Nhà trưng bày:
Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.
+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00
+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00
Các điểm di tích:
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần
LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH
Phòng Quản trị và Du lịch
SĐT: 02963.878.156
Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn
09:44 25/01/2024
An Phú là một huyện thuộc tỉnh An Giang, nằm ở đỉnh cực Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp lãnh thổ Campuchia. Huyện An Phú cũng là nơi tiếp nhận dòng chảy đầu tiên của sông Hậu và sông Châu Đốc từ Campuchia vào Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Kandal, Campuchia, phía Tây Bắc giáp tỉnh Takeo (nơi có di tích Angkor Borei); phía Tây và Tây Nam cũng giáp tỉnh Takeo, Campuchia. Phía nam giáp thành phố Châu Đốc. Diện tích 226km2 (số liệu 2011); Số xã, thị trấn: 12 xã, 02 thị trấn; dân số 179 nghìn (số liệu 2011); thành phần dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa.
Về mặt lịch sử: Trước năm 1975, theo cách phân giới của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, An Phú là một bộ phận của tỉnh Long Châu Tiền, sau năm 1975 thì sát nhập với huyện Tân Châu thành huyện Phú Châu. Đến năm 1992 thì lại tách ra huyện An Phú như hiện nay. Theo cách phân định hành chính của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, quận An Phú thuộc tỉnh Châu Đốc.
Vùng đất An Phú là một trong những nơi xa nhất, điểm dừng chân cuối cùng trên bước đường Nam tiến mở mang lãnh thổ của người Việt về phương Nam. Thời kỳ xa xưa, vùng đất An Phú thuộc lãnh thổ vương quốc Phù Nam, hiện nay, ngành khảo cổ học đã chứng minh được điều này bằng việc tìm thấy các di tích văn hóa Óc Eo – nền tảng vật chất của vương quốc Phù Nam.
Điều kiện tự nhiên: Huyện An Phú có địa thế tạm chia làm 3 phần, sông Hậu, sông Bình Di và sông Châu Đốc chạy song song tạo nên cù lao An Phú ở giữa. Hai bên là các xã bờ Tây sông Châu Đốc và bờ Đông sông Hậu.
Hầu hết diện tích huyện An Phú đều là đồng bằng, có nhiều nơi bị ngập úng thường xuyên. Đất đai chủ yếu là đất phù sa. Hàng năm, An Phú chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi hay nước ngập. Khoảng từ tháng 6 hàng năm, mực nước trên sông Mê Kông dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước tích tụ tại Biển Hồ của Campuchia tràn xuống hạ lưu làm ngập gần như toàn bộ khu vực này. Độ ngập trung bình khoảng 2-3 mét. Thời gian ngập lụt kéo dài khá lâu, thường là khoảng 6 tháng nên có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Địa thế của An Phú có vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế, án ngữ nơi đầu nguồn của sông Hậu từ Campuchia vào Việt Nam, nằm trên tuyến đường giao thông thủy nối liền các tỉnh miền Tây ven sông Hậu Việt Nam với thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. An Phú hiện nay đã có hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt từ Châu Đốc lên đến Campuchia, thông qua 2 cầu đường bộ lớn là cầu Cồn Tiên và cầu Long Bình.
Bản đồ huyện An Phú tỉnh An Giang (số liệu năm 2011 – nguồn: Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang) |
Về các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện, theo Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đính kèm danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, huyện An Phú có 6 di tích: Tám Tổng, Musa, Trong Láng, Núi Bàu Đá, Giồng Gạch, Út Kiên phân bố ở các xã, thị trấn Nhơn Hội, Vĩnh lộc, Phú Hữu, Đa Phước. Các di tích văn hóa Óc Eo ở đây vừa có di tích cư trú vừa có di tích kiến trúc, phân bố ở khu vực Thánh đường Hồi giáo như di tích Musa, trong đất vườn của người dân, ngoài cánh đồng... Nhiều di tích cư trú nằm ở vùng đồng bằng thấp trũng, thường bị ngập hoàn toàn trong mùa mưa.
Di tích Musa |
Di tích Út Kiên |
Các di tích văn hóa Óc Eo ở đây chưa được thăm dò và khai quật khảo cổ. Tuy nhiên, dựa vào kết quả qua các đợt khảo sát có thể thấy, sự xuất lộ di vật với mật độ dày và vị trí gần với di tích thời văn hóa Óc Eo Angkor Borei – Campuchia (khoảng 15km về phía bắc) và gần với các di tích văn hóa Óc Eo ở thành phố Châu Đốc (ở phía nam), các di tích văn hóa Óc Eo ở đây có vai trò quan trọng trong nghiên cứu văn hóa cổ sử Nam Bộ nói chung, văn hóa Óc Eo An Giang nói riêng. Các di tích này cần có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy với một số định hướng cụ thể như:
1) Triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo.
2) Thực hiện khảo sát các di tích thường xuyên để đánh giá thực trạng di tích, đề xuất thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ cho các di tích làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
3) Tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn huyện.
4) Triển khai các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa Óc Eo trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại.
5) Khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích văn hóa Óc Eo nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh…
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang