Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Công tác Thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê năm 2023

11:14 25/01/2024

 

          Thuyết minh, hướng dẫn tham quan là hình thức giáo dục cơ bản, truyền thống quan trọng của bảo tàng và di tích, nhằm giới thiệu một cách khoa học toàn diện về nội dung trưng bày của bảo tàng và di tích. Trong đó, hướng dẫn viên chính là người hướng dẫn, giải thích, tạo sự liên kết đầy đủ, chính xác giữa những tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng với những thông tin bổ ích ẩn chứa trong đó. Qua đó, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của mỗi tài liệu, hiện vật, di tích. Hướng dẫn tham quan có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục tại bảo tàng và di tích. Trong năm 2023, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã tổ chức tiếp đón khoảng 25.000 lượt khách, đông hơn gấp đôi so với những năm trước.

          1. Khái quát chung.

          Khái niệm “giảng giải” hay “thuyết minh trưng bày” được hiểu là: giảng giải trưng bày là hoạt động chủ yếu hỗ trợ khách tham quan của bảo tàng, giúp khách tham quan tiếp cận với hiện vật bảo tàng và lý giải sâu nội dung trưng bày và nắm chắc trọng điểm.

          Tham quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục bảo tàng bởi chỉ qua tham quan, người xem mới có điều kiện tiếp cận các hiện vật bảo tàng – nguồn tư liệu đầu tiên của kiến thức. Nhờ có tham quan bảo tàng người xem mới có thể nhận thức được hiện thực phản ánh trong phần trưng bày bằng cảm giác trực tiếp trước các hiện vật gốc. Hướng dẫn tham quan bảo tàng là một quy trình thì công tác thuyết minh là một công đoạn trong quy trình đó. Thuyết minh bảo tàng là phương tiện giúp người xem khám phá nội dung hiện vật.

          Tham quan có liên quan mật thiết với trưng bày của bảo tàng. Lấy việc xem tài liệu hiện vật làm cơ sở. Đặc điểm của tham quan bảo tàng là dựa trên tính vật chất và tính trực quan. Thuyết minh hướng dẫn khách tham quan là khâu cuối cùng để phát huy tác dụng của các hiện vật bảo tàng. Công tác này được tiến hành được tiến hành trên cơ sở nội dung và hiện vật trưng bày, giúp người xem tiếp thu được những di sản văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc làm cho di sản đó trở thành tài sản của người dân. Cùng với các hoạt động khác, hướng dẫn tham quan góp phần đưa bảo tàng thực sự tham gia vào cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, thực hiện việc giáo dục truyền thống cách mạng tới mọi đối tượng khách tham quan. Tuy nhiên, để làm cho nội dung trưng bày trở nên hay, hấp dẫn, thu hút người xem phụ thuộc rất nhiều vào khả năng truyền đạt của người hướng dẫn thuyết minh. Người hướng dẫn thuyết minh có khả năng truyền đạt tốt có thể giúp khách tham quan hiểu sâu thêm về hiện vật trưng bày, nắm được nội dung cơ bản, ngoài ra còn có thể tăng thêm hứng thú cho những khách tham quan không có mục đích rõ ràng, mở rộng tầm nhìn, thu thập được nhiều thông tin hơn.

Một chuyến tham quan bảo tàng là sự cảm nghiệm toàn diện tất cả các yếu tố như đường đến địa điểm tham quan, phương tiện đi lại, chỗ đậu xe, nơi để hành lý, giữ hành lý cho khách, chỗ nghỉ cho người già, thái độ tiếp đón của đội ngũ hướng dẫn…Nếu đội ngũ nhân viên thiếu chuẩn bị, trưng bày nghèo nàn, vệ sinh chưa đảm bảo, thiếu các dịch vụ…sẽ đem lại cảm giác khó chịu cho khách tham quan.

          Công tác thuyết minh cần được thực hiện bằng cách dựa vào từng nhóm đối tượng khách tham quan khác nhau. Muốn nhằm đúng đối tượng thì đòi hỏi cán bộ thuyết minh phải hiểu rõ về khách tham quan, có thể phân biệt các nhóm đối tượng để có cách thức ứng xử phù hợp, phải am hiểu nội dung trưng bày, hiện vật trưng bày và di tích, những tri thức chuyên môn liên quan; không ngừng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, năng lực ứng biến đối với nhu cầu của khách, nâng cao năng lực biểu đạt ngôn ngữ, năng lực tổ chức, biết thể hiện cảm xúc của mình phù hợp với các chủ đề trưng bày cũng như thái độ nhã nhặn lịch sự, ôn tồn dễ gần, nhiệt tình phục vụ khách của mình.

  2. Hoạt động thuyết minh và hướng dẫn khách tham quan tại Nhà trưng bày và các điểm di tích trong khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê

- Trong năm 2023, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tổ chức thực hiện 3 cuộc trưng bày cố định và lưu động. Đó là kế hoạch triển lãm chuyên đề Văn hóa Óc Eo mừng Đảng mừng xuân Quý Mão 2023 tại Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo, với tổng số 259 danh mục và 2.527 hiện vật; tổ chức trưng bày 3.900 hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo trong đợt khai quật năm 2017 – 2020 của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam để phục vụ phái đoàn ICOMOS đến khảo sát, đánh giá khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê trong việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới và trưng bày 158 hiện vật tại UBND tỉnh phục vụ hội thảo quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”. Thông qua các cuộc trưng bày này, đơn vị đã thu hút và tiếp đón, phục vụ nhiều đối tượng khách tham quan.

- Đón tiếp các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình đến ghi hình tuyên truyền và quảng bá về văn hóa Óc Eo như Báo Lao động đến ghi hình và phỏng vấn về bảo vật quốc gia tại Nhà Trưng bày với chủ đề “Mukhalinga – và 07 bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Óc Eo, An Giang; đoàn đài truyền hình tỉnh Kiên giang đến ghi hình và phỏng vấn để làm phim tư liệu tại Nhà Trưng bày; đoàn công ty du lịch Chất Lượng Việt; đoàn Báo An Giang đến ghi hình và đưa tin việc ứng dụng mã QR trong thuyết minh di tích và hiện vật; tiếp đón và hỗ trợ nghiệp vụ cho ekip quay chương trình “Việt Nam Mến Yêu” tại Nhà trưng bày và các điểm di tích; hỗ trợ cho đoàn Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam về việc quay phim chụp ảnh số hóa 3D…

- Tiếp đón các đoàn nghiên cứu: đoàn Di sản Văn hoá Quốc gia Wanju Hàn Quốc; đoàn Viện Hạt nhân Đà lạt, Trung tâm Khảo cổ học, và trường Đại học Văn Hiến đến tham quan và làm việc với cơ quan về việc lấy con chíp đo niên đại trong kiến trúc gạch; đoàn Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam khảo sát tại 05 điểm Di tích (Gò Cây Thị, Gò Út Trạnh, Chùa Linh Sơn, Nam Linh Sơn Tự, Gò Sáu Thuận), Nhà Trưng bày và nhà kho hiện vật về việc xây dựng hồ sơ di sản; Tiếp Ðoàn nghiên cứu di sản Quốc tế (Nhật) cùng Viện KHXH Vùng Nam Bộ về di tích Óc Eo – Ba Thê; Tiếp đón và thuyết minh cho phái đoàn ICOMOS từ ngày 7 đến 11/11 tại Nhà trưng bày và 11 điểm di tích (Gò Óc Eo, Gò Cây Thị A, Gò Cây Thị B, Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm, Lung Lớn, Gò Út Trạnh, Linh Sơn Nam, Linh Sơn Bắc, Chùa Linh Sơn, Gò Sáu Thuận).

Phái đoàn ICOMOS khảo sát tại di tích Linh Sơn Bắc

          - Đón tiếp các đoàn khách là các nhà quản lý Trung ương như đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương, đoàn Tạp chí Cộng sản đến khảo sát khu di tích Óc Eo – Ba Thê

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương tham quan di tích Gò Út Trạnh

          - Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã bố trí 2 cán bộ thuyết minh trực trong ngày và phục vụ từ thứ 3 đến chủ nhật. Nhờ vậy đã đáp ứng được nhu cầu cần được thuyết minh của khách tham quan. Số lượng khách tập trung đông nhất vào tháng 3 và tháng 11, đối tượng khách có số lượng đông nhất là các học viên, sinh viên và học sinh. Tiêu biểu là các học viên lớp cao cấp chính trị của Học viện chính trị khu vực I (Hà Nội); trường cao đẳng du lịch Cần Thơ, trường Đại học An Giang…; học sinh trường Phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học và các em nhỏ đang học trường mẫu giáo. Ngoài ra còn phục vụ đoàn khách là các vị chức sắc có uy tín tại các bản làng ở tỉnh Lâm Đồng…

Sinh viên tham quan tại di tích Gò Cây Thị

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, đơn vị còn gặp một số khó khăn, hạn chế như đội ngũ cán bộ thuyết minh còn mỏng và hoạt động kiêm nhiệm; một số thuyết minh viên chưa đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu chuyên môn nhiều; trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

          3. Giải pháp hoạt động trong thời gian tới

          Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thuyết minh là điều rất cần thiết để nâng tầm thuyết minh viên. Thuyết minh viên cần tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí để thu hút khách tham quan, nhất là các bạn học sinh, sinh viên tham quan, trải nghiệm và học tập tại bảo tàng và di tích.

          Hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào giáo dục xã hội của bảo tàng ngày càng trở nên phổ biến, đó là ứng dụng thuyết minh tự động bằng mã QR, khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR đặt tại phòng trưng bày bảo tàng và các điểm di tích là có thể đọc, xem, nghe thuyết minh với những thông tin đầy đủ và đa dạng. Tuy nhiên, sự giao lưu tình cảm được tạo lập giữa việc thuyết minh trực tiếp bằng miệng với du khách trong quá trình phân biệt từng nhóm đối tượng khách tham quan để có cách ứng xử phù hợp thì bất kỳ phương tiện thuyết minh nào cũng không thể thay thế được. Chính vì vậy, đội ngũ hướng dẫn khách tham quan Bảo tàng và di tích cần không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội. Tự giác nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng cho mình các giải pháp hữu hiệu, khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công tác giáo dục và phục vụ xã hội của bảo tàng và di tích.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác