Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

LỄ HỘI GẮN LIỀN VỚI CÁC VỊ THẦN TRONG HINDU GIÁO (KỲ 1)

04:58 18/10/2021

 Lễ hội Navratri với nữ thần Durga 

Mở đầu:Ấn Độ là cái nôi của Hindu giáo với nhiều câu chuyện thần thoại đa sắc màu gắn liền với những tín ngưỡng tôn thờ nhiều vị thần khác nhau. Durga là một vị nữ thần tiêu biểu trong thần thoại Hindu giáo – hóa thân của nữ thần Parvati vợ của thần Shiva. Nữ thần Parvati trong hóa thân của Durga là một nữ chiến binh đầy sức mạnh tiêu diệt con quỷ đầu trâu Mahisshasura để bảo vệ sự hòa bình và thịnh vượng cho con người. Chính vì vậy, nữ thần Durga được các tín đồ Hindu giáo tôn thờ vô cùng thành kính như những vị thần khác. Một lễ hội truyền thống có tên là Navratri được tổ chức hàng năm trong cộng đồng của những tín đồ Hindu giáo nhằm tôn vinh nữ thần Durga đã mô tả một phần của đời sống tín ngưỡng thờ cúng của Hindu giáo.
Từ khóa: Vasant Navratri, Durga, Uma, Parvati
1. Nữ thần Durga trong tín ngưỡng của Hindu giáo và trong văn hóa Óc Eo 
Durga là một vị nữ thần điển hình trong trong văn hóa của Hindu giáo, là một tạo hình của nữ thần Parvati – vợ của vị thần Shiva tối cao và là em hoặc chị gái của thần Vishnu. Nữ thần Durga còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác như Amba, Ambika, Jagadamba, Parvathi, Shakti, Adishakti, Adi Parashakti và Devi.
Trong văn hóa tín ngưỡng của Hindu giáo, nữ thần Durga là một vị thần của sự bảo vệ, sức mạnh, tình mẫu tử, sự hủy diệt và chiến tranh. Bà được sinh ra là để chống lại tệ nạn và các thế lực ma quỷ đe dọa đến sự hòa bình và thịnh vượng. Tạo hình của nữ thần thường được thể hiện với hình ảnh của một người phụ nữ xinh đẹp, mãnh mẽ, cưỡi trên mình một con sư tử hoặc hổ ; có nhiều cánh tay, mỗi tay mang một vũ khí khác nhau : Chakra, Shankha, Trishula, Gada, Cánh cung và Mũi tên, Khanda, Khiên, Ghanta ; và luôn được thể hiện trong tư thế chiến thắng quỷ trâu Mahishasura. Trong văn hóa Óc Eo tượng nữ thần Parvati được tìm thấy khá nhiều ở khắp vùng đồng bằng Nam Bộ, thường được thể hiện dưới hình dạng nữ thần Durga hay Uma Mahisasuramadini.
Chân tượng nữ thần Uma ở Bảo tàng An Giang :
Hiện vật được phát hiện ở xã Thới Sơn, Tịnh Biên, có chất liệu bằng sa thạch màu trắng xám ; bị gãy hết chỉ còn phần bàn chân, bệ đứng và chốt cắm
tượng. Hiện vật cao còn lại 23.3cm, phần bệ tượng rộng 10.5cm, bề mặt phía trước chạm hình đầu trau dạng phù điêu nổi rất tinh xảo. Dựa vào đặc điểm đầu trâu trên bệ tượng, các nhà nghiên cứu đã cho rằng đây là phần lại của một pho tượng nữ thần Uma đã bị gãy vỡ.
Tượng nữ thần Durga ở Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh :
Pho tượng cao 75cm, ngang 32.3cm, được làm bằng sa thạch, được tìm thấy ở Liên Hữu, Trà Vinh. Pho tượng tạc nữ thần Durga đầu độ mũ trụ tròn, mặc váy dài thuôn, mình để trần, đứng trên một bệ tượng có cung chống vòng cung ngang đầu và hai trụ chống dọc hai bên chân. Tượng có 04 cánh tay, hai tay sau cầm con dao và gương, hai tay trước đặt bàn tay trên trụ chống nắm khum lại, trong lòng hai bàn tay rỗng nên có thể hai tay này nắm những binh khí rời đã bị mất. Mặt trước của bệ tượng có tạc điêu khắc hình đầu trâu dạng phù điêu.
                                                                                
Hình 1. Tượng nữ thần Durga trong văn hóa Óc Eo
(Chất liệu: sa thạch; Niên đại: thế kỷ VII – VIII CE; Nơi phát hiện: Liên Hữu, Trà Vinh)
(Ảnh : Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh)
 - Tượng Nữ thần Uma Mahisasuramadini ở BT Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh :
Pho tượng nữ thần Uma Mahisasuramadini được tìm thấy ở làng An Thành (xã Thanh Điền ngày nay). Tượng còn khá nguyên vẹn, được tạc ở tư thế đứng hơi lệch hông trên bệ đầu trâu. Vóc dáng nhỏ, khuôn mặt tròn đầy, tay chân thon thả, phần thân trên thắt lại ở vùng eo kết hợp bộ ngực vun đầy gợi cảm. Mũ trụ cao, sarong dài, gấu váy ôm sát cổ chân, vạt vải thân trước tạo một đường nếp mềm mại khiến tượng có vẻ cao và thanh thoát hơn. Bệ tượng chạm nổi hình đầu trâu sừng cong là một trong những biểu tượng của vị nữ thần này. Dấu vết còn lại của chiếc gậy và chày trên bệ, bốn cánh tay bị gãy vỡ có lẽ cầm một số vật tùy thân của Vishnu (chiếc đĩa, vỏ ốc, quả cầu). Hình ảnh vỏ ốc trong tay Uma tượng trưng cho sự thụ thai, sinh nở và bảo tồn, đặc điểm này giống với pho tượng Uma bằng đồng được phát hiện ở tỉnh Kiên Giang. Theo hình tượng học Ấn Độ, hình ảnh nữ thần Uma cầm vật tùy thân của thần Vishnu được gọi là Uma Mahisasuramadini (Bảo tàng mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh).
Hình 2. Tượng Nữ thần Uma Mahisasuramadini
(Ảnh : Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)

 

2. Ý nghĩa của lễ hội Navratri
Lễ hội Navratri là một lễ hội lớn được tổ chức hàng nằm của những những tín đồ Hindu giáo, được tổ chức trong 9 đêm 10 ngày dành để tôn vinh nữ thần Durga và các vị thần khác. Từ Navratri trong tiếng Phạn cổ có nghĩa là ‘‘9 đêm’’Nava có nghĩa là 9, ratri có nghĩa là ‘‘đêm’’. Lễ hội được tổ chức là nhằm kỷ niệm ngày chiến thắng của nữ thần Durga chiến đấu với quỷ trâu Mahishasura. Trong 9 ngày tổ chức lễ hội, mỗi ngày sẽ tôn vinh thờ cúng một hóa thân khác nhau của nữ thần Durga.
Ngày đầu tiên được gọi là ngày Pratipada, ngày này gắn liền với Shailaputri – một hóa thân của Parvati. Đây là một hóa thân của nữ thần Durga được tôn thờ là vợ của vị thần tối cao Shiva. Trong hiện thân này, nữ thần được miêu tả là đang cưỡi trên mình bò thần Nandi, tay phải cầm trishula và tay trái cầm lotus.
Ngày thứ hai là ngày Dwitiya, gắn liền với Brahmacharini – một hóa thân của nữ thần Parvati. Trong hóa thân này, Parvati trở thành Yogini và giai đoạn này nữ thần chưa kết hôn với thần Shiva. Ở hiện thân này, nữ thân được mô tả đang đi chân trần, tay cầm một tràng hạt, một kamandala và hiện thân này là tượng trưng cho phúc lạc và sự bình tĩnh.
Ngày thứ ba là ngày Tritiya dành để tôn thờ Chandraghanta – một hiện thân của nữ thần Parvati ngay sau khi kết hôn với thần Shiva. Trong hóa thân này, nữ thần Parvati được miêu tả trên trán có trang điểm hình ảnh một nửa vầng trăng. Trong hóa thân này, nữ thần là hiện thân của sắc đẹp và cũng là biểu tượng của sự dũng cảm.
Ngày thứ tư là ngày Chaturthi dành để tôn thờ nữ thần Kushmanda – một hóa thân của nữ thần Parvati. Trong này này, nữ thần được miêu tả có 8 cánh tay và cưỡi trên mình một con hổ.
Ngày thứ năm là ngày Panchami dành để tôn thờ nữ thần Skandamata – là mẹ của vị thần chiến tranh Kartikeya – là con trai của nữ thần Parvati với thần Shiva. Hóa thân này được cho là sự biến đổi sức mạnh của nữ thần Parvati khi con trai của mình phải đối đầu với sự nguy hiểm. Trong hiện thân này, nữ thần thần được miêu tả đang cưỡi trên lưng một con sư tử hung dữ, có 04 cánh tay và đang ôm con trai của mình.
Ngày thứ sáu được dành để tôn thờ Katyayana – một hóa thân của nữ thần Durga thể hiện cho lòng dũng cảm. Trong hiện thân này, nữ thần được miêu tả có bốn cánh tay và ngôi trên lưng một con sư tử.
Ngày thứ bảy để tôn thờ Kalaratri – một hóa thân hung dữ nhất của nữ thần Durga. Trong hiện thân này, nữ thần Durga được miêu tả trong trang phục màu đỏ hoặc màu da hổ với đôi mắt rực lửa, làn da của nữ thần chuyển sang màu sẫm.
Ngày thứ tám để tôn thờ nữ thần Mahagauri – một hóa thân của nữ thần Parvati tượng trưng cho sự thông minh và hòa bình.
Ngày thứ chín được gọi là ngày Navami, đây là ngày để cầu nguyện nữ thần Siddhidhatri – một hóa thân của nữ thần Parvati. Trong ngày này, nữ thần Parvati được miêu tả là có bốn cánh tay, ngồi trên bông hoa sen và ban phát sự phước lành cho các tín đồ.
3. Hoạt động của lễ hội Navratri
 Lễ hội Navratri được tổ chức trong tháng Ashvin theo lịch Hindu, vì vậy theo tây lịch thì thời gian tổ chức không cố định tất cả các năm mà thường rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Lễ hội Navratri năm 2021 bắt đầu vào ngày 07/10 và kéo dài 09 ngày, kết thúc vào ngày 15/10. Năm 2022 sẽ bắt đầu vào ngày 26/09 và kết thúc vào ngày 05/10.
Trong 09 ngày đầu tiên của lễ hội sẻ được thực hiện bởi các nghi lễ khác nhau để phù hợp với từng hóa thân của nữ thần Durga. Vào ngày thứ 10, tức là ngày cuối cùng của lễ hội thực hiện Lễ kỷ niệm Dussehra (còn gọi là Vijayadashami), kỷ niệm ngày chiến thắng quỷ trâu Mahishasura của nữ thần Durga.
Lễ hội Navratri là khoảng thời gian để các tín đồ Hindu cầu nguyện với nữ thần Durga, kể về câu chuyện chiến thắng quỷ Mahishasura của nữ thần, dâng các lễ vật lên cho nữ thần và thực hiện chế độ ăn chay. Các điệu múa cũng được thực hiện trong khoảng thời gian tổ chức lễ hội. Một nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội Navratri là nghi thức Kanya Puja, thường được tổ chức vào ngày thứ 8 hoặc thứ 9. Trong nghi lễ này, có 09 cô gái trẻ sẽ mặc quần áo hóa thân giống như 09 hóa thân của nữ thần Durga, được các tín đồ thực hiện nghi lễ rửa chân và dâng lên các lễ vật thức ăn, quần áo.
Một nghi thức quan trọng khác của lễ hội Navratri được thực hiện vào ngày thứ 10 là tượng nữ thần Durga trong hình ảnh chiến thắng quỷ trâu Mahishasura sẽ được tổ chức kiệu rước đưa đi ngâm nước vào dòng sông hoặc ao nước thần tại đền thờ.
4. Kết luận
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ đã hấp thu một cách tích cực những giá trị vật chất và văn hóa của văn minh Ấn Độ. Các giá trị văn hóa của Ấn Độ chiếm lĩnh một vị trí cao trong đời sống của cư dân văn hóa Óc Eo xưa mà điển hình là những thực hành tín ngưỡng thờ cúng các vị thần trong Hindu giáo – một tôn giáo chính của cư dân Óc Eo cổ.
Trong bài viết này, tác giả nhằm mục đích giới thiệu một lễ hội truyền thống ở Ấn Độ được tổ chức nhằm tôn vinh nữ thần Durga. Durga cũng là một vị thần được tôn thờ khá phổ biến trong văn hóa Óc Eo, bằng chứng là có rất nhiều tượng thờ của nữ thần Durga được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo. Vì vậy, qua bài viết này tác giả mong muốn có thể góp phần nào nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng của cư dân văn hóa Óc Eo thông qua các lễ hội tôn thờ các vị thần Hindu giáo ở Ấn Độ mà lễ hội Navratri dành cho nữ thần Durga là một điển hình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải, Văn hóa Óc Eo, những khám phá mới, Nxb Khoa học Xã hội, 1995.
2. Lê Thị Liên (2005), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở ĐBSCL trước thế kỷ X, NXB Thế Giới.
3. Lương Ninh (2006), Nước Phù Nam, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
4. Lưu Đức Trung, 2010. Văn học Ấn Độ. NXB Giáo dục Việt Nam
5. PGS.TS Doãn Chính (Chủ biên), 2017. Veda Upanishad – Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ. NXB Chính trị quốc gia sự thật.
6. Albert Schweitzer, 2008. Tư tưởng Ấn Độ theo dòng lịch sử. NXB Văn hóa thông tin.
7. Kim Knot, 2011. Ấn Độ giáo nhập môn. NXB Thời đại.
8. Roy C. Craven, 2005. Mỹ thuật Ấn Độ. NXB Mỹ thuật.
9. Will Durant, 2018. Lịch sử văn minh Ấn Độ. NXB Hồng Đức.
10.
http://baotangmythuattphcm.com.vn
11.https://www-britannica-com.translate.google

 

 

Phạm Văn Tùng

các tin khác