Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
02:21 11/01/2024
Với những nét đặc sắc và bí ẩn khó cưỡng của các di tích trong khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh; Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, cùng sự hỗ trợ và kết nối của một số tổ chức quốc tế, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã nỗ lực, chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê với tổng kinh phí hàng tỷ đồng do các đối tác tài trợ từ năm 2018 cho đến nay.
Với đặc điểm nổi bật của khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê: là nơi đầu tiên nhà khảo cổ học Louis Malleret khai quật (1944) và lấy tên của một di tích để đặt tên cho một nền văn hóa cổ ở Nam bộ đó là Văn hóa Óc Eo. Đồng thời, qua quá trình 80 năm khai quật và nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định khu di tích xưa kia là một cảng thị, đô thị có vị trí quan trọng hàng đầu của vương quốc Phù Nam. Gần đây, năm 2021 khu di tích đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới. Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê mang trong mình những lợi thế riêng về di sản vật thể Văn hóa Óc Eo.
1. Những kết quả đạt được
Hoạt động hợp tác quốc tế bắt đầu diễn ra vào năm 2018, theo đó Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã phối hợp với Viện nghiên cứu di sản văn hóa Daehan (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai chương trình khai quật di tích Gò Cây Trâm, phía đối tác đã tài trợ 700 triệu đồng cho dự án này. Kết quả phát hiện những di tích và hiện vật có giá trị, cung cấp thêm nhiều thành tựu nghiên cứu mới cho khu di tích Óc Eo – Ba Thê. đây cũng là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị chuyên môn phối hợp, hợp tác với phía bạn trong hoạt động nghiên cứu khảo cổ, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê trong những năm tiếp theo.
Trong những năm 2019, 2020 đơn vị tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc tổ chức 02 cuộc triển lãm quốc tế tại Hàn Quốc nhằm quảng bá di sản văn hóa Óc Eo, với số lượng hiện vật trưng bày là 12.715 hiện vật. Trưng bày tại Bảo tàng Baekje từ 21/12/2019 đến 15/03/2020 (số lượng khách trong nước (Hàn Quốc) và quốc tế tham quan là 65.405); trưng bày tại viện Nghiên cứu hàng hải quốc gia từ ngày 21/04 đến 28/06/2020 (số lượng khách trong nước (Hàn Quốc) và quốc tế tham quan trực tiếp là 7.957 lượt người, số lượt tham quan trực tuyến là 34.214 lượt). Tổng kinh phí tổ chức triển lãm quốc tế là: 13.200.000.000 VNĐ (Mười ba tỷ, hai trăm triệu đồng) do phía Hàn Quốc tài trợ 100%.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, việc hợp tác quốc tế bị gián đoạn một thời gian. Cho đến cuối năm 2022, các chương trình đã được khởi động trở lại với nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác. Cụ thể, ngày 20/12/2022, đơn vị đã phối hợp với Viện nghiên cứu di sản văn hóa Daehan và JoeSon ký kết hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2022-2027. Nội dung của bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu quốc tế về di sản văn hóa Óc Eo Việt Nam – Hàn Quốc gồm có: Nghiên cứu di chỉ văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang, Việt Nam; xuất bản báo cáo nghiên cứu, bài báo và sách văn hóa Óc Eo. Lĩnh vực nghiên cứu chính của chương trình là khảo cổ học về văn hóa Óc Eo; ngoài ra, lĩnh vực lịch sử cũng sẽ được tham khảo khi cần thiết. Chương trình sẽ được thực hiện trong 5 năm (từ 2022 - 2027). Thời gian của chương trình được kéo dài thêm, nếu không có sự bất đồng nào giữa hai bên…
Khởi động cho chương trình hợp tác lần này, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã tổ chức 01 đoàn ra (2/2023), sang Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm tại Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Daehan và Khu di sản văn hóa thế giới Iksan, đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác với Bảo tàng Trường Đại học Quốc gia Seoul.
Ông Nguyễn Hữu Giềng và ông Lee Young-Cheol thực hiện nghi thức ký kết (Ảnh: Trung Nhân) |
Tham quan di tích Gò Danh Sang – chuẩn bị cho chương trình phối hợp khai quật (Ảnh: Lê Hậu) |
Đầu năm 2023 (6/01), đơn vị tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 với các điểm chính như: hai bên liên kết hợp tác và tham dự trong tổ chức các sự kiện, lễ hội, các buổi hội thảo, tọa đàm đặt trong mối liên hệ giữa văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang và văn hóa Ấn Độ. Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm cầu nối hỗ trợ Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang trong việc đào tạo nguồn nhân lực về khảo cổ học tại Ấn Độ, với số lượng từ 01 đến 02 người trong khoảng thời gian từ 01 đến 02 năm; xúc tiến hợp tác với các cơ quan chuyên môn văn hóa, các chuyên gia về khảo cổ học, về Phật Giáo, về Hindu Giáo… của Ấn Độ và về công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa Óc Eo - An Giang; giới thiệu chuyên gia khảo cổ thẩm định quốc tế đối với một số hiện vật văn hóa Óc Eo; hỗ trợ đoàn công tác của tỉnh An Giang trong việc nghiên cứu, phục dựng lại các mô hình đền, tháp cổ đồng dạng với văn hóa Óc Eo, học tập các kỹ thuật bảo tồn di tích, di vật và học tập kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê An Giang.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã xúc tiến hợp tác với cơ quan khảo cổ học Ấn Độ (ASI), và từ ngày 2/8-6/8, cơ quan này đã đến khảo sát tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Thay mặt đoàn khảo sát, tiến sĩ Praveen Kumar Mishra đã chia sẻ và trao đổi một số nội dung mà Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang quan tâm và sẽ nỗ lực thực hiện các nội dung đã ký kết với tổng Lãnh sự quán Ấn Độ.
Trong năm 2023, đơn vị cũng đã phối hợp với Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) của UNESCO thực hiện Quy trình Tập trung để đánh giá khả năng đề cử và thực hiện tư vấn xây dựng hồ sơ đề cử trình Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Hội thảo quốc tế lần đầu tiên về văn hóa Óc Eo được tổ chức tại An Giang do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì là một sự kiện khá quan trọng góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa Óc Eo. Với chủ đề Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh Văn hóa châu Á, cuộc hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu tham gia, trong đó có 7 nhà khoa học quốc tế tham gia trực tiếp và gần 30 nhà khoa học tham gia theo hình thức trực tuyến.
Quang cảnh hội thảo quốc tế Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á (Nguồn: Báo An Giang) |
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Quá trình phát triển đô thị hóa hiện nay đặt ra những cách tiếp cận mới trong công tác khoanh vùng bảo tồn di sản, để giữ gìn, phát triển bền vững di sản văn hóa cần khuyến khích người dân, cộng đồng xã hội tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực hợp tác đối ngoại quốc tế vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu và phương hướng hoạt động của đơn vị. Một số kỹ năng vẫn còn hạn chế như: trình độ ngoại ngữ, kỹ năng đối ngoại, kỹ năng nắm bắt thông tin quốc tế…
Quy mô tổ chức của đơn vị, trình độ chuyên môn, cơ sở hạ tầng – kỹ thuật… còn chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác với một số tổ chức khoa học quốc tế lớn.
3. Phương hướng hoạt động trong thời gian tới
Tiếp tục phối hợp Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) hoàn thiện báo cáo Quy trình Tập trung để làm cơ sở xây dựng hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê.
Mời một số chuyên gia quốc tế có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện tư vấn, tham gia viết hồ sơ đề cử di sản thế giới và kế hoạch quản lý cho Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê.
Vận động các tổ chức/nhà khoa học quốc tế ủng hộ hồ sơ đề cử của Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê.
Tiếp tục hợp tác với các tổ chức khoa học của Hàn Quốc thực hiện nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ và xuất bản ấn phẩm, thông tin tuyên truyền, triễn lãm (nếu có) trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ.
Tiếp tục xúc tiến hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh để kết nối hợp tác với các tổ chức khoa học của Ấn Độ.
Tóm lại, sự hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn, quảng bá đã góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa Óc Eo nói chung, văn hóa Óc Eo An Giang nói riêng, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Khu di tích Óc Eo – Ba Thê đang ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Pháp, Mỹ… quan tâm nghiên cứu. Điều này góp phần phát huy giá trị di sản, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang