Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

KHÁI QUÁT 78 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA ÓC EO NAM BỘ - VIỆT NAM

09:00 04/02/2022

I. Nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ - Việt Nam
1. Sự hình thành văn hóa Óc Eo ở Nam bộ
Văn hóa Óc Eo là một trong ba nền văn hóa lớn cùng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, đó là văn hóa Đông Sơn ở Miền Bắc; văn hóa Sa Huỳnh ở Miền Trung và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Tên gọi văn hóa Óc Eo là do nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret đã đặt sau khi tổ chức khai quật khảo cổ vào tháng 02 năm 1944, tại một gò đất cao trên cánh đồng hướng đông núi Ba Thê, ông gọi đó là Gò Óc Eo, nơi này hiện nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Và danh xưng này không lâu sau đó đã lan rộng khắp Nam Bộ - Việt Nam vì nhiều tỉnh, thành trong khu vực cũng đã phát hiện nhiều di chỉ tương tự.
Những di vật, phế tích và các giá trị của nền văn hóa Óc Eo là thuộc nội hàm của một vương quốc cổ đại được các thư tịch cổ Trung Hoa ghi chép lại, đó là Vương quốc Phù Nam, đã từng tồn tại từ thế kỷ I - VII SCN.
Văn hóa Óc Eo được hình thành trên nền tảng của các nhóm cư dân bản địa là chủ yếu, dần dần cộng hưởng thêm các yếu tố nhân sinh bên ngoài hình thành nên nhà nước sơ khai tên gọi Phù Nam từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ VII, gắn với Truyền thuyết nổi tiếng “Liễu Diệp, Hỗn Điền” trong sử sách Trung Hoa đã từng ghi chép.
Lãnh thổ của vương quốc Phù Nam vào thời kỳ cực thịnh vô cùng rộng lớn, quốc gia này đã kiểm soát hầu hết tuyến thương mại hàng hải quốc tế đi qua hải phận Đông Nam Á, cho nên vị trí của nó phía Bắc lên tới vùng Nam Trung Bộ (Việt Nam); phía Tây kiểm soát cả vùng thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan); phía Nam kéo dài tới phía Bắc bán đảo Mã Lai… Và Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội đầu tiên của Phù Nam được xác định là kinh đô Na Phật Na, hiện nay tọa lạc tại khu vực núi Ba Thê, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
2. Lược khảo về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ Óc Eo
2.1. Đời sống sinh hoạt
* Ăn uống: Qua các phát hiện khảo cổ học cho thấy cư dân văn hóa Óc Eo có nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước rất phát triển. Trong các tàn tích của văn hóa Óc Eo còn tìm thấy rất nhiều các loại xương động vật và công cụ dùng để đánh bắt thủy hải sản. Điều đó có thể cho thấy nguồn lương thực chính của người dân Óc Eo là gạo và thịt cá, cùng với các loại rau củ đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới ẩm.
* Trang phục: trong các di tích văn hóa Óc Eo thời kỳ sớm xuất hiện rất nhiều dọi xe sợi và nhiều hiện vật chứng minh cho nghề dệt đã rất phát triển. Theo thư tịch cổ Trung Hoa ghi lại rằng: “con trai nhà giàu cắt gấm thành từng tấm mà quấn ngang, người nghèo thì lấy vải bố che thân”.
* Nơi ở: Với một môi trường mang tính đặc thù là vùng đồng bằng thấp, sình lầy và nhiều tháng trong năm bị ngập nước, lại có hệ thống sông ngòi dày đặc nên cư dân văn hóa Óc Eo chủ yếu sống trên nhà sàn được dựng dọc theo các con kênh cổ.
* Đi lại: với điều kiện tự nhiên nhiều tháng trong năm bị ngập nước và có nhiều kênh rạch được đào kết nối với nhau, phương tiện đi lại của cư dân văn hóa Óc Eo chủ yếu là thuyền bè. Trâu, bò và voi cũng được đưa vào làm sức kéo và phương tiện đi lại trên bộ cho cư dân thời đó.
2.2. Hoạt động kinh tế
a. Nông nghiệp
Cư dân Óc Eo rất phát triển nền nông nghiệp trồng lúa nước và các cây nông nghiệp khác, cư dân Óc Eo còn có hoạt động săn bắn và đánh bắt thủy hải sản trên sông biển để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày.
b. Các nghề thủ công
Qua những di vật như các công cụ sản xuất, các loại sản phẩm, đồ trang sức cho thấy, trong thời đại Óc Eo, các ngành nghề thủ công đã rất đa dạng, phong phú như: nghề làm gốm, làm gạch, dệt, mộc, điêu khắc tạc tượng, luyện kim, kim hoàn, chế biến thuỷ tinh, …
Các sản phẩm thủ công nghiệp của cư dân văn hóa Óc Eo ngoài việc được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và tế lễ thần linh còn trở thành các sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Phù Nam.
c. Thương nghiệp
Qua nguồn tư liệu khảo cổ học, thư tịch cổ Trung Quốc cho thấy, vương quốc Phù Nam không chỉ giao thương, phát triển nền thương nghiệp trong nội địa mà còn có sự giao lưu, buôn bán rộng rãi với thế giới bên ngoài từ rất sớm, khoảng thế kỷ I - II SCN.
Cảng thị Óc Eo – Ba Thê là nơi thuận lợi cho việc buôn bán, là trạm dừng chân, trung chuyển của con đường buôn bán quốc tế Đông - Tây nên việc giao thương của cư dân Óc Eo có nhiều thuận lợi. Tàu thuyền của những thương nhân nước khác đã dừng chân ở đây để tiếp tế lương thực, nước ngọt và mua những sản phẩm rất được ưa chuộng của cư dân Óc Eo như xà cừ, đồi mồi, ngọc trai, san hô, mật ong, sáp ong, tổ yến, đồ trang sức, gỗ, các loại gia vị đem bán sang thị trường các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước phương Tây và đến tận bờ biển Châu Phi. Họ cũng mang nhiều mặt hàng ở nước ngoài đến đây để trao đổi buôn bán tạo nên một khung cảnh mậu dịch nhộn nhịp thời bấy giờ.
Các nhà khảo cổ học đã khai quật được các di vật có nguồn gốc ngoại nhập trong các di tích văn hóa Óc Eo như: huy chương vàng và đồng tiền chạm hình vua của La Mã, gương đồng thời Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Nguỵ (Trung Hoa), đồ gốm Hán và A-rập.
2.3. Phong tục tập quán
Cư dân Óc Eo nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, đối với cư dân nơi đây, tục lệ ma chay rất quan trọng trong đời sống của họ. Theo Lương thư về tục ma chay của người Phù Nam: “tục chôn cất người chết ở Phù Nam có 4 cách: thuỷ táng (thả thi thể xuống sông), hoả táng (thiêu xác), địa táng (chôn thi hài), điểu táng (để thi thể ngoài trời cho chim rỉa xác)”, nhưng phổ biến nhất là hỏa táng và địa táng.
2.4. Tôn giáo tín ngưỡng
Hindu là một trong những tôn giáo lớn, có nguồn gốc từ Ấn Độ du nhập vào Phù Nam và nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Trong tôn giáo Hindu, có 03 vị thần tối cao được tôn thờ là: thần Shiva, thần Visnu và thần Brahma.
Cùng với Hindu giáo, Phật giáo có mặt ở Phù Nam từ rất sớm vào khoảng thế kỷ II SCN và phát triển một cách mạnh mẽ. Các tư liệu khảo cổ học cho thấy, Phật giáo đã có mặt ở nhiều nơi khắp các vùng trong vương quốc Phù Nam với việc tìm thấy nhiều tượng Phật bằng gỗ, bằng đá với những kiểu dáng và kích thước khác nhau.
2.5. Nghệ thuật, giải trí
Đỉnh cao của nền nghệ thuật Phù Nam là điêu khắc tạc tượng, các đề tài chủ yếu xoay quanh các vị thần Hindu giáo và Phật giáo. Các tượng Phật được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Óc Eo đa phần là tượng gỗ và đã thể hiện một trình độ nghệ thuật phát triển cực cao của cư dân Óc Eo cổ. Các tượng thần Hindu giáo thì hầu hết được tạc bằng sa thạch xám.
Ca múa là một loại hình nghệ thuật phổ biến trong xã hội văn hóa Óc Eo. Ở trong các di chỉ Óc Eo đã tìm thấy nhiều hiện vật chứng minh cho sự tồn tại của các nhạc cụ như kèn, cây đàn vina, xập xõa, lục lạc bằng đồng.
3. Các địa điểm di tích văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở Nam Bộ - Việt Nam
3.1. Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang)
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì Nền Chùa (thuộc xã Mỹ Phước, Hòn Đất, Kiên Giang) có một mối quan hệ mật thiết khu di tích Óc Eo – Ba Thê và vai trò hết sức quan trọng. Với điều kiện địa lý nằm ven biển, cư dân Óc Eo xưa đã hình thành nên ở đây một khu định cư với chức năng là tiền cảng của thành phố cổ Óc Eo – Ba Thê. Các đoàn thuyền buôn nước ngoài khi đến buôn bán giao dịch ở Óc Eo thì sẽ vào Nền Chùa cập bến, sau đó mới dùng các con thuyền nhỏ để vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy vào khu trung tâm Cảng thị Óc Eo – Ba Thê để tiến hành trao đổi buôn bán. Cư dân cổ Óc Eo đã kết nối trực tiếp hai địa điểm này lại với nhau bằng cách đào một con kênh cổ được gọi là Lung Lớn để làm tuyến giao thủy vận chuyển hàng hóa và đi lại.
3.2. Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)
Ở đây các nhà khoa học đã khai quật phát hiện nhiều phế tích đền thờ Hindu giáo được xây dựng bằng gạch thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo như đền thần Mặt trời Surya, đền thần Vishnu và đền thờ thần Shiva là những vị thần quan trọng trong tín ngưỡng Hindu giáo của cư dân văn hóa Óc Eo. Cùng việc khai quật các di tích kiến trúc tôn giáo này thì nhiều hiện vật liên quan đến chủ đề tôn giáo cũng được phát hiện tại đây như: bánh xe vũ trụ là biểu tượng của thần Vishnu, cây đinh ba, Linga-Yoni là biểu tượng của thần Shiva, và một số hiện vật biểu tượng cho các vị thần khác.
3.4. Khu di tích Bình Tả (Long An)
Khu di tích Bình Tả ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một trung tâm kiến trúc tôn giáo được xây dựng vào thời kỳ văn hóa Óc Eo điển hình (từ thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VII) và một số di tích còn tiếp tục trùng tu tôn tạo và sử dụng vào giai đoạn hậu Óc Eo (giữa thế kỷ VII đến thế kỷ XII). Cho đến nay có thể xác định được một số di tích là những đền thần Hindu giáo như đền thần Mặt Trời Surya, đền thần Shiva. Tại đây tìm thấy một lá vàng lớn, kích thước 21,0cm x 4,0cm, được gấp lại làm bốn, có khắc những hàng chữ thuộc hệ thống văn tự và ngôn ngữ cổ có xuất xứ từ Ấn Độ.
3.5. Khu di tích Gò Thành (Tiền Giang)
Đây là các di tích được xây với quy mô khá lớn, được ghi nhận thành 2 giai đoạn phát triển với các đặc điểm sau: Giai đoạn Óc Eo điển hình (thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VII) là các đền thờ Hindu giáo được xây dựng dành cho thần Vishnu và vợ của thần là nữ thần Laksmi. Giai đoạn hậu Óc Eo (giữa thế kỷ IV đến thế kỷ XII) – là các ngôi đền được xây dựng để tôn thờ thần Shiva và thần Vishnu.
II. Văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang
1. Khảo lược các di tích văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang
Theo tư liệu điều tra của một số nhà khoa học trước đây thì tỉnh An Giang là địa phương có sự tập trung nhiều nhất các di tích văn hóa Óc Eo với hàng trăm di tích. Năm 2018, cuộc điều tra, điền dã khảo sát toàn tỉnh được Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo thực hiện ở giai đoạn 1 đã xác định di tích văn hóa Óc Eo phân bố khắp 10/11 huyện, thị, thành. Trong đợt điều tra này, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã tiến hành xây dựng bản đồ phân bố của 84 di tích còn nhận diện rõ ràng ở 10/11 huyện thị và sẽ tiếp tục khảo sát, bổ sung di tích Óc Eo vào các giai đoạn sau này.
Các di tích tập trung chủ yếu ở các vùng có địa hình cao như huyện Thoại Sơn với các trung tâm Đá Nổi, Óc Eo – Ba Thê. Ở khu vực phía đông Bảy Núi, cũng tập trung một loạt các di tích dày đặc trải dài từ từ xã Châu Lăng của huyện Tri Tôn cho đến xã Thới Sơn của huyện Tịnh Biên. Ở khu vực xung quanh núi Sam của thành phố Châu Đốc, cũng ghi nhận một lượng lớn các di tích văn hóa Óc Eo bao gồm các di chỉ cư trú nằm xen kẽ với các di tích kiến trúc tôn giáo. Ngoài ra, một số lượng lớn các di tích còn được phát hiện khi đã phân bố rộng khắp các huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyện An Phú, huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu và huyện Chợ Mới.
2. Các di tích văn hóa Óc Eo đã được xếp hạng
2.1. Di tích cấp tỉnh Đá Nổi
Di tích phân bố ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn trong một phạm vi rất rộng 1.500m x 800m, được phát hiện trong quá trình người dân canh tác nông nghiệp. Tại đây, đã phát hiện được 7 địa điểm có kiến trúc theo kiểu mộ táng thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo cùng với số lượng hiện vật phong phú 331 hiện vật.
Ngoài các phát hiện các di tích kiền trúc thì ở đây đã tìm thấy bộ sưu tập các hiện vật lá vàng có chạm khắc hình người, hình động vật, thực vật, hình các vật thể, chữ viết có liên hệ đến tín ngưỡng Hindu giáo. Ngoài ra, ở Đá Nổi còn phát hiện một bộ sưu tập tiền Phù Nam do nhân dân trao tặng rất có giá trị về lịch sử văn hóa vùng đất.
2.2. Di tích cấp tỉnh Gò Cây Tung
Di tích Gò Cây Tung ở xã Thới Sơn, Tịnh Biên là một di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo từng tồn tại và phát triển ở Nam Bộ (Việt Nam) từ những thế kỷ đầu công nguyên. Sớm nhất là khu cư trú của một ngôi làng cổ bắt đầu từ thế kỷ IV – V trước công nguyên đến khoảng thế kỷ IV công nguyên.
Khai quật tại đây còn cho thấy con người thời kỳ này đã xây dựng được một ngôi đền Hindu giáo bằng gạch, đá trên nền đất cao nhất của khu cư trú cách đây khoảng 1000 năm.
Giai đoạn muộn nhất khi ngôi đền đã trở thành hoang phế, lớp người sau đã biến toàn bộ phế tích và gò thành một khu mộ táng. Các ngôi mộ được chôn theo hướng Tây – Đông, người chết được đặt nằm trong tư thế co gối, đeo các loại đồ trang sức hạt chuỗi…
Gò Cây Tung là một di chỉ hết sức quan trọng thể hiện cho một quá trình hình thành và phát triển liên tục của văn hóa Óc Eo từ thời kỳ Tiền Óc Eo trải qua Óc Eo phát triển cho đến Hậu Óc Eo.
2.3. Di tích cấp tỉnh Hố thờ An Lợi
Di tích Hố thờ An Lợi ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn là một kiến trúc Hindu giáo thuộc nền văn hóa Óc Eo cách ngày nay khoảng 1200 năm.
Kết quả của khai quật năm 1994 cho thấy kiến trúc này có hình dáng tháp lõm có diện tích 5,40m x 4,85m, được xây hoàn toàn bằng gạch giật cấp nhỏ dần từ trên xuống dưới. Toàn bộ có 6 cấp bậc và dưới cùng là một hố vuông có diện tích 120cm x 98cm, có bốn vách và sàn cũng được xây hoàn toàn bằng gạch. Dưới đáy của hố thờ phát hiện một pho tượng nữ thần Bàlamôn giáo có chiều cao 0,67m được tạc bằng sa thạch mịn xám xanh. Ngoài ra còn phát hiện một số mảnh gốm vỡ, vòi bình Kendi và một hiện vật bằng gốm có hình dáng giống Linga
Di tích Hố thờ An Lợi là một trong số ít các di tích kiến trúc tôn giáo thời kỳ văn hóa Óc Eo còn tồn tại nguyên vẹn nhất. Kiến trúc này có niên đại khoảng thế kỷ VIII – IX SCN, là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo và đẹp nhất vùng Nam Bộ.
2.4. Di tích cấp Quốc gia Gò tháp An Lợi
Di tích Gò tháp An Lợi ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn là một phế tích đền thờ Hindu giáo, xây bằng gạch đá. Kiến trúc đền thờ có bình đồ dạng khối chữ nhật, diện tích khoảng 300m2, đỉnh kiến trúc bằng phẳng, có độ cao khoảng 2,50m. Một số hiện vật thu thập được tại gò tháp An Lợi, chủ yếu là bằng đá như: 01 bàn đá sa thạch dạng hình tròn; 01 tấm đá sa thạch hình bán nguyệt; 01 tấm đá sa thạch hình quạt; 02 tấm đá sa thạch hình chữ nhật; 03 khối đá kiến trúc bằng sa thạch màu xám; 06 máng nước thiêng (Somasutra) chất liệu sa thạch, đá hoa cương; 01 mảnh vỡ Linga.
2.5. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo Ba - Thê
2.5.1. Những nghiên cứu trước năm 1975
Nhờ những hoạt động khảo sát và khai quật khảo cổ, Louis Malleret đã xác định thành phố Óc Eo có hình chữ nhật to lớn trên cánh đồng hướng Đông núi Ba Thê, dài 1500m rộng 300m. Ngoài ra, Louis Malleret còn tiến hành khảo sát quanh chân núi Ba Thê phát hiện ở khu vực này tập trung dày đặc các di tích kiến trúc tôn giáo.
2.5.2. Những nghiên cứu sau năm 1975
Khai quật di tích kiến trúc cổ Gò Cây Trôm và được các nhà khảo cổ học xác định Gò Cây Trôm là một kiến trúc lộ thiên, không tường, không mái che, “có thể đoán chắc đây là di tích thờ cúng thần linh, là nơi tưởng niệm, cầu may, cầu phúc”.
Khai quật lại di tích Gò Cây Thị và xác định di tích Gò Cây Thị thuộc loại kiến trúc cung đình mang tính chất tôn giáo.
Khai quật di tích Linh Sơn Nam xác định đây là một kiến trúc lớn thể hiện mỹ thuật xây dựng bằng đá và gạch vào thời đại Óc Eo và hậu Óc Eo…Đây là loại kiến trúc cung đình mang tính chất tôn giáo, có quan hệ với khối kiến trúc hiện nằm trong gò núi dưới nền chùa Linh Sơn ở phía Bắc và với những di tích đã được ghi nhận trên triền núi phía đông băng qua đường lộ và kéo dài tận chân núi ở khu vực di tích Gò Sáu Thuận.
Khai quật di tích Gò Út Trạnh phát hiệt một quần thể gồm 03 ngôi đền thờ nằm thẳng hàng theo trục bắc – nam, được xây dựng để tôn thờ 03 vị thần tối cao của Bàlamôn giáo là Brahma, Shiva và Vishnu.
Khai quật nghiên cứu di tích Gò Cây Trăm ở phía tây nam của chên núi Ba Thê. Kết quả đã phát hiện một phức hợp bao gồm kiến trúc tôn giáo, di chỉ cư trú và khu mai táng cổ, phát hiện một mộ chum hình mặt người độc đáo nhất từ trước đến nay.
Khai quật 09 địa điểm trong khu di tích Óc Eo – Ba Thê thu thập được rất nhiều thông tin, tư liệu hết sức quý giá để nghiên cứu làm sáng tỏ thêm nền văn hóa Óc Eo và phục vụ cho công tác xây dựng hồ sơ di sản thế giới.
2.5.3. Đặc điểm quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê
Quần thể Di sản Óc Eo – Ba Thê có khoảng 40 di tích, di chỉ kiến trúc tín ngưỡng, cư trú, mộ táng… đã được phát hiện, thám sát, khai quật bảo tồn; hàng chục ngàn hiện vật đã được thu thập như tượng thần, đồ mỹ nghệ, trang sức, đồ dùng sinh hoạt, sản xuất, vật liệu kiến trúc, trang trí, đồng tiền cổ v.v… với nhiều chất liệu và loại hình: đá, gạch nung, gốm, gỗ, thủy tinh, đá quý, kim loại, vàng, mã não… đang được trưng bày ở các bảo tàng.
Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích bảo vệ là 433,2 ha, chia ra Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê là 143,9 ha, Khu B ở cánh đồng Óc Eo 289,3 ha, cả hai khu thuộc địa phận ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang. Một số di tích tiêu biểu đã phát lộ, khai quật, bảo tồn như sau:
* CÁC DI TÍCH TIÊU BIỂU Ở KHU A
(1) Di tích Linh Sơn Tự
Linh Sơn Tự thường gọi chùa Phật Bốn Tay tọa lạc ở sườn đông núi Ba Thê hiện đang lưu giữ 2 hiện vật độc đáo của nền văn hóa Óc Eo là tượng thần Vishnu và 2 bia đá cổ. Tượng được phát hiện tháng 7 -1912 có 4 tay, được làm bằng đá sa thạch màu xám đen theo tư thế đứng hoặc nằm, cao khoảng 3,3 mét, Sau khi mang về thờ ở chùa, người dân đã cải biến từ tượng Thần sang tượng Phật ngồi để thờ cúng theo phong tục người Việt nên gọi là tượng Phật 4 tay. Hai bia đá cổ (dựng hai bên tượng) làm bằng chất liệu đá phiến đen, phát hiện năm 1879 ngay tại vị trí chùa Linh Sơn, trong đó chỉ còn một bia có chạm khắc ngôn ngữ Sanskrit (tiếng Phạn) có niên đại khoảng thế kỷ VII – IX SCN. Hai hiện vật này đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1988.
Đặc biệt cuộc khai quật năm 2017 của các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện hệ thống tường bao có niên đại kéo dài từ thế kỷ V – IX SCN cùng các kiến trúc gạch ăn sâu vào trung tâm dưới nền chùa Linh Sơn là minh chứng cho một kiến trúc lớn, kiên cố còn đang vùi lấp.
(2) Di tích Nam Linh Sơn Tự
Kiến trúc này có ít nhất là 2 giai đoạn xây dựng và sử dụng: Giai đoạn sớm bên dưới chỉ còn lại một số cấu trúc sụp đổ, được xây dựng bằng gạch nguyên có chất lượng tốt; Ở giai đoạn muộn có dùng thêm đá để xây móng và vách ngăn, phần lớn được xây bằng gạch lấy từ lớp kiến trúc thuộc giai đoạn trước.
Ðặc biệt tại di tích Nam Linh Sơn ở độ sâu 2m phần dưới sàn nền phía bắc của kiến trúc đã phát hiện mộ chum cải táng bằng gốm thô có đường kính 0,67m, cao 0,40m. Trong mộ chum ngoài di cốt ra thì còn phát hiện các đồ tùy táng là các hạt chuỗi trang sức bằng vàng và thủy tinh. Mộ chum đã tồn tại khá lâu trước khi kiến trúc Nam Linh Sơn Tự được xây dựng.
Di tích Nam Linh Sơn tự được xây dựng từ giai đoạn sớm nhất của văn hóa Óc Eo và tồn tại cho đến giai đoạn Hậu Óc Eo, là loại kiến trúc tôn giáo có quan hệ chặt chẽ với khối kiến trúc chùa Linh Sơn và Gò Sáu Thuận
(3) Di tích Linh Sơn Bắc
Di tích cách chùa Linh Sơn 190m về phía bắc được phát hiện năm 1944 bởi nhà khảo cổ học người Pháp, sau đó được đào thám sát năm 1993, 2003, 2012, 2018 - 2020 đã xác định một cụm di tích kiến trúc có quy mô lớn gồm nhiều cấu trúc bằng gạch – đá. Qua nghiên cứu cho thấy di tích Linh Sơn Bắc là một quần thể di tích tích bao gồm các phế tích đền thờ Hindu giáo và Tu viện Phật giáo, có vị trí quan trọng trong tổng thể các di tích kiến trúc cổ trong khu vực quanh chùa Linh Sơn, có niên đại từ khoảng thế kỷ II - IX sau Công nguyên.
(4) Di tích Gò Sáu Thuận
Di tích Gò Sáu Thuận là một cụm kiến trúc nằm trong một quần thể đền thờ Hindu giáo rất lớn, nối liền với kiến trúc trung tâm ở chùa Linh Sơn.
Cuộc khai quật năm 2001 đã phát hiện ở đây những đường móng kiến trúc gạch đá được xây dựng trên một nền cư trú cổ thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo. Trong tầng văn hóa của di chỉ cư trú đã phát hiện nhiều mảnh vỡ bếp cà ràng, bình, nồi gốm và xương động vật.
Đặc biệt đợt khai quật năm 2017 - 2020 đã phát hiện các lối đi lát gạch dẫn về chùa Linh Sơn và nhiều kiến trúc gạch trải rộng xung quanh. Căn cứ vào bình đồ phân bố và hình dạng các nền móng kiến trúc còn lại, nhận định đây là kiến trúc ngoại vi ở mặt đông chùa Linh Sơn, có chức năng theo kiểu “cổng tam quan” hay “ngọ môn quan” cho kiến trúc trung tâm ở chùa Linh Sơn. Cùng các di chỉ cư trú đã phát hiện trước đây, di tích này hình thành từ thời kỳ đầu của văn hóa Óc Eo cho đến giai đoạn Hậu Óc Eo.
(5) Di tích Gò Út Trạnh
Di tích Gò Út Trạnh cách chùa Linh Sơn khoảng 300m về hướng nam được khai quật năm 2011 đã phát hiện một kiến trúc gạch-đá gồm ba hạng mục chính, được xây thẳng hàng và cách đều nhau theo trục Bắc-Nam, cửa quay hướng Đông. Đây là một cụm kiến trúc Hindu giáo rất lớn với 03 ngồi đền được xây theo kiểu nửa chìm nửa nổi. Xung quanh 03 ngồi đền được xây tường bao bằng gạch, chân chèn đá tảng, hình chữ nhật v.v… Qua đánh giá của các nhà khảo cổ, kiến trúc Gò Út Trạnh chia ra hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu là một tổng thể gồm 03 ngôi đền tôn thờ 03 vị thần tối cao trong Hindu giáo: ngôi đền phía Bắc thờ thần Brahma (thần Sáng Tạo), ngôi đền phía Nam thờ thần Vishnu (thần Bảo Tồn), ngôi đền chính giữa thờ thần Shiva (thần Hủy Diệt).
Giai đoạn sau ngôi đền đã được cư dân Óc Eo cổ sửa chửa lại bằng việc sát nhập 02 ngôi đền phía Bắc và chính giữa lại làm một và mở rộng diện tích ra.
* CÁC DI TÍCH TIÊU BIỂU Ở KHU B
(1) Di tích gò Óc Eo
Di tích được Louis Malleret và các đồng sự khai quật khảo cổ lần đầu tiên vào năm 1944, trên một Gò đất cao hướng Đông Nam Núi Ba Thê (nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang);
Kết quả khai quật đã phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc bằng gạch, đá có qui mô nhỏ nằm rải rác khắp nơi trên gò, cùng với một số lượng lớn các hiện vật Óc Eo như: vàng vụn, xương động vật, hạt chuỗi trang sức màu xanh, vàng và đỏ cùng với nhiều mảnh gốm bình kendi, cốc gốm, cà ràng, chân đèn và mảnh ngói, gạch trang trí; …
Các nhà khoa học nhận định gò Óc Eo là một di chỉ cư trú – kiến trúc nhà sàn, trên gò đất đắp và là một xưởng thủ công quy mô lớn để chế tác đồ trang sức thủy tinh. Gò Óc Eo là một trong những di tích có vị trí quan trọng tiêu biểu trong quần thể di tích Óc Eo – Ba Thê. Đây cũng là khu vực ghi nhận dấu tích cư ngụ ven biển đầu tiên của cư dân cổ ở vùng đồng bằng Nam Bộ trong thời đại văn hóa Óc Eo.
(2) Di tích Gò Cây Thị A, B
Gò Cây Thị nằm trên một gò cao về phía tây nam cách Gò Óc Eo khoảng 500m trên cánh đồng phía Đông núi Ba Thê. Di tích được nhà Khảo cổ Pháp Louis Malleret phát hiện năm 1942 và khai quật năm 1944. Năm 1999, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành khai quật lại, qua đó đã phát phát hiện có 2 kiến trúc riêng biệt được xây dựng trên một nền khu định cư cổ của cư dân văn hóa Óc Eo.
Gò Cây Thị A là một phế tích đền thờ Hindu giáo có cửa hướng về phía đông, rộng 488,88m2 được xây hoàn toàn bằng gạch trên một lớp đá khối lớn đặt trên lớp đất sét nền, bên trên là những tảng đá nhỏ hơn lẫn với gạch vỡ tạo thành mặt bằng của nền móng. Ngôi đền được cư dân văn hóa Óc Eo xây dựng để tôn thờ một vị thần Hindu giáo là thần Mặt Trời – Surya cách ngày nay khoảng 1500 năm.
Gò Cây Thị B nằm cách Gò Cây Thị A 22m về phía bắc. Năm 2010 Gò Cây Thị B được khai quật toàn diện làm xuất lộ một kiến trúc xây bằng gạch - đá, cấu tạo gồm 2 vòng tường xây bọc quanh một nền hình chữ nhật đắp bằng đất cát. Các nhà khoa học cho rằng đây là một kiến trúc mộ hỏa táng hoặc là hố thờ của cư dân văn hóa Óc Eo.
(3) Di tích Gò Giồng Cát
Di tích Giồng Cát nằm trên cánh đồng phía đông núi Ba Thê, cách Gò Óc Eo khoảng 500m về phía tây nam. Năm 1944, Louis Malleret đã đến khảo sát phát hiện bờ tường gạch cổ cao khoảng 1m với bốn tấm đá lát bằng sa thạch liền khối có chốt hoặc lỗ mộng nằm ngổn ngang trên mặt đất, một Linga cao 173cm và hai cọc gỗ. Tại đây Louis Malleret đã khai quật làm xuất lộ một kiến trúc bằng đá, được gọi là Kiến trúc K có quy mô lớn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam sau này đã nhận thấy ở đây tồn tại một quần thể di tích kiến trúc nằm bên cạnh một con kênh cổ cùng với tàn tích sinh hoạt thời kỳ văn hóa Óc Eo. Những di tích phát hiện ở đây bao gồm các ngôi đền Hindu giáo, các giếng nước cổ và các cọc gỗ nhà sàn nằm ven theo kênh cổ. Nhiều hiện vật được phát hiện như đồ gốm, đồ trang sức bằng vàng bạc, hạt chuỗi, mái chèo, tiền cổ…, đặc biệt là các hiện vật buôn bán từ nước ngoài như gương đồng Hán, gốm Arập…
KHU DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC ÓC EO – BA THÊ (Ứng viên Di sản văn hóa Thế giới)
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ tồn tại từ những thế kỷ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ VII Công nguyên. Những di vật, phế tích và các giá trị văn hóa của văn hóa Óc Eo là thuộc nội hàm của một vương quốc cổ đại được nhắc đến trong các thư tịch cổ Trung Hoa - đó là Vương quốc Phù Nam.
Những thành tựu khoa học nghiên cứu về văn hóa Óc Eo mấy chục năm qua cho thấy ở thời kỳ này Phù Nam phát triển một cách rực rỡ, trở thành một đầu mối thương mại quốc tế trên biển rất quan trọng và tác động một cách mãnh mẽ đến các quốc gia Đông Nam Á cổ đại thời bấy giờ.
Năm 1944, cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên của Louis Malleret được tổ chức ở ở phía đông núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang, đã phát hiện những dấu tích của một nền văn hóa cổ – Văn hóa Óc Eo – từ đó lan dần ra khắp Nam bộ cho đến nay mà tỉnh An Giang được xác định là trung tâm.
Địa điểm khai quật đầu tiên là ở Gò Óc Eo, nơi mà sau này được ông lấy tên đề nghị đặt danh xưng cho một nền văn hóa cổ đại phân bố rộng khắp ở miền Nam Việt Nam – đó là Văn hóa Óc Eo.
Năm 2012, Di tích Văn hóa Óc Eo – Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2018, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo được UBND tỉnh An Giang giao chủ trì, phối hợp các Sở, Ban ngành tỉnh và UBND huyện Thoại Sơn xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Thế giới cho Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.
Năm 2017 - 2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức khai quật đồng loạt 09/09 di tích tiêu biểu tại Óc Eo - Ba Thê và đã thu được nhiều hiện vật, nhiều thông tin bổ ích góp phần từng bước làm sáng tỏ nền văn hóa Óc Eo Nam bộ - Việt Nam.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa Thế giới cho Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê.
Ngày 27/12/2021 Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã có công hàm chính thức đệ trình UNESCO về Báo cáo tóm tắt đề cử Khu di tích Khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa Thế giới.

Phạm Văn Tùng.

các tin khác