Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
10:02 25/01/2024
Châu Đốc là thành phố biên cương, diện tích tự nhiên 104,7km2 nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, phía Bắc giáp huyện An Phú, Tây Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp huyện Châu Phú, phía Tây giáp huyện Tịnh Biên và phía Đông giáp huyện Phú Tân.
Với số dân hiện nay trên 119 ngàn người và đông đảo khách vãng lai, du lịch. Thành phố Châu Đốc là nơi sinh hoạt nhộn nhịp, mua bán sung túc; Châu Đốc xưa kia là tỉnh lỵ, ngày nay là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, là đô thị loại II, gồm 05 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, Núi Sam, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Ngươn và 02 xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu. Trước mặt thành phố là giao điểm của sông Châu Đốc và sông Hậu. Sau lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đặc thù của Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam với nhiều di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng cả nước. Châu Đốc có chiều dài lịch sử gắn liền với những sự kiện trong công cuộc gìn giữ đất nước nhất là sự kiện Thoại Ngọc Hầu huy động sức dân đào kênh Vĩnh Tế, vừa phục vụ công tác thủy lợi, vừa có ý nghĩa về mặt quân sự và phát triển du lịch (Ban Biên tập Cổng thông tin Điện tử thành phố Châu Đốc https://chaudoc.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/trang-chu/cdp-tongquan/ctd-gioithieuchaudoc, truy cập ngày 7/01/2024).
Ngoài sự nổi tiếng của tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ, ít ai biết rằng, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tồn văn hóa cổ tại các khu vực quanh núi Sam, đó là các di tích văn hóa Óc Eo. Theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đính kèm danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Châu Đốc có 4 di tích đều nằm ở phường Núi Sam: Vĩnh Phước 1, Miếu Bà Chúa Xứ, Giác Hương Cổ Tự, Bệ Tượng Bà
Di tích Miếu Bà Chúa Xứ: Đây là nơi đang lưu giữ 01 tượng thần, 01 linga-yoni và các phiến sa thạch đen thuộc văn hóa Óc Eo. Linga – yoni được tìm thấy trong khuôn viên miếu Bà, quá trình trùng tu miếu vào năm 1993, đây là một hiện vật còn tương đối nguyên vẹn, chỉ bị vỡ 1 phần nhỏ ở rãnh. Yoni hình vuông dài 97cm có rãnh, lỗ tròn xuyên thủng ở giữa đường kính lỗ tròn: 26cm, sâu 4,5cm. Một mukhalinga hình bát giác đặt trên đế hình vuông, có mí thiêng (vì đặt trong tượng thờ cùng với tượng bà nên chưa đo kích thước được). Ngoài ra, ở đây còn tìm thấy 01 tấm đan hình chữ nhật, có chốt nhô ra làm bằng sa thạch xám đen, kích thước: 175 x 35 x 6,5 (cm), hiện vật phát hiện từ năm 1994.
Hiện vật Yoni và tấm đan hình chữ nhật đang trưng bày tại Miếu Bà Chúa Xứ |
Hiện vật Yoni và tấm đan hình chữ nhật đang trưng bày tại Miếu Bà Chúa Xứ |
Di tích Giác Hương Cổ Tự: Trong khuôn viên và xung quanh ngôi chùa Giác Hương trên Núi Sam rải rác có các viên gạch Óc Eo. Phía sau chùa có một khu đất bằng phẳng và cao hơn nền chùa. Tại đây có một móng gạch hình chữ nhật, kích thước 7 x 10m (hướng đông bắc - tây nam), móng gạch rộng 40-60 (cm).
Di tích Bệ Tượng Bà nằm ở trên đỉnh núi Sam có tọa độ: 10040’39” vĩ độ Bắc; 10504’35” kinh độ Đông. Bệ tượng bằng đá hình vuông, mỗi cạnh dài 86cm, có lỗ vuông sâu ở giữa (sâu 17cm). Đây là bệ đặt tượng bà Chúa Xứ trước khi rời xuống chân núi như hiện nay.
Di tích Bệ Tượng Bà |
Di tích Giác Hương Cổ Tự |
Di tích Vĩnh Phước 1: Vào ngày 29 tháng 7 năm 2018, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Giềng – Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã đi khảo sát di tích văn hóa Óc Eo cùng với Thạc Sỹ Nguyễn Thị Hà – Giảng viên Khảo cổ học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm khảo sát đã phát hiện những dấu tích văn hóa quan trọng ở ấp Vĩnh Phước 1, phường Núi Sam, thành Phố Châu Đốc; cách Núi Sam khoảng 1 km về phía nam. Tại đây, trên một cánh đồng rộng tại khu đất của ông Nguyễn Quốc Hiệp (sinh 1984 ngụ ở xã Vĩnh Tế) có diện tích chừng 4.000m2, khi đào ao nuôi cá, ở độ sâu 2,6m đã xuất lộ rất nhiều nhiều gốm cổ mang đặc trưng văn hóa Óc Eo. Ngoài gốm, nhóm khảo sát còn tìm thấy xương, gỗ, xỉ kim loại, xỉ thủy tinh…Và đặc biệt đã tìm thấy dấu tích kiến trúc cổ thông qua một đoạn tường gạch rộng 1m, sâu 70 – 80cm, dài 4m (theo chiều bắc – nam) và còn ăn sâu vào 2 bờ ao; kích thước gạch khá lớn. Loại hình hiện vật tìm thấy nhiều nhất trong di tích là hiện vật gốm. Các loại hình gốm đa dạng và phong phú, đáng chú ý nhất là bát bồng và chân bát bồng; ngoài ra còn có các mảnh vỡ của loại hình bình, nồi, vò, tô chén, dĩa…Chất liệu gốm thô và gốm mịn. Đặc biệt có những hiện vật gốm có màu đen bóng.
Các mảnh gốm xuất lộ dày đặc tại di tích Vĩnh Phước 1 |
Các mảnh gốm xuất lộ dày đặc tại di tích Vĩnh Phước 1 |
Qua điều tra, nhóm khảo sát đã ghi nhận đây là di chỉ cư trú cổ khá điển hình của văn hóa Óc Eo. Ngoài di chỉ cư trú khu vực này còn có di chỉ kiến trúc. Và di tích này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Nhóm khảo sát bước đầu xác định niên đại của di tích vào khoảng thế kỷ I đến thế kỷ thứ IV (Dựa vào loại hình hiện vật gốm so sánh với các di tích tương tự đã tìm thấy và nghiên cứu ở Khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Những giá trị nêu trên sẽ được làm rõ hơn nếu di tích được thám sát và khai quật sớm.
Tóm lại, các di tích và hiện vật văn hóa Óc Eo trên địa bàn thành phố Châu Đốc đã phát hiện có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo An Giang nói riêng, văn hóa Óc Eo Nam Bộ nói chung. Tượng Bà núi Sam vốn là một tượng thần trong Hindu giáo, mukhalinga, yoni là biểu tượng của thần Shiva. Đáng chú ý các mảnh gốm dày đặc phát hiện trên cánh đồng Vĩnh Phước 1 có niên đại khá sớm, vào thời kỳ đầu của văn hóa Óc Eo. Di tích cần được tập trung đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy./.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang