triển cũng có những khó khăn về nhân lực, vật lực ở cả nhà nước Trung ương, lẫn tỉnh nhà. Chính vì vậy, dù Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về văn hóa Óc Eo từ năm 2012, 2013 nhưng mãi đến 2017, Trung ương mới có động thái cho di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê; bởi những di tích đã được xây dựng mái che trước đây để giới thiệu với du khách vẫn chưa phải là toàn bộ hệ thống di tích của Óc Eo – Ba Thê, cho nên còn phải mất rất nhiều tiền của, công sức và thời gian nữa mới có thể khai quật toàn bộ di tích nơi đây.
III. Định hướng một số giải pháp về quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê trở thành trọng điểm du lịch tỉnh An Giang
Từ thực tế nêu trên, trong điều kiện nếu có thể được, bản thân mạo muội đề xuất một số giải pháp về Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê thành trọng điểm du lịch như sau:
BQL Di tích Văn hóa Óc Eo cần tập trung hoàn thành trong năm 2018, Đồ án quy hoạch tổng thể hai khu vực trên phạm vi 433,2 ha đất, đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định khoanh vùng bảo vệ số 1419/QĐ-TTg, ngày 27/9/2012 và Quyết định số 2351/QĐ-TTg, ngày 05/12/2016, về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê. Để trên cơ sở đó chuẩn bị thật tốt cho di sản Thế giới sau này và cả đề xuất tiếp tục cho việc quy hoạch phát triển du lịch, gắn với di sản văn hoá Óc Eo tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, thành trọng điểm của du lịch An Giang.
Thứ nhất, quy hoạch bảo tồn di tích: Đầu tiên là đường Hào vòng thành và di tích bên trong hình chữ nhật gồm các di tích lớn như Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Óc Eo, Lung Lớn, Giồng Trôm (1.500m X 3.000m) bao quanh Cảng thị cổ trên cánh đồng phía Đông núi Ba Thê (khu B)” như Loui Malleret đã xác định và phác họa ở cánh đồng Óc Eo;
Các di tích (khu A) quy hoạch bảo tồn theo tên gọi cụm để vừa gọn, vừa thuận lợi trong đầu tư phát triển và dễ nhớ như di tích Gò Sáu Thuận, Gò Út Trạnh, Baray Út Nguyên, Gò Cây Trăm. Đặc biệt, cụm di tích Đông, Tây, Nam, Bắc và vùng lõi ở giữa di tích Linh Sơn đề xuất quy hoạch không gian đủ rộng để nghiên cứu trọn vẹn cụm di tích này, đồng thời kiến nghị dịch chuyển và xây dựng khang trang ngôi Chùa ra phía sau so với hiện hữu 300 đến 400 mét, để lộ toàn bộ di tích sau khi phát lộ - bảo tồn trước sân chùa trong tương lai, tạo điều kiện thu hút khách tham quan Chùa và di tích;
Mỗi cụm di tích quy hoạch có nhiều hoặc một mái che hiện đại, có hàng rào bảo vệ và hệ thống cống thu, thoát nước bảo đảm di tích an toàn tránh tác động xấu từ thiên nhiên và con người;
Tùy vào tính chất, mức độ và lớn, nhỏ của các cụm di tích để có thể quy hoạch khu A, hay khu B, nơi này, hay nơi khác cần phải giải tỏa trắng, hay quy hoạch cộng hưởng giữa nhân dân với nhà nước cùng bảo tòn và khai thác một cách trân trọng các di tích. Riêng vùng trung tâm di tích Linh Sơn quy hoạch Bảo tàng bất động sản ngoài trời, theo công nghệ Hoàng Thành Thăng Long nhằm không phá vỡ không gian di tích quan trọng này;
Vùng đệm nối liền khu A, B sẽ quy hoạch một không gian đủ rộng, đề xuất hình thành các Công trình, Công viên, các hoạt động thu hút doanh nghiệp, thu hút khách tham quan phát triển du lịch (sẽ trình bày dưới đây).
Thứ hai, quy hoạch phát huy giá trị di tích: Trước hết phải làm sao cho chính quyền địa phương và nhân dân đồng thuận để cùng phấn đấu quy hoạch, đưa thị trấn Óc Eo là thị trấn du lịch đúng nghĩa trong tương lai;
Phục dựng lại toàn bộ đường Hào vòng thành (1.500m X 3.000m) bao quanh Cảng thị cổ thuộc các di tích Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Óc Eo, Lung Lớn, Giồng Trôm...(khu B), như Loui Malleret đã xác định và phác họa ở cánh đồng Óc Eo;
Đề xuất vùng đệm nối liền khu A, B và đan xen trong các di tích, sẽ quy hoạch Công viên khảo cổ học, trong đó sẽ có rất nhiều hoạt động mang tính văn hóa, lịch sử được phục dựng như (1) Làng cổ Phù Nam; (2) Bến cảng Óc Eo; Các xưởng chế tác, mua bán đồ thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt trong khu vực này phục chế (4) Bảo tàng bất động sản ngoài trời; (5) Các đền tháp, kiến trúc tiêu biểu ở các di tích văn hóa Óc Eo toàn Nam Bộ, được phục dựng cạnh các phế tích hiện hữu; từng bước phục dựng lại diện mạo thành phố và cảng thị Óc Eo như L. Malleret đã xác định;
Một số hạng mục hỗ trợ trong Công viên khảo cổ học như khu (1) Quảng trường, (2) Nhà lưu niệm và (3) Tượng L. Malleret; (4) khu Công trường khảo cổ học, cùng (5) Tái bản các tượng Thần văn hóa Óc Eo đặt tại các Cổng vào và hai bên đường vào các di tích trong khu A, B; (6) Khu cắm trại điền dã; (7) Khu hoa màu, cây ăn trái…
Quy hoạch Công viên khảo cổ học, phục vụ chủ yếu loại hình du lịch trải nghiệm: giao lưu văn hóa, tham gia nghi lễ cúng thần, chế tác hàng thủ công (nặn gốm, thổi thủy tinh, gia công kim loại, đục đá, đẽo gỗ), đi thuyền, bơi xuồng độc mộc…
Quy hoạch Công viên các vị Thần Óc Eo trong khu A, cạnh di tích Baray Út Nguyên, trên cơ sở tái bản thật nhiều pho tượng Thần Óc Eo, phục dựng lại các con suối cổ chảy qua Công viên, có nhiều lối đi bộ vào, đan xen trong đó là nhiều câu thơ, truyền thuyết và mẫu chuyện về các vị Thần, về Vương quốc Phù Nam được tạt nhiều màu sắc trên đá các loại; 
Thứ ba, đề xuất quy hoạch Khu núi Nhỏ, Kho Quân khí và Trụ Sở làm việc của BQL Di tích Văn hóa Óc Eo: Kiến nghị di dời Trường Quân sự tỉnh để quy hoạch (1) Ga đi Cáp treo lên, xuống núi; (2) Bến xe đỗ, đón khách tập trung cho tất cả các loại xe chở khách du lịch; (3) Bến thuyền thông ra kênh Ba Thê mới; (4) Hệ thống nhà hàng, khách sạn sang trọng và bình dân; (5) Hệ thống nhà vệ sinh phục vụ du khách;
Kho Quân khí: Kiến nghị di dời Kho Quân khí để quy hoạch (1) Dịch vụ Trường bắn súng, bắn cung, trò chơi chiến đấu bằng đạn sơn, học kỳ quân sự cho thiếu niên; (2) Hồ bơi thể thao; (3) Đường đi bộ vòng triền núi và mở đường mới lên đỉnh núi; (4) Trường Chọi gà, đua bò, đua chó, đua heo và các hoạt động dân giang khác;
Trụ Sở làm việc của BQL Di tích Văn hóa Óc Eo quy hoạch: (1) Di dời về Bến xe cũ của thị trấn Óc Eo, hoặc về cạnh bên trái Chùa Phổ Quang, hoặc trên đường ra di tích Gò Cây Thị; (2) Xây dựng Bảo tàng quốc gia, chuyên ngành văn hóa Óc Eo và Nhà kho cho Bả tàng tại đây;
Thứ tư, khu Hồ nước dân tộc và các hướng Tây, Bắc và Nam: Quy hoạch thêm các hạng mục chính là: (1) Phố chợ đêm; (2) Phố ẩm thực đặc sản An Giang; (3) Sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân gian (dân tộc Kinh, Kheme, Hoa và Múa Óc Eo); (4) Hệ thống giao thông mới nối tỉnh lộ 943 vào bên ngoài và song song với đường vành đai núi hiện hữu; (5) Khu thương mại, dịch vụ và mua sắm (theo điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Óc Eo đến năm 2030), nhằm phục vụ đồng bộ cho khách du lịch đến với văn hóa Óc Eo, theo hướng: Xây dựng Trung tâm thương mại- dịch vụ, vui chơi giải trí hiện đại tầm cỡ khu vực Miền Tây); (6) Nhà hàng, Khách sạn và các dịch vụ khác...
Thứ năm, quy hoạch núi Ba Thê: Thành Công viên núi Ba Thê, chia núi ra hai đỉnh và tạm gọi là đỉnh Sơn Tiên (lấy tên Chùa); ngọn đỉnh Thạch Đại Đao (lấy tên Thạch Đại Đao) để đề xuất quy hoạch.
Đỉnh Sơn Tiên,  lấy chùa Sơn Tiên làm trung tâm, quy hoạch mở rộng thêm các hạng mục để thu hút khách du lịch và khách hành hương như: (1) Vườn sự tích Phật giáo; (2) Vườn hoa, cây cảnh; (3) Nhà nghỉ phục vụ khách hành hương; (4) Phòng nghiên cứu và đọc sách về Phật giáo…
Đỉnh Thạch Đại Đao, lấy Ga đến của Cáp treo trên đỉnh núi làm trung tâm, quy hoạch mở rộng thêm các hạng mục để thu hút khách du lịch như: (1) Khu nghỉ dưỡng và ăn uống cao cấp; (2) Phục hồi lại Sân bay Trực Thăng phục vụ khách hạng sang; (3) Máng trượt một chiều từ đỉnh núi xuống Cong viên các vị Thần Óc Eo; (4) Kính viễn vọng hiện đại nhất; (5) Các hoạt động vui chơi, giải trí; văn hóa nghệ thuật; tham quan; thể thao mạo hiểm; khu nghỉ dưỡng và ăn uống bình dân…
Từ đỉnh Sơn Tiên, qua đỉnh Thạch Đại Đao quy hoạch theo hướng: (1) xây dựng đường bộ hành nối hai đỉnh núi đủ rộng; (2) Hệ thống Cáp treo từ núi Nhỏ kéo lên, dừng lại ở Ga trên đỉnh Sơn Tiên, đi tiếp và dừng lại Ga trên đỉnh Thạch Đại Đao, sau đó đi tiếp về Ga xuất phát tại núi Nhỏ;
Toàn bộ triền và đỉnh núi Ba Thê, quy hoạch thành (1) Vườn Bách thảo (Công viên núi Ba Thê, nằm trong Vườn Bách thảo này); (2) Phục dựng lại các Giếng và Suối cổ từ trong lòng nùi chảy ra ở triền núi hướng Đông; (3) Quy hoạch kéo điện, nước lên hai đỉnh núi;
Thứ sáu, về giao thông: quy hoạch (1) Mở đường tránh từ tỉnh lộ 943, đoạn từ Kênh Tám Phùng đi qua kênh Ba Thê cũ, đến kênh Trung sơn 1, 2, qua đường Gò Cây Thị và hướng vào núi để nối vào đường vành đai mới bên ngoài, tại đoạn hướng Tây Nam; (2) Mở thêm đường nối tỉnh lộ 943, đoạn trong khu dân cư (theo điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Óc Eo đến năm 2030) (3) Cải tạo và mở rộng các con đường hiện hữu từ triền núi lên, để xe 16 chỗ có thể chạy đến được hai đỉnh Sơn Tiên và Thạch Đại Đao; (4) Mở thêm đường mới từ đường vành đai hiện hữu tại hướng Bắc, hoặc hướng Tây Bắc (gần Hồ nước dân tộc) đi lên nối vào đường đến đỉnh Sơn Tiên và Thạch Đại Đao; (5) Mở thêm đường đi bộ mới bao quanh trên triền núi, nối liền các di tích thành một chuỗi liên kết, phục vụ cho du khách bộ hành, song song với đường vành đai hiện hữu về phía trên đỉnh núi;
Quy hoạch mở rộng đường vành đai núi hiện hữu; đường ra các di tích trên cánh đồng; đường nối từ cầu Ba Thê 4 vào Giồng Cát, qua Gò Cây Thị, qua Gò Óc Eo, đến di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và các con đường nối từ tỉnh lộ 943 khác khi đi ra đều đủ rộng, để xe 45 chỗ có thể vào, ra thuận lợi, an  toàn;
Đưa du khách vào các khu vực có di tích lớn thì đi lại bằng xe điện, hoặc xe chuyên dùng; trong Công viên khảo cổ học kết nối bằng hệ thống đường đi bộ, xe ngựa, xe bò hoặc Ghe, Xuồng đường thủy;
Ngoài ra quy hoạch còn đề xuất nâng cấp mạng lưới giao thông đi lại thuận tiện quốc lộ 91, tỉnh lộ 941, 943, 947, 948 nối trực tiếp vào tận khu di tích Óc Eo Ba Thê, theo hai hướng: Long Xuyên vào và huyện Tịnh Biên vào, để mọi phương tiện đường bộ có thể đến được với di tích Óc Eo. Giao thông thủy chủ đạo là từ sông Hậu chảy về qua kênh Thoại Hà và đỗ vào kênh Ba Thê mới đi qua trung tâm thị trấn Óc Eo, quy hoạch có 03 bến thuyền vừa hiện đại và vừa cổ kính theo định hướng phục dựng lại từ các con kênh cổ.
