Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
11:24 25/01/2024
Văn hóa Óc Eo là văn hóa khảo cổ được đặt tên theo địa danh Óc Eo thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Di tích được phát hiện năm 1942 và được Malleret – một học giả người Pháp khai quật lần đầu tiên và đặt tên vào năm 1944. Nền văn hóa này được hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Trước đó, vào thế kỷ XIX, những hiện vật trôi nổi của nền văn hóa đã được giới nghiên cứu chú ý đến. Qua những hiện vật văn hóa Óc Eo, nhiều người đã liên hệ đến vương quốc Phù Nam được ghi chép trong các thư tịch cổ, trong minh văn trên bia kí, trên các bệ thờ bằng đá. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dựa vào các kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài với những tác động của chiến tranh, thiên tai và con người, không ít những di sản văn hóa Óc Eo bị chôn vùi dưới lòng đất. Vấn đề bảo vệ, quản lý những di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia được chú ý; đặc biệt là việc trưng bày, diễn giải, kể các câu chuyện về hiện vật khảo cổ một cách khoa học là công việc khá lý thú nhưng cũng đầy thử thách.
Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo là một bộ phận thuộc quản lý của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang, nơi trưng bày hàng nghìn hiện vật văn hóa Óc Eo tìm được tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và nhiều nơi khác trong tỉnh An Giang. Nhà trưng bày giới thiệu những nét đặc trưng chung nhất của văn hóa Óc Eo Nam Bộ và những nét văn hóa đặc sắc của Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, vốn nơi được nhiều nhà khoa học đánh giá là chốn đô hội, là đô thị cổ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thương mại thời cổ và là cơ sở vật chất của vương quốc Phù Nam. Ngoài ra, trong khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê có nhiều điểm di tích đã được khai quật và đưa vào phục vụ khách tham quan. Đây là cơ sở thuận lợi cho việc tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống dành cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.
I. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Một số khái niệm
*Định nghĩa bảo tàng của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (viết tắt là ICOM): Từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2022, các chuyên gia bảo tàng của ICOM đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận để xây dựng định nghĩa mới. Tháng 8/2022 tại Đại Hội đồng ICOM họp ở Praha, Cộng hòa Séc, một định nghĩa bảo tàng mới được thông qua:
“Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên, phục
vụ xã hội. Bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, diễn giải và trưng bày các di
sản vật thể và phi vật thể. Bảo tàng mở cửa cho mọi công chúng có thể tiếp cận
và bình đẳng. Bảo tàng củng cố sự đa dạng và bền vững. Bảo tàng vận hành, giao
tiếp một cách đạo đức, chuyên nghiệp với sự tham gia của cộng đồng, tạo cơ hội
cho những trải nghiệm phong phú để giáo dục, thưởng thức, suy ngẫm và chia sẻ
tri thức.
*Định nghĩa Bảo tàng của Việt Nam
- Luật di sản văn hóa 2001 định nghĩa: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục phụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”[1].
- Năm 2014 Cục Di sản văn hóa sửa và đưa ra định nghĩa khác: bảo tàng là “Thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng” (TCVN 2014).
* Giáo dục di sản: là phương pháp giảng dạy được xây dựng dựa vào di sản văn hóa, kết hợp với cách thức giáo dục năng động, thông qua những trải nghiệm trực tiếp nhằm mục đích nâng cao nhận thức về di sản, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa di sản với công chúng, nâng cao trách nhiệm của công chúng / cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản quý giá của dân tộc.
* Giáo dục bảo tàng: là sự phát huy kiến thức khởi nguồn từ bảo tàng nhằm mục đích phát triển, hoàn thiện các cá nhân thông qua việc tiếp nhận tri thức, sự phát triển những tri giác mới và thực hành những trải nghiệm mới; là giáo dục bảo tàng không thông qua phương tiện mà là giáo dục trực tiếp / trực quan từ những hiện vật, tài liệu gốc của bảo tàng.
* Giáo dục di sản dành cho học sinh là phương pháp giảng dạy được xây dựng dựa vào di sản văn hóa, kết hợp với cách thức giáo dục năng động, thông qua những trải nghiệm trực tiếp nhằm mục đích xây dựng, nâng cao nhận thức về di sản, góp phần tăng cường mối liên kết, quan hệ chặt chẽ giữa di sản với học sinh, nhà trường, gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản quý giá của dân tộc.
Thông qua các chương trình giáo dục di sản, trong suốt quá trình học tập trải nghiệm, học sinh được chủ động tham gia vào việc đặt ra câu hỏi, khám phá, thử nghiệm, mong muốn được tìm hiểu giải quyết vấn đề, chịu trách nhiệm, sáng tạo và hình thành, tiếp thu kiến thức mới để rồi thêm hiểu, thêm yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Việc áp dụng kết hợp các phương pháp giáo dục năng động thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác, trò chơi…giúp học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng như: quan sát, khám phá, đặt, trả lời câu hỏi, miêu tả, đánh giá, phản biện, thuyết trình, thể hiện bản thân, năng khiếu, làm việc nhóm…
* Tài liệu giáo dục: là các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung học tập, khám phá tải nghiệm (catalo về hiện vật, sưu tập hiện vật; sách hướng dẫn dành cho trẻ em; phiếu câu hỏi…); là công cụ giúp công chúng ở mọi lứa tuổi có thể tự khám phá, tìm hiểu bảo tàng / hiện vật bảo tàng ở những thời điểm khác nhau và những địa điểm khác nhau.
* Trải nghiệm: Là tiến trình / quá trình hoạt động năng động để thu thập kinh nghiệm; là sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của công chúng vào các hoạt động, trò chơi mà bảo tàng tổ chức. Trải n ghiệm sẽ được hình thành thông qua các hoạt động, sự kiện mà công chúng, khách tham quan tham gia tại bảo tàng.
* Tương tác: là sự tác động qua lại lẫn nhau, sự tham gia của từng cá nhân vào những hoạt động do bảo tàng tổ chức trong những bối cảnh không gian, thời gian khác nhau; là hoạt động mang tính thể chất của con người, kích thích sự hoạt động của giác quan, kích thích khách tham quan tìm hiểu sâu hơn về hiện vật, nội dung trưng bày.
2. Chức năng giáo dục của bảo tàng
Chức năng giáo dục của bảo tàng là trải nghiệm giáo dục là những hoạt động có thể bao gồm: trải nghiệm cảm giác phong phú, mới lạ, ngạc nhiên, mê hoặc, hoài cổ, tham gia và tự do khám phá thông tin ở nhiều cấp độ khác nhau.
Mục tiêu chính của giáo dục bảo tàng là thu hút khách tham quan vào những trải nghiệm học tập để nâng cao sự tò mò và hứng thú đối với các hiện vật và sưu tập hiện vật của bảo tàng. Giáo dục trong bảo tàng là: suốt đời, chủ động, sinh động, khuyến khích mọi người tham gia và sáng tạo”
3. Đặc điểm của giáo dục bảo tàng
Giáo dục trong bảo tàng là giáo dục trực tiếp từ di sản văn hóa – những hiện vật, tài liệu gốc.
- Giáo dục của bảo tàng là một hoạt động khoa học. Mọi hoạt động tuyên truyền hay giáo dục đều phải bắt đầu và dựa vào kết quả trưng bày, mỗi một trưng bày đều là một hay nhiều công trình nghiên cứu khoa học, được phản ánh qua việc lựa chọn bố cục và trình bày các hiện vật, các sưu tập hiện vật gốc và các tài liệu trưng bày. Giáo dục của bảo tàng là một hoạt động khoa học có yếu tố đặc thù. Đó chính là phương pháp giáo dục trải nghiệm, tự cảm nhận, chủ động về nhận thức, định hướng cho tư duy về khoa học, đời sống xã hội, tự nhiên và con người.
- Công tác giáo dục của bảo tàng còn có một đặc điểm rất căn bản, khác các lĩnh vực khác đó là trực quan sinh động. Nghĩa là không thông qua phương tiện, hơn nữa những thông tin tiếp nhận được đều là những thông tin gốc, những tri thức gốc về sự kiện, hiện tượng được thông qua hiện vật bảo tàng. Hiện vật gốc trong bảo tàng là những bằng chứng vật chất chứa đựng các thông tin lịch sử, văn hóa và khoa học, trực tiếp thể hiện trước mặt người xem có sức truyền cảm mạnh mẽ làm cho người xem có ấn tượng sâu sắc, sinh động và cụ thể, tăng cường sự ghi nhớ, thúc đẩy tư duy và nhận thức của người xem. Yếu tố trực quan sinh động trong giáo dục của bảo tàng là một yếu tố đủ và giàu tính sáng tạo. Bảo tàng học phát huy yếu tố này để giúp người xem trải nghiệm.
Công tác giáo dục của bảo tàng còn có đặc điểm khá riêng biệt nữa là yếu tố gợi mở và liên hệ. Công chúng đến bảo tàng để nghiên cứu, để bổ sung những vấn đề, những tri thức cần thiết. Mặt khác, công tác giáo dục khuyến khích mọi người cùng tham gia vào quá trình khai thác, khám phá các thông tin, các tri thức từ hiện vật của bảo tàng.
Thông tư số 18-2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng Việt Nam nêu rõ tại Điều 10: Hoạt động giáo dục bảo tàng bao gồm: hướng dẫn tham quan; tổ chức chương trình giáo dục; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.
Cũng theo Thông tư 18, Chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC TẠI BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo được UBND tỉnh An Giang ký quyết định thành lập vào năm 2013, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu đến công chúng những hiện vật văn hóa Óc Eo ở An Giang và những tư liệu văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ. Vì thế, để truyền tải những nhiệm vụ trọng tâm trên thì công tác giáo dục tại Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo trong những năm qua luôn được đơn vị quan tâm và đầu tư, có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng.
Hoạt động đầu tiên của công tác giáo dục tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo là hướng dẫn tham quan. Đây là hoạt động không chỉ đơn thuần là cung cấp cho công chúng những bài “thuyết minh”, “giới thiệu” một chiều mà phải có sự thay đổi như lồng ghép vào trong nội dung thuyết minh là những câu chuyện kể về hiện vật, tài liệu hay hình ảnh trưng bày nhằm thu hút sự tò mò, hứng thú của khách tham quan, nhưng vẫn đảm bảo chức năng giáo dục, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đội ngũ viên chức làm công tác hướng dẫn, thuyết minh của Ban Quản lý thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức lịch sử văn hóa, nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn và hướng đến chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, hình thức hướng dẫn tham quan cần có sự tương tác với công chúng, tạo cho công chúng cơ hội được học tập, nghiên cứu, giải trí, hưởng thụ văn hóa và các thành quả khác trong bảo tàng một cách cởi mở, hai chiều.
Ngoài công tác hướng dẫn khách tham quan trên hệ thống Nhà trưng bày và các điểm di tích, trong những năm qua, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích mang lại hiệu quả nhất định trong việc đưa bảo tàng đến với công chúng như “triển lãm trực tuyến văn hóa Óc Eo” năm 2021; phối hợp với Hội văn học nghệ thuật huyện Thoại Sơn tổ chức cuộc thi “Vẽ tranh về văn hóa Óc Eo”. Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng nhiều chương trình giáo dục mới, sinh động, hấp dẫn như: “Em làm nhà khảo cổ” (2017), “Em làm thuyết minh viên” (2018), “Vui hè văn hóa Óc Eo” (2019). Đây là hình thức vừa học vừa chơi, giúp người tham gia vừa tìm hiểu kiến thức về văn hóa Óc Eo qua các nội dung trưng bày hay các phim tư liệu, vừa tham gia các trò chơi vận động đa dạng tạo sự phấn khởi cho người tham gia.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản: Thời gian 2020, 2021 do dịch nên không tổ chức các hoạt động này. Năm 2022, đơn vị đã tổ chức 04 đợt tuyên truyền tại các trường trung học phổ thông và 08 đợt trải nghiệm thực tế tại Nhà trưng bày và các điểm di tích (Gò Cây Thị, Nam Linh Sơn tự, Chùa Linh Sơn) với tổng số học sinh tham gia hơn 1.160 lượt học sinh; năm 2023, đơn vị tổ chức 34 đợt tuyên truyền và thu hút 1.667 lượt các em học sinh tham gia.
Học sinh tiểu học tham gia chương trình giáo dục “Em làm nhà khảo cổ năm 2023” |
Các hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản các ấn phẩm được thực hiện từ năm 2016 cho đến nay. Các hội thảo khoa học đã được tổ chức như: “Giá trị Di sản văn hóa Óc Eo - An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội” (2016); “Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê thành trọng điểm du lịch của tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2025” (2018); “Bảo tồn Di tích và Di vật Văn hóa Óc Eo Nam Bộ” (2019); tọa đàm khoa học “Nội dung và quy trình đề cử di sản văn hóa thế giới đối với di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê”… Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cũng đã phối hợp với các các cá nhân và tổ chức xuất bản và phát hành 15 đầu sách, cụ thể như năm 2016, Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo phối hợp với viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xuất bản sách “Di sản văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang”. Năm 2019 và năm 2020, phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh xuất bản sách “Di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo trên đất An Giang” do PGS.TS Phạm Đức Mạnh (chủ biên) và sách “Na Phật Na - kinh đô đầu tiên và cuối cùng” của PGS.TS Đặng Văn Thắng (chủ biên). Cũng trong năm 2020, đơn vị hợp tác với EFEO TP. Hồ Chí Minh hoàn thành xuất bản sách “Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông” tập 2…
Thiếu tá Lã Thanh Phương giới thiệu Chuyên đề Giáo dục kỹ năng sống: sử dụng mạng an toàn và thông minh, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng (Ảnh:Kim Thu) |
Ra đời từ năm 2018, trang thông tin điện tử (website) của Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã trở thành kênh tuyên tuyền có hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo.
Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thông qua Nhà trưng bày đang từng bước khẳng định hình ảnh của chính mình để công chúng biết nhiều hơn, đến gần hơn với những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề An Giang tham quan Nhà trưng bày và Di tích Linh Sơn Nam (Ảnh: Lê Hậu) |
Sinh viên trường Cao đẳng nghề An Giang tham quan Nhà trưng bày và Di tích Linh Sơn Nam (Ảnh: Lê Hậu) |
III. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Công tác giáo dục tại Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo từ năm 2016 đến nay đã được đầu tư và thực hiện đạt hiệu quả nổi bật, tiêu biểu phải kể đến các chương trình: “Em là nhà khảo cổ”; “Em là thuyết minh viên”; hay các chủ đề giới thiệu về “Bảo vật quốc gia”; “Luật di sản văn hóa Việt Nam”. Chương trình được thực hiện với nhiều hình thức sáng tạo và năng động thông qua trình chiếu Powerpoint; video clip phóng sự; thuyết trình theo chuyên đề. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động giáo dục di sản đã bị gián đoạn và nhiều chương trình không duy trì được lâu theo kế hoạch ban đầu, một trong các nguyên nhân đó là do cách thức và nội dung thực hiện còn mang tính phổ quát chưa đi vào chi tiết từng chủ đề riêng làm cho hiệu quả chương trình không đạt được kết quả như hoạch định. Mặt khác, do một số cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu và kinh phí còn hạn hẹp.
Ngày nay với hướng đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động bảo tàng thì hoạt động của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo phải tự đổi mới, để bắt kịp với thị hiếu ngày càng cao của công chúng. Bên cạnh việc luôn đổi mới nội dung và hình thức trưng bày để thu hút khách tham quan, đội ngũ viên chức làm công tác giáo dục cần nghiên cứu, xây dựng các hình thức hướng dẫn tham quan, chương trình giáo dục mang tính tương tác, trải nghiệm để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu sâu về văn hóa Óc Eo cũng như hưởng thụ văn hóa của khách tham quan.
Tuyên truyền, giáo dục là chức năng cơ bản và quan trọng của bảo tàng và di tích. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi nguồn nhân lực của Ban Quản lý Di tích, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phục vụ khách tham quan phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động…Trong đó hướng tới các giải pháp quan trọng sau:
1/ Tiếp tục thực hiện đổi mới thường xuyên công tác trưng bày
Đổi mới trưng bày 6 tháng hoặc 1 năm gắn với ngày lễ lớn của đất nước hoặc sự kiện tại địa phương. Việc đổi mới xuất phát từ những lý do căn bản như từ nhu cầu bảo quản hiện vật trưng bày: thiết bị trưng bày xuống cấp, lạc hậu và không đảm bảo kiểm soát tốt môi trường trưng bày nhằm thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của việc bảo quản hiện vật trưng bày; từ kết quả các nghiên cứu mới liên quan: nội dung trưng bày hiện tại cần được bổ sung, điều chỉnh hoặc đính chính; căn cứ từ các kết quả nghiên cứu mới, các phát hiện khoa học mới, từ mong muốn tìm hiểu của khách tham quan, từ yêu cầu tăng cường phối hợp với cộng đồng để phù hợp với xu hướng mới của bảo tàng quốc tế. Mặt khác, công tác trưng bày tất yếu phải đổi mới do từ yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ: công nghệ thông tin là một phương thức hữu hiệu cho bảo tàng chuyển tải các thông điệp của mình. Đặc biệt, trưng bày bảo tàng với các trải nghiệm công nghệ mới sẽ thu hút giới trẻ, học sinh tìm hiểu nội dung trưng bày.
Mặt khác theo định nghĩa mới của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) năm 2022 Bảo tàng là một “tổ chức thường trực và phi lợi nhuận phục vụ lợi ích xã hội, đồng thời là nơi nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, diễn giải và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể”.
Với định nghĩa mới, ICOM nhấn mạnh bảo tàng là nơi rộng mở với công chúng, có tính chất dễ tiếp cận và hòa nhập, giúp thúc đẩy sự đa dạng và bền vững. Các bảo tàng hoạt động và tương tác với công chúng theo chuẩn mực đạo đức, đảm bảo chuyên nghiệp và bao gồm sự tham gia của cộng đồng, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho giáo dục, việc thưởng thức, thẩm định và chia sẻ kiến thức. Định nghĩa mới phản ánh một số thay đổi lớn trong vai trò của các bảo tàng, trong đó thừa nhận “tầm quan trọng của tính toàn diện, sự tham gia của cộng đồng và tính bền vững”. Như vậy, bảo tàng và các hoạt động của bảo tàng bắt buộc phải thay đổi theo hướng mở hơn, có sự tham gia của cộng đồng và lấy công chúng, du khách làm trung tâm.
2/ Đổi mới hoạt động hướng dẫn tham quan
Về hình thức tham quan, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo sẽ phối hợp cụ thể với các trường, chia nhỏ số lượng học sinh khi đến tham quan. Các trường học thường tổ chức cho học sinh đi tham quan học tập với số lượng quá đông và đi tập trung trong một buổi, hình thức phổ biến vẫn là hướng dẫn khái quát toàn bộ nội dung hệ thống trưng bày cho học sinh…Trên thực tế, khi tham quan cả hệ thống trưng bày với một thời gian quy định, rất dễ làm cho các em mệt mỏi, không tập trung để lĩnh hội những thông tin văn hóa, lịch sử, do vậy, kết quả thu được sẽ bị hạn chế. Hơn nữa, mặc dù đã được phổ biến về mục đích yêu cầu của buổi tham quan, học tập nhưng đôi khi các em vẫn còn có tâm lý coi buổi tham quan mang tính chất ép buộc nên hiệu quả tác động nhận thức chưa cao. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa những người làm công tác giáo dục trong bảo tàng với giáo viên, cần có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc giữa nội dung chương trình học của nhà trường với nội dung trong trưng bày, đưa ra những đánh giá khái quát như: nội dung chính của trưng bày, những thông tin cơ bản giúp giáo viên chuẩn bị cho chuyến tham quan, bao gồm những thông tin khái quát, kỹ năng quan sát hiện vật và kỹ năng kết nối thông tin, các hoạt động của giáo viên với học sinh trước – trong – sau khi xem trưng bày, trong đó có nhiều câu hỏi thảo luận,…
Trong quá trình diễn ra hoạt động trải nghiệm (đặc biệt dưới hình thức các trò chơi, cuộc thi…) cần tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn, khích lệ, động viên, lôi kéo và tạo cơ hội cho mọi học sinh được tham gia, không tập trung vào một số em.
Ngoài ra, Ban Quản lý cần tạo không gian văn hóa thích hợp để học sinh được tham gia hoạt động sáng tạo, tương tác, trải nghiệm; xây dựng đội ngũ cộng tác viên là giáo viên, sinh viên; tăng cường quảng bá bảo tàng qua các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ 4.0; “liên kết giáo dục cộng đồng” là định hướng và cũng là giải pháp nhằm không ngừng đổi mới công tác giáo dục của các bảo tàng.
3/ Nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp
- Nghiên cứu bộ công cụ giáo dục gồm 18 phương pháp/ kỹ thuật trong giáo dục bảo tàng và di sản do Hiệp hội Bảo tàng Thế giới ấn hành năm 2017, để lựa chọn các phương pháp phù hợp với đặc thù của đơn vị.
- Nghiên cứu nội dung sách giáo khoa của các lớp học các cấp để tìm mối liên hệ giữa tri thức khoa học tự nhiên – xã hội và tri thức của hiện vật.
- Các chương trình giáo dục cần thiết kế gọn, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng công chúng, xây dựng ngân hàng câu hỏi, các hoạt động của trò chơi vận động phong phú, thu hút. Xác định những điểm ưu tiên về chương trình giáo dục từ đó xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo từng đối tượng công chúng. Bên cạnh đó, sau mỗi chương trình giáo dục được thực hiện cần có những đánh giá về chương trình có phù hợp với mục tiêu đề ra hay không, có đáp ứng được nhu cầu mong đợi của công chúng hay chưa? Từ đó rút ra những kinh nghiệm và cách thức phát triển những chương trình giáo dục mới trong tương lai. Ngoài ra, đơn vị cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, trong việc phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục để các bên tham gia cùng chia sẻ kinh phí thực hiện.
4/ Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục
Bên cạnh các hoạt động giáo dục mang tính truyền thống, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo nghiên cứu giải pháp tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục như: tổ chức các buổi tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày; tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về văn hóa Óc Eo…Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng phòng khám phá góp phần thỏa mãn sự tò mò, sáng tạo cho khách tham quan cũng là điều cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung.
5/ Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nhà trưng bày và các điểm di tích
Thiết kế các loại tờ gấp, catalogue giới thiệu về Nhà trưng bày và hệ thống trưng bày thường xuyên; thiết kế sản phẩm lưu niệm; xuất bản ấn phẩm, sách về các sưu tập hiện vật tiêu biểu của bảo tàng…
Tăng cường tuyên truyền trên website của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, đầu tư thay đổi giao diện, nội dung thường xuyên nhằm tạo sự hấp dẫn, mới lạ. Ngoài ra, việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đơn vị là rất cần thiết. Thông qua các trang mạng xã hội, bảo tàng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.
Tóm lại, công tác giáo dục thông qua di sản văn hóa Óc Eo có ý nghĩa lớn đối với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng trên đất nước Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục phục vụ công chúng trong tình hình mới, đề tài đã đưa ra một số các giải pháp và kiến nghị có tính chất căn bản và cập nhật với xu hướng phát triển của thế giới. Bảo tàng hay Nhà trưng bày bắt buộc phải thay đổi theo hướng mở hơn, có sự tham gia của cộng đồng và lấy công chúng, du khách làm trung tâm. Sức mạnh của mỗi bảo tàng chính là sự khác biệt, là cách khai thác các thông điệp của tiền nhân thông qua các hiện vật. Công tác giáo dục của các bảo tàng nói chung, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo nói riêng chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có một hệ thống trưng bày hoàn thiện, đa dạng, hấp dẫn, thể hiện được bản sắc độc đáo của riêng mình; một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có lòng yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết với công việc; đa dạng hóa các hình thức hoạt động…Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì trong thời gian tới công tác giáo dục cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo sẽ thu được kết quả, thành công, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước./.
(Chú thích "1" Luật Di sản văn hóa (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr.33.)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục di sản văn hóa (2023), tài liệu tập huấn lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa (năm thứ nhất: 2022-2023).
2. Thông tư 18, ngày 31/12/2010 Quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng
3. Vương Hoằng Quân (Chủ biên) (2008), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang