Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

CÁC CUỘC HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ VĂN HÓA ÓC EO (PHẦN III): HỘI THẢO NHÂN DỊP 65 NĂM PHÁT HIỆN DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO

02:37 20/12/2023

      Vào năm 2009, một cuộc hội thảo quy mô lớn với chủ đề “Văn hóa Óc Eo – Nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm khai quật di tích Văn hóa Óc Eo đầu tiên (1994 – 2009). Hội thảo do Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đồng tổ chức. Ban Tổ chức đã nhận được 62 bài tham luận của 67 tác giả và đồng tác giả.

      Trong bài phát biểu tại hội thảo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Tùng có đoạn viết: “Hiện vật, dấu tích khai quật được cho thấy trên vùng đất An Giang và Nam bộ xưa, vào những năm đầu Công nguyên đã có cư dân sinh sống. Những đồ thủ công mỹ nghệ, các tượng thờ đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chất liệu và được chế tác với trình độ nghệ thuật cao; đã chứng minh vùng đất này đã từng có một nền văn hóa rực rỡ mà ngày nay được gọi là nền Văn hóa Óc Eo. Điều này cho thấy nơi đây đã từng tồn tại một xã hội sung túc và phát triển, một nền kinh tế mở cửa buôn bán với nước ngoài. Thành tựu khảo cổ học qua 65 năm nghiên cứu Văn hóa Óc Eo của chúng ta không chỉ dừng lại ở thời kỳ Óc Eo – Phù Nam và khẳng định họ là chủ nhân của vùng đất này; mà còn làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử thời Tiền sử và Sơ sử từ những năm trước Công nguyên; cũng như nhiều vấn đề khác thuộc thời kỳ hậu văn hóa Óc Eo và thời kỳ cận đại sau này của vùng đất Nam bộ, khi cư dân người Việt vào đây khai phá và định cư. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngày nay, vùng đất Nam bộ đã trở thành vùng đất năng động và là vùng đất kinh tế trọng điểm của quốc gia”.

      Các nội dung của hội thảo bao gồm: Nội dung 1 - Đánh giá các thành tựu nghiên cứu Văn hóa Óc Eo cho đến nay cũng như việc phối hợp nghiên cứu liên ngành, liên địa phương trong thời gian qua và định hướng cho hoạt động nghiên cứu trong những năm tới. Nội dung 2- Đánh giá công tác quản lý, hiện trạng bảo tồn và phát huy các di tích Óc Eo hiện nay, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tiêu biểu gắn với phát triển du lịch địa phương và quan hệ liên vùng. Nội dung 3 – Lựa chọn di tích tiêu biểu nhất, xác định những tiêu chí có thể đạt được để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ là di sản văn hóa thế giới và những việc cần làm để chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ. Nội dung 4 - Tìm hiểu thêm và nêu bật những giá trị về khoa học, lịch sử, khảo cổ, qua đó tạo dựng hệ thống bảo tồn di tích ngoài trời tiến tới xây dựng bảo tàng Óc Eo của khu vực Nam bộ; góp phần gìn giữ chống xâm phạm hiện vật Văn hóa Óc Eo; thông qua hội thảo giáo dục truyền thống…Nội dung 5 – Tập hợp các bài viết liên quan đến sự hình thành và tiêu vong của vương quốc Phù Nam; các yếu tố văn hóa, tôn giáo Ấn Độ ảnh hưởng đến xã hội Phù Nam trong thờ cúng, xây dựng bộ máy cai trị; sự giao lưu văn hóa giữa Óc Eo với các vùng qua kỹ thuật chế tạo một số loại hình đồ trang sức; một số phong tục, tập quán của cư dân Phù Nam như vấn đề hỏa táng…                

      Nội dung 1, thể hiện qua các báo cáo của: GS. Lương Ninh; PGS.TS Nguyễn Khắc Sử – Phan Thanh Toàn; PGS. Cao Xuân Phổ; PGS. TS Tống Trung Tín – TS. Lê Thị Liên; TS. Vũ Quốc Hiền – Trương Đắc Chiến; PGS.TS Phạm Đức Mạnh – Đỗ Ngọc Chiến; Nguyễn Công Chuyên; PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Nguyễn Anh Thư; TS. Bùi Phát Diệm; TS. Đào Linh Côn; Huỳnh Anh Giới – TS. Trần Anh Dũng; ThS. Nguyễn Hồng Ân; ThS. Nguyễn Quốc Mạnh; Phạm Chí Thân; Huỳnh Phước Huệ; Trịnh Công Lý. Các bài viết đã đề cập đến những vấn đề chủ yếu như: khẳng định, Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa bản địa hình thành từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, được gọi là thời kỳ “tiền Óc Eo”. Cũng từ những phát hiện Văn hóa Óc Eo trong địa tầng khảo cổ có niên đại chính xác của 6 thế kỷ đầu Công nguyên, các nhà khoa học đi đến kết luận: Văn hóa Óc Eo có mặt ở hầu khắp Nam bộ, là nền tảng vật chất và văn hóa của Vương quốc Phù Nam.

      Xác định nền Văn hóa “tiền Óc Eo” là một thực thể có từ thế kỷ III đến thế kỷ I trước Công nguyên qua khảo sát 53 địa điểm ở An Giang và nhiều địa điểm khác ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An…bao gồm các di chỉ kiến trúc, di tồn mộ táng và di vật tiền sử…còn hiện hữu. Các nhà khoa học cũng cho rằng, An Giang là địa bàn chủ yếu có sự tiếp nối liên tục của 3 thời kỳ văn hóa: tiền Óc Eo, Óc Eo và hậu Óc Eo nhờ vào địa hình độc đáo của địa phương – vùng Bảy Núi.

      Văn hóa Óc Eo gắn liền với sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam, cũng là một thực thể tồn tại từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ thứ VII, đã có thời phát triển như là một đế chế hùng mạnh của vùng Đông Nam Á. Trong thời kỳ đó, Óc Eo – Ba Thê (An Giang)…là đầu mối thương mại biển Đông – Tây, là nơi giao tiếp của hai nền văn minh lớn khác là Ấn Độ và Trung Hoa vào thời cổ đại.

      Nội dung 2 được đề cập trong các báo cáo của PGS.TS Phạm Đức Mạnh; TS. Lê Thị Liên; ThS. Cao Kiều Thúy Linh; Nguyễn Văn Phương; Lê Thị Ái Nam; Trần Thị Thúy Phượng – Trần Thị Thanh Đào, Nguyễn Khắc Xuân Thi; Ngô Minh Trung; Lưu Văn Du; ThS. Vương Thu Hồng; Trần Thị Thanh Mai; Đặng Kim Quy; Đoàn Thế Hạnh; Huỳnh Long Phát; Nguyễn Việt Trung; Nguyễn Phương Lan.

      Về hiện trạng: Nhận thức ở các cấp chính quyền chưa đồng nhất nên chưa quan tâm đến việc cần phải có một kế hoạch khảo sát, khai quật, bảo tồn, phát huy các giá trị Văn hóa Óc Eo từ tổng thể cấp vùng đến cụ thể từng địa phương, từng di tích. Tình trạng chảy máu cổ vật Óc Eo ngày càng trầm trọng. Chưa có biện pháp kỹ thuật hiệu quả bảo vệ các bảo tàng ngoài trời tránh sự xâm hại của thời tiết; các di chỉ đào rồi lấp rất nhiều. Cơ sở hạ tầng vào khu di tích chưa được đầu tư thỏa đáng; nhiều di tích đơn điệu về hình thức bảo tồn, thiếu các công trình phụ trợ nên khó thu hút khách tham quan.

      Về giải pháp kiến nghị: Cần quản lý đầu tư theo cấp vùng, hỗ trợ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia nhiều hơn cho các di tích trong quá trình khai quật cùng các kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu, bảo quản hiện vật. Đào tạo chuyên gia nghiên cứu, thuyết minh, chuyên ngành; biên soạn các tài liệu về di tích để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục…Tăng cường công tác sưu tầm hiện vật. Thực hiện phong cách trưng bày mới theo hướng hiện đại hóa nhằm tôn vinh các hiện vật văn hóa Óc Eo trong bảo tàng thu hút khách tham quan trong và ngoài nước; quy hoạch hệ thống tuyến điểm du lịch. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học.

      Nội dung 3, trong báo cáo của mình, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng đã nhận định giá trị Văn hóa Óc Eo có thể đã đáp ứng được 02 tiêu chí của di sản thế giới, đó là tiêu chí (ii): Thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, hoặc công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan. Tiêu chí (iii): Chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác thường về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn còn sống hay đã tuyệt vong. Nhận định này đã được các nhà khoa học của các tọa đàm về “nội dung và quy trình đề cử di sản văn hóa thế giới đối với di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê” tổ chức vào năm 2018, 2021 kế thừa và Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã hoàn chỉnh báo cáo tóm tắt trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học và bổ sung tiêu chí (v): là một ví dụ nổi bật về hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những đổi thay không thể đảo ngược.Báo cáo tóm tắt đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Chính phủ cho phép gửi tới UNESCO và tổ chức này đã đưa khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới vào ngày 4/11/2022.

      Nội dung 4 được đề cập trong các báo cáo của PGS.TS Đặng Văn Thắng – Hà Kim Chi; TS. Lê Đình Phụng; TS. Đào Linh Côn; TS. Nguyễn Thị Hậu; TS. Đào Linh Côn – Nguyễn Hữu Phương; ThS. Dương Ái Dân – Ngô Huệ Cúc; Bùi Công Ba; Trần Thị Mai Lan; Nguyễn Thị Thu Hồng – Trần Thị Thy; Nguyễn Chiến; Nguyễn Hữu Phương; Hoàng Xuân Phương. Nội dung các báo cáo đề cập đến vị trí của di tích Gò Cây Tung (Thời Sơn – Tịnh Biên) là di tích có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu thời kỳ Tiền – Sơ sử ở đồng bằng sông Cửu Long vì chứa các trầm tích Văn hóa Tiền sử phong phú bậc nhất của khu vực. Đó chính là yếu tố nội lực của cư dân cổ An Giang tiếp nhận văn hóa biển, hội nhập với các vùng Nam bộ hình thành Văn hóa Óc Eo – Phù Nam.

      Xác định niên đại của cụm di tích Óc Eo – Ba Thê: từ thế kỷ II, III trước Công nguyên kéo dài đến thế kỷ XI – XII sau Công nguyên, gồm 3 giai đoạn: tiền Óc Eo (khoảng thế kỷ III trước Công nguyên – thế kỷ I sau Công nguyên), Óc Eo (thế kỷ II – thế kỷ VII sau Công nguyên) và hậu Óc Eo (thế kỷ VIII – XII).

      Chămpa và Óc Eo là 2 chỉnh thể văn hóa nhưng Chămpa còn hệ thống đền tháp, điêu khắc đá phong phú. Óc Eo hầu hết là phế tích dưới lòng đất; chế tác vàng, kim loại…Hiện vật Óc Eo nằm rải rác nên cần xây dựng một bảo tàng chuyên ngành cùng các bảo tàng tại chỗ tạo nên một hệ thống trưng bày toàn diện.

      Các di tích đang bảo tồn hầu hết là di tích kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng thuộc yếu tố ngoại sinh “thượng tầng kiến trúc”; cần quan tâm khai quật, bảo tồn các di tích mang yếu tố nội sinh “hạ tầng cơ sở” như các di tích cư trú; hội hàm Văn hóa Óc Eo nên kéo dài đến thế kỷ X.

      Bài phát biểu tổng kết hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nhận định: Văn hóa Óc Eo phân bố trên một địa bàn rất rộng, gần như có mặt ở khắp các tỉnh Nam bộ, nhưng tập trung nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên. Loại hình di tích của Văn hóa Óc Eo khá phong phú, bao gồm di tích cư trú kiến trúc tôn giáo (Hindu giáo và Phật giáo), mộ táng, đặc biệt là dấu tích của các đường nước cổ (kênh đào cổ). Đây là loại hình di tích rất độc đáo, chỉ riêng có trong Văn hóa Óc Eo. Rất tiếc là loại hình di tích cư trú chưa được quan tâm nghiên cứu thỏa đáng. Di vật được tìm thấy trong Văn hóa Óc Eo không chỉ thể hiện tính phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống con người (vật chất, tinh thần, sản xuất, buôn bán…), kỹ – mỹ thuật tinh xảo đạt ở trình độ cao (hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu, đá quý, đồ trang sức bằng vàng, bạc hoặc vàng, bạc gắn đá quý, tượng các loại…), nghề luyện kim, nấu chảy thủy tinh, đặc biệt là những hiện vật mang tính chỉ dẫn cao về xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, niên đại (như đồng tiền, minh văn, con dấu, họa tiết trên lá vàng, tượng…) được sản xuất tại chỗ hoặc nhập vào từ nước khác, thể hiện trình độ kỹ thuật, tính chuyên nghiệp cao, sự tinh tế, điêu luyện của nghề kim hoàn, sự phồn vinh của cộng đồng xã hội trong khung cảnh của khu vực thời kỳ đó.

      Quá trình phát triển và niên đại của Văn hóa Óc Eo được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Vào Hậu kỳ thời đại Đá mới – Sơ kỳ Kim khí đã có một lớp cư dân cổ cư trú trong không gian mà sau đó hình thành lớp cư dân của Văn hóa Óc Eo và muộn hơn, và ngay cả trên cánh đồng Óc Eo, đô thị – cảng thị Óc Eo đã phủ lên trên di chỉ cư trú của cư dân trước đó. Điều này được minh chứng có tính thuyết phục qua địa tầng của một số hố khai quật như ở Gò Cây Tung, Gò Tư Trâm. Địa tầng của các hố khai quật này thể hiện sự nối tiếp nhau 3 lớp cư dân: trước Óc Eo, Óc Eo và sau Óc Eo. Từ đó xuất hiện thuật ngữ: “tiền Óc Eo” – “Óc Eo” “hậu Óc Eo” được dùng khá nhiều trong các công trình nghiên cứu về Văn hóa Óc Eo.

      Việc xác định mối quan hệ có tính nguồn gốc của Văn hóa tiền Óc Eo lên Óc Eo không những được minh chứng thông qua so sánh, đối chiếu loại hình hiện vật, loại hình di tích, mà còn bằng việc nghiên cứu địa tầng các hố khai quật khảo cổ, cũng như việc xác định niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ (C14) ở một số di tích.

      Trên cơ tầng của cư dân cổ thời kỳ Hậu kỳ Đá mới – Sơ kỳ kim khí, với vị trí quan trọng và thuận lợi trên con đường giao thương Đông Nam Á, bằng tài năng, sự sáng tạo của mình và sự tiếp thu, ảnh hưởng của Văn hóa Ấn Độ và sự tăng cường giao thương của Ấn Độ, cư dân Văn hóa Óc Eo đã xây dựng Óc Eo thành một trung tâm kinh tế nông nghiệp phát triển, một nền kinh tế thịnh vượng, một nền văn hóa phát triển với trình độ văn minh cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Óc Eo cũng là đô thị đạt đến trình độ cao trong quy hoạch đô thị – cảng thị của vùng sông nước, trong tổ chức, quản lý cộng đồng; là nền tảng văn hóa vật chất của Vương quốc Phù Nam – một trong những vương quốc cổ đại ra đời sớm nhất ở Đông Nam Á, tồn tại và phát triển lâu dài nhất, là cường quốc thương nghiệp trên biển lúc bấy giờ, có mối giao thương rộng rãi với Ấn Độ, Bắc Biển Hồ, Mã Lai, Trung Hoa, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã.

      Vào cuối giai đoạn Óc Eo, trong nền văn hóa này đã xuất hiện những yếu tố văn hóa mới vào cơ tầng Văn hóa Phù Nam truyền thống. Nhưng như chính Louis Malleret từ năm 1962 đã khẳng định: “Dứt khoát bác bỏ quan điểm cho rằng, có một giai đoạn trong lịch sử phát triển của Văn hóa Óc Eo mang nhiều dấu ấn của Văn hóa cổ Khmer”.

      Quá trình suy vong của Vương quốc Phù Nam cũng được một số nhà nghiên cứu đề cập đến, thử tìm ra nguyên nhân, đó có thể là do sự di chuyển trung tâm thương mại từ cảng thị Óc Eo xuống khu vực Malacca và Sumatra ở đầu thế kỷ VII; là sự chuyển hướng buôn bán của hai thị trường lớn là Trung Hoa và Ấn Độ đến khu vực buôn bán mới này, là sự sa sút của hoạt động thủ công nghiệp và nông nghiệp một phần do mực nước biển dâng, cũng như tình hình xã hội mất ổn định, nhất là thời kỳ trị vì của ba vị vua cuối cùng của Vương quốc Phù Nam, nội bộ trong hoàng thân lục đục, sự nổi lên của các tiểu quốc phụ thuộc và kết cục là sự xâm lược của Chân Lạp.

      TÀI LIỆU DẪN

      Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (2009), Kỷ yếu hội thảo “Văn hóa Óc Eo, nhận thức và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích”.

Ban quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác