Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

CÁC DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ TÂN CHÂU

10:06 25/01/2024

          Thị xã Tân Châu thuộc vùng biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh An Giang, là địa phương đầu nguồn con sông Tiền, có đường biên giới dài 6,33km giáp với tỉnh Kandal – Campuchia, phía Bắc giáp tỉnh Kandal – Campuchia; phía Nam giáp huyện Phú Tân; phía Tây giáp huyện An Phú; phía Đông giáp sông Tiền (huyện Hồng Ngự – Đồng Tháp).

          Diện tích đất tự nhiên 17.664, 64 ha; dân số trung bình 172.088 người, Thị xã Tân Châu được thành lập theo nghị quyết 40/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2009 của chính phủ có 14 đơn vị hành chính phường, xã. (cổng thông tin điện tử thị xã Tân Châu https://tanchau.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/main/tong-quan/pbcm, truy cập ngày 7/01/2024).

          Với thế mạnh về Thương mại – dịch vụ, du lịch và sự phát triển của ngành Nông nghiệp cùng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu được xác định là một trong ba vùng động lực kinh tế – xã hội của tỉnh An Giang.

          Địa giới hành chính của Tân Châu (tỉnh An Giang) được hình thành từ năm 1757, khi vua nước Chân Lạp dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn, Trên đất Tầm Phong Long, chúa Nguyễn đã cho lập đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, đạo Đông Khẩu thuộc dinh Long Hồ, phủ Gia Định và Tân Châu được hình thành từ thời điểm đó. Từ đó đến nay, trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển từ đạo Tân Châu xưa nay là thị xã Tân Châu đã có bước phát triển nổi bật, trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất trong vùng, mở ra giao thương với các nước trong khu vực.

Về lịch sử xa xưa, vùng đất Tân Châu thuộc lãnh thổ vương quốc Phù Nam. Hiện nay, ngành khảo cổ học đã chứng minh được điều này bằng việc tìm thấy các di tích văn hóa Óc Eo – nền tảng vật chất của vương quốc Phù Nam.

Theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đính kèm danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, thị xã Tân Châu có 3 di tích: Đìa Hòm, Núi Nổi, Nền Chùa phân bố ở địa bàn các xã Vĩnh Hòa, Tân Thạnh, Nền Chùa.

Di tích Đìa Hòm Di tích nằm trên cánh đồng Vĩnh Hòa, ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa (Cách UBND xã Vĩnh Xương – 1 xã biên giới khoảng 4km). Tọa độ: 10052’7” vĩ độ Bắc; 105010’5” kinh độ Đông. Di tích nằm trên phần đất của ông Trương Văn Đặc. Theo lời kể của nhân dân địa phương, vào năm 1972, chủ đất đào đìa nuôi cá đã phát hiện thấy 7 hòm gỗ (quan tài) bằng thân cây khoét rỗng nằm sát đáy đìa. Mỗi hòm có chứa một số di vật như nồi đất nung, trang sức đeo tay bằng kim loại. Di tích được điều tra và đào thám sát năm 1988, diện tích phân bố 2.000m2.

Khảo sát tại di tích Đìa Hòm

Khảo sát tại di tích Đìa Hòm

Di tích Núi Nổi Tọa độ: 10052’28” vĩ độ Bắc; 10509’26” kinh độ Đông. Di tích phân bố trong khuôn viên chùa Phù Sơn Tự, thuộc ấp Núi Nổi, xã Tân Thạnh. Di tích cách biên giới Việt Nam, Camphuchia khoảng 10km về hướng Bắc; cách thị xã Tân Châu 9km.

Đường đi đến di tích: phà Kinh Xáng nối Sông Tiền và Sông Hậu. Tỉnh lộ 952 đi vào lộ nông thôn: lộ bờ nam Kinh Tân An (3km). Kinh Bảy Xã rẽ vô đường Núi Nổi: 1km. (Kinh Bảy Xã là ranh giữa thị xã Tân Châu và huyện An Phú (xã Vĩnh Hậu)).

Hiện vật tại di tích Núi Nổi

Hiện vật tại di tích Núi Nổi

Phù Sơn Tự là ngôi chùa có niên đại trên 200 năm, có diện tích phân bố hơn 3 héc ta, cao 10 – 15m, chu vi 320m, cao ở mặt đông, thấp ở mặt tây, có nhiều khối đá lớn chủ yếu là đá granit, có lẫn đá phiến và sa thạch mang dấu ấn lao động, tôn đắp của con người từ thời xa xưa. Chùa đông khách vào các ngày rằm, lễ (150 lượt khách). Trong chùa có mô hình mỏ neo, thuyền (tương truyền vùng này xưa kia là biển).

Phía đông nam trước chùa và trong khuôn viên vườn chùa có nhiều khối đá granit, đá cũng dùng để kè 2 bên cổng đi vào). Một số hiện vật đá có dấu vết chế tác có đặc điểm của văn hóa Óc Eo.

Sự kiện liên quan: Đây là một di tích cấp tỉnh, loại hình di tích lịch sử cách mạng. Trước đây, vùng này là rừng tre, là căn cứ cách mạng Giồng Trà Dên. Ngày 10/8 âm lịch hàng năm là lễ cúng thần Núi Nổi kết hợp lễ hội mùa nước nổi, thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt khách thập phương. Mũi tàu làm trong chùa đã được mười mấy năm.

Tương truyền 2.500 năm, từng tiếp đón các tàu buôn tơ lụa, gốm sứ đến mua bán như ở vùng Ba Thê, Núi Sập. Tương truyền, vùng này xưa kia vốn là vùng biển, có nhiều ghe thuyền buôn bán

Di tích Nền Chùa Ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, Tọa độ: 10052’11” vĩ độ Bắc; 105010’12” kinh độ Đông. Đường đi đến di tích: Tỉnh lộ 952 (dài 3km) đến đường bờ Nam kinh cùng, di tích nằm ở bờ bắc kinh Cùng; cách di tích Đìa Hòm trên 2km. Di tích phân bố trên một gò đất rộng khoảng 1 héc ta, đã bị san phẳng làm ruộng, trên bề mặt phát hiện một số hiện vật đá kiến trúc và một số mảnh gốm cổ.

Ngoài di tích Đìa Hòm được đào thăm dò một phần, các di tích khác trên địa bàn thị xã chưa được khai quật khảo cổ. Cho nên cần sớm có các kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn với một số định hướng như: triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo; thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên để đánh giá thực trạng di tích, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện; khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích văn hóa Óc Eo nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh…/.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác