Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TRI TÔN NĂM 2023

02:29 11/01/2024

          Tri Tôn là một huyện miền núi nằm phía Bắc của tỉnh An Giang và có đường biên giới với Campuchia về phía tây bắc (tại các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới) với chiều dài 15km và có cửa khẩu phụ Vĩnh Gia tại xã Vĩnh Gia). Tri Tôn là huyện có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang với diện tích 600,2km2, dân số năm 2019 là 117.413 người.  Phía Đông giáp huyện Châu Thành, phía Tây giáp huyện Tịnh Biên, phía Nam giáp huyện Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc, phía Bắc giáp Campuchia. Huyện Tri tôn có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, trong đó nổi bật là đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc. Ngoài ra, nơi đây cũng có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp như hồ Soài So, núi Cô Tô, cánh đồng Tà Pạ…có các núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Nước thuộc hệ thống Bảy Núi (Thất Sơn). Ngoài ra còn có núi Nam Qui, núi Tà Pạ (còn gọi là đồi Tà Pạ). Huyện Tri Tôn có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 3 thị trấn và 12 xã.

          Hiện nay, trên các trang thông tin tuyên truyền giới thiệu về lịch sử văn hóa huyện Tri Tôn thường nêu: vùng đất này sở hữu 4 ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bí, một vùng đất với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ cùng những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng đã thu hút rất nhiều du khách đến đây khám phá… Nhưng ít ai biết rằng, nền tảng nguồn cội văn hóa của vùng đất này chính là nền văn hóa tiền Óc Eo và văn hóa Óc Eo. Đây là một thiếu sót lớn trong việc giới thiệu những đặc trưng văn hóa lịch sử của huyện Tri Tôn.

          I. KHÁI QUÁT CHUNG

          Theo các tài liệu khảo cổ học, các di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Tri Tôn đều mang đặc điểm chung của nhóm cư dân cổ tiền sử đầu tiên định cư trên địa bàn tỉnh An Giang để rồi cùng góp phần quan trọng tạo đà sản sinh nên nền văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở Nam Bộ Việt Nam. Tất cả các di tích cổ ở Tri Tôn có mối liên hệ chặt chẽ và đồng đại với các di tích ở Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Đặc biệt, di tích Gò Me – Gò Sành, Gò Băng Lê có những đặc điểm văn hóa tương đồng với di tích Gò Cây Tung (lớp văn hóa sớm), vốn được biết là một trong 04 chiếc nôi tạo nên nguồn cội của văn hóa Óc Eo (cùng với Giồng Nổi (Bến Tre)– Gò Ô Chùa (Long An) – Giồng Cá Vồ (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Tri Tôn, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo ngay từ những năm đầu mới thành lập đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương. Năm 2018, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Ban Quản lý đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ và quản lý công tác chuyên môn 2 điểm di tích trên địa bàn huyện từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (di tích cấp quốc gia Gò Tháp An Lợi và di tích cấp tỉnh Hố thờ An Lợi. Và gần đây nhất, hai bên đã ký kết kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Thoại Sơn ngày 10 tháng 11 năm 2022. Phạm vi phối hợp quản lý và bảo vệ gồm có:

          - Di tích Quốc gia Gò Tháp An Lợi

          - Di tích cấp tỉnh hố thờ An Lợi.

          - Các di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê (theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt, công bố Danh mục Kiểm kê các công trình, địa điểm di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang sau đây gọi tắt là Quyết định 2552).

          II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác quản lý di tích

a) Khảo sát, kiểm kê di tích

  Ngay từ năm 1959, theo thống kê của Louis Malleret (Nhà khảo cổ học người Pháp) toàn bộ cả khu vực Bảy Núi (khu vực huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên) được ghi nhận tới 53 địa điểm khác nhau liên quan đến việc phát hiện các vết tích kiến trúc và văn hóa cổ, chủ yếu ở chân các triền núi hoặc ở những dải đất hẹp nằm giữa các ngọn núi…… về sau các nhà khảo cổ học Việt Nam điều tra rộng hơn, đã ghi nhận nhiều địa điểm xuất lộ vết tích kiến trúc như gạch, đá, vật thờ, gốm và hồ nước cổ.

- Trong những năm 2016, 2018, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với UBND huyện Tri Tôn tiến hành khảo sát, phúc tra lại các di tích đã được kể tên trong sử sách đồng thời khảo sát mở rộng và phát hiện thêm nhiều di tích mới. Trên cơ sở thống nhất với chính quyền địa phương và chiếu theo các quy định của Luật di sản văn hóa, đơn vị đã đề xuất và UBND tỉnh đã ra quyết định 2252 phê duyệt danh mục kiểm kê các di tích Văn hóa Óc Eo. Theo đó, trên địa bàn có 11 di tích và một số di tích mới phát hiện trong những năm gần đây. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Vinasa tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các điểm Di tích Văn hóa Óc Eo trong đó có địa bàn huyện Tri Tôn.

           b) Quản lý, bảo vệ và bảo tồn di tích

- Các di tích đã xếp hạng đã được quy hoạch bảo vệ về đất, mặt bằng và không gian; được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới…đồng thời gắn bản trích giới thiệu nội dung giá trị di tích. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã bố trí 01 bảo vệ (hợp đồng theo Nghị định 111) bảo vệ cho di tích cấp quốc gia Gò Tháp An Lợi, nhờ vậy, di tích được bảo vệ, bảo quản một cách thường xuyên.

          - Hoạt động tồn di tích được thực hiện theo phương châm ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích có nguy cơ bị hủy hoại do thiên nhiên và con người; ưu tiên tu bổ, bảo quản và phục hồi các di tích đã xếp hạng, có tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương. Hàng năm, Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thực hiện công tác bảo quản định kỳ di tích Gò Tháp An Lợi. Phương pháp bảo quản bằng các biện pháp kỹ thuật như biện pháp sinh học: phát quang cây cối xung quanh di tích; sử dụng cọ mềm quét dọn bụi bám, làm sạch bề mặt gạch, đá, làm sạch các vách địa tầng…ngoài ra, còn sử dụng biện pháp vật lý: chống lún, chống sạt lở cho di tích…

          c) Hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ:

Năm 2020 Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Hà Nội thực hiện thám sát tại di tích Gò Me – Gò Sành. Kết quả khai quật và diễn biến địa tầng di chỉ Gò Me - Gò Sành cùng với việc so sánh kết quả các lần khai quật di chỉ Gò Cây Tung (khóm Thới Thuận, phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên) một di chỉ cư trú có niên đại kéo dài từ tiền sử đến giai đoạn Óc Eo (niên đại khoảng 2.700 – 2.000 cách ngày nay) thể hiện qua bộ sưu tập hiện vật ở lớp văn hóa sớm (rìu đá, bàn mài, bi gốm, xương răng động vật…) có tính chất tương đồng với nhóm hiện vật đã được phát hiện ở trong lớp văn hóa sớm TV01 của di chỉ Gò Me - Gò Sành. Có thể bước đầu nhận định di tích Gò Me - Gò Sành ban đầu là một di chỉ cư trú của nhóm cư dân cùng với nhóm cư dân của di chỉ Gò Cây Tung.

Địa tầng và hiện vật tìm được trong cuộc khai quật di tích Gò Me – Gò Sành 2020

(Nguồn: Viện Khảo cổ học)

Địa tầng và hiện vật tìm được trong cuộc khai quật di tích Gò Me – Gò Sành 2020

(Nguồn: Viện Khảo cổ học)

Năm 2023, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thực hiện cuộc thăm dò khảo cổ di tích Néang Son (xã Châu Lăng), chính quyền địa phương đã hỗ trợ tích cực cho đoàn khai quật. Kết quả, đã tìm thấy dấu vết di tích kiến trúc có bình đồ hình chữ nhật dài theo chiều đông tây, rộng theo chiều bắc nam 9m x 8m = 72m2. Di tích có niên đại tập trung vào khoảng thế kỷ 7 – 8, cùng thới với nhóm cư dân của di tích Gò Tháp An Lợi và Hố thờ An Lợi.

Cùng với kết quả khai quật di tích Néang Son, việc mở rộng khảo sát đã tìm thấy nhiều điểm di tích mới trên cùng một địa bàn xã Châu Lăng. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực này có 6 di tích, trong đó 1 di tích cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh và 4 di tích khác (chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích). Các di tích này nằm liền kề nhau, và có thể nhiều hơn nếu mở rộng phạm vi điều tra, khảo sát. Trên cơ sở đó, có thể thấy các di tích ở đây có vị trí, vai trò vô quan trọng trong quần thể các di tích văn hóa Óc Eo phân bố ở phía đông chân núi Nam Quy. Có thể tại khu vực này, trong thời kỳ văn hóa Óc Eo đã hình thành nên một trung tâm tôn giáo đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư cổ sinh sống ở khu vực Bảy Núi.

Quang cảnh khai quật di tích Néang Son năm 2023

(Nguồn: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang)

Quang cảnh khai quật di tích Néang Son năm 2023

(Nguồn: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang)

 

          d) Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích:

           Phối hợp đề xuất và lập dự án bảo tồn và phát huy di tích cấp tỉnh Hố thờ An Lợi, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư (Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 03/8/2022). Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang trình thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật để đầu tư cho dự án với Nguồn vốn do ngân sách tỉnh cấp 8.347.000.000 đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

2. Hoạt động tuyên truyền, Triển lãm

          - Phối hợp tích cực tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức (Hệ thống thông tin điện tử, triển lãm, họp dân, cổ động trực quan,…) cho cán bộ và nhân dân hiểu biết về văn hóa Óc Eo, nhất là pháp luật về di sản văn hóa. Trong những năm 2016, 2017, 2018, 2019 đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về văn hóa Óc Eo thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Các đợt tuyên truyền này giúp nhân dân hiểu biết về Văn hóa Óc Eo để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Tri Tôn;

          - Năm 2018, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với một số điểm trường trên địa bàn tổ chức lớp múa Óc Eo.

- Phối hợp Đón tiếp đoàn chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản đến tham quan và khảo sát di tích Gò Tháp An Lợi và Hố thờ An Lợi.

          3. Tồn tại, hạn chế

          - Nhiều điểm di tích đã được kiểm kê nhưng chưa có điều kiện khai quật, nghiên cứu, bảo tồn.

          - Việc triển khai Dự án đầu tư cấp tỉnh gặp khó khăn do giá bồi thường đất cao

- Chưa thu hút được dự án đầu tư liên kết phát triển du lịch đến các di tích Văn hóa Óc Eo. Cho nên khách đến tham quan di tích Gò Tháp An Lợi còn chưa nhiều.

III. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

          Thứ hai, tiếp tục đề xuất và triển khai các kế hoạch, dự án khai quật khảo cổ, bảo tồn di tích.

Thứ ba, phối hợp thực hiện dự án đầu tư cấp tỉnh di tích Hố thờ An Lợi, thực hiện kế hoạch tái khai quật di tích phục vụ thực hiện dự án.

          Thứ tư, triển khai dự án “Cải tạo, sửa chữa một số cơ sở hạ tầng Khu di tích Văn hóa Óc Eo”, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư số 1350/QĐ-UBND ngày 23/8/2023. Trong đó có hạng mục làm Bảng tên, chỉ dẫn đường vào, bia và bảng thuyết minh tại di tích Gò Tháp An Lợi và Hố thờ An Lợi.

          Thứ năm, đẩy mạnh công tác giáo dục di sản, công tác tuyên truyền, triển lãm, quảng bá di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện.

          Thứ sáu, phối hợp thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích./.        

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác