Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

CÁC DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ TÂN

09:56 25/01/2024

          Phú Tân nằm trên cù lao Kết giống hình con Quy giữa hai con sông lớn, đó là sông Tiền và sông Hậu, là một trong 04 huyện cù lao của tỉnh An Giang thuộc vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, nhất là cây nếp và nuôi tròng thủy sản. Ngoải ra, trên địa bàn huyện đường bộ có tuyến tỉnh lộ 954 chạy qua; đường thủy tiếp giáp với 03 sông lớn (sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao) tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với tổng diện tích tự nhiên là 313,5km2, địa giới hành chính của huyện được xác định: phía Bắc giáp thị xã Tân Châu; phía Nam giáp huyện Chợ Mới (ngăn cách bởi sông Vàm Nao); phía Tây giáp huyện Châu Phú, thành phố Châu Đốc (ngăn cách bởi sông Hậu); phía Đông giáp huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (ngăn cách bởi sông Tiền và sông Cái Vừng); Huyện có 02 thị trấn và 16 xã (Cổng thông tin huyện Phú Tân https://phutan.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/main/tq/dktn, truy cập ngày 20/01/2024).

Về lịch sử xa xưa, vùng đất Phú Tân thuộc lãnh thổ vương quốc Phù Nam. Hiện nay, ngành khảo cổ học đã chứng minh được điều này bằng việc tìm thấy các di tích văn hóa Óc Eo – nền tảng vật chất của vương quốc Phù Nam.

Theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đính kèm danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Phú Tân có 4 di tích: Lung Tượng (Chòm Cây Gáo); Hòa An; Đìa Đá; Ngọn Cái Tre (Ngọn Cái Mây) phân bố ở các xã Phú Thành, Hòa Lạc, Phú Xuân. Các di tích văn hóa Óc Eo ở đây, đa phần là di tích cư trú, chứng tỏ địa bàn cư trú rộng lớn của cư dân văn hóa Óc Eo. Điều đáng lo ngại là các di tích này nằm ở vùng thấp trũng, bị ngập hoàn toàn vào mùa mưa và dễ bị biến động do quá trình canh tác, di tích có nguy cơ bị phá hủy nhiều.

Di tích Đìa Đá: Di tích phân bố tập trung trên phần đất vườn của ông Hồ Văn Gì ở ấp Phú Đông và mở rộng ra phía đồng ruộng. Trên bề mặt phát hiện các mảnh gốm Óc Eo có mật độ phân bố dày, diện tích phân bố 1.000m2, sâu hơn đường lộ 4m. Hiện nay di tích đã bị lấp một phần để làm nền nhà.

Di tích Ngọn Cái Tre: Di tích nằm ở giữa cánh đồng ấp Phú Tây, xã Phú Xuân. Trên phạm vi đất ruộng 5.000m2, ở giữa có đường tiêu thoát nước gọi là Rạch Cái Mây (rộng 80 -100cm; sâu 50cm). Thời điểm khảo sát năm 2018, đúng vào dịp Rạch Cái Mây được nạo vét làm lộ lên nhiều mảnh gốm Óc Eo mịn màu đỏ và gốm thô màu đen. Theo lời kể của anh Nguyễn Huy Phong (sinh năm 1977) trước đây cũng có phong trào bòn vàng (đào tìm vật quý) và cánh đồng không bằng phẳng như hiện nay mà có các gò.

Trong số các di tích nêu trên, di tích Lung Tượng (Chòm Cây Gáo) đã được khảo sát nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỷ XX. Di tích nằm trên gò cách khu dân cư của ấp khoảng 1500m, có diện tích khoảng 30ha và cao hơn thửa ruộng xung quanh khoảng 0,5 – 1m. Vào mùa mưa, toàn bộ khu đất này đều bị ngập.

Di tích Lung Tượng (Chòm Cây Gáo)

Di tích Lung Tượng (Chòm Cây Gáo)

Di tích Lung Tượng (Chòm Cây Gáo)

Qua khảo sát ghi nhận toàn bộ khu vực di tích Chòm Cây Gáo bị xáo trộn rất nhiều. Hiện trạng di tích bị những người tìm vàng đào bới vài nơi làm bật lên nhiều mảnh cà ràng và gốm cổ. Ở con kênh dẫn nước đào ngang qua khu đất rộng cỡ 3m, sâu 1,5m còn ghi nhận rõ trên bờ vách các đám gốm rải rác ở các độ sâu cách bề mặt 30 – 50cm, nhưng không thấy hình thành lớp văn hóa chứa gốm liên tục. Trong mùa nước 1987, tại di tích này, những người tìm vàng đào được 2 khối tượng bằng đồng thau gồm 4 cá thể: Một khối tượng gồm 3 pho tượng có 4 tay đứng chung trên bệ bằng đồng, pho tượng đứng giữa cao khoảng 20cm, 2 pho bên nhỏ và thấp hơn. Một khối tượng thần Ganesa cao khoảng 5 – 6cm. Tất cả các pho tượng đều bị bẻ đầu và bẻ tay vì người ta nghi bên trong là vàng. Nhận định ban đầu có thể thấy rằng di tích Chòm Cây Gáo mang đặc trưng loại hình di chỉ cư trú lẫn kiến trúc tôn giáo, cư dân ở đây cư trú ở khu vực gò thấp và ruộng trũng trong suốt thời gian dài liên tục từ thế kỷ II đến thế kỷ VII. Di chỉ Kiến trúc đền được xây ở giai đoạn muộn hơn khoảng thế kỷ thứ V với nhiều loại hình tượng thờ và vật liệu kiến trúc gạch ngói khác.

So với các di tích văn hóa Óc Eo ở những nơi khác, các di tích trên địa bàn huyện chưa được khai quật khảo cổ. Cho nên cần sớm có các kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn với một số định hướng như: triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo; thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên để đánh giá thực trạng di tích, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện; khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích văn hóa Óc Eo nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh…

Tóm lại, bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện Phú Tân sẽ góp phần lan tỏa giá trị các di tích văn hóa Óc Eo An Giang./.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

các tin khác