Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

GÒ CÂY THỊ

03:39 28/05/2020

             Di tích Gò Cây Thị nằm trên một gò cao thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Theo tuyến đường Long Xuyên- Nui Sập - Tri Tôn khoảng 40km đến thị trấn Óc Eo. Rẽ trái theo đường Lâm Thanh Hồng 1,5km đến  UBND thịu trấn Óc Eo; tiếp tục rẽ trái theo đường Gò Cây Thị ra cánh đồng Óc Eo là đến khu vực di tích rộng trên 03 ha.
Di tích được nhà Khảo cổ Pháp Louis Malleret (trường Viễn Ðông Bác Cổ - EFEO) phát hiện năm 1942 và khai quật năm 1944. Do trên trên đỉnh gò có 2 cây thị rất to nên mới đặt tên cho di tích là Gò Cây Thị.
 
 
 
             Di tích Gò Cây Thị A: Qua khai quật toàn bộ kiến trúc xuất lộ một bình đồ rộng 22m theo hướng bắc nam, dài 24,54m theo hướng đông Di tích quay mặt về hướng đông gồm 36  dường tường móng gạch với nhiều kiến trúc bên trong: tiền điện , chính điện , các ô ngăn lớn, nhỏ… Kết cấu của kiến trúc bao gồm tiền điện và chính điện: tiền điện là phần kiến trúc phía Đông bao gồm cữa ra vào quay về hướng Đông, chính điện với trung tâm 04 ô ngăn lớn hình chữ nhật là nơi diễn ra tất cả các hoạt động tín ngưỡng của cư dân cổ. Việc các đền thờ tôn giáo của người Óc Eo cổ đều hướng về phía Đông xuất phát từ quan niệm tôn giáo của họ.
Khi khai quật Di tích này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được các mảnh vàng hình thần Mặt trời Surya, các cọc gỗ nhà sàn, tượng Phật bằng đồng… Với các đặc điểm tính chất của kiến trúc, cho thấy Gò Cây Thị A là một kiến trúc dạng đền thờ Bàlamôn giáo.

          Gò Cây Thị B:  cách Gò Cây Thị A 22m về phía bắc. Năm 1999, nền kiến trúc Gò Cây Thị B được khai quật làm xuất lộ 1 tường móng kiến trúc dài 16,70m theo hướng đông tây, rộng 11,65m theo hướng bắc nam. Mặt nền được phủ lớp đất dầy trung bình từ 10cm- 30cm.

         

Trên bình đồ, qua khai quật đã xác định đây là loại hình kiến trúc xây bằng gạch - đá, cấu tạo gồm 2 vòng tường xây bọc quanh một nền hình chữ nhật đắp bằng đất cát. Có nhận định cho đây là một kiến trúc mộ hỏa táng được xây bằng gạch và đá mang tính chất thờ phụng của cư dân Óc Eo… Các hiện vật được tìm thấy ở đây bao gồm: 01 đồng tiền và các mảnh gốm…
Theo các nhà khảo cổ, cả hai kiến trúc Gò Cây Thị A và B đều được xây dựng trên nền tảng văn hoá cư trú có chứa nhiều gốm sớm Óc Eo và cọc nhà sàn, niên đại cách nay trên 1.500 năm. Ngày nay, Gò Cây Thị là kiến trúc quan trọng nhất còn lại trên cánh đồng Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ V sau công nguyên.
Với giá trị lịch sử, văn hoá mang ý nghĩa khoa học rất cao, Gò Cây Thị được Bộ VHTT(nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 39/2002/QÐ.BVHTT ngày 30/12/2002, và là 2 trong số các di tích thuộc Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012 

Ðể giữ gìn bảo quản di chỉ kiến trúc được lâu dài, phát huy tốt tác dụng di sản văn hoá quí báu này, UBND tỉnh An Giang đã cho xây dựng mái che kiên cố bao phủ cả mặt bằng phần nền. Ngoài ra, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang sẽ tiến hành trùng tu, cải tạo cảnh quan di tích Gò Cây Thị phục vụ rộng rãi khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu nghiên cứu khoa học, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, hằng năm Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh còn tổ chức các hoạt động vui hè cho các em thiếu nhi tại Gò Cây Thị như: Em làm nhà khảo cổ, Em là thuyết minh viên, múa Óc Eo… nhằm tạo sân chơi bổ ích, vừa tuyên truyền, giới thiệu về nền văn hóa đặc sắc Óc Eo. 

 

 

Thùy Trâm

các tin khác