Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TỈNH AN GIANG QUA 8 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

03:53 18/05/2021

Trải qua 8 năm thành lập và phát triển, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang ghi nhận các cột mốc đáng nhớ sau đây:
Ngày 20/5/2013: Ban Quản Lý Di tích Văn hóa Óc Eo được UBND tỉnh An Giang thành lập theo Quyết định số 934/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản Lý (tạm thời) Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang;
Ngày 15/08/2015 UBND tỉnh An Giang ra quyết định số 1710/QĐ-UBND; về việc đổi tên Ban Quản Lý (tạm thời) Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang thành Ban Quản Lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang;
Ngày 20/10/2015 UBND tỉnh có Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND về ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang;
Theo đó, Giai đoạn 2013 – 2019: Ban Quản Lý Di tích Văn hóa Óc Eo có 4 phòng trực thuộc: Phòng Tổ chức hành chính và tổng hợp; Phòng Thông tin tư liệu và Trưng bày, Phòng Tổ chức sự kiện và Dịch vụ; Phòng Nghiệp vụ;
Từ giai đoạn 2019 – nay, đơn vị 3 phòng trực thuộc: Phòng Tổ chức hành chính; Phòng Nghiệp vụ và Bảo tàng; Phòng Dịch vụ Du lịch.
Quá trình phát triển Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (Ảnh: DVDL)
 
Về vị trí, chức năng
Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo là cơ quan sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh An Giang, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về quy hoạch, khai quật khảo cổ, nghiên cứu, sưu tầm, trao đổi, bảo quản, trưng bày, phục chế hiện vật; giáo dục, khoa học; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di tích văn hóa Óc Eo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Về nhiệm vụ và quyền hạn
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch tổng thể vùng quản lý và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban 05 năm, hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di tích văn hóa Óc Eo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; tiến hành các công việc có liên quan khi Di tích Văn hóa Óc Eo được công nhận là di sản thế giới; tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của quốc tế, của các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước; quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư phát triển, các nguồn hỗ trợ theo quy định của nhà nước.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, các chuyên gia trong nước và tư vấn quốc tế xây dựng quy chế quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo theo yêu cầu quản lý của UNESCO đối với di sản thế giới khi được UNESCO công nhận.
Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực có di tích Óc Eo theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định các dự án phát triển kinh tế-xã hội có liên quan và ảnh hưởng đến các khu vực có di tích Óc Eo.
Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên gắn liền với các di tích văn hóa Óc Eo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị c hức năng của Trung ương và địa phương, tổ chức khai quật khảo cổ học; nghiên cứu, sưu tầm; trùng tu, phục dựng di tích và phục chế hiện vật; kiểm kê, bảo quản, trưng bày Văn hóa Óc Eo và giới thiệu các tài liệu, hiện vật có liên quan về di tích văn hóa Óc Eo trong, ngoài nước biết.
Hướng dẫn phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học tại khu di tích; giữ gìn cảnh quan môi trường, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo; thực hiện các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội và dịch vụ du lịch của tỉnh.
Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin, lưu giữ tư liệu về di tích Óc Eo, phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Ban; tiếp nhận tài liệu, hiện vật về di tích văn hóa Óc Eo do tổ chức và cá nhân trong nước, nước ngoài trao tặng.
Đảm bảo trật tự an ninh trong khu vực di tích, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan; phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống xâm hại di tích; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức đón tiếp phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, học tập.
Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và thực hiện các chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động theo quy định của nhà nước và phân cấp quản lý.
Tổ chức hoạt động thu từ tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng di tích, các khoản thu hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao theo qui định của pháp luật.
Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh phân công.
Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ
Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ (Ảnh: DVDL)
 
Các kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2013 – 2021 của Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang ngày 27 tháng 6 năm 2019 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang
Hội nghị triển khai Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND

Được Trung ương đầu tư 45,2 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, diện tích đất đã được thu hồi gần 10 ha, có liên quan đến 46 hộ dân; kịp thời bàn giao các vùng lõi di tích cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khai quật 09 địa điểm, đến nay đã hoàn thành công tác khai quật, đề xuất Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xây dựng mái che bảo vệ các di tích đã khai quật; đồng thời xây dựng Nhà kho bảo quản hiện vật với tổng kinh phí đầu tư 02 tỷ đồng.

