Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

HỌP BÁO BÁO CHÍ CÔNG BỐ PHÁT HÀNH ĐẶC BIỆT BỘ TEM BƯU CHÍNH VĂN HÓA ÓC EO

08:44 03/09/2020

Căn cứ quyết định số 1047/QĐ-BTTTT ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bổ sung Chương trình phát hành tem bưu chính năm 2020;
Thực hiện Công văn số 4177/VPUBND-KGVX ngày 24 tháng 8 năm 2020 của UBND tỉnh An Giang về việc cho phép Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo tổ chức họp báo báo chí công bố phát hành tem Văn hoá Óc Eo năm 2020.
Chiều ngày 01/9/2020 Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh An Giang tổ chức buổi họp báo công bố phát hành bộ tem bưu chính văn hóa Óc Eo.
Đến tham dự buổi họp báo có sự tham dự của ông Lê Văn Nưng - UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng đại diện các Sở, Ban ngành tỉnh, đại diện các UBND huyện, thị thành tỉnh và đại diện báo chí trong và ngoài tỉnh đến tham dự và đưa tin.
Bộ tem văn hóa Óc Eo được phát hành lần này bao gồm 03 mẫu và 01 blốc (phù hợp với chuỗi tem giới thiệu về chủ đề di sản văn hóa UNESCO tại Việt Nam).
Hình ảnh giới thiệu trên tem bao gồm 04 hiện vật là Bảo vật quốc gia tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo, bao gồm:
1. Tượng Avalokitesvara (hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Niên đại: Thế kỷ VIII - IX. Nguồn gốc: Ngãi Hòa Thượng, Trà Vinh. Hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phồ Hồ Chí Minh. Tượng bằng đá sa thạch, cao 90 cm, đầu búi tóc, mặt trước búi tóc có khắc hình tượng Phật ngồi ở tư thế trên bệ trong vòng cung đỡ. Tượng có 04 tay, 02 tay sau đưa lên ngang vai cầm tràng hạt và nụ sen, 02 tay trước nắm lại có thể cầm các hiện vật biểu tượng rời, thân trên ở trần, thân dưới mặc sampot. Đây là tượng tròn đặc sắc trong văn hóa Óc Eo Nam Bộ.
2. Tượng Phật Bình Hòa (hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Niên đại: Thế kỷ III - IV. Nguồn gốc: Bình Hòa, Long An. Hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phồ Hồ Chí Minh. Tượng được chế tác bằng gỗ bằng lăng, trong tư thế đứng trên bệ hoa sen. Trên đỉnh đầu của tượng có nhục kế unisa, tóc xoắn ốc. Thân tượng khoác áo choàng phủ vai trái. Tay trái nắm một phần áo, tay phải trong thế thủ ấn. Tượng được tìm thấy tại Bình Hòa - Long An. Tượng Phật được xem là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng trong văn hóa Óc Eo thế kỷ III - IV.
3. Tượng Thần Brahma Giồng Xoài (hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2018). Niên đại: Thế kỷ VI-VII. Nguồn gốc: Di tích Giồng Xoài (Kiên Giang). Hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang. Tượng Brahma bằng đá rất hiếm gặp trong Văn hóa Óc Eo, tượng bằng đá có niên đại sớm nhất và duy nhất thuộc văn hóa Óc Eo (tính đến thời điểm hiện nay), là bằng chứng của quá trình giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng, đồng thời cũng cho thấy vị trí trung tâm của Văn hóa Óc Eo trong hệ thống giao lưu văn hóa Đông - Tây trong lịch sử.
4. Bộ Linga - Yoni Đá Nổi (hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2018). Niên đại: Thế kỷ V – VI. Nguồn gốc: Di tích Đá Nổi (An Giang). Hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang. Hiện vật bằng chất liệu vàng, đồng thau. Bộ Linga - Yoni có cấu trúc ba phần rời, ghép lại thống nhất với nhau, gồm: linga, yoni cùng khối bệ và tấm kim loại biểu tượng của bộ phận yoni. Hình tượng Linga-yoni là một trong những biểu tượng của thần Shiva trong Hindu giáo, tượng trưng cho tinh thần phồn thực mạnh mẽ, biểu tượng của sự sáng tạo, sinh sôi phát triển. Hiện vật minh chứng cho sự giao lưu văn hóa giữa vùng đất Nam Bộ với Ấn Độ và Đông Nam Á, gắn với quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ.
Việc phát hành đặc biệt bộ tem văn hóa Óc Eo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ I – VII trên lãnh thổ Việt Nam và việc phát hành càng có ý nghĩa khi được phát hành đúng vào dịp cả nước đang chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9.

 

 

 

PHÒNG DV-DL

các tin khác