Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
02:46 20/12/2023
Cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên về văn hóa Óc Eo do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại An Giang vào ngày 17/11/2023 thu hút sự tham gia gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan thông tấn báo chí.
Nội dung Hội thảo khoa học quốc tế tập trung vào 5 chủ đề chính. Chủ đề 1, Tổng kết, đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang), năm 2017-2020. Chủ đề 2, Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và châu Á. Chủ đề 3, Mạng lưới hải thương quốc tế và vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong bối cảnh đô thị cổ ở Đông Nam Á và châu Á trước thế kỷ X. Chủ đề 4, Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Chủ đề 5, Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê.
Quang cảnh hội thảo |
Nội dung chủ đề 1 được đề cập đến trong các báo cáo của PGS.TS. Bùi Minh Trí – TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên- NCS. Đỗ Trường Giang; TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên; TS. Phạm Văn Triệu; ThS. Lưu Văn Phú – ThS. Nguyễn Anh Tuấn; ThS. Đặng Ngọc Kính, Nguyễn Nhựt Phương; Pro.,Dr. Kunikazu Ueno; Dr. Chhom Kunthea, Dr.Dominic Goodall, Prof., Dr. Arlo Griffiths; PGS.TS. Lại Văn Tới; TS. Ngô Văn Cường – Lê Đình Ngọc; ThS. Đặng Huỳnh Thao; Dr. Lee Young-Cheol, Dr. Lee Hyeyeon, Dr. Kwon Oh-Young, MA. Nguyễn Hữu Giềng.
Nội dung chủ đề 1 đã được TS. Đặng Xuân Thanh nêu rõ trong báo cáo đề dẫn hội thảo: Với giá trị đặc biệt và tầm vóc to lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” (sau đây gọi tắt là Đề án Óc Eo). Đây là đề án khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và là nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia.
Mục tiêu chính của Đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm sáng rõ hơn lịch sử hình thành, phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Óc Eo trên vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung Hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận Khu di tích Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Viện khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo – Ba Thê với quy mô lớn, có diện tích trên 16.000m2 tại 2 khu vực là cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê với 8 địa điểm: Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm, Gò Óc Eo, Lung Lớn (cánh đồng Óc Eo), Gò Sáu Thuận, Gò Út Trạnh, Chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc (núi Ba Thê). Từ năm 2018 đến năm 2020, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật khu di tích Nền Chùa với diện tích 8.000m2. Đây là khu di tích nằm dưới cánh đồng lúa gần cửa biển, cách Óc Eo – Ba Thê khoảng 12km theo đường chim bay về phía Bắc.
Sau gần bốn năm thực hiện nhiệm vụ, kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng, như kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng. Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.
Đề án Óc Eo đã tập hợp số lượng các nhà nghiên cứu đông đảo với phương pháp tiên tiến đưa đến nhiều phát hiện mới quan trọng khẳng định Óc Eo – Ba Thê là trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo của văn hóa Óc Eo – Vương quốc Phù Nam; cung cấp nhận thức mới sâu rộng hơn về tính chất, chức năng của hai không gian: không gian tôn giáo trên sườn núi Ba Thê – Một trung tâm tôn giáo trong đô thị và không gian đô thị cổ trên cánh đồng Óc Eo – trung tâm đô thị của vương quốc Phù Nam. Óc Eo – Ba Thê không chỉ đóng vai trò là một đô thị hay thành phố ven biển và mở rộng giao lưu với thế giới, một trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á. Nhờ đó, đô thị Óc Eo – Ba Thê đã tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian địa lý, đưa vùng đất đầm lầy ven biển trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở Đông Nam Á, kết nối với Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải,…nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển bậc nhất ở Đông Nam Á.
Một trong những phát hiện quan trọng rất đáng lưu ý của Đề án đó là đồ gốm nước ngoài – đồ gốm thương mại trong văn hóa Óc Eo. Đó là những đồ gốm đến từ Đế chế La Mã (thế kỷ II), Ấn Độ (thế kỷ I – VI), Trung Quốc (thế kỷ II – VII) và Tây Á (thế kỷ VIII). Phát hiện mới quan trọng này đã minh họa rõ ràng mối quan hệ xuyên đại dương, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt và bao quát hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử. Đồ gốm nước ngoài tại Nền Chùa và cánh đồng Óc Eo cho chúng ta thấy khung thời gian tương ứng với lịch sử phát triển của văn hóa Óc Eo từ thế kỷ I – II đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên. Đây là tư liệu quan trọng, cung cấp cơ sở tin cậy trong việc xác định khung niên đại tương đối cho các giai đoạn phát triển của đô thị Óc Eo, đồng thời góp phần lý giải sâu hơn về tính bản địa và tính truyền thống riêng biệt của gốm Óc Eo trong lịch sử gốm cổ Đông Nam Á và châu Á.
Đồng thời, những kết quả nghiên cứu mới công bố gần đây của TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên cùng nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc về “con đường gia vị” từ những phân tích thành phần tinh bột còn bám lại trên bề mặt các bàn nghiền tìm thấy ở Óc Eo. Kết quả nghiên cứu này đã tìm ra được chức năng của công cụ bàn nghiền và các loại gia vị từng được nghiền trên đó. Phân tích các vi chất thực vật thu được từ bề mặt của các công cụ bàn nghiền ở Óc Eo, nhóm nghiên cứu đã xác định 717 hạt tinh bột, trong đó có 604 hạt có thể xác định được loài. Các nhà nghiên cứu đã nhận diện được 8 loại gia vị khác nhau, cùng với sự hiện diện của gạo, trong đó có gia vị được cho là có nguồn gốc Nam Á, Đông Nam Á hải đảo, bao gồm nghệ, gừng, đinh hương, nhục đậu khấu, quế…Những gia vị này là nguyên liệu không thể thiếu, được sử dụng trong công thức chế biến món cà ri ở Nam Á ngày nay. Phát hiện gia vị trong văn hóa Óc Eo gợi ý đến khả năng những thương nhân hoặc du khách Nam Á đã mang truyền thống ẩm thực này vào Đông Nam Á trong thời kỳ có những tiếp xúc thương mại hàng hải ban đầu qua Ấn Độ Dương, bắt đầu từ 2.000 năm trước. Bằng chứng này góp phần chứng minh rằng, con đường thương mại thời cổ đại đã đi từ Ấn Độ băng qua eo Kra nơi miền Nam Thái Lan rồi sang Óc Eo, trong đó gia vị là mặt hàng quan trọng.
Các nhà khoa học quốc tế cũng đã có những báo cáo đem đến nhận thức mới cho nội dung chủ đề 1. Núi Ba Thê là ngọn núi linh thiêng ở vùng này, chúng ta phải thiết lập ý nghĩa và giá trị văn hóa núi Ba Thê (GS.TS. Kunikazu Ueno, Đại học Nữ Nara Nhật Bản, trang 105). Về một lễ rước Phật được chép trong văn khắc thế kỷ VII ở Óc Eo (K.1426) và địa danh cổ Tamandarapura của nhóm tác giả Dr. Chhom Kunthea, Dr.Dominic Goodall, Prof., Dr. Arlo Griffiths. Bài viết cung cấp cách đọc và dịch văn khắc K.1426 được tìm thấy trong quá trình khai quật tại khu khảo cổ Óc Eo vào tháng 10 năm 2019. Tấm bia được khắc trên hai mặt (A và B), mỗi mặt mười bốn dòng. Vị vua trị vì Jayavarman I. Mặt A chứa bảy khổ thơ tiếng Phạn ở dạng anustubh. Sau lời cầu nguyện Đức Phật (st.I) và lời khen ngợi nhà vua (st. II-III), nguyên do ra đời của văn khắc được đề cập trong khổ thơ IV và V: việc đức vua ban cho một tu viện Phật giáo gọi là Candanavihara để tài trợ cho lễ rước tượng Phật hàng năm vào ngày rằm tháng Vaisakha (tháng 4-tháng 5). Khổ thơ VI ghi lại việc cúng dường nô lệ, bò, trâu, vườn, ruộng, người hầu,…cho bức tượng. Khổ thơ cuối nói rằng việc bảo vệ tài sản của thần sẽ là trách nhiệm của Thủ lĩnh xứ Tamandarapura.
Mặt B là đoạn văn bản bằng tiếng Khmer cổ. Nó lặp lại văn bản tiếng Phạn liên quan đến lễ rước tượng Phật hàng năm của tu viện vào ngày rằm tháng Vaisakha theo lệnh của Vua Jayavarman I. Văn bản này cũng cung cấp thông tin chi tiết về việc quản lý tài sản của tu viện, bao gồm những người hầu, nô lệ, bò, trâu,…Hai dòng cuối cảnh báo rằng ai coi thường mệnh lệnh của nhà vua sẽ bị trừng phạt. Theo nhận định của các tác giả “Văn khắc mới không chỉ làm phong phú thêm kiến thức của chúng ta về việc thực hành nghi lễ Phật giáo ở vùng Óc Eo – Ba Thê, mà còn xác định chính xác vị trí Tamandarapura ở đồng bằng sông Cửu Long: thậm chí danh xưng này có thể chính là tên của trung tâm đô thị Óc Eo – Ba Thê vào thế kỷ VII” (Dr. Chhom Kunthea, Dr.Dominic Goodall, Prof., Dr. Arlo Griffiths, trang.121)
Còn tiếp
TÀI LIỆU DẪN
Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”. An Giang, tháng 11/2023.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo