Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
09:48 25/01/2024
Điều kiện tự nhiên: Châu Phú ngày nay có vị trí địa lý phía Đông giáp huyện Phú Tân, Chợ Mới; phía Tây giáp huyện Tịnh Biên; Tri Tôn; phía Nam giáp huyện Châu Thành; phía Bắc giáp thành phố Châu Đốc. Diện tích đất tự nhiên là 45.100,76km2.
Châu Phú có hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt, không những cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt của đời sống người dân, mà còn là đường giao thông thủy rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Điều kiện kinh tế – xã hội: Châu Phú là một huyện nằm trong ruột tứ giác Long Xuyên ở phía Tây sông Hậu. Được thiên nhiên ưu đãi, hàng năm tiếp nhận lượng phù sa đáng kể bồi bổ cho ruộng đồng. Cùng với cây lúa, cây màu được phát triển tạo thành nguồn chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh, Châu Phú còn phát triển nghề nuôi cá hầm, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, có một số ngành nghề truyền thống như làm gạch ngói, làm lò đất và cân treo có tiếng lâu đời, là nét đặc trưng của Châu Phú. Về dân số, Châu Phú là nơi tập trung khá đông dân cư.
Toàn huyện có 246.496 người, đứng thứ ba trong tỉnh (sau Chợ Mới và thành phố Long Xuyên) với thành phần người Kinh chiếm đa số, ngoài ra còn có người Hoa, người Chăm, người Khmer (Cổng thông tin huyện Châu Phú https://chauphu.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/gioithieu/T%E1%BB%95ng%20quan%20Ch%C3%A2u%20Ph%C3%BA/dktunhien, truy cập ngày 7/01/2024).
Truyền thống văn hóa: Khi mới mở đất, người Việt ở Châu Phú dựng miếu thờ Sơn thần thổ trạch (vị thần trông coi vùng đất mà mình sinh sống) hoặc thờ những vị anh hùng, những người có công mở đất hoặc giữ đất. Các phong tục tập quán truyền thống của người Việt trong các nghi lễ như cưới xin, ma chay, giỗ chạp…ở Châu Phú vẫn là những phong tục lâu đời được tôn trọng trong nhân dân.
Về lịch sử xa xưa, vùng đất Châu Phú thuộc lãnh thổ vương quốc Phù Nam. Hiện nay, ngành khảo cổ học đã chứng minh được điều này bằng việc tìm thấy các di tích văn hóa Óc Eo – nền tảng vật chất của vương quốc Phù Nam.
Theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đính kèm danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Châu Phú có 3 di tích: Gò Nổi, Ngọn Bà Giảng và Ngọn Lò Mo phân bố trên địa bàn 2 xã Mỹ Tú và Khánh Hòa. Di tích Gò Nổi (xã Khánh Hòa) gồm nhiều gò đất nằm liền kề nhau, có diện tích 4.000m2. Trên bề mặt các gò có nhiều mảnh gốm; vào năm 1992, tại một gò đất, trong quá trình người dân đào đất đã phát hiện 01 nồi đất chứa sưu tập tượng đồng (6 tượng nữ thần thuộc nhóm tượng Hindu giáo niên đại thế kỷ XII, XIII), hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng An Giang. Tại xã Mỹ Tú, nhiều mảnh gốm Óc Eo điển hình xuất lộ ở điểm di tích Ngọn Bà Giảng (10.000m2) bao gồm một phần đất vườn của ông Huỳnh Phước Tôn (sinh năm 1956) và phần đất trên cánh đồng của ông Lê Văn Giáp, tại đây còn tìm thấy 1 bàn nghiền bằng đá có kích thước lớn. Di tích Ngọn Lò Mo đã được khảo sát từ năm 1981 (phát hiện nhiều dấu tích cọc gỗ nhà sàn và nhiều mảnh gốm cổ trong phạm vi diện tích 2.000m2).
Khảo sát di tích Ngọn Bà Giảng |
Bàn nghiền (Pesani |
Các di tích văn hóa Óc Eo ở đây chưa được thăm dò và khai quật khảo cổ. Tuy nhiên, dựa vào kết quả qua các đợt khảo sát có thể thấy, di tồn của những địa bàn cư trú đông đúc của cư dân Óc Eo. Các di tích này cần có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy với một số định hướng cụ thể như:
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo.
Thứ hai, thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên để đánh giá thực trạng di tích, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện.
Thứ 4, triển khai các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa Óc Eo trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại.
Thứ năm, khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích văn hóa Óc Eo nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh…
Tóm lại, bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Châu Phú sẽ góp phần làm giàu thêm những nét văn hóa cổ xưa và đặc sắc của nền văn hóa Óc Eo.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang