Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

BÀI PHÁT BIỂU KHÁI QUÁT QUA 78 NĂM KHAI QUẬT ĐẦU TIÊN VÀ ĐẶT TÊN CHO DANH XƯNG VĂN HÓA ÓC EO (Phục vụ Lễ công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ)

10:38 08/02/2022

Kính thưa: ....................………………………………………………........
Cùng tất cả quý vị đại biểu tham dự sự kiện ngày hôm nay.
​Óc Eo là một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ, tồn tại từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ VII. Những di vật, phế tích và các giá trị văn hóa của Óc Eo là thuộc nội hàm của một vương quốc xa xưa, được nhắc đến trong các thư tịch cổ của Trung Hoa - đó là Vương quốc Phù Nam.
Những thành tựu khoa học thực tiễn trong nước và quốc tế về văn hóa Óc Eo suốt mấy mươi năm qua, cho thấy ở thời kỳ Phù Nam – quốc gia cổ đại này đã từng phát triển một cách rực rỡ, trở thành đầu mối thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng trên biển, ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mãnh mẽ đến tất cả các quốc gia Đông Nam Á thời bấy giờ.
​Quay trở lại lịch sử của ngày này cách đây 78 năm, tại một vùng đất thuộc khu vực Núi Ba Thê tỉnh An Giang, đã diễn ra một sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu, tạo nên bước ngoặt lịch sử cho hành trình khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu về một nền văn hóa mới tại Nam Bộ Việt Nam. Đó là cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên do Louis Malleret thực hiện vào ngày 10 tháng 02 năm 1944, tại một Gò đất cao trên cánh đồng hướng đông Núi Ba Thê, từ kết quả khai quật này đã đưa sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế thời bấy giờ tập trung vào những cuộc khám phá mới về một quốc gia cổ đại, hùng mạnh đã từng tồn tại ở miền Nam Việt Nam.
Thành quả này đã không phụ lòng của ông vì trước đó, từ năm 1937 đến năm 1944, Malleret cùng với các cộng sự của mình đã tiến hành thám hiểm, điền dã trên diện rộng cả vùng đất đồng bằng Nam Bộ, đã phát hiện 136 địa điểm khảo cổ ở khu vực miền tây sông Hậu, 167 địa điểm khảo cổ ở khu vực nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, tại tỉnh An Giang ngày nay, ông đã tiến hành khảo sát 12 địa điểm ở núi Sam, 53 địa điểm xung quanh vùng Bảy Núi, 18 địa điểm tại triền núi Ba Thê, 33 địa điểm trên cánh đồng Óc Eo – Ba Thê và các vùng đồng bằng phụ cận khác.
Sau khi kết thúc các đợt điều tra khảo sát, ngày 10 tháng 02 năm 1944, Louis Malleret đã tiến hành chỉ huy tổ chức cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử, ròng rã trong suốt 90 ngày, từ ngày 10/02 đến ngày 19/04/1944. Địa điểm khai quật tại một gò đất cao trên cánh đồng hướng đông Núi Ba Thê, nơi mà sau này được ông lấy tên đề nghị đặt danh xưng cho một nền văn hóa cổ đại, phân bổ các di tích và dấu tích văn hóa rộng khắp ở miền Nam Việt Nam – đó là nền Văn hóa Óc Eo.
Thành công từ cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên tại gò Óc Eo, ông đã tiếp tục tiến hành khai quật và phát hiện thêm được nhiều công trình kiến trúc cổ thuộc nền văn hóa này tại An Giang, như kiến trúc Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Ông Phi, Gò Tuôn, Gò Cây Cóc và nhiều địa điểm nữa trên sườn núi Ba Thê. Kết quả của những cuộc khai quật này đã giúp ông nhận diện rõ hơn về khu di tích và củng cố chặt chẽ hơn cho nhận định trước đó của ông về một đô thị cổ tại vùng đất này. Louis Malleret dự định sau khi kết thúc các đợt khai quật, ông sẽ xây dựng lộ trình cho một kế hoạch nghiên cứu và bảo tồn lâu dài đối với khu đô thị cổ Óc Eo mà ông đã phát hiện thông qua công tác khảo cổ học.
Đô thị cổ Óc Eo được ông xác định là một vòng thành, thiết kế theo hình chữ nhật, rộng 1.500 mét, dài 3.000 mét với tổng diện tích 450 hecta. Trong vòng thành ông đã ghi nhận được vết tích của những con đường, cống thoát nước, nhà ở… được bố trí xung quanh theo hình chữ nhật và hình vuông. Chạy ở chính giữa cắt thành phố ra làm 02 phần là một con kênh lớn (được ông gọi là kênh K16) đi theo hướng Đông Bắc – Tây Nam nối với di tích Nền Chùa (Kiên Giang) ra tận vùng biển Tây Nam. Ở điểm đầu phía Đông Bắc của thành phố cổ, cũng có một con kênh lớn (được ông gọi là kênh K4) nối đầu với kênh K16 chạy lên phía Bắc, đi qua vùng phía Đông của khu vực Bảy Núi An Giang, thẳng đến một thành phổ cổ khác của vương quốc Phù Nam thời bấy giờ, đó là Angkor Borei thuộc vương quốc Cam pu Chia ngày nay.
Từ những kết quả nghiên cứu này, Louis Malleret đã chính thức tuyên bố trong bộ sách gồm 04 tập của ông rằng: di tích Óc Eo – Ba Thê là một đô thị cổ - một thành phố cảng lớn đóng vai trò then chốt trên con đường thương mại quốc tế thời cổ đại, là điểm kết nối các nền văn minh phương Tây và phương Đông với nhau thời bấy giờ.
Ngoài công cuộc khai quật, nghiên cứu ở Óc Eo – Ba Thê, Louis Malleret cũng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác khảo cổ học tại các tỉnh thành Nam Bộ khác. Như tỉnh Long An, ông đã hệ thống hóa hơn 70 di tích, di vật kể từ thời kỳ đá mới, trong đó khu di tích nổi tiếng Bình Tả được các nhà khoa học sau này đánh giá là một trong những Trung tâm tôn giáo lớn của Phù Nam. Năm 1941, Louis Malleret đã tiến hành khảo sát ở Tiền Giang và phát hiện ra di chỉ Trung tâm tôn giáo Gò Thành cùng với nhiều di vật quan trọng tại đây. Ông khảo sát trên một phạm vi rộng lớn của khu di chỉ Gò Tháp ở Đồng Tháp, phát hiện nhiều cấu kiện kiến trúc của di tích, trong đó có một bản minh văn Phạn ngữ, được xác định có niên đại vào thế kỷ 8 sau Công nguyên (thuộc giai đoạn Hậu Óc Eo).
Tại Thị xã Rạch Gía thời bấy giờ, Louis Malleret đã phát hiện một pho tượng Phật bị mất đầu và hai tay ở chùa Phật Nổi và một số đoạn chân bị gãy của tượng thần Vishnu, từ những hiện vật này đã giúp ông khám phá ra di tích Nền Chùa (Kiên Giang) cùng với một con kênh cổ đã bị bồi lấp, nối liền với Thành phố cổ Óc Eo – Ba Thê, mà ngay từ khi phát hiện ông đã cho rằng hai địa điểm này có mối quan hệ với nhau, trong đó Nền Chùa là một Tiền cảng để các thuyền buôn từ biển vào xuống hàng, trước khi đưa vào đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê để buôn bán.
Tiếp nối, Louis Malleret đã tiến hành khảo sát vùng đồng bằng giữa 03 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liệu. Tại đây, ông đã phát hiện ra khu di chỉ Trăm Phố (nay là di tích Cạnh Đền) với việc thu thập được 06 hộp sọ di cốt người cổ. Nghiên cứu những di cốt này, ông đã đưa ra nhận định về chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo là những người Nam Đảo, tập trung sinh sống ở các vùng ven biển và là những người xây dựng nên các thành phố cảng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của vương quốc Phù Nam.
Từ những kết quả khám phá đầu tiên, vô cùng quan trọng về văn hóa Óc Eo của Malleret tại Nam Bộ. Sau năm 1975, có nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tiếp tục quan tâm, nghiên cứu về “con đường” của ông và những giá trị mới về nền văn hóa này. Nhà nước đã đầu tư nhiều nhân lực và vật lực từ Trung ương, đến địa phương để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa Óc Eo, nhất là những địa điểm khảo cổ tập trung trước đây, nay có điều kiện góp phần làm sáng tỏ thêm các giá trị, như Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê (An Giang), Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp), Khu di tích Gò Thành (Tiền Giang), Khu di tích khảo cổ Bình Tả (Long An), Di tích khảo cổ Cát Tiên (Lâm Đồng), Tháp cổ Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), Giồng Cá Vồ (TP. HCM), di tích Giồng Nổi ( Bến Tre ), di tích Nhơn Thành ( Cần Thơ ) và di tích kiến trúc Bến Đình ( Tây Ninh )…
Đã có nhiều Khu di tích trong hệ thống văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ đã được quy hoạch bài bản và được nhà nước xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia từ sau năm 1975 cho đến nay. Đặc biệt, trong hệ thống này đã có 02 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và còn quan tâm cho chủ trương xây dựng hồ sơ để đề cử di sản văn hóa Thế giới, đó là Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp).
Đối với tỉnh An Giang, với vai trò là địa phương trung tâm của nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Thời gian qua, Óc Eo đã được lãnh đạo tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng nhiều chủ trương trong bảo tồn và đầu tư phát triển. Nếu tính từ khi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê được xếp hạng năm 2012, tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng cho phát triển hạ tầng cơ sở và sớm hình thành cơ quan chuyên môn về văn hóa Óc Eo với nguồn nhân lực 30 người để bảo quản, phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo thường xuyên trong tỉnh.
Đặc biệt từ 2017 – 2020, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã phối hợp triển khai đề án nghiên cứu tổng thể di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa tại tỉnh An Giang và Kiên Giang, với lực lượng chuyên gia về địa phương hùng hậu và chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, kết quả thu được rất tốt trong nghiên cứu khoa học về Óc Eo và cho xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới hiện nay. Bên cạnh đó tỉnh An Giang còn được cục di sản văn hóa (Bộ văn hóa thể thao và du lịch) hướng dẫn xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, với khái toán nguồn vốn trị giá hàng trăm tỷ đồng, đang được lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thực hiện bước đầu quyết định quy hoạch Óc Eo số 115 của Thủ tướng Chính phủ đã công bố hôm nay.
Kính thưa lãnh đạo và quý vị đại biểu!
Nền văn hóa Óc Eo được ông Malleret phát hiện, khám phá và các nhà khoa học trong nước, quốc tế tiếp tục góp phần nghiên cứu làm sáng tỏ nên nền văn hóa mới này ở Nam Bộ. Đây là sự hợp thành nên lịch sử văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và hết sức đặc sắc, bởi Việt Nam chúng ta có đến ba nền văn hóa lớn, cùng tồn tại trên khắp đất nước, đó là: Văn hóa Đông Sơn ở Miền Bắc, Văn hóa Sa Huỳnh ở Miền Trung và Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.
Hơn một phần tư thế kỷ sinh sống ở Việt Nam (1929-1957), bằng sự đam mê và nhiệt huyết, Louis Malleret đã có nhiều thành công trong đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu khoa học lịch sử văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Óc Eo. Sau khi kết thúc đợt khai quật tại di chỉ Óc Eo năm 1944, ông đã dành 20 năm nghiên cứu và cho ra đời một bộ sách rất quan trọng, có tựa đề “Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong” bao gồm 04 tập và hôm nay, tỉnh An Giang đã vinh dự được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) và gia đình ông Malleret, trao tặng quyền bản quyền toàn bộ bộ sách rất giá trị này; trong nay mai, tỉnh An Giang sẽ cho dịch và xuất bản trọn vẹn 04 tập sách “Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong” của Louis Malleret.
Kính thưa lãnh đạo và quí vị đại biểu!
Nhân dịp lễ công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa Óc Eo hôm nay, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo xin phép được khái quát những hoạt động nổi bậc nêu trên trong thời gian qua để quí vị tham khảo.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép chọn ngày 10 tháng 02 hàng năm là ngày truyền thống của văn hóa Óc Eo An Giang; phấn đấu tham mưu UBND tỉnh hoàn thành cơ bản việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới di tích Óc Eo – Ba Thê giai đoạn 2, theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; kiến nghị Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chỉ đạo, tiếp tục nghiên cứu khai quật khảo cổ các di tích văn hóa Óc Eo quan trọng, còn nằm trong lòng đất và tiếp tục hỗ trợ chỉnh lý hàng ngàn hiện vật khai quật được (đã bàn giao cho An Giang) trong thời gian qua; sẽ đề xuất phổ quát nền văn hóa Óc Eo bằng nhiều hình thức để cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến nền văn hóa mới của Việt Nam; kiến nghị đưa các thành tựu khoa học của văn hóa Óc Eo đã đạt được vào lịch sử địa phương và từng bước đề nghị Trung ương cho biên soạn thành sách giáo khoa về lịch sử của nền văn hóa này, cho học sinh các bậc học được tiếp cận, học tập như là một bộ môn lịch sử văn hóa chính thống.
Cuối cùng, xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo và quí vị đại biểu, kính chúc lãnh đạo và quí vị đại biểu năm mới thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và đạt được nhiều thành tựu mới.
Xin cảm ơn và trân trọng kính chào./.

các tin khác