Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

CÁC CUỘC HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ VĂN HÓA ÓC EO (PHẦN II): HỘI THẢO NHÂN DỊP 60 NĂM PHÁT HIỆN DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO

02:31 20/12/2023

      Nhân dịp 60 năm phát hiện di tích Văn hóa Óc Eo, một cuộc Hội thảo mang tầm quốc gia và tính liên ngành cao đã được tổ chức vào ngày 29-30/12/2004 tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam”. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tham gia hội thảo, có đại diện các cơ quan chủ trì và phối hợp, đại diện Ban Khoa giáo trung ương, Ban Chỉ đạo miền Tây Nam Bộ, Ban Tuyên giáo các tỉnh/ thành phố ở Nam Bộ, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khảo cổ học, sử học, địa chất học, địa lý học, nhân học, văn hóa học, dân tộc học, bảo tàng học…đến từ các Viện, các Trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường Đại học. Kết quả của Hội thảo để nhìn lại chặng đường 60 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, đánh giá những thành tựu đã đạt được, đồng thời nêu lên những vấn đề đang tồn tại để thúc đẩy công việc nghiên cứu sắp tới, góp phần làm sáng tỏ một thời kỳ quan trọng trong tiến trình lịch sử và văn hóa vùng đất Nam Bộ.

      Phát biểu khai mạc hội thảo, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến nhấn mạnh “Hội thảo khoa học Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam diễn ra vào lúc chúng ta kỷ niệm 60 năm cuộc khai quật khảo cổ học đầy ý nghĩa của Louis Malleret, là dịp để các nhà khoa học nhìn lại và đánh giá những thành tựu nghiên cứu văn hóa Óc Eo, cũng như từ Óc Eo làm sáng tỏ về Phù Nam và toàn bộ Nam Bộ thời cổ đại, cũng như những vấn đề khoa học cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu”… “Lịch sử Việt Nam  là lịch sử của tất cả các cộng đồng dân tộc đã và đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mảnh đất Nam Bộ tươi đẹp của Việt Nam hôm nay là thành quả lao động gian khổ và chiến đấu hy sinh của lớp lớp người Việt Nam, đồng bào người Kinh, đồng bào người Khmer và đồng bào nhiều cộng đồng tộc người khác đã hàng trăm năm qua trên vùng đất này đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, chung lưng đấu cật, vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn, cùng nhau khai phá đất đai xây dựng xóm làng, xây dựng cuộc sống, biến vùng đất hoang vu, đầy lau sậy sình lầy thành vùng đất trù phú như ngày hôm nay. Đồng thời với quá trình đó, là cuộc đấu tranh kiên cường của cộng đồng các dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia mà đỉnh cao là các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhận thức đúng đắn và sâu sắc về cội nguồn lịch sử vùng đất Nam Bộ chắc chắn sẽ góp phần nâng cao niềm tự hào, tinh thần và ý thức trách nhiện của đồng bào các dân tộc trong xây dựng, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất này”.

      Có 24 bài nghiên cứu được đăng trong kỷ yếu hội thảo của nhiều chuyên gia đầu ngành, chẳng hạn như Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Giáo sư Ngô Văn Lệ, Giáo sư Vũ Minh Giang, Giáo sư Lương Ninh, PGS Lê Xuân Diệm, PGS Vũ Văn Quân, PGS Phan An, PGS Huỳnh Lứa, PGS Trần Đức Cường, PGS Nguyễn Văn Kim, PGS Tống Trung Tín, PGS Nguyễn Lân Cường, PGS Phạm Đức Mạnh, TS Đào Linh Côn, TS Đặng Văn Thắng, TS Nguyễn Thị Hậu…Về nội dung, hội thảo đã phân làm năm chủ đề, đó là “phương pháp luận và nhận thức chung về Óc Eo – Phù Nam”; “điều kiện tự nhiên”; cư dân, chủ nhân của Văn hóa Óc Eo”; “phác thảo về Văn hóa Óc Eo qua các di tích, sưu tập của các tỉnh cũng như di vật tại bảo tàng lịch sử ở địa phương”; “quá trình suy yếu nguyên nhân tan rã của vương quốc Phù Nam và mối quan hệ giữa Óc Eo – Phù Nam với lịch sử văn hóa Việt Nam và các nước trong khu vực”.

      Bài viết “Văn hóa Óc Eo sáu mươi năm nhìn lại” của Võ Sĩ Khải đã cung cấp cho hội thảo nhiều thành tựu đạt được trong việc nghiên cứu Văn hóa Óc Eo, theo đó tiến trình 3 giai đoạn đã được tác giả chứng minh bằng dữ liệu khảo cổ tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang).

      - Giai đoạn thứ nhất, từ thế kỷ II trước Công nguyên (hay sớm hơn) đến thế kỷ III-IV: Những cư dân đầu tiên sống trên thế đất cao nổi trên mực nước ở Gò Cây Da, Gò A3, Gò Cây Thị, Gò Óc Eo, Gò Cây Trôm, Giồng Cát, Giồng Xoài và trên sườn núi Ba Thê. Một số dân có tập tục chôn tro xương người chết trong mộ chum, tiêu biểu là mộ chum phát hiện tại di tích Linh Sơn Nam. Trong tầng văn hóa sâu nhất của Gò Cây Thị B, ở độ sâu 1,9m đến 2,45m chứa nhiều mảnh gốm Óc Eo, xương động vật, xỉ sắt.

      Từ thế kỷ I đến thế kỷ III – IV, số nhân khẩu ngày càng tăng, phạm vi cư trú mở rộng từ chân núi Ba Thê và các gò đất xung quanh ra toàn cánh đồng Óc Eo; mật độ cư dân cho thấy vùng đất đã mang tính chất một thị trấn với một số ngành nghề chính đặc biệt là nghề làm gốm, nghề luyện kim (sắt, chì, thiếc), nghề làm hạt chuỗi vàng, mã não và thủy tinh. Gốm chuyển biến từ gốm xám mỏng tiền sử qua các loại hình gốm Óc Eo sớm, gồm các đồ đựng, đồ nấu, cà ràng bằng gốm thô và loại hình gốm mịn có vòi, ly gốm…trở thành loại gốm điển hình của văn hóa Óc Eo. Vào thời kỳ này, cư dân Ba Thê – Óc Eo đã có quan hệ trao đổi với các cộng đồng cư dân khác trên toàn châu thổ và cả với bên ngoài. Một số trang sức có khắc chữ Phạn thuộc thế kỷ I – II, hai hiện vật vàng mang tính tượng trưng của hoàng đế La Mã Antoninus Pius (trị vì từ 138 đến 161 AD) và Marcus Aurelius (trị vì từ 161 đến 180 AD) đã được tìm thấy tại Óc Eo.

      Vào cuối giai đoạn này, hình như đã có những xáo trộn xã hội trầm trọng (thiên tai hoặc chiến tranh). Tầng cư trú của lớp này mang dấu vết hỏa hoạn trên quy mô lớn, được ghi nhận ở gò Óc Eo, Gò Phật và qua một số lõi khoan có thăm dò khác trên cánh đồng.

      - Giai đoạn thứ hai, từ thế kỷ III – IV đến thế kỷ VI sau Công nguyên: Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của những kiến trúc gạch – đá trên sườn đông núi Ba Thê và hơn 30 gò trên cánh đồng Óc Eo. Đó là những kiến trúc tôn giáo lớn như Gò Cây Trôm, Linh Sơn Bắc, Linh Sơn Nam, Giồng Xoài, Giồng Cát, Gò Cây Me 1, Gò Út Nhanh, Nền Chùa…Sinh hoạt của cư dân bấy giờ đã để lại một dấu ấn rất đậm nét trên cánh đồng Óc Eo từ thế kỷ III đến thế kỷ IV, từ cư trú trên gò, cư trú trên nhà sàn cho đến kiến trúc tôn giáo và mộ táng. Đây là giai đoạn phát triển toàn diện của cảng thị Óc Eo đã phát hiện phần lớn thuộc thời kỳ này như đồ gốm và đồ đất nung, đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, thủy tinh, đồng, thiếc, đồng tiền, con dấu, vật đeo, bùa đeo, vật dụng bằng gỗ, bằng đá, tượng thờ…

      - Giai đoạn thứ ba, từ thế kỷ VI-VII đến thế kỷ IX-X hay muộn hơn nữa: Một khoảng cách khá dài giữa hai giai đoạn này với giai đoạn trước đã được ghi nhận qua tầng văn hóa. Ở Linh Sơn, những tường móng kiến trúc bằng loại gạch cỡ lớn điển hình của Óc Eo ở lớp dưới bị phủ lên một lớp đất hầu như vô sinh dày khoảng 0,3-0,4m, trên đó những kiến trúc muộn hơn được xây dựng bằng một loại gạch khác, với màu sắc sẫm hơn và kích thước nhỏ hơn, lẫn với loại gốm xám men bóng của thời kỳ Chân Lạp và rất ít có loại gốm mịn đặc trưng của giai đoạn trước, loại gạch cỡ lớn đặc trưng của lớp dưới còn được khai thác để xây ghép lại những cấu trúc bên trên.

      Những khoảng cách đáng kể trong tầng văn hóa và hình thái di tích qua những loại gốm mới, sự vắng bóng của loại gốm mịn Óc Eo đặc trưng và những sản phẩm thủ công nghiệp (đặc biệt là các loại trang sức), sự ra đời của những phong cách mới trong nghệ thuật điêu khắc, trên kiến trúc và tượng thờ, cho thấy thế kỷ VI và thế kỷ VII, xã hội Ba Thê – Óc Eo đã trải qua những biến động xã hội và văn hóa sâu sắc. Vai trò của thủ công nghiệp và thương nghiệp trở nên mờ nhạt, nông nghiệp đương nhiên phải tiếp tục được duy trì để nuôi sống một cộng đồng không nhỏ mà số nhân khẩu có thể đoán định một cách gián tiếp qua mật độ của kiến trúc tôn giáo dày đặc quanh sườn núi Ba Thê và vùng núi lân cận Núi Sập, Bảy Núi…Những minh văn tìm thấy ở đây, được định niên đại từ thế kỷ thứ VIII (K3) đến thế kỷ X (K4) cho thấy sự kết hợp giữa thế quyền và thần quyền rất đậm nét trong thời kỳ này.

      Bài viết cũng đã tổng kết những thành tựu trong việc nghiên cứu Văn hóa Óc Eo. Đó là việc chứng minh yếu tố bản địa, thời kỳ tiền Óc Eo (trước thế kỷ I). Trong 10 thế kỷ đầu công nguyên các cộng đồng cư dân cổ ở vùng Châu thổ sông Mê Kông đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động trong lịch sử, nhưng nền kiến trúc ở Nam Bộ vẫn phát triển một cách liên tục. Sức sống bền bỉ và mãnh liệt đó hẳn đã bắt nguồn từ những truyền thống xa xưa trong quá khứ và một bản lĩnh sinh tồn khác thường của người dân châu thổ. Ở một số di chỉ thuộc Văn hóa Óc Eo, một số mẫu gỗ, than lấy từ lớp sâu nhất của tầng văn hóa đã cho những chỉ số niên đại C14 rất sớm (trước Công nguyên), như di tích Gò Cây Da trên cánh đồng Óc Eo; kiến trúc đá – gạch Linh Sơn Nam được xây trên một lớp văn hóa mộ chum có niên đại thế kỷ I trước Công nguyên và sau Công nguyên

      Thời kỳ Óc Eo (thế kỷ I – VII) gọi là thời kỳ giao lưu và phát triển: vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Văn hóa Óc Eo đã hình thành bằng sự kế thừa phát triển những yếu tố nội sinh đó và sự tiếp thu những yếu tố văn hóa mới qua những dòng giao lưu của thời đại.

      Từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, các dân tộc vùng Đông Nam Á đã biết sử dụng sức kéo của động vật (voi, trâu) và sức đẩy của gió (thuyền buồm); họ đã nắm được những đặc điểm lý tính của kim loại và phản ứng hóa học tác động vào sự nóng chảy của đồng đỏ. Họ đã nắm được qui luật gió mùa, chu kỳ mặt trăng, mặt trời trong năm. Từ hơn 300 năm trước Công nguyên, họ đã làm quen với văn minh Ấn Độ và Địa Trung Hải qua sự tiếp xúc với những thương nhân người Ấn, người Ả Rập, người La Mã, ngoài khơi Thái Lan và Ấn Độ Dương.

      Thủ công nghiệp đặc biệt phát triển vào thời đại Óc Eo. Khi sản xuất nông nghiệp đã đạt một mức thặng dư có thể nuôi sống những người không trực tiếp sản xuất lương thực và điều kiện tồn tại của nó là tay nghề khéo, nguyên liệu và thị trường. Thặng dư nông phẩm và sản phẩm thủ công nghiệp phong phú đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thương nghiệp nội địa cũng như với bên ngoài.

      Chữ viết xuất hiện ở vùng châu thổ sông Mê Kông vào khoảng đầu Công nguyên là một sản phẩm của sự giao lưu văn hóa do các thương nhân, các tu sĩ Phật giáo và Ấn giáo đem đến. Sự truyền bá của Phật giáo và Ấn giáo là một động lực thúc đẩy sự phát triển của kiến trúc tôn giáo. Mật độ của những di tích kiến trúc tôn giáo và mộ táng với hàng trăm lá vàng chôn theo là những biểu hiện cụ thể của một giai đoạn phát triển mang tính thời đại, mà những cơ sở kinh tế và xã hội đã được hình thành từ hàng ngàn năm trước đó.

      Ngoài ra, bài viết còn khái quát các hoạt động nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nhiệp, kiến trúc, đời sống xã hội, trang phục; ăn, ở và vận chuyển; đời sống văn hóa; nghệ thuật; tín ngưỡng và tôn giáo…Những nhận định khoa học đến nay còn nguyên giá trị…

      Trong bài phát biểu tổng kết hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê nhận định “Trên địa bàn phân bố của Văn hóa Óc Eo, các nhà khảo cổ học nhận thấy có một số trung tâm quan trọng. Nhiều người đặc biệt quan tâm đến khu di tích Ba Thê – Óc Eo mà Louis Malleret khai quật trên diện lớn và miêu tả hết sức cụ thể, gần đây chúng ta tiến hành điều tra và khai quật thêm. Vấn đề đặt ra là đây là đô thị, một cảng thị, một trung tâm mậu dịch đối ngoại hay còn là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, nghĩa là một đô thành trong thời kỳ thịnh đạt của vương quốc. Vấn đề này rất thú vị và cần tiếp tục nghiên cứu…Văn hóa Óc Eo, ít nhất là địa bàn trung tâm của nó trên đất Nam Bộ cùng lịch sử vương quốc Phù Nam trên vùng đất này là bộ phận của văn hóa”.

      Qua cuộc hội thảo, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh quá trình phát triển liên tục từ thấp đến cao của những nền văn hóa cổ ở miền Đông Nam Bộ từ cuối thời đại đá mới đến thời đại đồ đồng và chuyển sang thời đại đồ sắt, cách ngày nay khoảng 5000 năm đến khoảng 2500 năm. Đó là sự phát triển tại chỗ, liên tục, có kế thừa nhau các nền văn hóa ở khu vực miền Đông Nam Bộ, đồng thời có sự giao lưu văn hóa trong thời đại đồ đồng, đồ sắt với các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh cùng các nền văn hóa khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

      Người Óc Eo trồng lúa (gồm nhiều loại khác nhau tùy theo địa hình, môi trường). Bên cạnh đó, họ còn trồng kê, dừa, mía, cau và nhiều loại cây ăn quả khác. Người Óc Eo giỏi chế tạo các đồ trang sức bằng vàng, đá quý và thiếc. Nghề làm đồ gốm, đồ kim loại và đặc biệt là nghề sản xuất vật liệu xây dựng rất phát triển. Nghề chế tạo đồ đá tuy vẫn được duy trì nhưng không còn giữ vai trò quan trọng nữa. Ở Óc Eo các hoạt động trao đổi hàng hóa khá phát triển, kể cả ngoại thương đường biển.

      Cư dân Óc Eo đặc biệt sùng tín Bàlamôn giáo và đạo Phật. Họ giỏi tạc tượng tròn (thần, phật) bằng gỗ và đá. Nghệ thuật chạm khắc trên đá và trên lá vàng khá phát triển. Người Óc Eo sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ và nghệ thuật ca múa nhạc của họ cũng đạt đến đỉnh cao. Chủ nhân của văn hóa Óc Eo là những người thuộc nhóm nhân chủng Inđônêdiên. Người Inđônêdiên là thành phần chính tạo ra người Việt cổ. Họ có mặt trên lãnh thổ Việt Nam suốt từ sơ kỳ đá mới đến văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh lớp cư dân bản địa, ở Óc Eo cũng sớm xuất hiện những người gốc Ấn – Âu là các thương nhân, đạo sĩ, tăng lữ từ Thiên Trúc – Ấn Độ đến và là tầng lớp trên nắm vai trò thống trị xã hội. Ngoài ra còn có những người từ Trung Á, Ba Tư, La Mã…Những nhân tố ngoại nhập (con người, văn hóa, kỹ thuật, tôn giáo…) đặc biệt từ Ấn Độ có vai trò rất lớn vào việc tạo dáng cho mô hình thành thị Óc Eo. Tuy nhiên, động lực cho sự xuất hiện và phát triển văn minh Óc Eo lại chính là những nhân tố bên trong.

      Trên cơ sở một nền kinh tế, văn hóa và xã hội, nước Phù Nam đã ra đời vào khoảng thế kỷ I, II sau Công nguyên và nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng, rộng lớn, kỷ cương và có tổ chức ở Đông Nam Á. Nước Phù Nam từ rất sớm đã có nền thương mại phát đạt với các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mã Lai, La Mã…

Còn tiếp

TÀI LIỆU DẪN

Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004).

Lê Hậu

các tin khác