Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Giới thiệu sách nghiên cứu về văn hóa Óc Eo: NA PHẬT NA, KINH ĐÔ ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM

09:33 24/03/2023

Dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc, bia ký và những thành tựu nghiên cứu khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đang dần từng bước khôi phục lại diện mạo của nước Phù Nam. Quyển sách “Na Phật Na, kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam” được in bìa nâu, chữ trắng với độ dày 254 trang, khổ 16 x 24cm, nhóm tác giả PGS.TS Đặng Văn Thắng chủ biên, cùng với các cộng sự ThS Nguyễn Hữu Giềng, ThS Hà Thị Sương đã phác họa một cách chi tiết và sống động về kinh đô Na Phật Na của vương quốc Phù Nam. Sách được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2020.

Công trình gồm 4 chương với nội dung giới thiệu về Na Phật Na; các di tích và di vật tiêu biểu đã phát hiện ở kinh đô này; đặc điểm dân cư và kinh tế - Văn hóa – Xã hội; vị trí của kinh đô Na Phật Na trong vương quốc Phù Nam và mối quan hệ với các khu vực khác trên thế giới...

         Vương quốc Phù Nam được hình thành từ các tiểu quốc, mà tiểu quốc đầu tiên là Na Phật Na trung tâm là vùng đất Óc Eo ngày nay. Từ Na Phật Na (Óc Eo) phát triển rộng ra hình thành tiểu quốc Na Phật Na (Khu di tích Óc Eo - Ba Thê), tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” (khu di tích Gò Tháp - Đồng Tháp), tiểu quốc Cát Tiên (Khu di tích Cát Tiên - Lâm Đồng) và các tiểu quốc khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Lúc cực thịnh, vua Phạm Mạn (220 -225) tự xưng “Phù Nam Đại vương”, chiếm được hơn 10 nước, “mở rộng đất đai đến sáu nghìn dặm” khắp Đông Nam Á. Tiểu quốc Na Phật Na từng là trung tâm trong Mandala (Mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu Mandala gồm các nước trung tâm và các nước thuộc quốc), là vùng địa lý ở Sông Hậu bao gồm khu vực Tứ Giác Long Xuyên, vùng U Minh, vùng chảo Ô Môn Phụng Hiệp và vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, …

Sách “Na Phật Na, kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam”

Căn cứ vào mật độ tập trung, quy mô đồ sộ của những công trình kiến trúc, tầng văn hóa dày đặc những vết tích của những di chỉ, sự xa hoa của các di vật đặc biệt. Chương 2 của cuốn sách đã giới thiệu rõ nét về những di tích và di vật tiêu biểu đã phát hiện ở kinh đô Na Phật Na như hệ thống các di tích kiến trúc, cư trú, xưởng và một số bộ sưu tập tiêu biểu vô cùng đặc sắc như đồ nữ trang, trang sức quý giá bằng vàng, vàng lá, tiền vàng, đồ thủy tinh, hạt ngọc, con dấu… đã tìm thấy được ở khu vực Sông Hậu có thể xác định được chính xác vị trí quan trọng của Na Phật Na, không chỉ là một tiểu quốc lớn, tiểu quốc trung tâm, một cảng thị quan trọng mà còn là kinh đô đầu tiên chi phối về kinh tế, thương mại, chính trị đối với các tiểu quốc xung quanh.

Về đặc điểm dân cư và kinh tế – văn hóa – xã hội của kinh đô Óc Eo thời Phù Nam được đề cập đến trong chương 3; hoạt động kinh tế với đặc trưng là nông nghiệp trồng lúa nước, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Óc Eo rất phát triển, ngoài trâu, bò, heo, gà…thì voi được thuần thục để dùng trong việc di chuyển và phục vụ chiến tranh. Ngành thủ công nghiệp có những dấu ấn đặc sắc thể hiện qua các sản phẩm đồ đất nung, đồ gốm, ngói, gạch, đồ gỗ, tượng thờ, vật thờ, đồ trang sức bằng kim loại, hạt chuỗi, đá quý thủy tinh, con dấu,…đã tìm thấy ở trong các di tích thuộc tiểu quốc Na Phật Na. Ngành kinh tế nổi bật là thương nghiệp, từ giữa thế kỷ III-IV, Phù Nam khống chế nền thương mại hàng hải Đông Nam Á, chinh phục quân sự Bắc bán đảo Mã Lai, đảm bảo kiểm soát các lộ giao thương Ấn Độ Dương - vùng biển Đông cả thủy lẫn bộ.

Về văn hóa, xã hội: Nhìn toàn cảnh xã hội Óc Eo có thể thấy sự đa dạng và năng động của xã hội này. Đó là một cộng đồng nông nghiệp rộng lớn với sự phát triển của nghề trồng lúa nước trong môi trường nhiệt đới gió mùa, một bộ phận lớn tham gia vào nhiều ngành nghề thủ công, một tầng lớp thương gia hoạt động tại chỗ và một tầng lớp thương nhân thường xuyên giao lưu với Trung Hoa, Địa Trung Hải hay cả với khu vực Ba Tư, một khu vực với nhiều sắc dân nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cấu trúc xã hội là một xã hội phức hợp bao gồm cư dân bản địa và những người di cư, khách thương buôn bán đường dài - giới tăng lữ từ Ấn Độ và các vùng khác của Nam Á và Đông Nam Á đã lưu trú tại Phù Nam định kỳ hoặc lâu dài. Đại diện của hầu hết các tầng lớp xã hội có trong nền văn minh ở đồng bằng hạ lưu sông Mekong đều có thể thấy ở khu đô thị này, bao gồm, cả lớp hoàng gia, quý tộc, tăng lữ, người bình dân và nô lệ.

Tiểu quốc Na Phật Na nói riêng và ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long nói chung là nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Ấn Độ. Dân chúng Phù Nam, cũng như nhà vua đều tôn thờ tín ngưỡng tâm linh, nhất là tôn kính thờ phụng các vị thần của Hindu giáo và Phật giáo. Do đó, giới tăng lữ, đạo sĩ được trọng dụng trong vương quyền. Giới thương gia, điền chủ là nền tảng xã hội, chi phối nền kinh tế nông nghiệp lẫn thương mại. Minh chứng cho điều này, là hàng loạt dấu tích đền thần, văn bia, tượng Phật, tượng thần, biểu tượng thần đã được phát hiện ở khu di tích Óc Eo - Ba Thê.

Chương 4 của cuốn sách trình bày vị trí của kinh đô Na Phật Na trong vương quốc Phù Nam và mối quan hệ với các khu vực khác trên thế giới. Kinh đô Óc Eo là khu vực kinh thành có trung tâm được quy hoạch với diện tích lớn nhất trong thời vương quốc Phù Nam. Thành được đào kênh, đắp lũy lấy gỗ ken làm thành hình chữ nhật dài 3.000m, rộng 1.500m, với tổng diện tích nội thành là 450ha. Thành được xây dựng theo quy hoạch chặt chẽ có hình chữ nhật với 5-6 bờ thành, hào nước bao quanh, có thủy đạo chạy ngang theo đường trục chính giữa, lại có thêm nhiều đường nước mở ra ở góc đông bắc cho ghe thuyền vào trú ẩn. Ngoài những bờ tường, đường hào nói trên, còn có nhiều di tích kiến trúc kiểu nhà sàn dựng trên cọc gỗ phân bố dọc hai bên thủy đạo chính (Lung Lớn), khoảng 40 di tích lớn nhỏ được xây bằng gạch, đá, cát, đất sét liên quan đến hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo và những dấu tích của những di chỉ còn lưu lại những công cụ, nguyên liệu, phế liệu,…liên quan đến hoạt động thủ công đa ngành, chuyên ngành phổ thông và cao cấp.

Với vị thế quan trọng đó, kinh đô Na Phật Na có mối quan hệ mật thiết với các tiểu quốc khác thuộc vương quốc Phù Nam như: khu vực Angkor Borei; tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” với khu vực trung tâm là khu di tích Gò Tháp; tiểu quốc Cát Tiên (Lâm Đồng); các tiểu quốc ở khu vực Campuchia, Thái Lan ngày nay…Đồng thời, cư dân cổ nơi đây cũng có quan hệ giao lưu, buôn bán, trao đổi với cư dân cổ ở Java, Ấn Độ, Trung Quốc và cả tới khu vực Địa Trung Hải,…

Tóm lại,  từ nửa cuối thế kỷ I đến đầu thế kỷ thứ III, thời gian khoảng 200 năm, Na Phật Na (Óc Eo – Ba Thê ngày nay) là kinh đô đầu tiên của vương quốc Phù Nam và là kinh đô lớn nhất của vương quốc Phù Nam (có quy mô 450 ha). Từ năm 550 đến giữa thế kỷ thứ VII, thời gian khoảng 100 năm, Na Phật Na theo dòng lịch sử lại một lần nữa kinh đô này đã trở thành nơi ở, cai trị cuối cùng của các vua thuộc Vương quốc Phù Nam. Tổng cộng có khoảng 300 năm trải qua hai thời kỳ như trên, Na Phật Na (Óc Eo) là kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam.

Hiện nay cuốn sách đã dịch và in bản tiếng anh.

          Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

 

các tin khác