 

Khởi công thực hiện Đề án Nghiên cứu văn hóa Óc Eo Nam bộ
 
Triển khai kế hoạch đã ký kết với Công an thị trấn Óc Eo hàng năm, trong việc phòng chống, ngăn ngừa việc đào bới và xâm hại di tích, mua bán cổ vật trái phép trong khu di tích quốc gia đặc biệt; có sơ, tổng kết và đề nghị khen thưởng cho nhiều tập thể và cá nhân hàng năm.
Ký kết quy chế phối hợp với Công an thị trấn Óc Eo
 
Phối hợp Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các Trường Đại học trong khu vực, tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Tọa đàm cấp tỉnh và cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa Óc Eo: Giá trị Di sản văn hóa Óc Eo – An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội; Hội thảo đầu bờ “Bước đầu và thảo luận về kết quả khai quật khảo cổ học” năm 2017 tại An Giang theo đề án; Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh An Giang giai đoạn 2018 – 2025; Nội dung và quy trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo; Bảo tồn di tích và di vật văn hóa Óc Eo Nam Bộ; Hội thảo đầu bờ bước đầu và thảo luận về kết quả khai quật khảo cổ học Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa; Nghiên cứu Khu di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa: kết quả năm 2017, 2018 và kế hoạch 2019; Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa: Khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị; Hội thảo quốc tế về quy hoạch tổng thể tại khu vực văn hóa Mahan Hàn Quốc; Tọa đàm Văn hóa Óc Eo Việt Nam và Baekje Hàn Quốc.
Hội thảo Giá trị của Di sản văn hóa Óc Eo – An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội 2016
 
Tọa đàm khoa học Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (Quy trình đề cử UNESCO ghi danh di sản văn hóa thể giới) 2021
 
Ký kết thỏa thuận hợp tác với 03 tổ chức văn hóa tại Hàn Quốc (Bảo tàng Seoul Baekje, Viện nghiên cứu di sản văn hóa biển Hàn Quốc và Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Daehan để nghiên cứu văn hóa Óc Eo, theo đó được phía bạn tài trợ kinh phí và chuyên gia khai quật tại di tích Gò Cây Trâm (2019) với kinh phí giai đoạn 1 khoảng 400 triệu đồng; 02 cuộc triển lãm quốc tế các hiện vật văn hóa Óc Eo tại Hàn Quốc với tổng kinh phí 13.2 tỷ đồng.

 

Ký kết thỏa thuận với Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Daerhan Hàn Quốc 2018
 
Tổ chức thành công triển lãm “Gốm Óc Eo Nam bộ lần thứ I năm 2017” thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia, đồng thời hàng năm, tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề nhằm phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của khách du lịch và góp phần giáo dục, tuyên truyền di sản văn hóa Óc Eo nói riêng và lịch sử địa phương, Việt Nam nói chung.
Lễ khai mạc triển lãm gốm Óc Eo Nam Bộ lần I, 2017
 
Vận động và tiếp nhận được gần 6.000 hiện vật Óc Eo nhân dân hiến tặng trong đó có nhiều hiện vật có giá trị (có thể đề nghị là bảo vật quốc gia).
Gia đình ông Phan Văn Cường hiến tặng hiện vật cho đơn vị
 
Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng logo Văn hóa Óc Eo, thu hút 30 tác giả, 53 tác phẩm đăng ký dự thi; qua chấm chọn vòng sơ khảo và vòng chung kết, đã chọn được 01 tác phẩm xuất sắc nhất đề xuất làm biểu tượng văn hóa Óc Eo An Giang.

 

Chấm chọn vòng chung kết cuộc thi sáng tác logo văn hóa Óc Eo
 
Đã phối hợp xuất bản và phát hành 11 đầu sách, bản đồ, ấn phẩm, tờ gấp… về văn hóa Óc Eo An Giang và khu vực Nam bộ để tuyên truyền và phục vụ cho nghiên cứu, học tập, du lịch trong thời gian qua; đồng thời ký kết thỏa thuận với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) xuất bản bộ sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mekong với sự hỗ trợ in ấn và bản quyền từ phía EFEO.
Các đầu sách đã được xuất bản
 
Hợp tác với EFEO xuất bản bộ sách “Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong”
 
Được sự thống nhất chủ trương của UBND tỉnh An Giang, đơn vị đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh phát hành Bộ tem bưu chính văn hóa Óc Eo gồm 03 mẫu tem lẻ và 01 blốc (phù hợp với chuỗi tem giới thiệu về chủ đề di sản văn hóa UNESCO tại Việt Nam), Bộ tem đã được lưu hành rộng rãi tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ của Liên minh Bưu chính thế giới. Ngày 01/9/2020, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh An Giang tổ chức buổi họp báo công bố phát hành bộ tem bưu chính văn hóa Óc Eo.

 

Họp báo công bố phát hành bộ tem văn hóa Óc Eo
 
Triển khai mã QR hỗ trợ khách du lịch tại Nhà trưng bày và các điểm di tích bằng song ngữ Việt – Anh.
Mã Qr tại Nhà trưng bày
 
Bằng sự cố gắng của tập thể, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo có các thành tích đạt được đáng ghi nhận như sau:
Được UBND tỉnh tặng cờ vì “Đã có thành tích xuất sắc, dẫn đầu khối thi đua năm 2019”.

Được Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua với danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” năm 2020.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho đơn vị là hết sức nặng nề đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của tập thể CBVC, NLĐ Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua và cùng quyết tâm đoàn kết một lòng, đưa cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn tiếp theo.

 

Xuân Minh

các tin khác