Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM HOẠT ĐỘNG KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ÓC EO – BA THÊ VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH LẬP HỒ SƠ ĐỀ CỬ TRÌNH UNESCO CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN THẾ GIỚI.

06:09 07/01/2023

 

Sáng ngày 6/01/2023, tại Hội trường Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (2012-2022) và triển khai kế hoạch lập Hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

            Tham dự hội nghị có các đại biểu là nhà quản lý ở trung ương và các nhà khoa học công tác tại các viện trường, đó là ông Trần Đình Thành – Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng viện nghiên cứu Kinh Thành; GS.TS. Nguyễn Chí Bền – Nguyên viện trưởng viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; PGS.TS Bùi Chí Hoàng – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ; PGS.TS Đặng Văn Thắng – Nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử văn hóa, kiêm trưởng bộ môn Ấn Độ học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ; TS. Nguyễn Gia Đối – Nguyên phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Phó tổng biên tập tạp chí khảo cổ học.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Tấn Nghiệp)

              Về đại biểu quốc tế có Ông Madan Mohan Sethi Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về đại biểu ngoài tỉnh có ông Lê Quang Biểu – Phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp; bà Nguyễn Thị Diệp Mai – Phó giám đốc sở Văn hóa và thể thao tỉnh Kiên Giang. 

Các  nhà khoa học và các nhà quản lý tham dự hội nghị (Ảnh: Tấn Nghiệp)

Các  nhà khoa học và các nhà quản lý tham dự hội nghị (Ảnh: Tấn Nghiệp)

              Về đại biểu tỉnh An Giang, có ông Trần Anh Thư, tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức; Ông Đỗ Tấn Kiết, Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; Ông Trương Bá Trạng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh; Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh - Phó Ban tổ chức; Và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành, công an, quân sự tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí và các tập thể, cá nhân được khen thưởng.

            Thay mặt Ban Tổ chức, ông Nguyễn Hữu Giềng phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hữu Giềng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý các cấp, các nhà khoa học để bảo tồn và phát huy có hiệu quả hơn nữa khu di tích Óc Eo – Ba Thê trong tương lai.

Ông Nguyễn Hữu Giềng, Phó Ban Tổ chức phát biểu

 khai mạc hội nghị (Ảnh: Tấn Nghiệp)

 

            Ông Nguyễn Khắc Nguyên – Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thông qua tóm tắt báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động khu di tích Óc Eo – Ba Thê, trong đó đã tổng kết các thành tựu nổi bật công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Óc Eo – Ba Thê, trong đó dấu ấn đậm nét của 04 nhiệm vụ chính trị quan trọng đó là: Bảo tồn thường xuyên các di tích đã được lộ thiên; tích cực giải phóng mặt bằng, với diện tích đất thu hồi gần 10 ha đất liên quan đến 46 hộ dân, để có đất sạch bàn giao cho cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khai quật khảo cổ trong Đề án đề án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa”; hoàn thành giai đoạn 1 việc xây dựng hồ sơ khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, quảng bá và trưng bày văn hóa Óc Eo đã góp phần phát huy giá trị di sản, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Ông Nguyễn Khắc Nguyên – Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm hoạt động Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và triển khai kế hoạch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (Ảnh: Tấn Nghiệp)

             Kế hoạch hoạch lập Hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới được thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2026, với nguồn vốn ngân sách tỉnh An Giang với mục tiêu nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá, lịch sử và khoa học của Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê tỉnh An Giang, qua đó khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản, làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, bền vững theo hướng của di sản thế giới đối với di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Việc xây dựng hồ sơ đề cử phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, quy trình Hướng dẫn của UNESCO theo Công ước 1972, phải đảm bảo hồ sơ có chất lượng cao, có sức thuyết phục và được các cơ quan thẩm định trong nước, quốc tế chấp thuận.

           Hội nghị đã nhận được nhiều tham luận, thảo luận có giá trị về công tác bảo tồn, phát huy giá trị sản văn hóa Óc Eo – An Giang của các nhà khoa học như PGS.TS Bùi Chí Hoàng, PGS.TS Đặng Văn Thắng, GS.TS Nguyễn Chí Bền, PGS.TS Bùi Minh Trí, TS Nguyễn Khánh Trung Kiên. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhận được những chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn vướng mắc của ông Trương Bá Trạng, Ngô Quang Láng, là các nhà quản lý địa phương về công tác quản lý một di tích quốc gia đặc biệt. Đáng chú ý, đại biểu quốc tế là ông Madan Mohan Sethi đánh giá, văn hóa Óc Eo An Giang có nhiều nét tương đồng với văn hóa Ấn Độ. Ông Sethi mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu văn hóa Óc Eo, một mặt là để xây dựng và bảo vệ thành công khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, mặt khác giúp cho An Giang thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế góp phần phát triển kinh tế.

            Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Đình Thành – Phó cục trưởng cục Di sản văn hóa đã đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu di tích Óc Eo – Ba Thê qua 10 năm hoạt động, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền trong tỉnh An Giang tiếp tục phát huy những thành tựu, nâng cao trách nhiệm hơn nữa khắc phục khó khăn, hạn chế; tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học với mục đích là thực hiện có hiệu quả các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Óc Eo An Giang.

            Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Trần Anh Thư – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang bày tỏ sự tri ân đối với những cống hiến to lớn của các nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ đã góp công cho công cuộc nghiên cứu bảo tồn di tích Óc Eo An Giang. Đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hội nghị kết thúc trong không khí sôi nổi ấm cúng bằng việc tuyên dương khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh An Giang cho 09 tập thể và 10 cá nhân.

            Khu di tích Óc Eo – Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg cho loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.

Lê Hậu

các tin khác