Thứ bảy, kiến nghị đầu tư phát triển để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là xây dựng thêm các công trình hạ tầng bảo tồn gắn với phát triển du lịch; lập dự án tạo quỹ đất sạch từ 200 đến 400 ha (kể cả diện tích đất núi) để mời gọi đầu tư; sớm đề nghị UNESCO công nhận di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa là di sản văn hóa của nhân loại, bằng  100% từ nguồn vốn xây dựng hồ sơ của Trung ương hỗ trợ. Cần đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kể cả việc kêu gọi nước ngoài đầu tư theo quy hoạch, đồng thời tăng cường quản lý, nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ di sản theo công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam;
Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa Óc Eo một cách đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời và chính xác, điều đó sẽ góp phần thu hút sự tham gia của toàn xã hội đối với một di sản lớn như Óc Eo – Ba Thê. Tích cực tuyên truyền phổ biến sâu rộng nền văn hóa Óc Eo để nhân dân hiểu biết một cách tốt nhất, qua đó nâng cao ý thức quý trọng và tự giác bảo vệ di tích, dần dần xóa bỏ mọi hành vi đào bới di tích để tìm vàng, chiếm dụng mặt bằng di tích và mua bán cổ vật trái phép.
Thực hiện được đề xuất nêu trên không dễ chút nào, nhưng cũng không phải là quá khó; tuy nhiên cần rất lớn các chủ trương, chính sách; nhân lực, vật lực và thời gian. Việc nào trước, sau; việc nào từ bên trong, ngoài; việc nào xã hội hóa... và dựa trên cá đề xuất về quy hoạch, người viết có thể khái quát tại Óc Eo – Ba Thê có thể áp dụng các loại hình du lịch để phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Du lịch văn hóa; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch trải nghiệm; du lịch sự kiện và du lịch nghỉ dưỡng,...
Tóm lại, văn hóa Óc Eo là một kiệt tác của con người, trong đó di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê một trong những mảnh đất cội nguồn của nền văn hóa Óc Eo rực rỡ, huy hoàng thuộc vương quốc Phù Nam, cách đây trên, dưới hai mươi thế kỷ, được phân bổ rộng khắp Nam bộ. Chỉ riêng quần thể Óc Eo – Ba Thê tại An Giang, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn,  ngày nay, dù chưa đến 1.500 ha diện tích tự nhiên, nhưng nơi đây còn chất chứa cả trong lòng đất chưa khai quật và đã khai quật lộ thiên một hệ thống di tích dày đặc với số lượng hiện vật lớn, phong phú minh chứng cho quá khứ phát triển phồn thịnh và suy vong của một trào đại người cổ ở vùng đồng bằng sông nước Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy đầy đủ giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này trong giai đoạn hiện nay, vừa khẳng định Óc Eo – Ba Thê để UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa vật thể của nhân loại, đồng thời cũng chính là vùng đất màu mỡ để doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thật lớn mạnh cho vùng này, bởi hơn hai ngàn năm trước, tiền nhân của chúng ta đã chọn vùng đất này để xây dựng Dinh, luỹ Đền Đài cho trào đại của Vương quốc Phù Nam; thì không cớ gì thế hệ chúng ta, thời đại phát triển rực rỡ nhất của nhân loại, thời đại 4.0 mà chúng ta lại không thực hiện và đầu tư cho vùng đất rất quan trọng này. Có như thế, văn hóa Óc Eo sẽ trường tồn và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước và khách tham quan, du lịch gần xa./.
 
 

1 Theo Nghị định 53/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Tân Châu và thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang

Nguyễn Hữu Giềng

các tin khác