Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

LỄ HỘI GẮN LIỀN VỚI CÁC VỊ THẦN TRONG HINDU GIÁO

08:35 30/12/2021

 

LỄ HỘI GẮN LIỀN VỚI CÁC VỊ THẦN TRONG HINDU GIÁO
Kỳ 2: Lễ hội Makar Sankranti tôn thờ thần Surya
 
Dẫn nhập:
      Thần Mặt trời là một trong những vị thần quan trọng và được tôn thờ hầu như ở khắp mọi dân tộc trên thế giới, đặc biệt là những dân tộc phát triển chủ yếu nghề nông nghiệp bởi đặc tính quan trọng của Mtặ trời đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mỗi dân tộc sẽ có một cách nhìn nhận và thực hành tín ngưỡng riêng đối Mặt trời. Trong văn hóa tín ngưỡng Hindu của người Ấn Độ, thần Mặt trời được gọi là thần Surya và là một vị thần vô cùng được sùng kính và xuất hiện sớm trong lịch sử Ấn Độ - từ thời Veda. 
      Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ đại ở miền Nam Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn minh Ấn Độ trong mọi mặt đời sống của xã hội như tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, thần Surya cũng được cư dân Nam Bộ thời kỳ văn hóa Óc Eo tôn sùng như các vị thần Hindu khác. Nhiều thành tựu nghiên cứu khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam cho thấy tín ngưỡng thờ thần Surya xuất hiện từ những thế kỷ đầu Công nguyên với những đền thờ thần Surya được phát hiện ở các khu vực Nam Bộ, cùng với các phế tích đền thờ thì nhiều tượng thờ của thần Surya cũng được phát hiện. 
      Đối với công tác nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, chủ yếu là dựa trên tư liệu khai quật khảo cổ học để phác họa lại đặc điểm văn hóa và một khía cạnh không gian của văn hóa xưa. Những tư liệu thành văn chủ yếu là những ghi chép của người Trung Hoa không đủ cho chúng ta thấy rõ đặc điểm, cách thực hành tín nghưỡng của cư dân văn hóa Óc Eo. Trong nội dung bài viết này, tác giả mong muốn giới thiệu một lễ hội tôn thờ thần Surya đang được thực hiện trong đời sống người dân Ấn Độ đến bây giờ với mong muốn góp thêm một góc nhìn về thực hành tín ngưỡng lễ hội đối với thần Surya mặc dù chúng ta đều biết rằng mỗi dân tộc có một đặc điểm tín ngưỡng riêng và sẽ có những thay đổi trong tin nghưỡng khi trải qua nhiều thời kỳ lịch sử.
 
      1. Thần Surya trong tín ngưỡng Hindu giáo
      Surya là vị thần Mặt trời trong tín ngưỡng Hindu giáo. Surya là một trong năm vị thần chính trong Ấn Độ giáo, được coi là vị thần tương đương trong Panchayatana puja và có nghĩa là hiện thực hóa Brahman trong Truyền thống Smarta .
      Hình tượng thần Surya thường được miêu tả mình mặc áo màu đỏ, đội mũ miện bằng vàng, toàn thân tỏa ra ánh sáng rực rỡ và ngồi trên một cỗ xe do 07 con ngựa kéo. Bảy con ngữa kéo của thần Surya tượng trưng cho 07 màu của ánh sáng khả kiến và 07 ngày trong tuần. 
Trong kinh Veda thì thần Surya được cho là người sáng tạo ra vũ trụ và là một trong ba vị thần tối cao cùng với Agni và Vayu hoặc Indra. Sau thời kỳ Veda thì được thay thế bởi 03 vị thần tối cao Trimurti là  Brahma, Vishnu và Shiva. Các ghi chép của kinh Vệ đà thì Surya được tôn kính đặc biệt với vai trò là người xua đuổi bóng tối, người truyền sức mạnh cho tri thức, điều tốt đẹp và tất cả cuộc sống.
      Theo thần thoại Hindu thì thần Surya có 04 người vợ là Samjna, Rajni, Prabha và Chaya. Do Samjna không chịu nổi được sức nóng từ thần Surya nên đã trốn vào rừng đi tu, nhờ các thiên thần tạo ra nằng Chaya có dung mạo giống hệt mình để đánh lừa Surya. Sau khi thần Surya phát hiện ra sự thật nên đã đi kiếm Samjna. Samjna liền biến thành một con ngựa cái, Surya cũng lập tức biến thành một con ngựa đực để đi theo vợ mình. Vì thế hai người đã sinh ra một cặp song sinh là thần Ashivins có hình dáng mình người đầu ngựa. Thần song sinh Ashivins là thần của nhà nông và cũng là thần chữa bệnh. Sau khi Samjna theo thần Surya về nhà, để cho con gái của mình không phải chịu sức nóng từ Surya nên thần Tvashtr (Thần nghệ nhân – người tạo vũ khí cho các thần) đã xén bớt một ít tia sáng của thần Surya. Sau đó thần Tvashtr đã sử dụng tia sáng của thần Surya tạo ra cái đĩa của thần Vishnu, cây đinh ba của thần Shiva, cái chùy của thần Kubera cùng với khí giới của nhiều vị thần khác nữa.
      Ở Ấn Độ, thần Surya được tôn thờ lâu hơn bất cứ vị thần nào từ thời kỳ Vệ Đà. Đến thể kỷ 13, do ảnh hưởngsự chinh phục của Hồi giáo ở miền Bắc nên thần Surya không còn được tôn thờ nhiều như trước nữa. Mặt khác, trong tín ngưỡng của những tín đồ Hindu thì có xu hướng hợp nhất thần Surya vào thần Shiva hoặc thần Vishnu. 
      2. Thần Surya trong văn hóa Óc Eo
      Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ tồn tại từ những thế kỷ trước Công nguyên cho đến thế kỷ VII Công nguyên, chịu nhiều ảnh hưởng đậm nét từ văn minh Ấn Độ từ văn hóa, tín ngưỡng cho đến tổ chức xã hội. Chính vì vậy, Hindu giáo có sức ảnh hưởng mãnh mẽ đến đời sống của cư dân văn hóa Óc Eo. Tất cả các vị thần trong Hindu giáo đều được sùng kính trong đó có thần Mặt trời Surya. Đặc biệt, nền kinh tế chủ đạo của cư dân văn hóa Óc Eo là nông nghiệp và thương mại hàng hải nên thần Surya càng có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo của cư dân. Có rất nhiều đền thờ từ giai đoạn sớm cho đến giai đoạn muộn cùng với rất nhiều tượng thờ của thần Surya được tìm thấy trong các tàn tích khảo cổ Óc Eo ở Nam Bộ càng chứng minh cho sự phổ biến của thần trong đời sống của cư dân Óc Eo cổ.
      2.1. Đền thờ thần Surya trong văn hóa Óc Eo
      2.1.1. Đền thờ thần Surya nam chùa Tháp Linh ở Đồng Tháp
     Di tích phân bố tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, được phát hiện vào năm 2010. Ngôi đền được xây bằng gạch, dài 16.8m theo hướng đông - tây, rộng 9m theo hướng bắc - nam, cửa quay về hướng đông.
Ở trung tâm của ngôi đền có một kiến trúc xây dựng bằng đá và gạch được xếp thành hình tròn. Kiến trúc này được các nhà khảo cổ cho là biểu tượng của thần Surya. Ở dưới cùng của kiến trúc hình tròn này, phát hiện 02 mảnh vàng lá: Một mảnh có in hình vòng tròn cùng tám tia vạch xung quanh biểu tượng cho bánh xe của thần Mặt trời; Một mảnh in hình tia sáng Mặt trời. Với những phát hiện về đặc điểm kiến trúc và di vật như vậy, các nhà khảo cổ học đã xếp kiến trúc này là đền thờ thần Surya vào giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo, khoảng thế kỷ I – II Công nguyên.

 

Hình 1. Phế tích đền thần thần Surya ở nam chùa Tháp Linh (Đồng Tháp)
Ảnh: BQL Di tích Gò Tháp

 

        2.1.2. Đền thần Surya Gò Bà Chúa Xứ ở Đồng Tháp
       Di tích phân bố tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Kiến trúc được xây bằng gạch dài 20.9m theo hướng đông tây (lệch Nam 100), rộng 13.4m theo hướng bắc nam (lệch Đông 100). Kiến trúc có cạnh bẻ góc, cân xứng giữa hai phần bắc nam, tạo bình đồ kiến trúc có 14 góc vuông và 24 cạnh dài ngắn khác nhau. Trung tâm kiến trúc có một kiến trúc hình tám cánh hay hình tia Mặt Trời, xếp bằng tám viên gạch, chỉ theo bốn hướng chính Đông – Tây – Bắc – Nam và bốn hướng lệch Đông Bắc – Đông Nam – Tây Bắc – Tây Nam.                Trước đây các nhà khảo cổ học Pháp cũng đã phát hiện tại phế tích này một pho tượng thần Surya hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Căn cứ vào đặc điểm kiến trúc, các nhà khảo cổ học đã cho rằng đền thờ thần Surya gò Bà Chúa Xứ được xây dựng vào thế kỷ IV Công nguyên và được sử dụng cho tới thế kỷ XII Công nguyên, tức vào giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển và hậu Óc Eo.

 

 

Hình 2: Phế tích đền thờ thần Surya gò Bà Chúa Xứ (Đồng Tháp)
Ảnh: BQL Di tích Gò Tháp

        2.1.3. Đền thờ thần Surya Gò Cây Thị ở An Giang
      Di tích Gò Cây Thị phân bố trên cánh đồng Óc Eo thuộc Quần thể di tích quốc giá đặc biệt Óc Eo – Ba Thê. Di tích được phát hiện vào năm 1942 và được khai quật lần đầu tiên năm 1944 bởi nhà khảo cổ học người Pháp là Louis Malleret. Đến năm 1999, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khai quật lần thứ hai. 
Toàn bộ kiến trúc được khai quật có bình đồ rộng 22m theo hướng bắc - nam (bắc lệch đông 200), dài 24.54m theo hướng đông - tây (đông lệch nam 200). Di tích Gò Cây Thị quay mặt về hướng đông, có bình đồ dạng gần vuông và chia thành hai phần hình chữ nhật: Phần chính điện ở phía tây và tiền điện ở phía đông, với tổng diện tích là 488.88m². Kiến trúc gồm 36 đường tường móng gạch, tạo thành nhiều cấu trúc bên trong gồm tiền điện, chính điện, các ô ngăn lớn và nhỏ. Ở hai bên lối vào của Tiền điện có hai kiến trúc hình tròn được xếp bằng những viên gạch hình thang tạo thành các tia nan quạt. Các nhà khảo cổ học cho rằng đây là biểu bánh xe thần Mặt trời ở hai bên đền thờ tương tự như một số ngôi đền thần Surya trên thế giới. Căn cứ vào đặc điểm kiến trúc, di tích đền thờ Surya Gò Cây Thị được xép vào giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển, niên đại từ thế kỷ IV – VII Công nguyên.
Hình 3: Phế tích đền thờ Surya Gò Cây Thị (An Giang)
Ảnh: Phạm Văn Tùng

 

      2.2. Tượng thờ thần Surya trong văn hóa Óc Eo
      2.2.1. Tượng thần Surya Óc Eo – Ba Thê ở BTLS TP. Hồ Chí Minh
      Pho tượng được tìm thấy năm 1926 bởi các nhà khoa học Pháp ở Óc Eo – Ba Thê, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Tượng thuộc loại hình tượng tròn được làm từ sa thạch, có chiều cao 90cm, rộng 38,8cm. Hiện pho tượng đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tượng đứng, thể hiện là một nam thần, mặt tròn, đầu đội mũ trụ hình bát giác, tai đeo khuyên, phía sau đầu là một vành tròn tượng trưng cho vầng thái dương. Tượng mặc áo cổ tròn, váy xòe dài dưới đùi, đeo trang sức ở cổ tay, hai tay đưa ngang ngực, mỗi tay cầm một nụ sen. 
Hình 4. Tượng thần Surya
Ảnh: Cục Di sản văn hóa

 

      2.2.2. Tượng thần Surya ở Gò Tháp
      Pho tượng được các nhà khoa học học Pháp mua lại ở Sài Gòn từ năm 1932, trước đó pho tượng được cho là tìm thấy ở di tích đền thờ thần Surya gò Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp.
Pho tượng thuộc loại hình tượng tròn trong tư thế đứng được làm từ sa thạch, đã bị gãy hai tay đến ngang bắp tay và hai bàn chân, chiều cao còn lại là 62cm. Tượng thể hiện thần Surya đội mũ trụ tròn và khuôn mặt tròn, các nét mềm mại, đều đặn, và gờ môi cong. Pho tượng được tạc mặc một loại trang phục bó sát thân từ đầu gối lên cổ, vành cổ khoét rực, trang phục bó sát thể một cơ thể đầy đặn, ngực nở lực lưỡng, eo thắt tròn đầy đặn. Pho tượng thuộc loai5 hình phong cách nghệ Phnom Da có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI Công nguyên.
Hình 5: Tượng thần Surya ở Gò Tháp
Ảnh: Đặng Văn Thắng

 

      3. Lễ hội Makar Sankranti ở Ấn Độ
      3.1. Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Makar Sankranti
     Lễ hội Makar Sankranti hay còn được gọi là Uttarayan, là ngày lễ hội thu hoạch của những người tín đồ Hindu giáo dành dành riêng để tôn vinh thần Mặt trời – Surya. Về thời gian tổ chức lễ hội, nếu rơi vào năm nhuận thì ngày bắt đầu lễ hội sẽ là 15/01, còn lại thì sẽ được tổ chức vào ngày 14/01 hàng năm. trong những ngày tổ chức lễ hội, người dân sẽ tổ chức cúng thần, hội chợ, khiêu vũ, thả dều, đốt lửa và tổ chức tiệc. Nhiều tín đồ sẻ đến sông hoặc ao nước thần để thực hiện nghi lễ tắm tạ ơn thần Surya.
Đa phần ở các vùng của Ấn Độ, thời điểm tổ chức lễ hội Makar Sankranti là bắt đầu cho một vụ mùa mới, lúc này các hoạt động gieo trồng và những công việc vất vả đã gần kết thúc. Vì vậy, họ tổ chức lễ hội để cầu nguyện với thần Surya cảm ơn những thành công và sự thịnh vượng của họ. Việc tắm rửa cớ dòng sông hoặc các hồ nước thiêng là để tạo ra công đức và gột bỏ những tội lỗi trong quá khứ. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân sẽ làm bánh đồ ngọt, chủ yếu được làm từ vừng và đường thốt nốt, tượng trưng cho sự bên nhau trong hòa bình và vui vẻ.
Hình 6: Một loại bánh ngọt được làm từ vừng và được thốt nốt 
trong ngày lễ Makar Sankranti

 

      3.2. Hoạt động lễ hội Makar Sankranti
     Ở mỗi khu vực khác nhau của Ấn Độ, lễ hội Makar Sankranti bên cạnh những nghi lễ cúng thần truyền thống thì còn được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện và đặc điểm văn hóa của vùng đó.
      Ở bang Assam lễ hội Makar Sankranti được tổ chức trong một tuần. Lễ hội được bắt đầu bằng một bữa tiệc linh đình và đốt lửa trại. Các thanh niên sẽ dựng những túp lều tạm được làm từ tre và lợp lá được gọi là Bhelaghar. Họ sẽ chuẩn bị thức ăn và tổ chức tiệc tùng trong ngôi lều này, sáng ngày hôm sau những ngôi lều sẽ được đốt bỏ. Lễ hội có các trò chơi truyền thống của người Assam như là chọi trâu.
      Vùng nông thôn của Dehli người dân sẽ tổ chức lễ hội Makar Sankranti theo nghi thức truyền thống của những người Bắc Ấn. Theo đó, người dân sẽ thực hiện nghi lễ thanh lọc cơ thể bằng cách ngâm mình vào các dòng sông, đặc biệt là sông Yamuna , hoặc tại hồ nước thiêng ở các ngôi đền. Trong những ngày lễ hội, người dân sẽ làm nhiều đồ ngọt như:  kheer , churma , halva , desi ghee  và tặng món Til –gud  cho mọi người. Những người phụ nữ đã lấy chồng vào những ngày này sẽ được các anh chị em mang quà bao gồm đồ dùng và quần áo đến tặng cho cô ấy và gia đình nhà chồng.
      Ở bang Karnataka, lễ hội Makar Sankranti là lễ hội thu hoạch của những người nông dân. Vào những ngày lễ hội, các cô gái sẽ mặc quần áo mới đến thăm những người thân với lễ vật Sankranti là một đĩa bao gồm hạt mè trắng trộn với đậu phộng rang, dừa khô và đường thốt nốt cắt nhỏ. Một phong tục khác cũng được thực hiện là người dân sẽ trang trí sặc rỡ thân mình những con bò đực vào những ngày diễn ra lễ hội.
     Ở vùng Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ, lễ hội Makar Sankranti sẽ được tổ chức 04 ngày với những hình thức của mỗi ngày khác nhau.
      Ngày Bhogi: là ngày đầu tiên của lễ hội. Vào ngày này người ta sẽ vứt bỏ hết những thứ cũ kỹ và những đồ vật được cho là không phải sở hữu của mình. Lúc bình minh của ngày đầu tiên, mọi người sẽ đốt lửa bằng một khúc gỗ và những đồ dùng không còn dùng được, điều này nhắm đánh dấu cho bắt đầu một vụ mùa mới.
Ngày Pongal: theo truyền thống của những người Tamil Nadu thì ngày này là ngày đánh dấu kết thúc của đông chí và bắt đầu hành trình kéo dài sáu tháng về phía bắc của mặt trời. Ngày này được đặt tên theo một loại bánh truyền thống cũng được sử dụng trong ngày lễ này là bánh Pongal – bao gồm lúa mới được đun trong trong sữa và đường thốt nốt. Món Pongal trước tiên là được dâng lên cho các vị thần, sau đó là lễ vật dâng cho bò và sau cùng mới chia cho các thành viên trong gia đình. Những con bò đực sẽ được trang trí vào ngày này. Đây cũng là dịp để người dân thực hiện các bức vẽ kolam  bằng bột gạo trước cữa nhà, dâng lễ cầu nguyện trong nhà, đền thờ, sum họp với gia đình và bạn bè, và trao đổi quà tặng để tạo sự gắn kết mọi người với nhau.

