Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

TIẾP CẬN SINH THÁI HỌC TRONG BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA ÓC EO

09:36 04/05/2021

Tóm tắt
Văn hóa Óc Eo, đại diện cho sự phát triển rực rỡ của nhà nước Phù Nam, trở thành đối tượng chính của ngành khảo cổ học Việt Nam và Thế giới. Từ thời điểm năm 1944, hơn 70 năm trôi qua những thành tựu khảo cổ phần nào đã phác họa sơ nét về nền văn hóa này, đặc biệt là sự phản ánh quá trình thích ứng của cư dân cổ với môi trường tự nhiên. Trên cơ sở đó, sinh thái học khảo cổ được hình thành và phát triển trong nhiều nghiên cứu khảo cổ học. Khai quật và bảo tồn di tích trong chính môi trường tồn tại của di tích đó cho phép cộng đồng hiểu rõ hơn về những giá trị nội hàm của văn hóa cổ, đồng thời hiệu quả bảo tồn cũng được nâng cao. Bài viết này dựa trên quan điểm sinh thái học trong việc xem xét bối cảnh sinh thái của nền văn hóa Óc Eo và đề xuất một số hàm ý bảo tồn di tích trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: văn hóa Óc Eo, Phù Nam, sinh thái học, bảo tồn, di tích
1. Dẫn nhập
Căn cứ vào những sử liệu ghi chép về vương quốc cổ Phù Nam, các văn tự trên bia đá, mảnh vàng, hiện vật và kết quả của C14, các học giả đã định niên đại cho nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Giai đoạn “hậu Óc Eo” từ thế kỷ VIII đến khoảng thế kỷ X – XII, truyền thống văn hoá Óc Eo vẫn được cư dân cổ nơi đây bảo lưu và phát triển nhất định trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội có nhiều biến đổi (Phan Huy Lê, 2007, 2008). Từ sau năm 1975, nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ trọng yếu của khảo cổ học Việt Nam (Nguyễn Thị Hậu, 2008). Những phát hiện mới đã làm cho số lượng di tích và di vật tăng gấp nhiều lần trước đây. Diện mạo của nền văn hóa này ngày càng rõ nét về tính chất và truyền thống phát triển trong suốt 10 thế kỷ trên một không gian địa lý từ lưu vực sông Tiền-sông Hậu cho đến lưu vực sông Đồng Nai-Vàm Cỏ. Chủ nhân của nền văn hóa này sinh sống trên những tiểu vùng sinh thái khác nhau như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam (vùng Bạc Liêu-Cà Mau), hạ lưu sông Tiền, Đông Nam Bộ và khu vực rừng ngập mặn ven biển nên có những đặc điểm khác nhau về lối sống, thể hiện trên các di tích và di vật khảo cổ học. Sau hàng trăm năm bị hoang phế bởi thiên nhiên, bởi chiến tranh và sự phá hoại vô thức của con người, dấu tích văn hoá Óc Eo chỉ còn là những phế tích và “các mảnh vụn” của nghệ thuật, kỹ thuật chế tạo sản phẩm phục vụ mọi mặt đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, việc khai quật và bảo tồn di vật trong khu di tích ngoài các giải pháp kỹ thuật cần tiếp cận trên quan điểm sinh thái để công tác bảo tồn đạt hiệu quả cao, góp phần làm sáng tỏ quá trình khai phá, mở mang và phát triển vùng đất Nam Bộ một cách xác thực nhất. Nội hàm của Văn hóa Óc Eo chứa đựng những giá trị lớn về vật chất và tinh thần, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội ngày nay ở Nam bộ- một vùng đất giàu tiềm năng.
2. Nhà nước Phù Nam và văn hóa Óc Eo
Nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử-khảo cổ cho thấy vùng đất Tây Nam Bộ xưa từng có một nền văn hóa phát triển rực rỡ từ đầu Công nguyên và kéo dài đến tận thế kỷ XII, đó là văn hoá Óc Eo với trung tâm là tứ giác Long Xuyên, vùng trũng ngập lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Văn hóa Óc Eo (nhà nước Phù Nam) cùng với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ (nhà nước Đại Việt), văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ (nhà nước Champa) là ba minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển văn hóa đa dạng dọc theo chiều dài địa lý đất nước Việt Nam.
Nhà nước Phù Nam (Funan) là một quốc gia cổ ở vùng Đông Nam Á, xuất hiện khoảng đầu Công Nguyên, ở khu vực hạ lưu châu thổ sông Mê Kông. Theo nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, thì trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này về phía Đông, đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Menam (Thái Lan), về phía Nam đến phần phía Bắc bán đảo Mã Lai. Quốc gia này tồn tại cho đến khoảng nửa thế kỷ VII thì bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp (Chenla). Mãi đến thế kỷ XVII-XVIII, phần lãnh thổ xưa kia được coi là trung tâm của Phù Nam, tách khỏi Chân Lạp để trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay (Thang & Sen, 2017).
Óc Eo ngày nay là một địa danh ở huyện Thoại Sơn (An Giang) nhưng lại được dùng để chỉ những để chỉ những di tích, di vật Phù Nam được khai quật từ nhiều địa bàn khác nhau ở Nam Bộ và hơn thế nữa văn hóa Óc Eo trở thành một chủ đề nghiên cứu của nhiều ngành: lịch sử, địa lý, du lịch… Ngay từ đầu thế kỷ XX những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo- Ba Thê thuộc xã Vọng Thê- huyện Thoại Sơn (An Giang). Những cổ vật đầu tiên này, với sự phong phú về loại hình, sự độc đáo của chất liệu và sự rực rỡ của chế tác đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả người Pháp như G. Coedès, L. Malleret, H. Parmentier… Tuy nhiên, năm 1944 mới là năm đánh dấu sự bắt đầu của công cuộc nghiên cứu này bằng cuộc khai quật của L. Malleret tại di tích Óc Eo. Học giả người Pháp này đã công bố những khám phá trong bộ sách nhan đề “Khảo cổ học ở Đồng bằng sông Cửu Long” (L'Archeologie du delta du Mekong) lần lượt xuất bản từ 1959- 1964. Công trình này được coi là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về văn hóa Óc Eo trước năm 1975 (Nguyễn Thị Hậu, 2008).
Theo L. Malleret, nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất đông nam Campuchia (Võ Sĩ Khải, 2008a). Trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển, khu vực Óc Eo-Ba Thê là đô thị cổ mang đặc điểm cảng thị ven biển của vương quốc Phù Nam. Đặc điểm này thể hiện ở vị trí địa lý của Óc Eo là trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa và các di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Địa Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoa làm cho văn hóa Óc Eo mang đậm yếu tố “ngoại sinh”, được những nhà nghiên cứu trước đây coi là nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển văn hóa này (Hà Văn Tấn, 1997).
Những di tích, di vật còn lại của văn hóa Óc Eo chủ yếu trong các nghề luyện kim, làm gốm, điêu khắc, kiến trúc… Đồ trang sức bằng vàng có nhiều kiểu dáng khác nhau (nhẫn, hoa tai, hạt chuỗi…). Đồ trang sức bằng bạc, đá ngọc, mã não, thạch anh, thủy tinh cũng có nhiều màu sắc, kích cỡ và hình dáng. Ngoài ra, các sản phẩm từ thiếc và hợp kim thiếc cũng phổ biến rất nhiều (Bùi Chí Hoàng, 2013). Nếu kỹ thuật sản xuất thuỷ tinh, vàng, mã não được người Óc Eo tiếp thu từ Ấn Độ thì có thể cho rằng, nguyên liệu và kỹ thuật sản xuất đồ thiếc tại Óc Eo là đến từ bán đảo Mã Lai-khu vực có trữ lượng thiếc vào loại nhiều lớn thế giới và nghề truyền thống chế tạo đồ thiếc còn nổi tiếng đến ngày nay.
Đồ gốm có mặt trong hầu hết các di tích khảo cổ thể hiện truyền thống bản địa cao nhất. Sản phẩm gồm các loại bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai… Đặc biệt là loại bếp lò làm bằng gốm trở thành vật dụng quen thuộc và cần thiết của cư dân sống ở vùng ven biển và sông rạch, trên nhà sàn hay trên ghe xuồng. Bếp lò gốm đã xuất hiện trong các di tích cư trú và cả trong mộ táng (với chức năng là đồ tuỳ táng) từ thời tiền sử trước đó ở lưu vực sông Vàm Cỏ- Đồng Nai và đến văn hóa Óc Eo đã trở thành di vật đặc trưng của nền văn hóa này.
