Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

ÓC EO - BA THÊ, ĐÔ THỊ CỔ CỦA VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM

03:09 03/03/2021

Trên cánh đồng hướng Đông núi Ba Thê, thuộc xã Vọng Thê nay là tt Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, các hiện vật đầu tiên thuộc nền văn hóa Óc Eo đã được phát hiện vào đầu thế kỷ XX trên cánh đồng Óc Eo - Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang. Các học giả người Pháp gồm Coedès, Malleret đã tham gia nghiên cứu nền văn hóa này, trong đó Malleret là người đầu tiên khai quật di chỉ Óc Eo vào năm 1944. Theo L.Malleret, nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu,…v.v, và một phần đất Đông Nam Campuchia.
Cấu trúc xã hội
 Có thể khẳng định ngay rằng Óc Eo – Phù Nam là một xã hội phức hợp, bao gồm cư dân bản địa và những người di cư – khách thương buôn bán đường dài – giới tăng lữ từ Ấn Độ và các vùng khác của Nam Á và Đông Nam Á đã lưu trú tại Phù Nam định kỳ hoặc lâu dài. 
Theo các ghi chép của người Trung Quốc, khoảng năm 240 SCN, cuộc tiếp xúc của một nữ thủ lĩnh Phù Nam có tên gọi là Liễu Diệp (Lin Ye) tấn công vào một chiếc thuyền của tăng lữ quý tộc Brahman tên là Hỗn Điền (Kaundinya) đi qua vùng này. Sau đó Liễu Diệp kết hôn cùng Hỗn Điền lập nên vương quốc Phù Nam.
Cấu trúc kinh tế
Đô thị Óc Eo có cấu trúc kinh tế dựa trên sự phát triển các nghề thủ công như nghề gốm, nghề đúc đồng, chế tạo sắt, làm thiếc, và nghề kim hoàn dựa trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp và thương nghiệp rất phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thuỷ lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông; sản phẩm thủ công thể hiện sự chuyên hoá, những đồng tiền bằng vàng, bạc, thiếc còn nguyên hay cắt làm tư làm tám, các loại trang sức, con dấu bằng đá quý, thuỷ tinh, nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Thương mại đường dài của một cảng thị của đô thị Óc Eo thể hiện rất rõ qua các di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Điạ Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoavà đây được coi là động lực chủ yếu của sự phát triển văn hóa này.
Hàng ngàn hiện vật nguyên vẹn làm bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, thuỷ tinh, đá, gỗ, gốm. Nổi bật là các loại đồ trang sức, tượng thờ và đồ gốm gia dụng. Đây cũng là sản phẩm cuả các nghề thủ công phát triển cao, đa dạng và tinh xảo. Nhiều di chỉ-xưởng chế tạo đồ gốm, đồ trang sức được tìm thấy ở khu di tích lớn như Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa, Cạnh Đền, Gò Tháp, Gò Hàng…

 

Chức năng hành chính
Phù Nam đã phát triển thành một quốc gia có hệ thống hành chính thống nhất, chặt chẽ, có thể chế rõ ràng, có hệ thống chữ viết. Các thương nhân Ấn Độ không phải là những người duy nhất buôn bán với vương quốc Phù Nam theo dọc tuyến thương mại đường dài tới tận Trung Quốc. 

Các di tích khảo cổ thuộc nền vương quốc Phù Nam được tìm thấy gần thị trấn Óc Eo, chỉ cách bờ biển khoảng 3 dặm, là khu cư trú thuộc thương cảng Phù Nam. Các thương đoàn đến Phù Nam phải qua Óc Eo, thực hiện các thủ tục hành chính tại đây, rồi từ đó thông qua một mạng lưới kênh rạch nối Vịnh Thái Lan với Sông Cửu Long để vào kinh đô và các vùng khác trong cả vương quốc. Các hiện vật khai quật được ở Óc Eo bao gồm các sản phẩm địa phương, các loại hàng hóa được trao đổi trong vùng Đông Nam Á, và hàng nhập cảng từ Ấn Độ, Iran, và Địa Trung Hải. Rất nhiều đồ sành sứ được tìm thấy cùng các ấn tín và nhiều đồ nữ trang có nguồn gốc Ấn Độ, và có các tấm bùa chú bằng thiếc, có vẻ được làm tại Phù Nam, với các biểu tượng của các vị thần Ấn Độ giáo như Visnu và Shiva. Các phẩm vật từ Trung Hoa bao gồm các tượng Phật nhỏ và một tấm gương bằng đồng, còn hàng hóa từ Địa Trung Hải là các đồ thuỷ tinh, một đồng tiền vàng của thế kỷ II SCN, và các huy chương bằng vàng mang hình ảnh của Antoninus Pius và Marcus Aurelius.

Các phái bộ của nhà Ngô thời Tam Quốc (Trung Quốc) đến Phù Nam, đã mô tả tầm quan trọng của Phù Nam đối với công cuộc mậu dịch hàng hải cho biết quốc vương Phù Nam đặc biệt quan tâm đến mậu dịch quốc tế. Báo cáo của họ cho biết: Thuế quan được trả bằng vàng, bạc, ngọc trai, và hương liệu, dầu thơm.  Rõ ràng báo cáo này đã thể hiện thể chế hành chính, kể cả thuế quan rất chặt chẽ của Phù Nam, mà hầu hết được thực hiện tại đô thị Óc Eo, là nơi đầu tiên của Vương quốc thực hiện các thủ tục đối với các thương đoàn quốc tế.
Chức năng Tôn giáo
 Các cuộc khai quật quan trọng là tại các di tích Nền Chùa (Kiên Giang), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Đá Nổi (An Giang), Cây Gáo (Đồng Nai), Lưu Cừ (Trà Vinh), Bình Tả- Gò Xoài (Long An), Gò Thành (Tiền Giang), Phụng Sơn Tự - Chùa Gò (TP.HCM)…. gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp và mộ táng. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá. Vật liệu xây dựng bằng đất nung như gạch ngói, phù điêu trang trí. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng. Đó là các huyệt mộ hình vuông bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng cuả Brahman hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác. Tượng thờ Brahman và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ cả miền Tây và miền Đông. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc Hinduism và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 7, đồng thời vẫn thể hiện rõ xu hướng bản địa hóa các hình tượng tôn giáo Ấn Độ.
Quy hoạch đô thị
Sứ giả Trung Quốc đến vương quốc Phù Nam có ghi chép: Người Phù Nam sống trong các cung điện, nhà cửa, các thành phố có tường thành bao quanh… Mẩu sử liệu trên phần nào giúp ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đô thị Phù Nam, trong đó có Óc Eo đã được quy hoạch cẩn thận. Căn cứ vào sử liệu ghi chép về quốc gia cổ Phù Nam, vào tài liệu cổ văn tự trên các tấm bia đá, mảnh vàng, căn cứ vào đặc điểm của hiện vật, của nghệ thuật điêu khắc và nhất là vào kết quả các mẫu niên đại C14 của các di tích khảo cổ, các nhà khoa học đã định niên đại cho nền văn hóa Óc Eo từ Thế Kỷ thứ I đến TK VII.
 
Tài liệu Tham khảo
Lê Thị Liên 2003. Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cưủ Long trước Thế Kỷ 10. Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
Nguyễn Thị Hậu 2009. Văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ, http://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/, 07 tháng 2, 2009.
Võ Sĩ Khải 2002. Văn hoá đồng bằng Nam Bộ (di tích kiến trúc cổ). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Võ Sĩ Khải 2004. Di tích Linh Sơn Nam (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Hà Hữu Nga 2014, Tiếng vọng Kattigara, http://kattigara-echo.blogspot.com/2014/04/.

 

Thùy Trâm

các tin khác