Hình 7: Các Kolam được trang trí trước nhà và món Pongal được làm trong ngày Pongal

 

      Ngày Mattu Pongal: đây là ngày thứ ba của lễ hội Makar Sankranti. Trong tiếng Tamil, Mattu có nghĩa là “bò đực”, vì thế đây là ngày để tạ ơn gia súc đặc biệt là con bò đực đã giúp cho nông dân trong những việc đồng áng. Theo truyền thuyết của người Tamil Nadu thì con bò đực vốn là vật cưỡi của thần Shiva có tên là Nandi. Thần Shiva đã sai Nandi xuống trần để nhắn nhủ cho người dân là cần phải tắm bằng dầu mỗi ngày và ăn mỗi tháng một lần nhưng bò Nandi lại nói với mọi người là nên tắm bằng mỗi tháng một lần và ăn hàng ngày. Shiva tức giận đã duổi bò Nandi xuống trần vĩnh viễn và bắt phải phục vụ những người nông dân trong công việc đồng áng. Ngày Mattu Pongal cũng là một ngày đặc biệt khi mà chủ nhà với người làm công, người giàu với người nghèo, người già với người trẻ và bao gồm những người không cùng đảng cấp trong xã hội sẽ cùng dùng chung một bữa ăn trên tinh thần không phân biệt. Vào buổi tối của ngày Mattu Pongal sẻ diễn ra sự kiện những người thanh niên đuổi theo một con bò tót hung dữ dể dành lấy túi tiền buộc trên sừng của con bò.

Hình 9: Hội Jallikattu – một lễ hội được tổ chức trong ngày Mattu Pongal

      Ngày Kaanum Pongal: là ngày cuối cùng trong bốn ngày của lễ hội Makar Sankranti. Đây là một ngày để cho mọi người thư giãn và tận hưởng bằng cách đi thăm người thân, bạn bè, hàng xóm hoặc tổ chức dã ngoại. Các cô gái chưa chồng tổ chức lễ hội bằng cách vui chơi dưới nước ở bờ sông và cầu mong thần linh có một cuộc sống hôn nhân thật thành công. Vào ngày này, những người phụ nữ đã lấy chồng sẽ cầu nguyện thần Surya mong sự an lành đến với những người anh trai, em trai của họ và theo truyền thống thì họ sẽ đến thăm những người anh em trai của mình. 
      Kết luận:
     Ở bài viết trên, tác giả đã khái quát một cách cô đọng về thực hành tín ngưỡng và lễ hội Makar Sankranti dành cho thần Mặt trời Surya được tổ chức ở các khu vực Ấn Độ hiện nay. Đây là một lễ hội hết sức độc đáo và mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với những cư dân làm nông nghiệp. Cư dân Nam Bộ thời kỳ văn hóa Óc Eo nền kinh tế chủ đạo cũng là sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước và một số cây thực phẩm khác như mía, atiso, hoa sen, thốt nốt, hạt tiêu,… Trước đó, với việc nhiều đền thờ thần Surya có quy mô kiến trúc đồ sộ xuất hiện khá sớm và tồn tại suốt trong thời kỳ văn hóa Óc Eo cho thấy tính quan trọng của thần Surya trong đời sông văn hóa tín ngưỡng của cư dân văn hóa Óc Eo xưa. Trên cơ sở đó, thông qua những nghiên cứu về những lễ hội còn tồn tại sẽ hy vọng tìm thấy được sự đồng điệu trong thực hành tín nghưỡng nhằm góp phần phát huy một cách tốt các giá trị văn hóa Óc Eo. 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.  Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp 2016, Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ 1. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đặng Văn Thắng 2014, Đền Thần ở Gò Tháp. Gò Tháp – Di tích Quốc gia đặc biệt, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, tr.19-28.
3. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như 2012, Trung tâm tôn giáo Gò Tháp (Đồng Tháp), Tạp chí Khảo cổ học, số 6/2012, tr.71-90.
4. Kim Knott, Đặng Thanh Hằng biên dịch (2011). Ấn Độ giáo nhập môn. Nxb Thời đại, Hà Nội.
5. Paul Brunton, Nguyễn Đức Lân dich. Ấn độ huyền bí. 
6. Roy C. Craven, 2005. Mỹ thuật Ấn Độ. NXB Mỹ thuật.
7. Will Duran, Nguyễn Hiến Lê dịch, 2006. Lịch sử văn minh Ấn Độ. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

 

Phạm Văn Tùng

các tin khác