Ngoài đồ gốm gia dụng, vật liệu xây dựng bằng đất nung như gạch ngói, phù điêu trang trí cũng là di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo. Tượng thờ và linh vật Hindu giáo và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam Bộ (Võ Sĩ Khải, 2008b). Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc này là từ thế kỷ V đến thế kỷ VII. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự phức tạp và đan xen giữa việc tiếp thu và bản địa hóa các nguồn gốc văn hóa bên ngoài.
3. Bảo tồn văn hóa Óc Eo từ tiếp cận sinh thái học
Thời kỳ nguyên thủy là thời kỳ hình thành con người và xã hội loài người nên khảo cổ học tiền-sơ sử thường gắn với môi trường và bối cảnh di tích, đồng nghĩa nghiên cứu hệ sinh thái nhân văn thể hiện mối tương tác và thích ứng của con người với môi trường tự nhiên. Do vậy, xu hướng nghiên cứu khảo cổ trong 10 năm trở lại đây lựa chọn tiếp cận sinh thái trong việc khám phá và bảo tồn di tích, di vật khảo cổ. Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến nền văn hóa Óc Eo, các học giả thường gắn với vùng ĐBSCL mặc dù những di tích của nền văn hóa này còn tìm thấy ở nhiều nơi khác.
Môi trường của văn hoá Óc Eo là vùng sông rạch, đầm đìa, bưng biền và những giồng, gò nổi cao giữa vùng thấp trũng ngập nước hằng năm. Thời kỳ văn hoá Óc Eo là liên quan đến thời kỳ biển tiến Holocene IV bắt đầu từ giữa thế kỷ IV và đạt đỉnh cao vào giữa thế kỷ VII, sau đó rút biển dần trả lại bề mặt đồng bằng vào khoảng thế kỷ XII. Đợt biển tiến này được coi là yếu tố quan trọng đã “tàn phá” các di tích của văn hoá Óc Eo (Nguyễn Thị Hậu, 2008). Hiện nay, ở Nam Bộ chỉ còn lại các phế tích kiến trúc đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch, di tích cư trú trên các giồng gò cao giữa đồng bằng…
Các cuộc khai quật từ thời L. Malleret năm 1944 đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng thấp trũng tứ giác Long Xuyên (Thang & Sen, 2017). Đây vừa là hệ thống đường giao thông lợi dụng thuỷ triều ra vào cảng thị Óc Eo, vừa là hệ thống thuỷ lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở ĐBSCL. Trên vùng trung tâm, khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật quý giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần tồn tại khá nhiều tại các di chỉ cư trú… Đợt biển tiến Holocene IV đã là nguyên nhân chủ yếu làm cho nền văn hoá Óc Eo rực rỡ “đột ngột biến mất”, vì phần lớn cư dân buộc phải di tản lên vùng Đông Nam Bộ hoặc xa hơn. Do vậy, di tích khảo cổ Óc Eo ở Đông Nam Bộ có niên đại muộn hơn Tây Nam Bộ và trên toàn Nam Bộ, văn hóa Óc Eo vẫn tồn tại cho đến thế kỷ XIII khi mà đây là thời điểm trong ghi chép sử ký Châu Đạt Quan cho rằng vùng hoang vu không có người sinh sống (Châu Đạt Quan, 1296).
Cuộc sống của cư dân thời cổ thể hiện rõ nét quá trình thích nghi với môi trường sinh thái tự nhiên bằng cách chấp nhận và khai thác những lợi ích mùa nước nổi. Đây có thể được xem là hình thức “sống chung với lũ” đầu tiên và khái niệm này tái xuất hiện vào năm 1996 nhưng lại mang một hình thức ứng xử lúng túng và bi thảm hóa về những thiệt hại từ mùa nước nổi. Tính chất thích nghi không chỉ là sự “nương nhờ”, khai thác tự nhiên một cách thuần tuý mà còn là quá trình tạo nên môi trường sinh thái nhân văn – cảnh quan lao động sản xuất, nơi cư trú, các công trình kiến trúc… Những cư dân cổ Óc Eo, một số sống trên nhà sàn ven kênh rạch, một số khác chọn những giồng đất cao để cư trú và canh tác… Dù ở địa thế nào, kết quả khảo cổ vẫn tìm thấy di vật “cà ràng” (là một loại bếp gốm theo tên gọi địa phương Nam Bộ), vốn là vật dụng cần thiết trong các gia đình cư dân nhà sàn hay trên ghe xuồng. Từ đó hình thành hai phương thức kinh tế chủ yếu: i) làm ruộng ở vùng thấp miền Tây sông Hậu - miệt ruộng và ii) làm vườn ở vùng cao ven hạ lưu sông Tiền - miệt vườn.
Khảo cổ học dựa vào những di tích di vật phát hiện được để nghiên cứu về đời sống con người trong quá khứ, tất nhiên, chỉ hiểu biết được một phần vì những gì còn lại cũng vô cùng ít ỏi. So với nhiều di tích khảo cổ, khu di tích Óc Eo-Ba Thê là nơi tập trung số lượng lớn di vật nhiều loại hình, từ vật dụng sinh hoạt trong di chỉ cư trú đến vật dâng cúng quý giá trong các đền tháp, vật tùy táng linh thiêng trong những ngôi mộ, từ các phế tích kiến trúc đền tháp và tượng thờ, minh văn đến di tích cư trú… Tổng thể di tích và di vật phản ánh quá trình tụ cư, hoạt động kinh tế – văn hóa – tôn giáo và các mối quan hệ giao lưu trong một thời gian dài khoảng 10 thế kỷ.
Việc phát hiện các di vật khảo cổ trong thời kỳ môi trường tự nhiên Nam Bộ ít biến đổi cũng là một may mắn, cho phép hình dung phần nào đời sống của những chủ nhân nền văn hóa Óc Eo. Trong môi trường sinh thái Tứ giác Long Xuyên cư dân cổ đã xây dựng cảnh quan nhân văn gồm các kiến trúc đền thờ, tháp mộ trên các gò phù sa cổ, quá trình xây dựng con người cũng góp phần tôn tạo giồng, gò cao thêm, xây dựng nhà sàn cư trú ở địa hình thấp và dọc theo các kênh rạch.
Diện mạo cảnh quan khu di tích Óc Eo-Ba Thê hiện nay đã có nhiều biến đổi. Trước hết xét về tự nhiên, hoạt động địa chất và tác động của mùa nước nổi làm cho khu di tích ngày càng hoang phế. Tiếp đến là hoạt động thích ứng và cải tạo vùng ĐBSCL thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm cũng góp phần phá hủy và biến mất, biến dạng hệ thống di tích trên mặt đất và trong lòng đất. Di tích Óc Eo phần lớn chỉ còn nền móng nhưng phản ánh được sự đồ sộ về kiến trúc, phong phú về trang trí điêu khắc, đa dạng về mỹ thuật. Những di tích này cung cấp dữ liệu xác thực về một thời kỳ lịch sử mà tài liệu chữ viết còn nhiều hạn chế, bằng chứng của những lớp cư dân đầu tiên đã cải tạo đồng bằng để sinh sống và phát triển trong một giai đọan dài.
Khu di tích Óc Eo-Ba Thê cùng với các khu di tích văn hóa Óc Eo ở nơi khác tồn tại hai vấn đề: Thứ nhất, các di tích được bảo tồn chủ yếu là di tích kiến trúc tôn giáo-tín ngưỡng, rất ít các di tích cư trú và di tích môi trường xung quanh được bảo tồn. Việc tách biệt khỏi môi trường xã hội và tự nhiên đã biến những di tích này thành phế tích đơn lẻ, thúc đẩy sự quan tâm đến một yếu tố văn hóa ngoại sinh thuộc “thượng tầng kiến trúc” mà bỏ quên các yếu tố văn hóa nội sinh thuộc “hạ tầng cơ sở” – nền tảng vô cùng quan trọng để nhận diện chủ nhân của xã hội Óc Eo. Thứ hai, dù có những thay đổi chính trị từ thế kỷ VII nhưng sau đó, cuộc sống của cư dân cổ ĐBSCL vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hóa Óc Eo nên có cơ sở cho việc mở rộng niên đại văn hóa Óc Eo đến thế kỷ X-XII mà không cần phải sử dụng khái niệm Hậu Óc Eo
Hướng đế việc lập hồ sơ Di sản văn hóa Thế giới cho khu di tích Óc Eo-Ba Thê nhất thiết phải thực hiện một số điều như sau: Thứ nhất, phối hợp đồng thời và liên ngành trong công tác khai quật và bảo tồn. Công việc này đòi hỏi kế hoạch toàn diện, phân chia từng giai đoạn, khai quật đi đôi cùng lúc với bảo tồn. Công cuộc khai quật nghiên cứu ở đây cần có sự hợp tác của nhiều cơ quan chuyên ngành: khảo cổ học, trùng tu di tích, lịch sử - văn hóa, du lịch… Thứ hai, bảo tồn khu Óc Eo-Ba Thê với tư cách là một “cảng thị” mà không phải bảo tồn manh mún như hiện nay. Việc khai quật khu di tích cần thực hiện bằng phương pháp của khảo cổ học đô thị và khảo cổ học sinh thái. Đồng nghĩa với việc làm rõ diện mạo của khu di tích này với những chức năng quan trọng nhất của đô thị trong bối cảnh môi trường sinh thái vùng đồng bằng châu thổ. Thứ ba, tham khảo các kịch bản và các nghiên cứu phân vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng để tính toán các giải pháp ứng phó, bảo tồn khu di tích bởi vì thời kỳ Phù Nam Óc Eo cũng do yếu tố tự nhiên mà nền văn minh này suy sụp.
4. Kết luận
“Bảo tàng hóa” di sản gắn với môi trường sinh thái đang trở thành xu hướng trong bảo tồn di sản văn hóa vật thể thuộc các nền văn hóa cổ ở Việt Nam nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng. Đây được xem là phương án tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trực tiếp ngay trong môi trường sinh thái nhân văn, nơi di sản văn hoá được sáng tạo ra và hiện đang tồn tại gắn bó với cộng đồng cư dân là chủ thể của những di sản văn hoá ấy. Nói một cách khác, di vật khảo cổ Óc Eo chính là bằng chứng, là sự phản ánh gián tiếp của môi trường sinh thái và những biến đổi của tự nhiên vùng châu thổ tác động đến đời sống cư dân cổ. Dấu ấn để lại không chỉ là sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên mà còn là sự tác động và biến đổi môi trường tự nhiên vì lợi ích của con người. Do đó, việc gắn bảo tồn di sản với quan điểm sinh thái học tỏ ra hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay./.
 
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Chí Hoàng. (2013). Khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang): những giá trị nổi bật. Tạp Chí Khoa Học Xã Hội, 5(177), 42–56.
2. Châu Đạt Quan. (1296). Chân Lạp thổ phong ký (tái bản 2007). TP. HCM: NXB Văn nghệ.
3. Hà Văn Tấn. (1997). Óc Eo - Những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. In Theo dấu vết các văn hóa cổ. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
4. Nguyễn Thị Hậu. (2008). Khảo cổ học Nam Bộ-Việt Nam: nhìn từ môi trường sinh thái. In Kỷ yếu Hội thảo Việt nam học lần III: Việt Nam hội nhập và phát triển (pp. 292–300).
5. Phan Huy Lê. (2007). Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam. Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử, 11(379).
6. Phan Huy Lê. (2008). Thử nhận diện nước Phù Nam qua tư liệu thư tịch và khảo cổ học. In Văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Hà Nội: NXB Thế giới.
7. Thang, D. V., & Sen, V. V. (2017). Recognition of Oc Eo Culture Relic in Thoai Son District An Giang Province, Vienam. American Scientific Research Journal for Engineering, Technology, and Sciences (ASRJETS), 36(1), 271–293.
8. Võ Sĩ Khải. (2008a). Văn hóa Óc Eo sáu mươi năm nhìn lại. In Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Hà Nội: NXB Thế giới.
9. Võ Sĩ Khải. (2008b). Xã hội Ba Thê-Óc Eo mười thế kỷ đầu sau Công nguyên. In Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam ViệtNam. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
 
 

Tác giả: ThS. Dương Trường Phúc - Sưu tầm: XM

các tin khác