Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

HỘI THẢO QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN VỀ VĂN HÓA ÓC EO ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI TỈNH AN GIANG NĂM 2023 (KỲ 3)

02:01 11/01/2024

          (Tiếp theo và hết)

Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Óc Eo – Ba Thê là chủ đề 4 của Hội thảo. Nội dung này được đề cập đến trong các báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Kim; TS. Nguyễn Thị Hậu; TS. Nguyễn Quang Bắc – Nguyễn Hữu Tuấn…; TS. Ngô Hồ Anh Khôi…; Assoc.Prof., Dr. Ya-Liang Chang; TS. Hoàng Anh Tuấn – TS. Lương Chánh Tòng; ThS. Nguyễn Khắc Xuân Thi; ThS. Phan Trọng Phúc…TS. Trần Tuấn Anh…

Trong báo cáo “Óc Eo – Phù Nam: đặc tính lịch sử, di sản và các giá trị văn hóa”, GS.TS Nguyễn Văn Kim đã nêu quan điểm: Là một quốc gia hình thành và phát triển sớm, có nhiều ảnh hưởng ở Đông Nam Á, văn hóa Óc Eo – Phù Nam đã tạo lập nên các không gian chính trị, kinh tế và văn hóa ở hạ châu thổ Mê Kông. Không gian văn hóa rộng lớn đó có vùng lõi hội tập ở Óc Eo – Ba Thê. Trong không gian đó, cư dân Óc Eo – Phù Nam đã tổ chức các hoạt động kinh tế, giao thương mang tính liên – xuyên vùng. Về bản chất, kinh tế thương nghiệp chỉ có thể phát triển trong hệ thống và dựa vào hệ thống. Kinh tế là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển và mở rộng ảnh hưởng của Phù Nam. Với Phù Nam, vương quốc này không thể vươn lên tầm mức của một đế chế nếu không dựa vào sức mạnh của nền kinh tế tổng hòa mà trọng tâm là thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đó là hai ngành kinh tế căn bản tạo nên sự cường thịnh của Phù Nam và là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển chung của nhiều xã hội Đông Nam Á.

Ở Nền Chùa và Óc Eo – Ba Thê cũng như nhiều thành trấn khác, giới thị dân, thương nhân, thợ thủ công…tập trung đông đảo. Trong đô thị cảng, hoạt động kinh tế chủ yếu là thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Các xưởng sản xuất, bến cảng được xây dựng, dinh thự, đền đài, kho chứa hàng cho các mùa mậu dịch được dựng lên ở các thương cảng, bến sông, ven biển. Ở một trung tâm kinh tế, thương mại, sản xuất thủ công lớn nhất của toàn vùng Đông Nam Á, từng diễn ra nhiều hoạt động xã hội, văn  hóa phong phú. Tất cả đều thể hiện chất thị và vị thế của đô thị cảng Óc Eo – Ba Thê trong đời sống kinh tế, xã hội Phù Nam. Cùng với vai trò chính trị, kinh tế, đô thị cảng Óc Eo – Ba Thê còn là một trung tâm tôn giáo có quy mô lớn với hệ thống đền tháp hiển linh trong sự dung thông tôn giáo. Có thể coi đô thị cảng Óc Eo – Ba Thê là minh chứng điển hình của thiết chế Vua – Thần. Thiết chế đó đã được vận hành, tạo nên quyền uy cho vương quốc và trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội.

Chịu tác động đồng thời của nhiều nhân tố, đến đầu thế kỷ VII, sức mạnh của Phù Nam từng bước bị suy giảm. Trong khi đó, một quốc gia khu vực đã trỗi dậy gây sức ép trở lại với Phù Nam. Từ một cường quốc, Phù Nam đã mất dần uy lực. Nhưng “Phù Nam là đại cường quốc đầu tiên trong lịch sử Đông Nam Á. Giống như Roma trong lịch sử châu Âu, thanh thế của Phù Nam còn tồn tại rất lâu sau khi nó sụp đổ” (D.G.E.Hall (1891-1979) – một sử gia người Anh). Mười ba thế kỷ đã qua nhưng hệ thống di tích, di vật quý hiếm và không gian văn hóa Óc Eo vẫn được duy tồn. Tất cả đã và đang cất lên tiếng nói của một quần thể di sản có giá trị độc đáo của Đông Nam Á và châu Á. Ở đó, chủ nhân của một nền văn hóa, bằng lao động và trí tuệ của mình, đã sáng tạo nên một quần thể văn hóa với nhiều giá trị đặc sắc ở vùng châu thổ Mê Kông, Việt Nam xứng tầm của một Di sản văn hóa Thế giới (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 424-446).

“Tiếp cận đa chiều đô thị cổ Óc Eo trong nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản thế giới” TS. Nguyễn Thị Hậu đã bổ sung những nhận thức mới: Có thể nói từ khảo cổ học đô thị, khảo cổ học thương mại và trao đổi đã cung cấp những bằng chứng về đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê ngày càng hiện ra rõ nét với các yếu tố địa hình, địa thế, địa lợi. Khái niệm “Đô thị cổ Óc Eo” đã làm nổi bật những giá trị quan trọng của khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Ngày nay, phần lớn các “đô thị lịch sử” – nơi chứa đựng hệ thống/quần thể di tích/ phế tích lịch sử văn hóa và có thể có khu định cư lịch sử thường được coi là những “đô thị di sản”, vì vậy cần được ứng xử như một tổng thể, bởi vì giá trị toàn bộ di sản đô thị cao hơn nhiều lần giá trị từng công trình di tích cộng lại. Vì vậy, việc định hướng bảo tồn và xây dựng hồ sơ Di sản thế giới của khu di tích này cần dựa trên cơ sở phân tích hệ thống tư liệu khảo cổ học phản ánh các yếu tố tác động vào sự phát triển một đô thị cổ, gồm tổ chức xã hội – kinh tế – văn hóa – dân số. Từ đó, nghiên cứu đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê bằng tiếp cận đa chiều.

Theo “Báo cáo tóm tắt Di sản văn hóa Óc Eo – khu di tích Óc Eo – Ba Thê” thì phù hợp với các tiêu chí (ii), (iii) và (v) của UNESCO. Qua những bằng chứng trên có thể bổ sung vào các tiêu chí đó như sau:

- Tiêu chí (ii): biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan; Bổ sung: Tính chất đô thị trung tâm – đô thị tôn giáo của Óc Eo – Ba Thê được quy hoạch sớm và phát triển theo quy hoạch đó.

- Tiêu chí (iii): là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hoặc đã mất tính chất thương nghiệp đường biển đã mất; Bổ sung: Truyền thống văn hóa và giao thương đường biển, tôn giáo Ấn Độ điển hình thuộc giai đoạn lịch sử nhà nước cổ đại sớm nhất của Đông Nam Á mà nay không còn hiện diện.

- Tiêu chí (v) là một mẫu hình nổi bật về nơi sinh sống truyền thống hoặc sử dụng đất đai của con người đại diện cho một (hoặc nhiều) nền văn hóa, đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương do tác động của những biến đổi không cưỡng lại được; Bổ sung: Hình mẫu về một khu vực dễ bị tổn thương bởi tác động thường xuyên của môi trường tự nhiên, quá trình biến đổi khí hậu trong quá khứ đã từng và trong tương lai sẽ có tác động làm hủy hoại và biến mất truyền thống văn hóa, lối sống của cộng đồng cư dân định cư ở hạ lưu sông Mê Kông( Kỷ yếu Hội thảo, tr. 447-456).

Chủ đề 5 của Hội thảo là Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê. Nội dung này được đề cập đến trong các báo cáo của GS.TS. Trương Quốc Bình; PGS.TS Phạm Văn Dương; TS. Lương Chánh Tòng; Nguyễn Thị Thanh Ngân; TS. Bùi Thị Thu Phương; TS. Phí Ngọc Tuyến; TS. Bùi Gia Khánh; TS. Lê Hoàng Quốc- ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh; Triệu Thị Thanh; ThS. Võ Thị Thảo Nguyên; ThS. Võ Thị Huỳnh Như – ThS. Lê Đình Lang.

“Bảo vệ và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Óc Eo – di sản đề cử vào danh sách di sản văn hóa thế giới”, GS.TS Trương Quốc Bình trình bày quan điểm: Với những nội dung giá trị đặc sắc, đáp ứng những tiêu chí của giá trị nổi bật toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê (An Giang) để đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ khu di tích khảo cổ Óc Eo đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa thế giới. Đây là thủ tục quan trọng trong quá trình đề cử của các quốc gia thành viên nhằm thực hiện Công ước 1972.

Các cơ quan nghiên cứu cần tập trung phân tích và chứng minh về tính xác thực và toàn vẹn của di sản. Các di sản kiến trúc đền tháp, cung điện, di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước cùng các di vật cho thấy tại đây đã từng tồn tại một thương cảng đô thị sầm uất tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Những kiến trúc trong văn hóa Óc Eo xây dựng bằng gạch, đá với những nền móng vững chắc được các kiến trúc sư tạo ra trong điều kiện kỹ thuật thủ công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, hàng năm phải hứng chịu một mùa nước nổi, ngập lụt nhưng chúng vẫn tồn tại khoảng 2 thiên niên kỷ. Sự bền chắc của các công trình kiến trúc không chỉ cho thấy kỹ thuật xây dựng xuất sắc của người Óc Eo mà còn thể hiện sự tinh tế đặc biệt của họ trong việc sử dụng đất đai. Những công trình kiến trúc được xây dựng vừa đáp ứng được công năng sử dụng vừa phù hợp với môi trường sinh thái địa phương. Bên cạnh những di tích kiến trúc là bất động sản, các kết quả khai quật còn phát hiện được nhiều loại hình di vật với số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh,…

Từ những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa Óc Eo phân tích, tập trung chứng minh những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo những tiêu chí về Di sản Thế giới của UNESCO (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 598-608).

Trong báo cáo “Bảo tàng hóa di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang) PGS.TS Phạm Văn Dương kiến nghị: Đối với di tích Óc Eo – Ba Thê, các nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế đã có nhiều phát hiện quan trọng về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Với tư cách là một quần thể di tích lớn, tại đây cho thấy nhiều bằng chứng về di tích cư trú, di tích tôn giáo, nhiều đồ trang sức bằng ngọc, thủy tinh, hàng ngàn mảnh vàng khắc hình thần linh, người, thú, hoa sen, nhiều hiện vật gốm vỡ. Trong các di tích văn hóa Óc Eo cũng tìm được nồi nấu kim loại, khuôn đúc, công cụ chế tác, nguyên liệu và vật liệu phế thải,…Các hiện vật thuộc các nền văn hóa được tạo ra để được nhìn thấy, với toàn bộ khối lượng hàm ý tiềm ẩn của nó, bởi vì chúng ta có thể trưng bày nó để khuấy động cảm xúc, để giải trí hoặc để giáo dục. Kết quả từ các lần khai quật trên, đã mang lại khối lượng hiện vật và tài liệu quan trọng và đã được lưu giữ trong các bảo tàng quốc gia, bảo tàng An Giang và Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo. Nhìn chung, những chứng tích vật chất thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo được phát hiện trong các địa tầng khảo cổ học góp phần làm phong phú đa dạng thêm các hiện vật về văn hóa Óc Eo ở các bảo tàng. Đây là nguồn sử liệu “vật thể – phi vật thể” đồ sộ của cả một xã hội văn minh lúa nước và văn minh hàng hải ở đồng bằng sông Cửu Long, trong quá nửa thiên kỷ đầu Công nguyên. Những bộ sưu tập hiện vật ấy là chứng tích vật chất chứng minh trình độ đỉnh cao “bàn tay tài hoa” của những thợ thủ công và các nghệ sĩ kim hoàn; xác thực sự hiện diện vững vàng cua nghề kim hoàn và nhiều ngành nghề hình thành trên cơ tầng nền nông nghiệp trồng lúa đại trà và phục dịch thông thương làm nên “sự vàng son” của xã hội – kinh tế Óc Eo.

Hướng tới bảo tàng khảo cổ học văn hóa Óc Eo – Ba Thê: Bảo tàng hóa di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê là việc làm hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng trong bảo tồn di sản văn hóa vật thể thuộc các nền văn hóa cổ ở Việt Nam nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng. Đây được xem là phương án tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trực tiếp ngay trong môi trường sống của di sản, gắn bó di sản với cộng đồng.

Bảo tàng hóa các hố khai quật, căn cứ hiện trạng các hố khai quật, trước tác động của môi trường và con người, cần sớm áp dụng phương pháp bảo tàng học để gìn giữ tính nguyên gốc của hố khai quật và sự tồn tại của các di vật ở các tầng văn hóa đã phát lộ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, hồ sơ khoa học về quá trình khai quật, tư liệu hóa quá trình khai quật bằng hình ảnh cùng với các kết quả phát hiện khảo cổ học từ các cuộc khai quật, cũng như những nhận định, đánh giá của các nhà khoa học trong quá trình khai quật. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng và quý giá để khai thác sử dụng trong hoạt động của bảo tàng tương lai.

Xây dựng Bảo tàng khảo cổ học về nền văn hóa Óc Eo – Phù Nam tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê, trên cơ sở di chỉ, di vật khảo cổ học đã được khai quật, phát lộ và các di tích, di vật đã được nghiên cứu, xếp hạng. Mô hình bảo tàng trong khu di tích với hai khu vực trưng bày: trưng bày trong nhà dành cho các di vật, hiện vật đã được khai quật, sưu tầm và đưa vào cơ sở dữ liệu, trưng bày ngoài trời là các không gian văn hóa, cảnh quan, các điểm khai quật được bảo quản theo các quy chuẩn của bảo tàng học và Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản. Bảo tồn nguyên trạng các hố khai quật và các di vật đã được phát lộ, chỉnh lý hồ sơ khảo cổ học, xây dựng hồ sơ hiện vật văn hóa Óc Eo đã được khai quật theo quy chuẩn bảo tàng học. Trên cơ sở các tài liệu, hiện vật, các kết quả nghiên cứu sử dụng công nghệ trình chiếu để tái hiện các không gian văn hóa kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo,..của Vương quốc Phù Nam phục vụ công chúng Kỷ yếu Hội thảo, tr. 609-617).

Còn có nhiều báo cáo rất có giá trị của các tác giả mang đến cho Hội thảo chưa thể hiện hết trong các bài giới thiệu. Tất cả đã thể hiện sự tâm huyết cùng những đóng góp quan trọng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế./.

TÀI LIỆU DẪN

Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”. An Giang, tháng 11/2023.

 

 

             

 

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo

các tin khác