Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ TỊNH BIÊN NĂM 2023

09:31 25/01/2024

 

Thị xã Tịnh Biên là một trong bốn huyện biên giới của tỉnh An Giang. Phía Đông giáp thành phố Châu Đốc, huyện An Phú; phía Nam giáp huyện Tri Tôn và Bắc giáp Campuchia với đường biên giới Việt Nam – Campuchia dài 21,5km. Huyện có 14 xã, phường; diện tích tự nhiên 354,9km2, chiếm 10,03% so với tổng diện tích toàn tỉnh, tổng số dân 121.145 người các thành phần dân tộc Kinh chiếm chủ yếu, ngoài ra còn có người dân tộc Khmer và người dân tộc Hoa.

          Tịnh Biên là vùng đất có bề dày lịch sử; trong suốt quá trình hàng trăm năm mở đất và giữ đất. Kể từ khi tên gọi Tịnh Biên với tư cách là một đơn vị hành chính được hình thành cho đến nay về địa giới có nhiều thay đổi.

          Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ trấn thành lập đơn vị tỉnh, lúc bấy giờ Tịnh Biên là một phủ của Hà Tiên. Năm 1839, hai huyện Hà Âm và Hà Dương của tỉnh Hà Tiên nhập vào phủ Tịnh Biên. Phủ lụy đặt ở Hà Dương (Tri Tôn). Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) phủ Tịnh Biên và Hà Dương được nhập vào tỉnh An Giang (Cổng thông tin điện tử thị xã Tịnh Biên: https://tinhbien.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/trang-chu/tong-quan-tinh-bien/lich-su-hinh-thanh, truy cập ngày 6/01/2024).

          I. KHÁI QUÁT CHUNG

Thị xã Tịnh Biên là một thị xã có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, nơi tìm thấy dấu vết cư dân cổ Tiền sử đầu tiên định cư cách nay khoảng 3.000 năm, điều này có ý nghĩa không chỉ đối với tỉnh An Giang mà còn cho cả vùng đất Nam bộ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Tịnh Biên đã, đang và sẽ thực hiện trong tương lai có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa và khoa học:

- Giá trị về mặt lịch sử, văn hóa: làm sáng tỏ vấn đề cổ sử trên vùng đất An Giang. Các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Tịnh Biên là minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất cho quá trình khai quá, mở rộng, chinh phục tự nhiên của cư dân tiền sử Đông Nam Bộ vào khoảng 3000 năm về trước ở khu vực An Giang nói riêng và Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung. Là một trong những nguồn cội hợp thành nền văn hóa Óc Eo rực rỡ ở Nam Bộ Việt Nam cũng như tạo nên sự phong phú, đa dạng về bức tranh đời sống kinh tế, xã hội của vương quốc Phù Nam – một nhà nước cổ đầu tiên ở vùng Nam Bộ Việt Bộ vào khoảng 2000 năm trước.

- Giá trị về mặt khoa học: khẳng định chủ nhân của các di tích văn hóa cổ do chính những cư dân tiền sử Đông Nam Bộ đến khai quá, chinh phục và mở rộng cương vực. Đồng thời đây cũng là nơi canh tác và sinh sống của cư dân thời hậu Óc Eo trong bối cảnh các thành phố ven biển bị tàn phá do mực nước biển dâng cao.

- Giá trị về mặt thẩm mỹ: kỹ thuật xây dựng kiến trúc, tạo tác mỹ thuật trên các mô típ, phong cách tượng cổ, đồ trang sức của nghệ thuật Hindu giáo và Phật giáo kết hợp với nghệ thuật cổ của cư dân nơi đây.

Nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của các di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo ngay từ những năm đầu mới thành lập đã tích cực phối hợp UBND thị xã Tịnh Biên, gần đây nhất, hai bên đã ký kết kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo ngày 11 tháng 11 năm 2022. Phạm vi phối hợp quản lý và bảo vệ gồm có:

          - Di tích cấp tỉnh Gò Cây Tung, phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên (Khoảng hơn 3.000m2).

          - Các di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê (theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt, công bố Danh mục Kiểm kê các công trình, địa điểm di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang sau đây gọi tắt là Quyết định 2252).

          II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

          1. Công tác quản lý di tích

a) khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ di tích

- Ngay từ năm 1959, theo thống kê của Louis Malleret (Nhà khảo cổ học người Pháp) toàn bộ cả khu vực Bảy Núi (khu vực huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên) được ghi nhận tới 53 địa điểm khác nhau liên quan đến việc phát hiện các vết tích kiến trúc và văn hóa cổ, chủ yếu ở chân các triền núi hoặc ở những dải đất hẹp nằm giữa các ngọn núi…về sau các nhà khảo cổ học Việt Nam điều tra rộng hơn, đã ghi nhận nhiều địa điểm xuất lộ vết tích kiến trúc như gạch, đá, vật thờ, gốm và hồ nước cổ.

- Trong những năm 2016, 2018, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với UBND thị xã Tịnh Biên tiến hành khảo sát, phúc tra lại các di tích đã được kể tên trong sử sách đồng thời khảo sát mở rộng và phát hiện thêm nhiều di tích mới. Trên cơ sở thống nhất với chính quyền địa phương và chiếu theo các quy định của Luật di sản văn hóa, đơn vị đã đề xuất và UBND tỉnh đã ra quyết định 2252 phê duyệt danh mục kiểm kê các di tích Văn hóa Óc Eo. Theo đó, trên địa bàn thị xã Tịnh Biên có 14 di tích văn hóa Óc Eo và 01 di tích mới phát hiện năm 2022 (di tích Phú Cường). Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Vinasa tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các điểm Di tích Văn hóa Óc Eo trong đó có địa bàn thị xã Tịnh Biên.

          - Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã phối hợp với UBND thị xã Tịnh Biên phối hợp tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích Gò Cây Tung và đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh (Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 21/3/2017), trên cơ sở đó UBND thị xã đã ký quyết định thành lập Ban Quản lý di tích.

           b) Quản lý và bảo vệ di tích

- Các di tích đã xếp hạng đã được quy hoạch bảo vệ về đất, mặt bằng và không gian; được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới…đồng thời gắn bản trích giới thiệu nội dung giá trị di tích.

- Đối với các di tích chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê cũng được các xã, phường, thị trấn quan tâm bảo vệ theo quy định.

          c) Hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ:

Năm 2017, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thực hiện một cuộc thăm dò di tích Phum Kvao (Gò Xã Tiết). Các nhà khảo cổ đã mở 3 hố thăm dò, kết quả tìm thấy hai loại di tích cơ bản là di tích cư trú và di tích kiến trúc tôn giáo. Quá trình định cư của cư dân cổ ở đây bắt đầu từ rất sớm, từ những thế kỷ cuối của trước Công nguyên (thể hiện ở những loại hình gốm của thời kỳ tiền Óc Eo, với niên đại đoán định sớm nhất vào khoảng 2.500 – 2.000 năm trước Công nguyên) phát triển hình thành nên nền văn hóa Óc Eo tồn tại tiếp tục đến những thế kỷ 7 – 8 Công nguyên.

Các di tích và di vật tìm thấy đã làm rõ thêm các loại hình cư trú của cư dân Phù Nam cũng như địa điểm phân bố trên các địa bàn phân bố trên các địa bàn khác nhau ở An Giang. Giá trị khoa học của di tích sẽ còn được bổ sung thêm khi di tích được tổ chức khai quật trên diện rộng để làm sáng tỏ loại hình di tích cư trú và di tích kiến trúc ở đây. Di tích Phum Kvao mang những giá trị văn hóa cổ tiền sơ sử khá tiêu biểu trên vùng đất An Giang khoảng 2500 – 3000 năm cách nay.

          d) Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích:

          - Phối hợp đề xuất và lập dự án bảo tồn và phát huy di tích cấp tỉnh Gò Cây Tung, dự án đã được UBND phê duyệt chủ trương đầu tư (Quyết định số 1958/QĐ-UBND ngày 03/8/2022). Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã đang trình thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật để đầu tư cho dự án với Nguồn vốn do ngân sách tỉnh cấp hơn 10.598.000.000 đồng cho dự án, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

2. Hoạt động tuyên truyền, Triển lãm

          - Phối hợp tích cực tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức (Hệ thống thông tin điện tử, triển lãm, họp dân, cổ động trực quan,…) cho cán bộ và nhân dân hiểu biết về văn hóa Óc Eo, nhất là pháp luật về văn hóa. Trong những năm 2016, 2017, 2018, 2019 đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về văn hóa Óc Eo thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Các đợt tuyên truyền này giúp nhân dân hiểu biết về Văn hóa Óc Eo để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn thị xã;

          - Phối hợp Đón tiếp đoàn chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản đến tham quan và khảo sát di tích Gò Cây Tung

Đoàn công tác của Viện nghiên cứu di sản văn hóa Daehan và Joeson (Hàn Quốc) tham quan di tích Gò Cây Tung.

Đoàn công tác của Viện nghiên cứu di sản văn hóa Daehan và Joeson (Hàn Quốc) tham quan di tích Gò Cây Tung.

 

3. Công tác sưu tầm hiện vật

- Bằng việc khảo sát trên bề mặt và khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị tại các điểm di tích. Ngoài ra, đơn vị phát động phong trào vận động nhân dân hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo. Năm 2017, có 2 hộ dân trên địa bàn xã Tân Lợi hiến tặng hiện vật và năm 2023 có thêm 2 hộ dân hiến tặng nhiều hiện vật quan trọng ở xã An Hảo và ở phường Thới Sơn.

          - Khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích hiến tặng hiện vật cho nhà nước quản lý.

          II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

          - Nhiều điểm di tích được phát hiện nhưng chưa có điều kiện khai quật, nghiên cứu, bảo tồn.

          - Một số di tích chưa được bảo vệ kịp thời, không chịu được sức ép của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đã bị phá hủy hoàn toàn như di tích Hai Tuốl, Ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung (Người dân xây nhà chồng lên di tích); Di tích Gò Prina, Ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi (chủ đất đã đào đất bán làm ao cá); Di tích Voi Ông Tà (Dự án làm đường mở rộng tỉnh lộ 948); Di tích Phum Pror Lay Méas, Ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi.

          - Việc triển khai thực hiện dự án đầu tư cho di tích Gò Cây Tung còn chậm.

          - Chưa thu hút được dự án đầu tư liên kết phát triển du lịch đến các di tích Văn hóa Óc Eo.

          III. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

  1. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

          Thứ nhất, thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

          Thứ hai, tiếp tục đề xuất và triển khai các kế hoạch, dự án khai quật khảo cổ, bảo tồn di tích.

          Thứ bai, Phối hợp thực hiện dự án đầu tư cấp tỉnh di tích Gò Cây Tung, thực hiện tái khai quật di tích phục vụ triển khai dự án

          Thứ tư, Phối hợp huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện.

          Thứ năm, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, triển lãm, quảng bá Văn hóa Óc Eo, nền tảng nguồn cội văn hóa của vùng đất này.

          Thứ sáu, tổ chức chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa Óc Eo theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác