Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THOẠI SƠN NĂM 2023

02:40 11/01/2024

          Thoại Sơn có diện tích tự nhiên 46.885,52 ha, 181.194 nhân khẩu được phân bố trên 14 xã, 3 thị trấn. Huyện Thoại Sơn là một trong 11 huyện thị của tỉnh An Giang, nằm về phía đông nam tứ giác Long Xuyên; huyện lỵ đặt tại thị trấn Núi Sập. Phía Bắc giáp huyện Châu Thành, Tây Bắc giáp huyện Tri Tôn, Đông giáp thành phố Long Xuyên, Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Hiệp và Hòn Đất (Kiên Giang).

          Ngoài những ngọn núi cuối cùng được thiên nhiên ban tặng ở đồng bằng Tây Nam Bộ thì địa hình còn lại của huyện bằng phẳng, đất thuần nông, chịu ảnh hưởng lũ hàng năm của sông Hậu. Các xã phía Đông và Nam đất phù sa màu mỡ, các xã phía Bắc ruộng đất còn nhiễm phèn, đất triền núi trồng cây ăn trái và hoa màu. Thoại Sơn có hệ thống kênh rạch chằng chịt, dân cư phân bố theo tuyến sông và kênh, tạo nguồn nhân lực cải tạo đất. (Cổng thông tin điện tử huyện Thoại Sơn, https://thoaison.angiang.gov.vn/tong-quan-huyen, truy cập ngày 6/01/2024).

          Huyện Thoại Sơn là một huyện có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, trong đó nổi tiếng là khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và nhiều di tích khác. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

          I. KHÁI QUÁT CHUNG

Khu di tích Óc Eo - Ba Thê tọa lạc tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Cũng trong năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng Hồ Sơ Khu di tích Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Để việc bảo vệ, bảo quản, phát huy di tích theo chiều rộng và chiều sâu, UBND tỉnh An Giang đã quyết định thành lập BQL di tích văn hóa Óc Eo trực thuộc UBND tỉnh (Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 20/5/2013). Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về quy hoạch, khai quật khảo cổ, nghiên cứu, lập hồ sơ, sưu tầm, trao đổi, bảo quản, trưng bày, phục chế hiện vật; giáo dục, khoa học; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di tích văn hóa Óc Eo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Ngoài khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trên địa bàn huyện Thoại Sơn còn có nhiều di tích khác phân bố ở các xã, thị trấn trong huyện. Để việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện có hiệu quả, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo ngay từ những ngày đầu mới thành lập đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện và gần đây nhất, hai bên đã ký kết kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Thoại Sơn ngày 10 tháng 02 năm 2022. Phạm vi phối hợp quản lý và bảo vệ gồm có:

          - Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê với 26 di tích tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (diện tích khu A và khu B với diện tích 433,2 hécta).

          - Di tích cấp tỉnh Đá Nổi, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (khoảng 2,5 hecsta).

          - Các di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê (theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt, công bố Danh mục Kiểm kê các công trình, địa điểm di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang sau đây gọi tắt là Quyết định 2552 kèm danh mục).

          Đây là sự kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ rất quan trọng, đặc thù và đã đạt được những thành tựu nhất định.

          II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHỐI HỢP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO.

1. Công tác quản lý di tích

a) Kiểm kê và lập bản đồ di tích

          - Kiểm kê các di tích văn hóa Óc Eo tại huyện Thoại Sơn, căn cứ Quyết định 2252, trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 34 di tích văn hóa Óc Eo. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Vinasa tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các điểm Di tích Văn hóa Óc Eo trong đó có địa bàn huyện Thoại Sơn.

          - Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với UBND huyện Thoại Sơn phối hợp tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích Đá Nổi và đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh (Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 21/3/2017), trên cơ sở đó UBND huyện đã ký quyết định thành lập Ban Quản lý di tích.

           b) Quản lý di tích

- Các di tích đã xếp hạng đã được quy hoạch bảo vệ về đất, mặt bằng và không gian; được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới…

- Gắn biển nội quy, bản trích giới thiệu nội dung giá trị di tích, tích hợp mã QR thuyết minh các di tích trong khu di tích Óc Eo – Ba Thê.

