Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

Vài suy nghĩ qua: Tác phẩm “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” của Giáo sư Đào Duy Anh, ấn hành năm 1938.

10:19 09/03/2021

Trong bức tranh hàng ngày của xã hội luôn có muôn màu sắc pha trộn, từ vạn vật của hoa lá, cỏ cây thiên nhiên cho đến cuộc sống của muôn loài, cứ nối tiếp luân hồi-bất biến qua năm tháng mà trong đó con người là một thực thể hoàn mỹ nhất được hóa công nhào nặn nên, có đủ đầy lý trí, tình cảm và hoạt động thuộc bật cấp cao nhất so với muôn sự sống trên thế gian này.
 Mọi hành vi và hoạt động, mọi tình cảm và ứng xử của con người được truyền thụ qua lăng kính của cuộc sống từ thời kỳ cổ xưa, cho đến xã hội hiện đại bằng nhiều diễn cảnh được lưu lại qua không gian và thời gian từ trong truyền miệng, trong ghi chép của biết bao nhiêu người, nhất là sự trao truyền của các nhà sử học. Và chính trong diễn trình lịch sử ấy, đứng dưới góc nhìn văn hóa; giáo sư Đào Duy Anh đã cho thế hệ đương đại nhận biết được sự sinh hoạt trong đất nước, xã hội Việt Nam qua lăng kính của mình, mà con người ở nhiều thế kỷ trước đã tạo nên; đây là kỳ công lịch sử, cũng như bao kỳ công khác mà các nhà sử học tâm huyết của Việt Nam đã cố công thực hiện. Và “Việt Nam Văn Hóa Sữ Cương” là một trong những công trình đầu tiên, rõ nét nhất viết về Văn Hóa của Việt Nam, cho con người Việt Nam ngày nay nhận diện, học tập và từng bước góp phần hoàn thiện nó sau này.
 Để vừa tìm hiểu, vừa cổ súy cho văn hóa Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử, tôi có vài suy nghĩ qua đọc tác phẩm “VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG” của Giáo sư Đào Duy Anh như sau:
Trước hết, bản thân hết sức thán phục bởi tinh thần dân tộc của ông Đào Duy Anh, dù đang ở trong điều kiện hết sức khó khăn của đất nước (chưa phát triển, bị thực dân pháp đô hộ) nhưng tính sáng tạo và chịu khó đi sâu tìm hiểu sự sinh hoạt của con người Việt Nam lúc bây giờ, ông đã nghiên cứu và trãi nghiệm thực tế để cho ra tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương”, mà trước ông đã có một số người muốn nói đến văn hóa, nhưng chưa đầy đủ như Đào Duy Anh. Có thể đơn cử một số tác phẩm hoặc bài viết trước Đào Duy Anh đó là: “Việt Nam - phong tục”, “Việt Nam văn khảo” của Phan Kế Bính; “sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Trứ; những bài luận về “Đông tây văn hóa” của Phạm Huỳnh trong Nam Phong tạp chí; hay “Đông tây văn hóa phê bình” trong Quan hải tùng thư, Huế…tất cả chỉ đề cặp đến một số khía cạnh có liên quan, hoặc chỉ một phần sinh hoạt của con người, trong khi văn hóa của Việt Nam không chỉ có phong tục, văn chương hay tôn giáo.
Đào Duy Anh đã để lại cho thế hệ đương đại và mãi sau này một kho tàng văn hóa, dù chỉ là sử cương nhưng có thể từ những luận chứng khoa học này, các nhà nghiên cứu đương đại sẽ phát huy để làm cho văn hóa Việt Nam (thông qua lịch sử) sẽ lớn mạnh không ngừng từ cội nguồn “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh ở thế kỷ trước.
Có thể nói, Đào Duy Anh đã viết nên một tác phẩm về văn hóa Việt Nam hoàn thiện nhất đến thời điểm năm 1938; tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” của ông bao gồm năm Thiên, từ Thiên thứ nhất đến Thiên thứ năm; mỗi Thiên là một kỳ công đào sâu, nghiên cứu và trãi nghiệm của ông rộng khắp Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ Việt Nam.
Dù bản thân biết rằng không tài nào và không thể có đủ kiến thức cũng như hiểu biết để bình luận tác phẩm lớn của Gs Đào duy Anh, nhưng vì do nhiệm vụ học tập, bản thân xin chỉ có vài suy nghĩ theo dạng diễn dẫn từ tác phẩm là chủ yếu, chứ không dám bình luận theo cách khen chê.
1. Chẳng hạn Thiên thứ nhất là tự luận; trong đó ông đã cho người đọc biết văn hóa là gì? Và theo ông “Văn hóa tức là sinh hoạt”, ông còn khẳng định rất hùng hồn rằng: “Văn hóa đã tức là sinh hoạt thì không kể dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi”.
Trong Thiên này, Đào Duy Anh còn nói đến điều kiện địa lý, dân cư, con người Việt Nam và lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam. Về lịch sử tiến hóa, ông cho rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nỡ thành 100 con, rồi chia nhau 50 xuống biển, 50 lên non…là phỏng đoán, là hoang đường, nhưng ông lại vẫn cho truyền thuyết ấy là có ý nghĩa về lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam, ông có đoạn viết như sau: “gần đây người ta đào được mộ xưa ở Thanh Hóa thấy những đồ dùng thuộc về trạng thái quá độ ấy, có thể tiêu biểu cho 3 giai đoạn văn hóa đồng thời tồn tại bấy giờ; những đồ Đá Trau của người thổ xưa thuộc về Tân Thạch Khí thời đại (Âge Neolitthique), những đồ đồng về đời Hán tự Trung Quốc đem vào, cùng những đồ đồng do người bản xứ bắt chước đồ Trung Quốc làm ra. Trong các đồ về hạn thứ ba, có những cái trống đồng là đồ rất phổ thông ở khắp miền Đông Á, nhưng có lẽ gốc tự miền Bắc Việt mà ra”.
2. Thiên thứ hai là kinh tế sinh hoạt, đầu tiên là nông nghiệp, không phải ngẫu nhiên cho đến nay, Chính quyền Việt Nam vẫn cổ súy cho Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để phát triển đất nước, điều này có nguồn gốc từ thời xưa, với đặc điểm văn hóa lúa nước qua hàng ngàn năm của dân tộc. Đào Duy Anh đã cho rằng “Theo các bài khảo cứu rất tường tế của nhà khảo cổ học H.Maspero thì Việt Nam xưa làm ruộng bằng cuốc Đá Trau, chớ phép cày ruộng bằng trâu thì sau này mới học theo người Tàu; có lẽ họ đã biết làm hai mùa và nếu thực rằng họ biết lợi dụng nước sông lên để đem nước vào ruộng thì họ cũng đã là tay làm ruộng khá, cứ thế thì dân tộc ta đã chuyển nghề nông từ đời thượng cổ, nhưng còn ở trạng thái thô sơ”.
Trong nông nghiệp ông đã đưa ra đầy đủ các phương pháp canh tác, thủy lợi, chính sách canh nông, chế độ thổ địa, chăn nuôi và chài lưới…mà xem ra đến nay, trong thời buổi sản xuất nông nghiệp hiện đại vẫn còn dùng các vấn đề mà Đào Duy Anh đã đặt ra, chỉ có khác là tên gọi và hiệu quả của nó, chứ các tính chất, nội dung không có nhiều thay đổi.
Cũng trong Thiên thứ hai, ông đã nói về văn hóa công nghệ như: công nghệ hiện đại, công nghệ làm các mỏ than, mỏ kẽm, mỏ thiếc, mỏ vàng, mỏ sắt, đặc biệt là các nghề dệt đăng ten ở Hà Đông, nghề làm chiếu cói xe ở Ninh Bình, nghề làm ghế tôn nê, nghề làm mũ trắng… cũng hết sức phát triển.
Ngoài ra trong chương này còn có thương mại, cảnh sinh hoạt ở thôn quê; các thành thị, đường giao thông, sưu thuế và tiền tệ. Đào Duy Anh cho rằng thương mại lúc bấy giờ còn kém do lịch sử ta có thời bế quan tỏa cảng; còn cảnh sinh hoạt ở thôn quê “Đơn giản lắm”, trạng thái tự cấp tự túc trước đó giờ đã được mở mang hơn cho nên có sự qua lại thông thoáng hơn giữa thôn quê với thành thị, duy có điều nhà ở thôn quê đa phần làm bằng cột tre hoặc cây xoan, mái lợp bằng rơm; ăn uống thì dùng gạo, bắp, khoai, sắn, đậu và mặc quần áo đa số là phải mua và khi sắm một lần thì dùng rất lâu. Còn thành thị theo Đào Duy Anh chỉ là những nơi trung tâm về chính trị, song vì địa vị trọng yếu của chính trị mà thành thị là nơi dân cư sống đông đảo nhất; ở Việt Nam thời trước thành thị chỉ tính được như Huế, Hà Nội mà thôi. Đường giao thông lúc bấy giờ chưa phát triển, nhưng đường thủy là huyết mạch, quyết định phần lớn cho sự đi lại của con người; ông Đào Duy Anh có nhận xét về giao thông Việt Nam lúc bấy giờ: “Ở một nước nông nghiệp giao thông tất nhiên ít mở mang, các tỉnh giao thông qua lại chỉ bằng các đường nhỏ theo bờ ruộng hoặc bờ sông. Đầu thế kỷ 19 tu bổ đường liên lạc thông suốt từ Bắc-Trung và Nam, nhưng thực ra con đường này là đường nam tiến của dân tộc ta trước đó, nay Gia Long cho tu bổ thêm”.
Trong Thiên này Đào Duy Anh viết nhiều nhất là sưu thuế, như thuế Đinh, thuế điền thổ, các thứ thuế khác… có thể sơ bộ hơn 20 loại thuế lúc bấy giờ. Về tiền tệ theo Đào Duy Anh: “Ngày xưa tiền tệ nước ta không có bản vị. Tuy những đỉnh vàng, bạc, đồng, kẽm lưu hành đều có pháp định, nhưng không rõ bắt đầu từ thời nào, có lẽ ở thời bắc thuộc các đỉnh vàng, bạc, đồng, kẽm này cũng dùng ở nước ta” và sau đó theo ông từ thời Đinh về sau đời vua nào cũng có đúc tiền cho trào đại mình (Thái Bình, Thiên Phúc, Minh Đạo là tên đồng tiền của các vua).
3. Thiên thứ ba là xã hội và chính trị sinh hoạt; Thiên này ông đề cặp đến gia tộc, trong đó có thân thích, gia trưởng các gia tộc, địa vị đàn bà, địa vị con cái, hôn nhân, kế thừa-hương hỏa, chế độ nô tỳ, nhiệm vụ của gia đình và cải tạo gia tộc.
Khi đã qua chế độ mẫu hệ, người đàn ông thời này được xem trọng và có quyền uy là người cha của các con trong gia đình nên gọi là gia trưởng; gia tộc xưa của người Việt có 2 bậc: một là nhà hay là tiểu gia đình gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái; hai là họ hay là đại gia đình gồm đàn ông, đàn bà cùng một ông tổ sinh ra kể cả người chết và người còn sống. Đàn bà trước đây theo Đào Duy Anh không có quyền gì cả, người ta theo thuyết khổng giáo nên quy định đàn ông có 7 lý do để bỏ vợ, đó là không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm miệng, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật.
Tuy nhiên do pháp luật và phong tục, nên đối với đàn bà thời này đã có những qui định bớt tàn nhẫn hơn, như luật Gia Long đã khiến cho chồng không bỏ vợ được, nên vợ đã để tang cha mẹ chồng, nếu vợ đã làm nên giàu có, nếu ngoài nhà chồng ra vợ không còn chỗ nào nương tựa, trừ một điều là vợ ngoại tình thì chồng có quyền bỏ vợ.
Hôn nhân là việc chung của gia tộc chứ không phải việc riêng của con cái, bởi vậy định vợ gã chồng cho con cái là quyền của cha mẹ định đoạt; cho nên có câu “Áo mặc sau qua khỏi đầu”.  Ái tình của con, cha mẹ không biết đến chỉ sau cho môn đăng hộ đối, cho nên dù con cái còn trẻ dại thì cha mẹ đã đính ước nên sinh ra tệ tảo hôn là không ít. Đàn ông là phải lấy vợ sinh con, không vợ là có tội với tổ tiên, nhưng khi có vợ mà không con hoặc chỉ con gái thì chồng có quyền lấy vợ lẽ.
Đặc biệt trong thiên này nói về gia tộc, Đào Duy Anh đã cho chúng ta rõ thêm cái gọi là nô tỳ ở Việt Nam “Mấy lần nước ta đánh được chiêm thành, bắt họ làm tù binh để đi khẩn hoang hay phải làm nô tỳ ở các nhà quan; những người giàu có cũng có thể xuất tiền mua con cái nhà nghèo bắt làm nô tỳ suốt đời. Nô tỳ không có địa vị như dân thường, họ không được kết hôn với dân thường, nô tỳ phạm tội thì nặng hơn hương dân và nếu đánh chủ thì nô tỳ bị xử tử, nhưng chủ giết chết nô tỳ chỉ bị phạt 60 trượng, nô tỳ bị giết chết mà còn anh em cũng làm nô tỳ thì những người này sẽ được giải phóng làm hương dân”.
Về xã thôn trong thiên thứ ba này, Đào Duy Anh cho biết gia đình là nền tảng của xã hội, xã thôn đất ruộng có hạn nhưng con người thì ngày đông thêm, cho nên trong đó có một số người gia trưởng tự tìm đất hoang nào ở vùng lân cận rồi làm đơn xin phép nhà nước, được chấp thuận họ đưa gia đình và mộ thêm một số hộ về ở và hình thành nên một thôn mới tại đó; ruộng đất người nào khai khẩn được thì thuộc quyền người đó.
Sự sinh hoạt của con người trong từng xã thôn là chỉ cần làm tròn nghĩa vụ nộp sưu thuế, làm lao dịch ngoài ra có thể tự do xữ trí việc trong làng, nhà nước không can thiệp đến. Trong dân làng năm nào làm ăn được, ruộng lúa trúng mùa thì người ta tổ chức nhiều lễ như rước sắc thần, lễ kỳ phúc, cầu an… nhằm ăn uống và vui chơi thỏa thích.
Ông cũng cho rằng quốc gia thời trước là phong kiến, có những qui định rất khắc nghiệt, nhưng có khi do gia đình và gia tộc là thể chế vừa lớn vừa hằn sâu trong tâm khảm con người nên đôi khi “Luật vua thua lệ làng”.
Đứng đầu quốc gia là vua, tên vua không ai được nói, viết, nơi vua ở gọi là cấm thành. Chế độ là quân chủ chuyên chế cho nên không có cơ quan nào giám sát vua và quyền hành của vua là tuyệt đối.
Về phong tục ngày xưa, dân tộc Việt Nam hay ăn trầu, nhuộm răng đen, hút thuốc lào, trong ăn uống thì thường dùng cơm với tôm cá từ thiên nhiên ban tặng…từ khi Việt Nam chịu ảnh hưởng Âu hóa thì phong tục nhất là ở những nơi thành thị cũng thay đổi theo.
4. Thiên thứ tư về trí thức sinh hoạt, ông Đào Duy Anh đã lượt ghi qua các giai đoạn của trí thức sinh hoạt đó là: đời thượng cổ; thời đại phật học độc thịnh; thời đại tam giáo; thời đại nho học độc tôn; nho học; phật học; lão học; giáo dục; ngôn ngữ; văn học; nghệ thật; khoa học và phương thuật.
Đây là thiên có 13 vấn đề lớn và chiếm gần 1/3 nội dung của 5 thiên trong “Việt Nam văn hóa sử cương” của giáo sư Đào Duy Anh. Trong văn hóa trí thức sinh hoạt này ông đã đưa nhiều vấn đề tác động của văn hóa Trung Hoa vào Việt Nam để luận giải như nho học, lão học…
Trong tất cả các vấn đề trên, việc giáo dục được ông quan tâm và cho rằng “Việc học hành hoàn toàn tự do, đạo thầy trò thì hết sức thân mật. Vậy theo lẽ giáo dục sẽ tốt lắm, nhưng số người biết chữ cũng có nhiều, mà số người có trình độ học vấn lại thấp kém, do phương pháp giáo dục cẩu thả thô sơ”.
Hay “Phương thuật” của thiên này, thực ra là phong thủy; “Bói cỏ thi” là người ta lấy 50 cọng cỏ cắt đều nhau để bói; “Bói chiếc tự” là người muốn được bói phải viết ra chữ cho người bói xem và đoán; “Bói gieo tiền”; “Số tử vi” có xem tướng mặt, chỉ tay…ngày nay một trong số phương thuật xưa kia trong dân gian có nơi vẫn còn tin dùng.
5. Thiên thứ năm là tổng luận: giáo sư Đào Duy Anh đã có nhiều kết luận rằng: Nước ta vốn lấy nông nghiệp lập quốc cũng như Trung Quốc, cho nên cơ sở văn hóa cũng như Trung Quốc là nông nghiệp, mà hạng người ở trong nước xưa nay giữ được cái tinh thần của văn hóa là hạng nông dân”.
“Bảo rằng ta thờ Khổng giáo, nhưng phải vào trong dân quê thì mới thấy rõ lòng hiếu trung ngay thực là thế nào, chứ ở giai cấp quan liêu và sĩ phu thì ta chỉ thấy lợi dụng ông thánh để đạt chủ nghĩa vinh thân phì gia mà thôi. Bảo rằng ta thờ phật giáo, nhưng cũng phải vào trong dân gian thì mới thấy có người thực hành cái đạo từ bi, chứ ở hạng người phú quý thì ta chỉ thấy núp ở sau bóng ông Phật mà làm những điều bất nhân bất nghĩa. Giành nhau từng mảnh đất với sông rộng biển sâu ở trung châu Bắc Việt, xông pha giữa rừng rậm mà mở mang bờ cõi vào Chiêm Thành, Chân Lạp đó là công phu của nông dân; theo Lê Lợi đuổi quân Minh, theo Tây Sơn đánh loạn thần Trương Phúc Loan cũng là nông dân; Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Tôn Sĩ Nghị, Phan Đình Phùng kéo dài cuộc Cần Vương, cũng đều là nhờ lực lượng nông dân”...
Tóm lại, văn hóa ở Trung quốc truyền sang ta nhiều, nhưng theo Đào duy Anh thì vì tính tình dân ta và hoàn cảnh nước ta nên đã làm văn hóa Trung hoa suy yếu đi, như về địa vị con gái thì luân lý Trung Quốc rất tàn nhẫn, trong khi pháp luật và phong tục nước ta thì nhân hậu và nhân tình hơn. Vậy ta có thể nói rằng gia tộc chủ nghĩa của ta, tuy vốn bắt chước của Tàu mà tựu trung vẫn có tính cách riêng biệt. Sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã ghi cho dân tộc ta cái tính ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an bình chứ không muốn cạnh tranh với ai. Những cuộc đánh nhau với người Tàu ở trong lịch sử, những chiến công lừng lẫy của lịch triều, chẳng qua là tình thế khiến ta phải ra sức tự vệ, chứ không phải là do lòng thượng võ của quốc dân gây ra. Đến như việc chiếm cứ đất Chiêm Thành và Chân Lạp thì phần nhiều là do “công phu tàm thực rất kiên nhẫn của nông dân”, chứ chiến tranh chỉ là để giữ lấy những miền đất đã lấn được bằng cách hòa bình thôi; điều đó đã cho thấyqua chế độ “Sương Binh” ở đời Lý, chế độ “Bách Tính Giai Binh” ở đời Trần, là nhằm để binh lính yên bình ở nhà cày ruộng, đến khi hữu sự mới triệu ra. Lê Lợi đánh xong quân Minh, rồi thì giải tán quân đội cho về làm nông, triều Lê và triều Nguyễn, quân lính thường dùng để khai khẩn đất hoang. Cứ thế thì nước ta xem việc dụng võ là bất thường và việc canh nông là cốt yếu, không như các nước Âu châu khi nào cũng cường binh độc võ mà chỉ toàn xâu xé nhau. Sau hết một điều nữa chứng minh rằng dân ta vốn trọng hòa bình, bởi trong xã hội rất khinh quân nhân mà chỉ quí dân sĩ.
Cái tính ưa chuộng hòa bình bao giờ cũng quí, vì loài người sinh ra không phái để chém giết nhau. Nhưng Đào duy Anh đã chỉ ra “cái tính ấy lại có thể biến thành tính nhu nhược, cẩu thả, lây lất, nhẫn nhục, vô sỉ, khiến người ta ngộ sự không có chút lòng hăn hái phấn đấu nào”. Nhưng ngày nay những điều kiện sinh hoạt mới bắt người ta phải cạnh tranh, phải phấn đấu để mưu sống còn, những cuộc tranh đấu về kinh tế, về chính trị, về xã hội, ta thấy xuất hiện một ngày một nhiều. Vậy nên chủ nghĩa vô vi của Lão tử, chủ nghĩa trung dung của Khổng tử, chủ nghĩa phi chiến của Mặc tử, chủ nghĩa từ bi của Thích Ca, đối với người đời nay, họ cho là những lý thuyết mộng tưởng vu khoát.
Ông Đào duy Anh đã khẳn định “Trong mấy nghìn năm nay văn hóa dẫu rằng có biến, nhưng cái cốt tủy thì vẫn không lung lay, bởi vì xã hội nông nghiệp, xã hội tự cấp tự túc, xã hội an cư lạc nghiệp xưa nay vẫn ở trong hoàn cảnh bế quan tự thủ chưa từng tiếp xúc với thế giới mà chỉ giao thiệp với Trung Quốc là nước đồng văn mà lại cùng một tình thế. Còn đối với Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao là những nước văn hóa hoặc đương suy hoặc còn kém thì sự tiếp xúc với họ không có ảnh hưởng gì quan trọng cho văn hóa ta”...
“Mọi việc sắp đặt chính trị văn hóa, vua Gia Long đều bắt chước Trung Quốc, cho đến pháp luật (luật Gia Long) cũng là chép lại hầu hết bộ luật của nhà Thanh. Trải qua các đời Minh mệnh, Tự Đức, từ vua quan đến sĩ phu, đối với người phương tây và cơ đốc giáo, nhất thiết hoài nghi và khinh thị, một mặt thì thấy gương  Ấn Độ mà sợ người phương Tây lui tới rồi sẽ giở ngón xâm lược đất đai, một mặt thì cho cơ đốc giáo là đạo rối..,làm tà vạy nhân tâm, phá hoại mỹ tục cho nên phàm là người ngoại quốc đến cầu thông thương, giao hảo đều nhất thiết từ chối, còn đối với giáo sĩ và tín đồ Cơ đốc giáo thì hết sức cấm ngăn”...
Nhưng cái văn hóa tây phương mà người ta muốn hoàn toàn du nhập đó, ta cũng nên nhận rõ giá trị của nó là thế nào, trước khi hăm hở hoan nghênh. Người Âu châu ngày nay họ đã hoài nghi cái văn hóa phú cường của chính họ, nó chỉ đem người ta đến những cuộc xung đột ghê gớm, ở trong thì giai cấp tranh đấu, ở ngoài thì quốc tế chiến tranh, văn hóa phú cường càng tiến bộ chừng nào thì nó laị cung cho những cuộc xung đột ấy những lợi khí tàn ác, khốc liệt chừng ấy.
Dân quê không xem người Pháp là một giống người dễ sợ, không xem phẩm vật của họ là đồ mầu nhiệm quái gỡ nữa; sĩ phu cũng không xem những tư tưởng phong tục của họ là lố lăng kỳ cục và bại lý thương luân nữa. Từ rày về sau sự Âu hóa của xã hội ta còn sâu xa thêm, ta chưa có thể dự đoán nó đến đâu là cùng, cũng không thể dự trắc được những điều khó khăn sẽ xảy ra. Nhưng có một điều ta có thể chắc là trong cái văn hóa mới của thế giới sau này-văn hóa nước ta cũng được một phần trong ấy-người ta không thể cho rằng Đông là hơn hay Tây là hơn và nhất thiết những điều phân biệt, kỳ thị Đông Tây sẽ tiêu diệt hết vì sự phát triển.
Tác phẩm “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” của Gs Đào duy Anh là một công trình khoa học, nghiên cứu về văn hóa có không gian rộng và đầy đủ so với hiện thời; toàn bộ nội dung của tác phẩm vừa là cơ sở lý luận văn hóa, vừa là hiện thực của cuộc sống và sinh hoạt của con người Việt Nam từ trước cho đến năm 1938. Sự khẳng định văn hóa giao lưu với các nước đông , tây và mỗi nước đều có một nền văn hóa riêng biệt, không có văn hóa nào hơn văn hóa nào trong tương lai, là sự phán đoán hết sức tài tình của tác giả.
Ấn tượng nữa là trong sau mỗi Thiên viết, Giáo sư Đào Duy Anh đều ghi chép thật kỹ và đầy đủ tên, tác giả từng loại sách hoặc văn bản ông đã tham khảo. Điều này cho thấy sự văn minh trong tôn trọng tác quyền đã được cha ông ta thực hiện khá sớm-từ đầu của đầu thế kỷ trước.
Đọc tác phẩm “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” của Gs Đào Duy Anh, đã làm cho bản thân vừa thán phục, vừa có thêm nhiều kiến thức về văn hóa học – văn hóa Việt Nam, sẽ hỗ trợ rất tốt cho công tác, học tập và trong cuộc sống của bản thân./.

 

 
 

NNT

các tin khác