Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Hành trình 11 năm gắn liền với những công trình nghiên cứu, khai quật; các hoạt động bảo tồn và phát huy Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (An Giang).

03:22 24/05/2024

     Văn hoá Óc Eo được biết đến từ sau cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay) do nhà Khảo cổ học người Pháp Louis Malleret tiến hành khai quật vào năm 1944. Từ đó đến nay, Óc Eo – Ba Thê trở thành khu di tích khảo cổ nổi tiếng không chỉ ở vùng Nam bộ- Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Trong nhiều thập kỷ qua, có rất nhiều cuộc khai quật tại đây đã đưa ra ánh sáng khối lượng lớn di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành và phát triển nền văn hoá Óc Eo là một trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam. Và từ những giá trị to lớn này, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hoá Việt Nam.

     Với những giá trị đặc biệt về Lịch sử- Văn hoá- Nghệ thuật- Khảo cổ học, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu Di tích Óc Eo- Ba Thê là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Sau khi được chính thức xếp hạng vào năm 2013, Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang đã thành lập Ban Quản lý Di tích Óc Eo tỉnh An Giang với chức năng giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh về quy hoạch, khai quật khảo cổ, nghiên cứu, lập hồ sơ, sưu tầm, trao đổi, bảo quản, trưng bày, phục chế hiện vật; Giáo dục, khoa học; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hoá Óc Eo; Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di tích văn hoá Óc Eo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

     Từ năm 2013 đến nay là 11 năm Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo được thành lập và dưới sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đã tạo nên những biến chuyển mạnh mẽ trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và hướng đến một tầm vóc Di sản văn hoá nhân loại. Ban Quản lý Di tích văn hoá Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó dấu ấn đậm nét là:

     1. Công tác, khai quật, quy hoạch, quản lý di tích

     Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo tỉnh An Giang phối hợp tổ chức khai quật theo Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 3910/QĐ-BKHCN ngày 07/12/2016. Trong đó công tác tham mưu thu hồi đất bàn giao cho dự án thực hiện. Tổng vốn được cấp là 45,2 tỷ đồng.

     Tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo- Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tại Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2021 và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 02 bảo vật Nhẫn Nandin Giồng Cát và Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021.

Giới thiệu về 2 bảo vật quốc gia “Nhẫn Nandin Giồng Cát” và

“Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc”

(Ảnh: https://baoangiang.com.vn/le-cong-bo-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-quy-hoach-bao-quan-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-quoc-gi-a325650.html)

 

     Tham mưu, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang và Quyết định số 2252/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố Danh mục Kiểm kê các công trình, địa điểm, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, đã ký kế hoạch phối hợp với 3 huyện Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn.

     Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và đã được UBND tỉnh đã ký quyết định xếp hạng 02 di tích cấp tỉnh là di tích Đá Nổi (xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) và di tích Gò Cây Tung (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), đồng thời tham mưu UBND đầu tư, xây dựng tại các di tích cấp tỉnh khoảng 30 tỷ; Tổ chức thực hiện công tác bảo quản định kỳ thường xuyên cho các di tích đang được trưng bày như: Di tích Gò Cây Thị A&B, di tích Nam Linh Sơn, di tích Gò Tháp An Lợi.

     2. Công tác trưng bày, triển lãm, quảng bá, phát huy giá trị di tích

    Năm 2017, Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo phối hợp với các Bảo tàng, Ban quản lý di tích của 17 Tỉnh/Thành phố ở Nam Bộ tổ chức triển làm chuyên đề với gần 1000 hiện vật gốm văn hóa Óc Eo. Năm 2019, Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo phối hợp với Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Deahan (Hàn Quốc) tổ chức 02 cuộc triển lãm quốc tế tại Hàn Quốc nhằm quảng bá di sản văn hóa Óc Eo, với số lượng hiện vật trưng bày là 12.715 hiện vật. Trưng bày tại Bảo tàng Baekje từ 21/12/2019 đến 15/03/2020 (số lượng khách trong nước (Hàn Quốc) và quốc tế tham quan là 65.405); trưng bày tại viện Nghiên cứu hàng hải quốc gia từ ngày 21/04 đến 28/06/2020 (số lượng khách trong nước (Hàn Quốc) và quốc tế tham quan trực tiếp là 7.957 lượt người, số lượt tham quan trực tuyến là 34.214 lượt).

Tiết mục múa trong lễ khai mạc “Triển lãm chuyên đề gốm Óc Eo Nam Bộ lần thứ I, năm 2017” (Ảnh: Trung Nhân)

      Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng văn hoá Óc Eo (logo) nhận diện văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang và được công bố vào năm 2022 với sự kết hợp 3 hình tượng đặc trưng của văn hóa Óc Eo, đó là hình tượng Linga, đền thờ và thần Vishnu, ba hình tượng được cách điệu đơn giản bằng hình mảng và kết hợp âm bản hình tượng Linga làm nổi bật hình tượng Thần Vishnu. Tổng thể các hình tượng được đặt trong một hình tròn khép kín chính là chữ cái O đầu tiên của tên nền văn hóa Óc Eo. Hình tròn chữ O cũng thể hiện cho một nền văn hóa trường tồn với thời gian. Với tông màu nâu đất thể hiện màu đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo và tổng thể toát lên tính lịch sử và văn hóa.

 

Ông Huỳnh Đức Hiền trao biểu tượng văn hóa “Óc Eo An Giang” cho Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (Ảnh: Phạm Tùng)

      Năm 2020, Ban Quản lý di tích văn hoá Óc Eo đã tham mưu với Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông phát hành bộ tem “Văn hóa Óc Eo” giới thiệu các hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, bên cạnh đó góp phần quảng bá di sản văn hóa Óc Eo ra thế giới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng phát biểu tại buổi họp báo

      Một trong những thành tựu đáng chú ý trong công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa Óc Eo là phục dựng điệu múa Óc Eo. Từ năm 2016, cố Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Múa Việt Nam) và nhạc sĩ Trương Bá Trạng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang) đã tìm hiểu, nghiên cứu, mô phỏng, khắc họa từ các cổ vật văn hóa Óc Eo, hình thành nên tiết tấu, cung bậc, thang âm điệu thức, động tác và điệu bộ của điệu múa Óc Eo. Tiếp nối giữ gìn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể “Múa Óc Eo”, Ban Quản lý di tích văn hoá Óc Eo đã phối hợp với các đơn vị trên địa tổ chức các lớp học và các chương trình hội thi “Múa Óc Eo”. Với điệu múa gồm 3 bài múa nhỏ là “Ông voi”, “Lưỡi kiếm” và “Sum họp”, riêng bài múa “Sum họp” có thể sinh hoạt trong môi trường tập thể với hàng trăm người cùng tham gia múa hát, có sức hấp dẫn đặc biệt để du khách tham gia trải nghiệm.

 

Khách tham quan trải nghiệm các điệu múa Óc Eo với giáo viên và học sinh

(Ảnh: Kim Cương- Thanh Cần)

Lớp múa Óc Eo (Ảnh: Kim Cương – Thanh Cần)

      Những năm qua, Ban Quản lý di tích văn hoá Óc Eo đã phối hợp cùng với một số đơn vị khác đã xuất bản và phát hành 12 đầu sách như: xuất bản sách “Di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo trên đất An Giang” do PGS.TS Phạm Đức Mạnh (chủ biên) và sách “Na Phật Na - kinh đô đầu tiên và cuối cùng” của PGS.TS Đặng Văn Thắng xuất bản sách “Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông” tập 2.3; Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo- Ba Thê 10 năm- Hình thành và phát triển (2012-2022) của Ths. Nguyễn Hữu Giềng (Chủ biên),… với nội dung là những công cuộc khai quật đầu tiên của nhà khảo cổ học Louis Mallaret tiếp nối những công trình khai quật sau này và những đặc trưng là di tích, di vật của một vương quốc cổ Phù Nam.

 

Những đầu sách tiêu biểu (Hình ảnh: Minh Thuận)

 

     Bên cạnh đó, Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo đã tổ chức các cuộc tuyên truyền và các chương trình: Giáo dục di sản văn hoá Óc Eo; Hoạt động hè tại Nhà trưng bày văn hoá Óc Eo và điểm di tích Gò Cây Thị nhằm nâng cao truyền thông đưa thông tin cụ thể và chính xác đến mọi người cùng nghe và nắm được những thông tin về di tích, hiện vật và các Luật di sản văn hoá theo quy định của pháp luật.

     3. Hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

     Năm 2018 và 2023, Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Daehan Hàn Quốc nghiên cứu văn hóa Óc Eo, khai quật di tích Gò Cây Trâm và di tích Gò Danh Sang. Kết quả phát hiện những di tích và hiện vật có giá trị, góp phần làm tăng thêm giá trị cho văn hóa Óc Eo An Giang.

     Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cũng đã xúc tiến, hợp tác nghiên cứu văn hóa Óc Eo và ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế về di sản văn hóa Óc Eo An Giang với Viện Di sản Văn hóa Daehan (Hàn Quốc) giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2022-2027; với viện Di sản văn hóa Joeson giai đoạn 2022-2027; với Bảo tàng Hanseong Baekje và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Hàng hải Quốc gia (Hàn Quốc) giai đoạn 2019-2025; với tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025; thỏa thuận hợp tác với Viện viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) về đồng xuất bản sách “Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long”. Năm 2023, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và Bảo tàng Trường Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) thực hiện ký kết Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin khoa học giai đoạn 2023 – 2024.

 

Ông Nguyễn Hữu Giềng và ông Lee Young-Cheol thực hiện nghi thức ký kết

 (Ảnh: Trung Nhân)

 

     Gần đây nhất, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh An Giang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á” vào ngày 17/11/2023. Đây là hội thảo quốc tế đầu tiên về văn hóa Óc Eo được tổ chức tại tỉnh An Giang theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhiều đại biểu quốc tế (Úc, Đài Loan, Campuchia, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ…) và hơn 150 đại biểu trong nước tham dự hội thảo.

     4. Xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản thế giới

     Được sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan ở Trung ương, tỉnh An Giang đã cố gắng và đã hoàn thành Báo cáo tóm tắt Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Năm 2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7556/VPCP-KGVX về việc gửi báo cáo tóm tắt hồ sơ khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới, và ngày 04/01/2022 Trung tâm di sản thế giới đã ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới (đánh dấu hoàn thành giai đoạn 1 của việc xây dựng hồ sơ).

     Hiện nay Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề cương nhiệm vụ, dự toán thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, chuẩn bị tổ chức đấu thầu xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

     Với những thành tựu nổi bật, Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo tỉnh An Giang sẽ tiếp tục ra sức bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc nền văn hoá Óc Eo – Ba Thê hướng đến di sản văn hoá nhân loại.

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Minh Thuận

các tin khác