Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA, SỨC MẠNH CON NGƯỜI VIỆT NAM VÀ VIỆC VẬN DỤNG VÀO QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA ÓC EO TỈNH AN GIANG

09:25 29/11/2021

1. Đặt vấn đề
Là một trong những nội dung của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết thực tiễn kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đồng thời quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện trong tiến trình đổi mới của đất nước, nội dung “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” là một trong 15 nội dung quan trọng được nêu ra trong báo cáo chính trị.
Cụ thể trong Báo cáo đã nêu rõ: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội1”, “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau2
Bên cạnh đó, đồng nhất với quan điểm trên, giai đoạn 2020 – 2025 của Đảng bộ tỉnh An Giang cũng khẳng định việc “phát triển kinh tế -  xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội3” gắn với khâu đột phá đó là “Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch4”.
Qua đó, các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu để hiện thực hóa các mục tiêu liên quan đến vấn đề trên, cụ thể là: “Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ Tỉnh đến cơ sở, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, địa phương [..] đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc. Gắn chặt phát triển văn hóa với phát triển du lịch [...]. Đẩy mạng xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.5” “Tăng cường văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa để giới thiệu hình ảnh và con người An Giang6”.
Những quan điểm chỉ đạo này vừa mới vừa không mới, tuy nhiên đã khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó việc quán triệt những nội dung cốt lõi và cơ bản của Nghị quyết là hết sức cần thiết, để việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm này thành các chương trình hành động cũng như các kế hoạch cụ thể một cách hiệu quả và đúng đắn, sát thực.
Nội dung trọng tâm của chuyên đề bao gồm các phần theo thứ tự như sau: (1) đặt vấn đề, (2) thực trạng vận dụng vào việc quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo (kết quả đạt được, khó khăn – hạn chế và nguyên nhân), (3) mục tiêu – quan điểm, (4) nhiệm vụ - giải pháp, (5) tổ chức thực hiện và (6) kết luận.
          2. Thực trạng quản lý và phát huy Di sản văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang
          2.1 Kết quả đạt được
Căn cứ vào quan điểm chỉ đạo của Đảng và chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, thời gian qua đơn vị cụ thể hóa thành những kế hoạch và chương trình hành động và đã đạt được một số kết quả như sau:
Triển khai việc phối hợp với Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam tổ chức khai quật đề án Di tích Óc Eo Ba Thê – Nền Chùa với tổng kinh phí hơn 148 tỷ đồng và tiến hành xây dựng mái che tại 3 khu vực đã khai quật với kinh phí là 20 tỷ đồng (trong đó vốn từ ngân sách tỉnh đối ứng là 8 tỷ đồng);
Tham mưu ban hành và triển khai Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 17/6/2019 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn toàn tỉnh. Quyết định này củng cố thêm nền tảng để đơn vị thực hiện công tác quản lý một cách thuận lợi và hiệu quả. Trên cơ sở đó, đơn vị tiến hành các dự án bảo tồn và trùng tu có hệ thống các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng vào các di tích văn hóa Óc Eo tại địa bàn huyện Thoại Sơn nhằm bảo vệ và hạn chế sự tác động của quá trình xâm nhập mặn và thời tiết lên các di tích này. Đồng thời, công tác nghiên cứu khảo cổ thông qua các chương trình khai quật, đào thám sát, điền dã các di tích cũng được đơn vị chú trọng thực hiện đồng bộ.
Việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm thực hiện: trong thời gian tới đơn vị đã xin chủ trương nâng cấp nội, ngoại thất Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo và đổi tên thành bảo tàng chuyên ngành văn hóa Óc Eo. Đồng thời, xây dựng mô hình bảo tàng thông minh, năm 2020 – 2021 đã triển khai hệ thống mã thuyết minh thông qua mã QR cho tất cả các hiện vật được trưng bày, đồng thời mở rộng ra ở 3 điểm di tích là Di tích Gò Cây Thị A, Di tích Gò Cây Thị B và Di tích Linh Sơn Nam phục vụ phát triển du lịch.
Công tác tuyên truyền cho người dân về luật Di sản và về vai trò, tầm quan trọng giữa người dân trong việc góp phần cùng cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo được chú trọng, tính đến nay tổng số hiện vật/ mảnh hiện vật người dân hiến tặng đã lên đến hơn 8000 hiện vật.
Việc đẩy mạnh, quảng bá hình ảnh, giá trị di sản văn hóa Óc Eo cũng như đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phát huy, tăng cường văn hóa đối ngoại cũng được đơn vị chú trọng phát triển. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2019  tổ chức khai quật di tích Gò Cây Trâm với kinh phí được đối tác Hàn Quốc đài thọ; giai đoạn 2019 – 2020 đơn vị phối hợp với đối tác Hàn Quốc tổ chức 2 cuộc triển lãm các hiện vật văn hóa Óc Eo của Việt Nam tại 2 bảo tàng quốc gia của Hàn Quốc (Bảo tàng Seoul Baekje và Bảo tàng Hàng hải), giai đoạn 2021 – 2023 đơn vị phối hợp với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) tổ chức ấn hành và xuất bản bộ sách “Khảo cổ học Đồng bằng sông Mekong” của Louis Malleret với mục đích củng cố thêm cho công tác lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa Óc Eo Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
2.2 Khó khăn hạn chế
Hoạt động khai quật, nghiên cứu văn hóa Óc Eo còn gặp nhiều rào cản (kinh phí, nhân lực và cơ chế), đồng thời đơn vị còn bị động và phụ thuộc nhiều vào các chuyên gia bên ngoài trong hoạt động này.
Hoạt động du lịch khai thác giá trị di sản văn hóa Óc Eo chưa được phát huy hiệu quả, kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng phát triển của một điểm đến là di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, lưu trú còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Do đó, số lượng du khách đến tham quan di tích còn thấp.
2.3 Nguyên nhân của hạn chế
Nguyên nhân khách quan: Kinh phí phục vụ cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ còn hạn chế, chính sách quy hoạch, đầu tư và phát triển du lịch, văn hóa Óc Eo còn chậm phê duyệt, chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương chưa tương xứng nên đội ngũ cán bộ viên chức đơn vị chưa yên tâm công tác, chưa thu hút được đội ngũ khoa học, chuyên gia về cộng tác do tỉnh nhà còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ quan: Một số chủ trương liên quan đến công tác thực hiện quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo còn chưa huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Năng lực của một số cán bộ viên chức trong đơn vị còn hạn chế, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt Luật di sản văn hóa, công tác huy động nguồn lực xã hội của đơn vị chưa đồng bộ và chưa đạt được hiệu quả, phần lớn kinh phí vẫn phụ thuộc và ngân sách nhà nước.
3. Mục tiêu, quan điểm chủ yếu giai đoạn 2021 - 2030
3.1 Quan điểm phát triển
(1) Xem việc hoàn thiện công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo là then chốt, bảo tồn di sản văn hóa Óc Eo là nền tảng cho sự phát triển, đồng thời khai thác có hiệu quả giá trị di sản văn hóa Óc Eo phục vụ lại cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của di sản.
(2) Tăng cường liên kết phối hợp đối tác trong nước, và ngoài nước trong việc nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo.
(3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo.
3.2 Mục tiêu tổng phát
Chủ động trong công tác bảo tồn, nghiên cứu và khai quật di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê tránh phụ thuộc nhiều vào chuyên gia và bị động trong hoạt động này.
Mở rộng thêm một số đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai quật khảo cổ học, bảo tàng học và kinh doanh du lịch lữ hành để hỗ trợ đơn vị trong giai đoạn tới.
Triển khai có hiệu quả và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
3.3 Xác định các khâu đột phá
(1) Kêu gọi đầu tư và phát triển hạ tầng du lịch, giao thông công cộng, hệ thống cơ sở lưu trú.
(2) Nâng cao năng lực, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức.
(3) Xây dựng mô hình bảo tàng thông minh, chuyển từ ứng dụng công nghệ sang giai đoạn chuyển đổi số trong phục vụ tại điểm.
3.4 Chỉ tiêu chủ yếu
Có ít nhất 01 hiện vật được đề cử là bảo vật quốc gia.
Có ít nhất 6% cán bộ tại đơn vị có đủ điều kiện để phụ trách công tác nghiên cứu khoa học theo quy định mà không phải phụ thuộc vào chuyên gia. Phấn đấu đến 2025, đơn vị có thể tự chủ trong hoạt động nghiên cứu, khai quật, trùng tu và bảo tồn di tích.
Hoàn thành xây dựng 09 mái che bảo vệ di tích trong Đề án Nghiên cứu di tích văn hóa Óc Eo Ba Thê – Nền Chùa.
Ký kết được thêm ít nhất 01 thỏa thuận mới với đối tác nước ngoài nhằm mục đích nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo.
4. Nhiệm vụ, giải pháp
4.1 Tập trung phát triển các dịch vụ du lịch, dịch vụ trải nghiệm cho du khách, tạo động lực cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo.
Tích cực đề xuất và tham mưu các dự án kêu gọi đầu tư nằm trong các danh mục đầu tư hàng năm của tỉnh. Liên kết, phát triển các loại hình du lịch phù hợp: du lịch văn hóa lịch sử - du lịch sinh thái – du lịch tâm linh. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa gắn liền với di tích Óc Eo Ba Thê. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Óc Eo nói riêng và An Giang nói chung, tang cường liên kết vùng, trong và ngoài nước nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa Óc Eo
4.2 Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực bên ngoài đầu tư, tài trợ cho hoạt động quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo
Để phát triển một cách bền vững thì xã hội hóa là một trong những chiến lược được áp dụng trong mọi lĩnh vực và quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo cũng không ngoại lệ. Việc xã hội hóa là xu hướng phát triển tất yếu, là lộ trình được khuyến khích trong các hoạt động phát triển của An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể, vận động, kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư , khai thác và bảo vệ di sản văn hóa Óc Eo, môi trường du lịch văn hóa. Đặc biệt, vận động nhiều hộ gia đình và cộng đồng dân cư địa phương tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động quảng bá, bảo tồn và phát huy.
4.3 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của địa phương, đơn vị
Khuyến khích, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách thu hút nhân tài đặc biệt là những người có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực, vị trí công tác, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ.
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chi ủy Chi bộ phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát, lãnh chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra.
Từng cán bộ đảng viên, viên chức, người lao động đơn vị căn cứ vào vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình có kế hoạch thực hiện tốt phần việc đảm trách.
Đồng thời, vai trò của tuyên truyền viên, báo cáo viên ở cở sở cần được phát huy tốt để nhằm kịp thời định hướng, tuyên truyền, giáo dục, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với quần chúng, điều chỉnh kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
6. KẾT LUẬN
Tóm lại, những kết quả đạt được trong việc quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo của tỉnh nhà thời gian qua là động lực cổ vũ mạnh mẽ cho cán bộ viên chức, người lao động Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo phát huy đoàn kết, tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu đưa ngành di sản văn hóa tỉnh An Giang phát triển nhanh và bền vững.
Việc cụ thể hóa những chủ trương, Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong tình hình mới thành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể được đơn vị tổ chức thực hiện kịp thời, bên cạnh đó việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối này sâu rộng trong cán bộ đảng viên, viên chức, người lao động toàn đơn vị cũng được thực hiện nhanh chóng.
Ngoài ra, việc phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị không được tách rời việc bồi dưỡng, đào tạo con người, bởi chiến lược xây dựng con người và phát triển văn hóa, xã hội chính là một mục tiêu, một động lực quan trọng của sự nghiệp đổi mới, đồng thời thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa khi Việt Nam bước vào phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế7.
Thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn song khó khăn, thách thức cũng không ít, trước mắt, tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung vẫn tiếp tục đối phó với đại dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế toàn cầu, cùng với những khó khan đặc thù của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tác động trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Do đó, việc xác định đúng đắn các khâu đột phá cũng như đặt ra mục tiêu hợp lý, khả thi, đồng thời đưa ra giải pháp thực hiện bám sát mục tiêu, kỳ vọng sẽ giúp đơn vị hoàn thành tốt và vượt các chi tiêu đề ra, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.
1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XIII – tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.145.
2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XIII – tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.145-146.
3. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.55.
4. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.57.
5. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.67.
6. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.68.
7. Phạm Duy Đức (Chủ biên), Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Xu hướng và giải pháp. NXB CTQG, HN, 2011.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Văn kiện Đại hội Chi bộ lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Tỉnh ủy An Giang, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Tập 1, 2021.
4. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Tập 2, 2021.
5. Phạm Duy Đức (Chủ biên), Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Xu hướng và giải pháp. Nxb CTQG, HN, 2011.

 

Nguyễn Xuân Minh

các tin khác