Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ÓC EO – BA THÊ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

03:41 21/03/2022

Văn hóa Óc Eo là một trong 3 nền văn hóa cổ đại trên đất nước Việt Nam, bao gồm: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở Nam bộ. Di tích văn hóa Óc Eo được khai quật lần đầu tiên vào năm 1944, bởi nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret tại một gò đất cao trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê (hiện thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Cho tới nay, những kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia khảo cổ học trong nước và quốc tế đã hé mở nhiều cánh cửa khoa học về nguồn gốc, nội dung, tính chất của nền văn hóa cổ Óc Eo. Nhờ vậy, những hiểu biết của chúng ta về quá khứ của vùng đất Chín Rồng dần dần được sáng tỏ, chúng ta đang làm sống dậy những giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại và gắn cho nền văn hóa này hơi thở của cuộc sống thời đại...

Vì vậy, bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học thì việc quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Óc Eo, nhất là di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Trung ương, các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh An Giang.

Nghiên cứu khoa học

Trước hết, hoạt động nghiên cứu khoa học cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu lớn, làm cho những mảnh ghép của bức tranh văn hóa Óc Eo ngày càng hoàn thiện hơn ở trong nước. Công tác nghiên cứu khoa học cũng đã thu hút được sự hợp tác quốc tế với sự trở lại của các chuyên gia Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) trong giai đoạn 2000 -2002. Từ năm 2016 đến nay, đã hợp tác với các trường Đại học, cơ quan khoa học văn hóa của Hàn Quốc để tiến hành nghiên cứu chung về văn hóa Óc Eo và thực hiện hợp tác tổ chức triển lãm quốc tế về di sản văn hóa Óc Eo tại xứ sở Kim Chi từ năm 2019 – 2020, thu hút hàng chục ngàn lượt khách quốc tế tham dự.

Đặc biệt từ 2017 – 2020, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với địa phương triển khai đề án nghiên cứu tổng thể di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam bộ) tại tỉnh An Giang và Kiên Giang, với lực lượng chuyên gia hùng hậu và chi phí khai quật, nghiên cứu di tích của đề án lên đến hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Kết quả thu được hàng ngàn hiện vật có giá trị, ngoài việc góp phần tiếp tục làm sáng tỏ nền văn hóa Óc Eo Nam bộ, còn hỗ trợ cho tỉnh An Giang xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới hiện nay.

Phối hợp tổ chức nhiều Tọa đàm, Hội thảo cấp quốc gia và tỉnh An Giang về văn hóa Óc Eo; phát hành hàng chục đầu sách có giá trị, do các chuyên gia đầu ngành chủ biên, đặc biệt trong đó đơn vị đã được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) và gia đình ông Malleret tặng quyền bản quyền bộ sách 04 cuốn, viết về Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông do Louis Malleret là tác giả.

Quy hoạch, quản lý và bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích

Đối với tỉnh An Giang, với vai trò là địa phương trung tâm của nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Thời gian qua đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng nhiều chủ trương và được các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã hỗ trợ trong quản lý, hoạt động và đầu tư phát triển. Năm 2012, thực hiện các thủ tục, hồ sơ di sản để được Thủ tướng xếp hạng là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê; năm 2013, thành lập cơ quan chuyên môn là BQL Di tích văn hóa Óc Eo với nguồn nhân lực hiện nay là 30 cán bộ, chuyên viên, người lao động để thực hiện bảo quản, phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang. Từ khi được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt cho đến nay, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng tại khu di tích.

Cũng năm 2012, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Chỉ thị chuyên về văn hóa Óc Eo; năm 2019 ban hành Quyết định Số 19/2019/QĐ-UBND về thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích văn hóa Óc Eo; năm 2020, ban hành Quyết định số 2252/QĐ-UBND về phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo và năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 68/2021/QĐ-UBND về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền trong tỉnh cùng thực hiện quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di tích văn hóa Óc Eo.

Ngày 23/01/2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Diện tích quy hoạch và bảo vệ rộng 433,2 ha, cùng với nhiều hạng mục đầu tư nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của di tích. Đến nay, Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã hướng dẫn cho tỉnh An Giang xây dựng “Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư”, trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 và đã gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, với khái toán nguồn vốn trị giá hàng trăm tỷ đồng, đang được lấy ý kiến của các cơ quan Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hơn thế nữa, ngày 10/02/2022 vừa qua, với sự chứng kiến của UBND tỉnh và các đơn vị liên quan; Giám đốc BQL Di tích Văn hóa Óc Eo và Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn đã ký kết kế hoạch phối hợp giữa hai bên để tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê; đối với các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên sẽ được ký kết bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong quí II/2022.

Bên cạnh việc làm tốt quy hoạch và quản lý di tích, đơn vị còn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích. Vì đa số các di tích Óc Eo trong tỉnh, nhất là di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê đều được người cổ xây dựng bằng gạch, đá, gỗ và hiện chỉ còn lại những phế tích (nền móng), rất dễ bị thiên nhiên và con người tác động, phá hủy sau khi được khai quật, bóc tách kiến trúc ra khỏi lòng đất. Công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay.

Hàng năm, đơn vị có đánh giá tác động của các yếu tố môi trường lên di tích, từ đó có kế hoạch và tác nghiệp bảo quản thường xuyên (mỗi năm ít nhất hai lần) dùng kỷ thuật khoa học và hóa chất tác động lên các kiến trúc di tích lộ thiên, nhằm loại bỏ sự sinh trưởng của các loại nấm, mốc, địa y, vi sinh vật phát triển trên bề mặt của các kiến trúc - phổ biến nhất là Muối, loại khoáng chất ưa tích tụ bên trong lòng các kiến trúc gạch, chúng rất nguy hiểm cho di tích hiện nay, nhưng luôn được đơn vị quan tâm xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho di tích. Mặt khác đơn vị còn cùng với nhân dân và chính quyền thị trấn Óc Eo thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn con người lợi dụng đào phá di tích.

Về phương hướng tới, để phục vụ cho công tác bảo tồn, ngoài việc đề xuất xây dựng hơn 8.000 m2 mái che bảo tồn di tích sẽ được triển khai trong năm 2022, đơn vị đang phối hợp tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng Hồ sơ (giai đoạn 2) di sản văn hóa thế giới, đối với Khu di tích Óc Eo – Ba Thê theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 7556/VPCH-KGVX ngày 18 tháng 10 năm 2021. Phối hợp đề xuất thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về sơ kết 10 năm ngày di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (27/9/2012 – 27/9/2022) và tổng kết Đề án nghiên cứu tổng thể Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa 2016 - 2020 (văn hóa Óc Eo Nam bộ); tiến đến đề xuất cấp thẩm quyền cho phép chọn ngày 10 tháng 02 hàng năm là ngày truyền thống của văn hóa Óc Eo An Giang (ngày Louis Malleret phát hiện, khai quật và đặt tên văn hóa Óc Eo); đề xuất phổ biến nền văn hóa Óc Eo bằng nhiều hình thức để cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu biết rộng rãi hơn; kiến nghị cấp thẩm quyền đưa các thành tựu khoa học về văn hóa Óc Eo vào lịch sử địa phương và từng bước đề nghị Trung ương biên soạn thành sách giáo khoa về lịch sử của nền văn hóa này cho học sinh các bậc học được tiếp cận, được học tập như một bộ môn lịch sử văn hóa chính thống./.

Nguyễn Hữu Giềng

các tin khác