Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ TRƯNG BÀY HIỆN VẬT XỨNG TẦM VỚI BẢO TÀNG VĂN HÓA ÓC EO

11:34 25/01/2024

 

Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo trải qua hơn 7 năm xây dựng và phát triển đã có một cơ sở vật chất tương đối khang trang. Nội dung trưng bày thường xuyên được đổi mới qua các năm, tư liệu hiện vật ngày càng được bổ sung phong phú, phản ánh sinh động giá trị to lớn của văn hóa Óc Eo ở khu di tích Óc Eo– Ba Thê. Các khâu nghiệp vụ Bảo tàng như nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản, hướng dẫn khách tham quan từng bước đi vào hoạt động ổn định đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn, Bảo Tàng. Trình độ của đội ngũ cán bộ viên chức từng bước được nâng lên, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học.

Hiện nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đang lưu giữ khoảng 4.000 hiện vật tiêu biểu và hàng triệu hiện vật khác thu thập được qua các cuộc khảo sát, sưu tầm, vận động nhân dân hiến tặng, khai quật khảo cổ, chuyển nhượng…Năm 2023, đơn vị đã tiếp đón và phục vụ hơn 10.000 khách tham quan Nhà trưng bày.

Chuyên gia của Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) khảo sát công tác trưng bày 2023

Tuy nhiên, so với các thiết chế Bảo Tàng khác, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo ra đời sau và quy mô nhỏ chưa thực sự trở thành 1 Bảo Tàng chuyên ngành đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo – Ba Thê nói riêng, văn hóa Óc Eo An Giang nói chung. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày các tư liệu, hiện vật gốc liên quan đến văn hóa Óc Eo gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân:

Một là: Những hiện vật thu thập được qua Đề án khai quật khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa 2017-2020 chưa được chỉnh lý khoa học cho nên chưa có nhiều thông tin phục vụ công tác trưng bày, quảng bá

Hai là:  Đội ngũ viên chức phải kiêm nhiệm nhiều công tác, làm cho các hoạt động nghiệp vụ chưa thực sự đi vào hoạt động chuyên nghiệp. Trình độ của đội ngũ cán bộ viên chức không đồng đều về chuyên môn dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác phối hợp để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn, bảo tàng.

Tủ trưng bày chủ đề Tín ngưỡng, tôn giáo trong Văn hóa Óc Eo

 

Để giải quyết vấn đề nêu trên cần một số giải pháp nhằm từng bước đưa các hoạt động chiều sâu đáp ứng yêu cầu của việc nâng cấp từ nhà Trưng bày trở thành Bảo tàng văn hóa Óc Eo.

- Thứ nhất: Hoàn thiện nội dung trưng bày bảo tàng: trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề. Nghiệp vụ chuyên môn phải có chất lượng, đồng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của viên chức làm công tác bảo tàng phải được đặt lên hàng đầu (nâng cao ý thức trách nhiệm).

- Thứ hai: Đổi mới hoạt động trưng bày: không chỉ trưng bày theo di chỉ khảo cổ mà trưng bày tổng hợp theo không gian địa lý nhân văn.

- Thứ ba: Xây dựng kế hoạch sưu tầm chi tiết, phù hợp với nội dung trưng bày. Ngoài việc thực hiện điều tra, khảo sát, thám sát, khai quật hàng năm, việc tiếp tục vận động nhân dân hiến tặng hiện vật là nhiệm vụ thường xuyên để có thêm nguồn hiện vật có giá trị cho Bảo tàng.

- Thứ tư: Đẩy mạnh công tác kiểm kê tài liệu, hiện vật. Bởi vì đối với bất kỳ một Bảo tàng hay Di tích nào thì hiệu quả công tác sưu tầm không chỉ được tính bằng số lượng mà còn tính bằng kết quả của công tác xác minh, xây dựng hồ sơ cho hiện vật sưu tầm. Hồ sơ được ghi chép càng đầy đủ bao nhiêu thì càng nâng cao giá trị và ý nghĩa của hiện vật bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm do yếu tố khách quan hay chủ quan mà nội dung ghi chép chưa được đầy đủ, một số thông tin chưa rõ ràng, có những hiện vật chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Để nâng cao chất lượng công tác sưu tầm thì phải cần thường xuyên nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ cho tài liệu, hiện vật sao cho nội dung thông tin liên quan càng chính xác, càng rõ ràng thì tài liệu, hiện vật càng có giá trị.

- Thứ năm: Đổi mới hướng dẫn tham quan, hội nhập ứng dụng khoa học công nghệ vào thuyết minh, dịch ra nhiều thứ tiếng, trang bị máy nghe thuyết minh cá nhân để khách tham quan tự bấm máy nghe mà không ảnh hưởng đến người xung quanh.

- Thứ sáu: Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục: tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày Bảo tàng, tổ chức chiếu phim tư liệu. Công tác xây dựng phòng khám phá, Bảo tàng ảo cần hướng đến để phù hợp xu thế phát triển chung.

Tủ trưng bày Chủ đề: Nghề thủ công trong Văn hóa Óc Eo

         Tóm lại, trong những năm qua, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo đã tổ chức trưng bày các bộ sưu tập tư liệu, hiện vật. Qua việc trưng bày giới thiệu này Nhà trưng bày đã thu được nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể là quảng bá cho đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước về văn hóa Óc Eo, góp phần nâng cao vị thế của đơn vị trong quá trình hội nhập và phát triển. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, nội dung, hình thức của các tư liệu hiện vật góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của họ trong việc giữ gìn các di sản văn hóa. Nhà trưng bày hiện nay đang hướng đến nâng cấp trở thành Bảo tàng văn hóa Óc Eo trong tương lai đáp ứng yêu cầu xây dựng hồ sơ khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản thế giới./. 

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác