Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHÂU THÀNH

09:51 25/01/2024

          Ở vào vị trí tiếp giáp trung tâm của tỉnh, huyện Châu Thành có quốc lộ 91 và tỉnh lộ 941 chạy qua nối Châu Thành với Tri Tôn, Châu Phú và cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 50km; là khu vực trọng yếu của tỉnh, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi tạo thế liên hoàn với 3 huyện cù lao và 3 huyện vùng núi.

          Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, Châu Thành còn là một vùng hoang vu, nằm trong vùng đất An Giang xưa – một vùng rộng lớn được khai phá sau cùng ở Nam Bộ. Năm Đinh Sửu (1757), Chúa Nguyễn xác lập các đạo Tân Châu, Châu Đốc, Đông Khẩu (Sa Đéc) trực thuộc dinh Long Hồ, Châu Thành thuộc địa hạt đạo Châu Đốc. Dưới triều vua Gia Long, Châu Thành nằm trong huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1832, Châu Thành nằm trên địa phận tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Tháng 6 năm 1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, An Giang thành thuộc địa của Pháp và bị chia cắt ra nhiều hạt tham biện. (cổng thông tin điện tử huyện Châu Thành https://chauthanh.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/childpage/tong_quan, truy cập ngày 6/01/2024).

 

 

Về lịch sử xa xưa, vùng đất Châu Thành thuộc lãnh thổ vương quốc Phù Nam. Hiện nay, ngành khảo cổ học đã chứng minh được điều này bằng việc tìm thấy các di tích văn hóa Óc Eo – nền tảng vật chất của vương quốc Phù Nam.

Theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đính kèm danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Châu Thành có 4 di tích: Hòa Hưng, Gò Lẫm, Gò Trâu, Kinh Bòn Vàng phân bố trên địa bàn các xã Hòa Bình Thành, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Hanh, Vĩnh Lợi. Di tích Hòa Hưng (Hòa Bình Thành) phân bố rộng trên cánh đồng ấp Hòa Hưng, gần chùa Chăsđao, khi người dân cày xới lên để trồng lúa thấy nhiều mảnh gốm mang đặc trưng văn hóa Óc Eo. Di tích Gò Lẫm (Vĩnh Nhuận) là một di tích kiến trúc phân bố trên một gò đất rộng khoảng 1.000m2, cao hơn mặt ruộng xung quanh 1m. Di tích Gò Trâu là một gò nổi nằm giữa cánh đồng ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh có diện tích 1.600m2, cao hơn mặt ruộng xung quanh 1m; trên bề mặt phát hiện nhiều mảnh gốm cổ và đá có dấu vết chế tác. Di tích Kinh Bòn Vàng phân bố trên cánh đồng ấp Hòa Lợi 2, phần đáy và vách kinh (kênh) xuất lộ nhiều mảnh gốm cổ điển hình trong văn hóa Óc Eo như miệng bình, mảnh cà ràng, diện tích phân bố 2.000m2.

Di tích Gò Lẫm

Khảo sát tại di tích Gò Trâu

 

Các di tích văn hóa Óc Eo ở đây chưa được thăm dò và khai quật khảo cổ. Tuy nhiên, dựa vào kết quả qua các đợt khảo sát có thể thấy, di tồn của những địa bàn cư trú đông đúc của cư dân Óc Eo. Các di tích này cần có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy với một số định hướng cụ thể như:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo.

Thứ hai, thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên để đánh giá thực trạng di tích, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

          Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện.

          Thứ 4, triển khai các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa Óc Eo trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại.

          Thứ năm, khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích văn hóa Óc Eo nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh…

Tóm lại, bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Châu Thành là một trong những nhiệm vụ để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Phục hồi, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch”; “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”./.

các tin khác