Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2019 – 2021

10:23 01/04/2021

          Trong thời gian qua công tác quản lý các di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang được Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo. 
 
  Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa được triển khai đến địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19, ngày 27/06/2019 về Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, xác định rõ nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nâng cao chất lượng, giá trị di tích văn hóa Óc Eo được tăng cường. Công tác bảo tồn di sản được quan tâm chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp di tích. Việc phát huy giá trị di tích được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: hướng dẫn tham quan tại các điểm di tích; tổ chức các hoạt động, các sự kiện nhằm phát huy giá trị của di tích.
 Tuy nhiên trong công tác quản lý di tích văn hóa Óc Eo cũng còn gặp nhiều khó khăn như số lượng di sản văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang khá lớn, mật độ phân bố khá dày đặc. Một số loại hình di tích bị xáo trộn. Nhiều di tích đã xuống cấp hoặc phá hủy do yếu tố môi trường tác động nghiêm trọng đòi hỏi nhiều cuộc trùng tu lớn. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cho việc bảo vệ chống xuống cấp, kéo dài tuổi thọ của các di tích, ở nhiều nơi, di tích chưa được trùng tu thường xuyên.
Hiện nay di tích văn hóa Óc Eo trên toàn tỉnh An Giang theo quyết định số 2252/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 9 năm 2020, quyết định về việc ban hành danh mục kiểm kê di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn (2021-2025) có 84 di tích, trong đó có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 01 di tích quốc gia, 04 di tích cấp tỉnh, 75 di tích chưa xếp hạng. Việc bảo vệ di sản và khai thác giá trị các di tích phục vụ hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế. Một số di tích đã triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan du lịch song lại chưa được đầu tư đúng mức nên chưa thu hút nhiều khách tham quan.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa Óc Eo trong giai đoạn sắp tới việc bảo tồn các di tích văn hóa Óc Eo hiện nay cần được quan tâm. Kinh phí bảo quản luôn đóng vai trò quan trọng nhưng cần phải chú ý đến phương pháp kỹ thuật xây mái che bảo quản các di tích kiến trúc đã khai quật và mới khai quật. Các di tích xuống cấp trầm trọng do độ ẩm, rong riêu, muối, acid, … xâm hại. Vì vậy, cần cải tạo hoặc xây lại hệ thống cống dẫn nước thấp hơn so với di tích, đảm bảo di tích luôn khô thoáng, hạn chế độ ẩm do nước gây ra. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác vệ sinh các điểm di tích, thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời các tác nhân xâm hại di tích để xử lý ngay. Tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác bảo quản di tích để có phương án kéo dài tuổi thọ cho di tích.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền về di sản văn hoá. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa Óc Eo và Luật Di sản văn hóa Việt Nam. Chú trọng tới đa dạng và đổi mới các hình thức và nội dung tuyên truyền như tuyên truyền trên tivi, báo đài, trang mạng xã hội.
Duy trì, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; Tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý di sản trong nước, quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu về bảo tồn di sản, chú trọng các biện pháp bảo tồn di sản gắn với cộng đồng dân cư bản địa và hài hoà với mục tiêu phát triển kinh tế.
Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong quá trình thực hiện khai thác di sản như một tài nguyên du lịch cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, xã hội) và việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di sản.
Đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phát huy lợi ích khi thực hiện gắn kết các di sản với hoạt động du lịch trên nguyên tắc: coi di sản văn hóa là tài nguyên du lịch thì phải bảo vệ, giữ gìn để di sản là tài nguyên bền vững, có giá trị sử dụng vĩnh viễn. Do vậy, cần sử dụng hợp lý nguồn lợi nhuận từ du lịch để bảo vệ di sản.
Tóm lại, quản lý di tích văn hóa Óc Eo là góp phần gìn giữ quý báu của di sản. Công tác quản lý phải kết hợp với công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo di tích. Thường xuyên theo dõi giám sát, kiểm tra nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị di tích. Huy động nguồn lực để phục vụ tốt công tác bảo tồn di tích. Tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, các hoạt động du lịch nhằm phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên phát triển du lịch phải gắn việc bảo vệ yếu tố gốc của di tích như UNESCO đã cảnh báo cho cả thế giới, hễ ở đâu phát triển kinh tế mà không quan tâm tới yếu tố văn hóa thì ở đó phát triển không bền vững và những hệ lụy đặt ra cho xã hội lớn hơn nhiều so với kinh tế. Đối với khu di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê được thủ tướng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cũng không loại trừ./.
 
 
Tài liệu tham khảo
Lương Ninh (2006), Nước Phù Nam, NXB Đại học quốc gia TPHCM.
Ngô Văn Lệ (2016), Bảo tồn và phát huy các giá trị của Văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo “Giá trị của Di sản Văn hóa Óc Eo – An Giang trong tiến trình phát triển Kinh tế - Xã hội”.
Trần Thị Thùy Trâm, Nguyễn Khắc Nguyên (2019), Một số giải pháp bảo tồn di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Bảo tồn di tích và di vật văn hóa Óc Eo ở Nam bộ”.
Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, “Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang” (2019).
Đặng Văn Thắng 2020. Na Phật Na Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam. Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang 2017. Một số di tích văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở An Giang.
Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang 2019. Tài liệu hỏi đáp về Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang.

 

Thùy trâm

các tin khác