          - Đã cắm mốc di tích cho khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và di tích Đá Nổi. Tuy nhiên, để đảm bảo việc bảo tồn di tích được tốt, trong thời gian tới cần rà soát các mốc đã được cắm bảo vệ di tích, bổ sung các mốc trong trường hợp bị mất mốc, bị hư hỏng…

          c) Bảo vệ di tích:

Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo phối hợp với công an thị trấn Óc Eo hàng năm tổ chức ký kết quy chế phối hợp bảo vệ di tích Ngoài ra, trong các sự kiện lớn, công an huyện đã tích cực hỗ trợ đơn vị với nhiều hoạt động như:

+ Năm 2020, công an huyện Thoại Sơn đã tiến hành bàn giao 18 hiện vật cho Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo lưu giữ, đơn vị đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh

+ Phối hợp trong việc tuần tra bảo vệ di tích, khi phát hiện vi phạm kịp thời lập biên bản và phối hợp giữa các bên xử lý theo qui định của pháp luật;

          + Bảo vệ đề án khai quật 2017-2020 - Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)

          + Bảo vệ khai quật gò Cây Trâm (chương trình hợp tác giữa Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và Viện nghiên cứu di sản văn hóa Daehan (Hàn Quốc)).

          + Bảo vệ và dẫn đoàn khách Caravan du lịch “sắc màu vùng biên”, các sự kiện, hội nghị, hội thảo và đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu về văn hóa Óc Eo.

          d) Các hoạt động tồn di tích: Ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích có nguy cơ bị hủy hoại do thiên nhiên và con người; ưu tiên tu bổ, bảo quản và phục hồi các di tích đã xếp hạng, có tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương.

          Hoàn thành Dự án Khu di tích Óc Eo (đầu tư bổ sung một số hạng mục) đối với các di tích: Nam Linh Sơn, Gò Cây Thị, Gò Út Trạnh. Tổng nguồn vốn thuộc ngân sách tỉnh hơn 6 tỷ đồng.

Bảo tồn di tích tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê: Trong giai đoạn từ 2014-2022, thông qua nguồn kinh phí bảo tồn di tích của tỉnh, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo thực hiện 10 đợt bảo quản định kỳ và thực hiện bảo quản thường xuyên cho các di tích đang được trưng bày như: Di tích Gò Cây Thị A&B, di tích Nam Linh Sơn. Ngoài ra, một số dấu tích kiến trúc dễ bị hủy hoại được lấp cát để bảo vệ thuộc các điểm di tích đã khai quật như di tích Gò Đế, một số khu vực xung quanh gò Óc Eo, gò Giồng Trôm, gò A1, gò A3, gò Giồng Cát…

          e) Hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ:

- Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 3910/QĐ-BKHCN ngày 07/12/2016. Đề án có Tổng vốn đầu tư 123.050 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp khoa học. Các hoạt động đã được triển khai như

+ Bồi thường, giải phóng mặt bằng: Hoàn thành 100% công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổng số 46 hộ dân có liên quan, tổng diện tích thu hồi được 99.745,70 m2 tại các điểm di tích: Gò Sáu Thuận; Linh Sơn Bắc; Gò Út Trạnh; Gò Óc Eo; Lung Lớn; Giồng Trôm; Giồng Cát. Tổng vốn được cấp là 45,2 tỷ đồng.

          + Công tác tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học: Đã thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với 8 điểm di tích Chùa Linh Sơn, Gò Sáu Thuận, Linh Sơn Bắc, Gò Út Trạnh, Gò Óc Eo, Lung Lớn, Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm.

          + Công tác xây dựng mái che bảo vệ và lấp kỹ thuật: Đã lấp kỹ thuật các di tích Gò Óc Eo, Lung Lớn, Gò Giồng Trôm, Chùa Linh Sơn; 3 di tích còn lại hiện đang chuẩn bị thi công mái che.

          UBND huyện đã tích cực chỉ đạo Công an huyện, UBND thị trấn Óc Eo đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện Đề án. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cử cán bộ tham gia khai quật.

          - Ngoài ra, trong những năm qua, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã tiến hành các cuộc thăm dò, khai quật tại các di tích Đá Nổi (Phú Thuận), Kinh Cùng, Tân Hiệp B (thị trấn Óc Eo) và đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các xã, thị trấn có di tích.

          f) Quy hoạch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích: lập quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt, dự án đầu tư cấp tỉnh

          - Phối hợp lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê. Ngay từ năm 2017, khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch (Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 05/12/2016), Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với UBND huyện Thoại Sơn và các ban ngành có liên quan lập hồ sơ quy hoạch và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch (Quyết định 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2023, sau đây gọi tắt là Quyết định 115).

          - Ngày 10/02/2022 Phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 14/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc Công bố Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê).

          - Phối hợp đề xuất và lập dự án bảo tồn và phát huy di tích cấp tỉnh Đá Nổi, dự án đã được UBND phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang trình thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật để đầu tư cho dự án với Nguồn vốn do ngân sách tỉnh cấp hơn 10 tỷ đồng.

 

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê

Các đại biểu tham dự lễ công bố Quy hoạch theo Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ

g) Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến văn hóa Óc Eo

- UBND huyện Thoại Sơn đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn xuất bản công trình Thoại Sơn trên đường phát triển, trong đó có 1 chương viết về văn hóa Óc Eo.

- Năm 2016, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng thành tựu khảo cổ học văn hóa Óc Eo trong việc làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử nước Phù Nam” và năm 2019 bảo vệ thành công đề tài cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng và đề xuất mục tiêu, giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê trở thành trọng điểm du lịch”.

2. Hoạt động triển lãm, tuyên truyền

- Phối hợp với đài truyền thanh huyện Thoại Sơn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo nhất là Công bố Quy hoạch và nhiệm vụ khoanh vùng bảo vệ theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh An Giang…Đồng thời, đơn vị phối hợp với đài truyền thanh huyện làm phim phóng sự về văn hóa Óc Eo.

          - Phối hợp tích cực tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức (Hệ thống thông tin điện tử, triển lãm, họp dân, cổ động trực quan…) cho cán bộ và nhân dân hiểu biết về văn hóa Óc Eo, nhất là pháp luật về văn hóa để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Thoại Sơn.

- Tuyên truyền cho các em học sinh trên địa bàn huyện, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức 04 đợt tuyên truyền tại các trường trung học phổ thông (Vĩnh Trạnh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Thoại) và 08 đợt trải nghiệm thực tế tại các điểm di tích (Gò Cây Thị, Nam Linh Sơn tự, Chùa Linh Sơn) với tổng số học sinh tham gia hơn 1.160 lượt. Nội dung tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú như thực hiện các báo cáo chuyên đề (Luật Di sản Văn hóa Việt Nam; báo cáo quá trình xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và giới thiệu bảo vật quốc gia được Thủ tướng chính phủ quyết định công nhận năm 2021). Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu kiến thức qua các trò chơi như: em là thuyết minh viên, em làm nhà khảo cổ, Ai là triệu phú, Chiếc nón kỳ diệu, Hộp quà bí mật, và hái hoa dân chủ…

- Một số hoạt động do UBND huyện chủ trương tổ chức và Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo đã tích cực hưởng ứng như năm 2019 tham gia triển lãm chuyên đề hình ảnh và 3000 hiện vật Văn hóa Óc Eo nhân lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ 18, lễ Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu; năm 2022 tham gia Hội thi xa hoa chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 – 2022), 200 năm danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822-2022).

- Ngoài ra, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo còn phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật huyện Thoại Sơn tổ chức cuộc thi vẽ tranh về văn hóa Óc Eo, tổ chức các trại thơ nhạc; đồng thời đơn vị phối hợp với Ban giám hiệu các trường THPT và THCS tổ chức các lớp “múa Óc Eo” cho các em học sinh góp phần phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa Óc Eo.

3. Một số hoạt động khác

- Công tác sưu tầm hiện vật

+ Năm 2014: Ban Quản lý Văn hóa Óc Eo đã tiếp nhận 132 danh mục từ Ban Quản lý du lịch và văn hóa huyện Thoại Sơn. Trên cơ sở tiếp nhận những hiện vật này, cùng với những hiện vật sưu tầm từ những nguồn khác nhau, đơn vị đã đề xuất và được UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Nhà Trưng bày văn hóa Óc Eo (đưa vào sử dụng năm 2015).

+ Công tác vận động nhân dân hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo luôn được duy trì thường xuyên; từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã vận động nhân dân hiến tặng hơn 6.000 hiện vật. Điều này góp phần làm phong phú thêm số lượng và chất lượng hiện vật văn hóa Óc Eo. Các cá nhân và tập thể hiến tặng cho Ban Quản lý đa phần ở huyện Thoại Sơn (80-90%).

          - Khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích: công an thị trấn, các cá nhân hiến tặng hiện vật cho đơn vị. Đề xuất UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen cho công an huyện và các cá nhân hiến tặng hiện vật.

          - Phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện hoàn thành công trình sửa chữa nội ngoại thất Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, đang triển khai thi công dự án xây dựng “Hàng rào, vỉa hè và hệ thống thoát nước Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo”. Tổng nguồn vốn do ngân sách tỉnh cấp hơn 4 tỷ đồng.

          4. Tồn tại, hạn chế

          - Nhiều điểm di tích được phát hiện nhưng chưa có điều kiện khai quật, nghiên cứu bảo tồn và phát huy như: các di tích ở thị trấn Núi Sập, Vọng Thê, An Bình, Mỹ Phú Đông, Định Mỹ.

          - Công tác xây dựng mái che di tích trong Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (2017-2020) tiến hành còn chậm, điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn di tích, di tích bị tác động nhiều bởi mưa, nắng, ẩm mốc, trong khi đó nguồn lực của địa phương chưa chủ động được trong công tác này.

          - Vẫn còn tình trạng vi phạm di tích, việc tu bổ gặp nhiều khó khăn do các di tích chỉ còn lại phần nền móng. Sức ép của quá trình đô thị hóa, sự xuống cấp của di sản do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, của biến đổi khí hậu; của việc đào phá tìm vàng, tìm cổ vật; của việc triển khai hệ thống đê bao và kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều di tích bị san lấp để lấp đất sản xuất…đó là những nguy cơ hiện hữu đối với di sản Óc Eo huyện Thoại Sơn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung

          - Các di tích vẫn chưa hoàn thành hồ sơ để xin cấp quyền sử dụng đất. Việc làm này cần phải thực hiện sớm để tránh các vụ lấn chiếm di tích ở hiện tại và tương lai. Công tác khoanh vùng, thu hồi đất còn chậm, nhiều di tích vẫn nằm trên nền đất của người dân, khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ.

          - Chậm ra thông báo bảo vệ Quyết định 115 dẫn đến một số hộ dân mua bán và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong vùng quy hoạch (chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, xây dựng các công trình làm ảnh hưởng đến địa tầng và cảnh quan di tích khảo cổ…)

          - Việc phát huy các khu đất huyện bàn giao chưa thực hiện được do thiếu vốn đầu tư.

          III. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, kịp thời xử lý các hành vi hủy hoại, lấn chiếm, xây dựng trái phép hoặc gây nguy cơ hủy hoại không gian văn hóa, cảnh quan môi trường di tích theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ di tích trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên và con người theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, phối hợp triển khai thực hiện tốt Đề án thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích giai đoạn 2021 – 2030 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 115.

Thứ ba, phối hợp xây dựng và bảo vệ thành công hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

          Thứ tư, phối hợp thực hiện đề án Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) hạng mục làm mái che bảo vệ cho các di tích.

          Thứ năm, Phối hợp thực hiện đề án đầu tư cấp tỉnh di tích Đá Nổi

          Thứ sáu, Phối hợp tổ chức cắm mốc và công bố trực quan cụ thể (vùng lõi, vùng đệm) cho 100% diện tích thuộc các di tích đã được xếp hạng và di tích đã được kiểm kê.

          Thứ bảy, phối hợp huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện.

          Thứ tám, phối hợp đề xuất Quy hoạch phát triển du lịch cho các di tích văn hóa Óc Eo để hòa cùng Quy hoạch du lịch chung của tỉnh An Giang; Quy hoạch sản phẩm du lịch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang.

          Thứ chín, phối hợp thực hiện tốt chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh sinh viên thông qua di sản theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác