Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

HỘI THẢO QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN VỀ VĂN HÓA ÓC EO ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI TỈNH AN GIANG NĂM 2023 (KỲ 2)

01:48 11/01/2024

Chủ đề 2 của hội thảo “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á” có tiêu đề Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và châu Á. Nội dung này được đề cập đến trong các báo cáo của PGS.TS Trần Thị Thái Hà; TS. Nguyễn Quốc Sinh; TS. Nguyễn Quốc Mạnh; TS. Nguyễn Ngọc Quý; PGS.TS Nguyễn Khắc Sử – Phan Thanh Toàn; Phạm Văn Tùng – Nguyễn Xuân Minh; PGS.TS Ngô Văn Doanh.

Trong báo cáo “Nguồn gốc văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam: Bằng chứng khảo cổ học từ các di tích văn hóa tiền Óc Eo ở vùng đồng bằng Nam Bộ (Việt Nam)”, TS. Nguyễn Quốc Mạnh đã khái quát đặc trưng di tích tiền Óc Eo ở Nam Bộ theo 3 hệ thống, đó là hệ thống di tích vùng ngập mặn ở miền Đông Nam Bộ; hệ thống di tích ở vùng Vàm Cỏ – Đồng Tháp Mười và hệ thống di tích ở vùng miền Tây sông Hậu. Trong 3 hệ thống nêu trên, hệ thống di tích tiền Óc Eo ở vùng miền Tây sông Hậu là con đường phát triển trực tiếp thành nền văn hóa Óc Eo rực rỡ. Theo đó, phức hệ văn hóa tiền Óc Eo gồm 3 giai đoạn phát triển từ Hậu kỳ Đồng – Sơ kỳ Sắt đến giai đoạn Óc Eo sớm, gồm: Giai đoạn 1 (2.700 – 2.200 BP): Gò Cây Tung, Phum Quao 1, Gò Me Gò Sành 1; giai đoạn 2 (2.200 – 2.000 BP): Gò Cây Tung 2, Phum Quao 2 (khu vực Núi Sam – Bảy Núi), K9, Giồng Cu, Xoa Ảo (khu vực Rạch Giá – Hà Tiên), Giồng Xoài (Óc Eo – Ba Thê). Di tích tiêu biểu nhất trong phức hệ tiền Óc Eo ở miền tây sông Hậu là Gò Cây Tung, phân bố trên thềm cao phù sa cổ ở chân núi Két, có cao độ khoảng +17m so với mực nước biển. Di tích có tầng văn hóa dày đến 4,7m, chứa đựng tích tụ văn hóa của hai giai đoạn cư trú. Đối với giai đoạn 3, có nhóm di tích thuộc giai đoạn Óc Eo sớm được tìm thấy tập trung ở Óc Eo – Ba Thê, Lung Mốp Văn, Nóp Lê,…là loại hình di chỉ cư trú tích tụ trong lớp đất bùn màu đen hình thành ngay trên nền sét biển màu xám xanh. Trong lớp văn hóa cư trú có chứa tích tụ sinh hoạt gồm mảnh gốm, xương động vật, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá quý, kim loại còn có các di tích cột gỗ kiến trúc, đáng chú ý còn có nhiều mảnh ngói lợp kiểu Ấn Độ được tìm thấy (Gò Cây Thị, Gò Óc Eo, Gò Tư Trâm). Sự xuất hiện vật liệu ngói đánh dấu bước thay đổi lớn trong kỹ thuật xây dựng kiến trúc, quy mô của không gian cư trú và sự phát triển cao trong cấu trúc tổ chức cộng đồng. Những yếu tố này đã gián tiếp phản ánh cho diện mạo đầy đủ của một đô thị quy mô lớn đã định hình ở Óc Eo – Ba Thê vào đầu Công nguyên. Đô thị này đã phát triển nhanh chóng với hệ thống hào bao bộc, các kênh đào (Lung Lớn) cũng đã được định hình vào khoảng thế kỷ II – III sau Công nguyên. Óc Eo – Ba Thê đã hội đủ những điều kiện của một trung tâm dân cư, có hoạt động chế tác và trao đổi thương mại phát triển rất mạnh, rất đa dạng, mang dáng vóc của một cảng thị sầm uất vào đầu Công nguyên đánh dấu văn hóa Óc Eo chính thức hình thành. Các chặng đường phát triển từ tiền Óc Eo lên Óc Eo chính là quá trình không ngừng lao động, sáng tạo để chinh phục miền đồng bằng trẻ của cư dân cổ để góp phần tạo dựng nên một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử vùng đất phía Nam Việt Nam (Kỷ yếu Hội thảo, tr: 224-239).

Trong một tham luận khác “Vai trò của hải thương quốc tế trong sự hình thành văn hóa Óc Eo: Nhìn từ hệ thống di tích tiền sơ sử vùng ngập mặn miền Đông Nam Bộ” TS. Nguyễn Ngọc Quý đã nêu quan điểm: Ngoài con đường hình thành văn hóa Óc Eo từ hướng biển còn thấy hiện tượng về một con đường hình thành từ nội địa mở ra phía biển. Theo đó, một thể chế lục địa khá mạnh đã tràn ra phía biển nhằm kiểm soát các tuyến hải thương đi qua khu vực vịnh Thái Lan và lập nên các cảng thị như trường hợp Óc Eo – bởi sự hình thành thương cảng Óc Eo ở thời điểm đầu Công nguyên với một hệ thống giao thông kết nối là những kênh rạch nhân tạo đòi hỏi sự tốn kém nhân lực, vật lực của các nhóm cư dân bản địa mà nếu không có một thể chế chính trị đủ mạnh thì không thể huy động. Có thể nói rằng, hải thương quốc tế là một nguồn dẫn quan trọng góp phần hình thành nên nền văn hóa Óc Eo – vương quốc Phù Nam trong lịch sử (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 242-250).

“Văn hóa Óc Eo: Tiếp cận địa sinh thái nhân văn” của PGS.TS. Nguyễn Khắc sử, Phan Thanh Toàn đã nhấn mạnh sự thích ứng của cư dân Óc Eo đối với môi trường, cụ thể là thích ứng với địa hình đa dạng. Cư dân Óc Eo đã lựa chọn một số kiểu địa hình để cư trú như: vùng bán sơn địa Núi Sam – Bảy Núi với các đồi núi sót phù sa cổ, địa hình bị chia cắt mạnh, đồng bằng nhỏ hẹp, khe suối dày đặc; vùng chuyển tiếp từ bán sơn địa xuống đồng bằng phù sa mới, thấp như khu vực Thoại Sơn – Núi Sập với độ cao trung bình 4m. Thấp nhất là đồng bằng duyên hải với độ cao từ 1m đến 2m được che chắn bởi núi đá vôi dạng sót. Đây là địa bàn văn hóa Óc Eo khu vực Hà Tiên – Rạch Giá. Cư dân Óc Eo lần lượt chiếm cứ các loại địa hình trên, kể cả thời điểm đồng bằng thấp ở Tây Nam Bộ chưa hình thành hoàn chỉnh. Cư dân Óc Eo lúc đó đã làm chủ các gò cao trong qui hoạch xây dựng kiến trúc tôn giáo. Từ tọa độ và cao độ một số di tích Óc Eo ở thị xã Tịnh Biên đo được cho biết, các di tích tôn giáo được bố cục trên một trục Tây Bắc – Đông Nam về phía Đông của núi Két. Cách bố cục này phản ánh tính qui hoạch của một tổ chức hành chính, tôn giáo cư dân văn hóa Óc Eo. Một trung tâm văn hóa Óc Eo quan trọng là khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Các dấu tích kiến trúc tôn giáo Óc Eo điển hình còn bảo lưu trong địa tầng các di tích Linh Sơn Bắc, Linh Sơn Nam, gò Út Nhanh, gò Út Trạnh, gò Danh Sang. Xung quanh chân núi Ba Thê là một hệ thống cư trú sớm và kiến trúc tôn giáo tiêu biểu của văn hóa Óc Eo như Gò Tư Trâm, Gò Sáu Thuận, Trung Sơn. Trên cánh đồng Óc Eo, một loạt di tích cư trú, kiến trúc như Giồng Xoài, gò Giồng Cát, gò Óc Eo, gò Giồng Trôm, Lung Lớn…Ở di tích Nền Chùa (Kiên Giang), một trung tâm văn hóa Óc Eo vùng trũng thấp đã hình thành. Ở đây thể hiện sinh động các kiến trúc nhà sàn dựng lên ở đôi bờ kênh rạch hoặc trên gò đất cao hơn mặt ruộng lúc bấy giờ (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 252-263).

Chủ đề 3 của Hội thảo là “Mạng lưới hải thương quốc tế và vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong bối cảnh đô thị cổ ở Đông Nam Á và châu Á trước thế kỷ X”. Nội dung này được đề cập đến trong các báo cáo của Dr.Bellina, B., TS. Pryce,T.Q; Dr. Favereau, A.,Dr. Dussubieux, L., Dr. Pryce, T.O., Dr.Hoppál, K.; GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung; PGS.TS Bùi Minh Trí; PGS.TS Đặng Văn Thắng; TS. Tống Thị Hạnh – ThS. Trần Thị Thanh Hoa; PGS.TS. Nguyễn Quang Miên; TS. Nguyễn Quang Bắc…; TS. Hà Thị Sương.

“Óc Eo và bán đảo Thái – Mã Lai liên kết các chính thể thương mại sơ khai từ những thế kỷ cuối trước công nguyên đến những thế kỷ đầu công nguyên dựa trên bằng chứng vật chất khảo cổ học” là báo cáo của nhóm tác giả Dr.Bellina, B.,TS. Pryce,T.Q (Trung tâm khoa học quốc gia Pháp); Dr. Favereau, A., (Đại học Quốc gia Thành Công Đài Loan); Dr. Dussubieux, L.,(Bảo tàng Field, Hoa Kỳ); Dr.Hoppál, K (Đại học Eotvos Lorand, Hungary). Báo cáo nhấn mạnh, ở Đông Nam Á, giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên chứng kiến sự trao đổi giữa các khu vực ngày càng gia tăng. Hệ thống sông và đường bờ biển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nội tại và giữa các khu vực cho phép tạo ra các tiểu vùng ảnh hưởng mà một số nhà nghiên cứu đã phân tích với ý niệm về các phạm vi tương tác. Các khu vực kết nối với các vùng ven biển đã trải qua một diễn trình kép: sự phát triển của một truyền thống thủ công mang tính tiểu vùng cũng như một nền văn hóa hướng biển và quốc tế hơn. Về sau đã hình thành từ khi các mạng lưới khu vực Nam và Đông Á kết nối với nhau từ thế kỷ 5-4 trước Công nguyên. Phong cách liên vùng này được tìm thấy tại các khu dân cư cảng thị mới nổi lên đã tồn tại và phát triển để thích ứng với các yếu tố Nam Á ngay từ thời kỳ tiền sử và các thời kỳ đầu lịch sử.

Cả hai khu vực bán đảo Thái-Malay và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ), tầng lớp tinh hoa đang lên của các chính thể thương mại sớm đã chia sẻ văn hóa vật chất, đặc biệt là đồ trang sức đã được chế tác với các kỹ thuật và vật liệu ngoại nhập, có lẽ để gắn kết các liên minh trong phạm vi ảnh hưởng của họ và giữa các chính thể ngang hàng. Nhưng một số loại đồ gốm phổ biến cũng đã được tìm thấy tại các chính thể thương mại sơ kỳ ở khu vực Đông Nam Á và một trong số chúng, cùng với đồ trang sức, chứng minh mối liên kết giữa các chính thể sơ kỳ ở bán đảo Thái-Malay với các chính thể ở Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối giai đoạn tiền sử và sơ sử. Từ thế kỷ III, lịch sử nghệ thuật với bằng chứng như tượng Vishnu và một số tư liệu Trung Quốc đã chứng thực mối liên kết giữa hai khu vực này. Lương thư đã chép về cuộc tấn công vào các tiểu quốc ở bán đảo Thái-Malay bởi Fanshiman.

Liệu những cuộc tấn công này nhằm mục đích kiểm soát các tuyến thương mại ở Biển Đông hay dẫn đến sự hội nhập của các tiểu quốc ở bán đảo Thái-Malay (điều này vẫn chưa được xác định) vào lãnh thổ Phù Nam hay vẫn còn các câu hỏi chưa có lời đáp. Các cấu trúc định cư quy mô lớn đã được khai quật tại Óc Eo nhấn mạnh hơn tính phức tạp của nền văn hóa và chính thể gắn liền với chúng. Ở cả hai khu vực, mức độ tập trung hóa về chính trị, kinh tế, phạm vi ảnh hưởng và mạng lưới tương ứng của các chính thể, mối quan hệ tương ứng của chúng là các lĩnh vực để nghiên cứu (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 300-326).

Trong báo cáo “Đồ gốm thương mại và vai trò của nó trong nghiên cứu đô thị Óc Eo và thương mại biển quốc tế, thế kỷ I – VIII”, PGS.TS Bùi Minh Trí đã phân tích rất kỹ các loại hình gốm khai quật tại di tích Nền Chùa, đồng thời nghiên cứu so sánh sâu rộng với các bằng chứng khảo cổ học ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, La Mã và Tây Á đem đến nhiều tư liệu và nhận thức mới trong nghiên cứu.

Mảnh bình gốm trang trí phù điêu hình người đang ngồi chơi đàn Vina là mảnh bình rất nổi tiếng thuộc sưu tập của Bảo tàng Kiên Giang, được phát hiện từ cuộc đào không chính thức tại Nền Chùa vào năm 1986. Mảnh bình này đã từng được xác định là sản phẩm gốm Óc Eo bản địa, do thợ gốm Óc Eo chế tác phỏng theo nghệ thuật gốm vùng Nam Ấn Độ. Nét đặc sắc và sáng giá nhất của mảnh bình này là trên thân của nó được trang trí phù điêu hình người đang ngồi chơi đàn với phong cách khá hiện thực và phẩm cấp của nó vượt trội so với các sưu tập đồ gốm trong văn hóa Óc Eo. Đây là loại bình gốm quý được mang đến từ bên ngoài không phải gốm bản địa. Nghiên cứu so sánh từ nghệ thuật Ấn Độ cho thấy, đây là loại đàn Vina, là một trong những nhạc cụ được mô tả phổ biến nhất trong nghệ thuật biểu tượng của Ấn Độ. Từ những phân tích so sánh, đối chiếu tác giả nhận định: mảnh bình gốm ở Bảo tàng Kiên Giang mang đặc trưng phong cách nghệ thuật Gupta, là đồ gốm Ấn Độ, những vật phẩm mang đến từ Ấn Độ và có niên đại trong khoảng thế kỷ IV-V.

Loại hình bình hình con vịt do chiếc cổ bình được tạo dáng hình đầu con ngỗng (thiên nga) hay con vịt khá hiện thực. Đây cũng là hiện vật rất đặc biệt và chưa phải là loại hình đồ gốm phổ biến trong văn hóa Óc Eo. Hiện nay, trong văn hóa Óc Eo mới tìm thấy khoảng 5-6 hiện vật, trong đó chủ yếu được tìm thấy ở Kiên Giang và Đồng Tháp. Các hiện vật này đều bị vỡ, chỉ tìm thấy phần đầu và cổ của một con ngỗng hay con vịt, do đó, phần thân của nó có hình dáng như thế nào là điều bí ẩn. Cảm hứng sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân gốm đối với các loại bình đựng nước mang hình dáng động vật hay loại bình có những chiếc vòi tạo hình đầu động vật vốn khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, đuộc đánh giá là loại hình đồ gốm độc đáo và đặc sắc nhất trong các sưu tập đồ gốm. Nhưng trong văn hóa Óc Eo, những hiểu biết về loại bình hình con vịt dường như vẫn còn là một khoảng trống. Do đó, nghiên cứu giải mã hình dáng, chức năng và nguồn gốc của loại bình độc đáo này có ý nghĩa rất quan trọng. Loại hình bình này được suy đoán có thể là đồ gốm Ấn Độ hay vùng Địa Trung Hải…

PGS.TS Bùi Minh Trí kết luận, có thể nói, những đồ gốm mang đến từ Ấn Độ hay được chế tác theo phong cách gốm Ấn Độ hoặc từ thế giới La Mã cùng với đồ gốm Trung Quốc phát hiện tại các địa điểm khảo cổ học Óc Eo (Nam bộ) và một số di tích ở Đông Nam Á đã cung cấp những bằng chứng vật chất cho việc xem xét sự hình thành và phát triển của mạng lưới thương mại quốc tế đường dài và liên khu vực trong giai đoạn từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ VIII. Phát hiện này cũng góp phần khẳng định rằng, từ đầu Công nguyên và nhiều thế kỷ sôi động sau đó, đô thị cảng Óc Eo cùng với hệ thống đô thị và thương cảng cổ ở Đông Nam Á đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống thương mại biển quốc tế, tạo nên sự liên kết và tương tác với các nền văn minh lớn ở Nam Á, khu vực Địa Trung Hải và Trung Quốc (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 340-367).

Báo cáo: “Vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong mạng lưới hải thương quốc tế (từ thế kỷ I đến thế kỷ VII”, PGS.TS Đặng Văn Thắng nhận định Óc Eo có vị trí thuận lợi, nằm ở đồng bằng sông Mê Kông, rất gần Biển Đông, biển Tây và biển Nam (Việt Nam) và gần eo biển Kra (Thái Lan). Vị trí Óc Eo nằm không quá xa biển, tránh được bão, sóng thần, có tiền cảng Nền Chùa (Kiên Giang) ra biển và là trung tâm của việc vận chuyển các hàng hóa trao đổi, hình thành cảng thị Óc Eo và đó cũng là cách để biển góp phần vào quá trình hưng thịnh của cảng thị. Đô thị cổ Óc Eo là một trạm dừng chân, một bến chờ trên tuyến đường buôn bán quan trọng ở Châu Á. Các thương thuyền cập bến đô thị cổ Óc Eo để lấy nước ngọt, lương thực, hàng hóa và trú ngụ chờ hàng từ nước khác chuyển tới cũng như chờ dòng nước biển và luồng gió mùa thuận lợi: gió mùa Tây Nam từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, từ phía Nam lên phía Bắc; gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau, từ phía Bắc xuống phía Nam. Từ đó, đô thị cổ Óc Eo trở thành một trung tâm trao đổi buôn bán, “một trung tâm liên thế giới”. Đô thị cổ Óc Eo có vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển kinh tế biển trong xã hội cổ và những thành tựu, những dấu hiệu mang lại để cung ứng nền văn hóa biển.

Về vai trò của Đô thị cổ, tác giả nhấn mạnh: Đô thị cổ Óc Eo là một trung tâm sản xuất nông nghiệp và khai thác lâm thủy sản; một trung tâm sản xuất công nghiệp, một trung tâm thương mại quốc tế. Đô thị cổ Óc Eo có vai trò quan trọng trong mạng lưới hải thương quốc tế, có quan hệ buôn bán với Ấn Độ, Trung Quốc, các nước ở Đông Nam Á, các nước trong vùng Địa Trung Hải… (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 368-380).

Các tác giả Tống Thị Hạnh, Trần Thị Thanh Hoa trong báo cáo “Vai trò của đô thị cổ Óc Eo đối với mạng lưới hải thương quốc tế trong bối cảnh đô thị cổ Đông Nam Á” đã nêu quan điểm: Đô thị cổ Óc Eo trở thành một điểm nút của thương mại hàng hải thế giới, đầu mối phía đông trên đường giao thương Đông – Tây, nối từ Ấn Độ tới Vịnh Thái Lan đến Biển Đông, vùng quần đảo Đông Nam Á, với Trung Quốc và xa hơn nữa. Đặc biệt, trong mối quan hệ nội thương, Óc Eo là cảng thị chính trong cụm ba đô thị cổ Óc Eo, Nền Chùa và Cạnh Đền. Các đô thị này nối với nhau bằng các con kênh và cùng nối với kênh chính, chạy dọc miền tây sông Hậu theo hướng Đông – Tây. Do đó, cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy đầy đủ giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo, ngoài việc hướng đến mục tiêu được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại, còn tạo sức hút đối với các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư kinh doanh vào vùng đất của dinh lũy, đền đài từ hàng nghìn năm trước, để văn hóa Óc Eo có thể trường tồn, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu trong ngoài nước và du khách gần xa (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 381-391).

“Vai trò và vị thế của đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê trong giai đoạn đầu công nguyên”, của nhóm tác giả Nguyễn Quang Miên, Nguyễn Quang Bắc, Châu Anh Tuấn, Trình Năng Chung, Nguyễn Hữu Tuấn đã đề cập đến Louis Malleret là người đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ đô thị Óc Eo khi ông giới thiệu về một cụm các di tích khảo cổ học trên cánh đồng Óc Eo có cấu trúc hình chữ nhật được bao quanh bởi các cấu trúc dạng tuyến kéo dài mà trên các bức ảnh chụp từ máy bay chỉ được thể hiện bằng các vệt sáng-tối song song và xen kẽ nhau.

Các dấu hiệu về địa hình và địa mạo cho thấy: khu đô thị cổ Óc Eo và núi Ba Thê nằm hoàn toàn trong đồng bằng ven biển của vùng hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, cách biển Rạch Giá chừng 25km và luôn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chế độ thủy văn của sông Mê Kông và hải văn của biển phía Đông và biển phía Tây. Địa thế này đã tạo cho cư dân ở đây có nhiều ưu thế nổi bật về hoạt động thương mại đường biển với một hậu phương vững chắc là những cánh đồng lúa bao la đảm bảo có thể nuôi sống một cộng đồng dân cư đông đúc vùng với một hệ thống các đường thủy, đường bộ đan xen rộng khắp vùng châu thổ.

Môi trường canh tác nông nghiệp thuận lợi và nguồn thủy hải sản dồi dào là những điều kiện tốt để có thể định cư sinh sống lâu dài và nhanh chóng tăng thêm nhân khẩu. Đồng bằng khu vực Óc Eo – Ba Thê dần trở nên đông đúc, sầm uất. Ngoài canh tác nông nghiệp, đã có thêm các hoạt động mới như: sản xuất các đồ thủ công, thương mại trao đổi hàng hóa, tín ngưỡng và tâm linh,…Từ đó, góp phần hình thành cấu trúc của một nhà nước sơ khai. Thư tịch cổ Trung Hoa cũng cho biết những chuyển biến kinh tế và xã hội Óc Eo thời kỳ này qua chuyện hôn phối của nữ vương bản địa Liễu Diệp và một ngoại nhân Hỗn Điền được đề cập trong Tấn thư do Phòng Huyền Linh biên soạn (578-648). Câu chuyện trên cũng cho biết thêm, Hỗn Điền đã đến Phù Nam từ đường biển, nghĩa là có rất nhiều khả năng, thuyền của ông ta vào từ Rạch Giá rồi ttheo đường nội thủy ngược lên kinh đô. Hỗn Điền theo đạo Hindu nên sau khi bắt được Liễu Diệp làm vợ, chiếm lấy nước Phù Nam thì ông ta sẽ mở rộng tôn giáo của mình, bắt vợ, con và thần dân của mình cùng theo đạo Hindu. Sự xuất hiện của những công trình kiến trúc Hindu giáo giai đoạn này trong vùng đồng bằng Nam Bộ và khu đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê cho chúng ta hình dung về đời sống tín ngưỡng và xã hội Phù Nam thời kỳ này.

Cùng với việc củng cố chế độ cai trị, tôn giáo, các hoạt động sản xuất thủ công và thương mại trao đổi hàng hóa cũng phát triển mạnh mẽ với sự hình thành các xưởng làm đồ gốm, chế tác hạt chuỗi thủy tinh, chế tác vàng, sản xuất đồ mộc, xuất hiện các điểm tập kết thuyền, bè, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ cho những chuyến buôn bán đường dài. Tư liệu khảo cổ học và văn liệu cổ Trung Hoa cho thấy, vào thời kỳ phát triển của nhà nước Phù Nam, khu vực Óc Eo – Ba Thê đã là một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn của vương quốc, đặc biệt là thương mại trao đổi hàng hóa liên vùng châu thổ sông Mê Kông và hàng hải quốc tế chắc chắn đã rất phát triển.

Cấu trúc xã hội ở Óc Eo – Ba Thê: tài liệu thư tịch cổ và khảo cổ học cho phép hình dung, cấu trúc xã hội ở khu đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê là một xã hội phức hợp, bao gồm các cư dân bản địa và những người di cư là thương nhân buôn bán đường dài cùng giới tăng lữ đến từ Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á, họ lưu trú định kỳ hoặc lâu dài tại đô thị. Thành phần gồm có hoàng gia, quý tộc, tăng lữ, người bình dân và nô lệ. Đặc biệt là những cư dân bản địa bình dân, họ chủ yếu là những nông dân canh tác nông nghiệp trên những cánh đồng lúa nước trong vùng và hoạt động dịch vụ buôn bán theo mùa tùy vào nhu cầu của đô thị. Trong khi đó, giới cầm quyền và thương nhân của đô thị dường như đã chuyên về cai trị và buôn bán, họ có gắn bó khá chặt chẽ với văn hóa Ấn Độ, chẳng những về tín ngưỡng, tôn giáo mà còn cả những vật sử dụng hàng ngày, thể hiện qua các di tích, di vật khảo cổ học như đền thờ, tượng thần Hindu giáo, đồ gốm Ấn Độ và Trung Đông…

Hoạt động nông nghiệp đã giúp cho xã hội phát triển bền vững và nền kinh tế ổn định. Thương mại làm cho xã hội phát triển nhanh và ngày càng trở nên giàu có. Nhờ nằm ngay trên vùng đất giao nhau của các tuyến vận tải hàng hóa từ lục địa ra biển và vận tải đường biển từ Ấn Độ, Thái Lan đến Champa, Trung Quốc nên từ rất sớm, đô thị Óc Eo – Ba Thê đã mang tính cảng thị của một trung tâm phát triển kinh tế xã hội và là cửa ngõ giao lưu quốc tế khác của vùng châu thổ sông Mê Kông. Địa lý tự nhiên cho thấy, để không phải vòng qua bán đảo Cà Mau vừa xa vừa nhiều tai nạn rình rập, các thuyền buôn quốc tế có thể từ vịnh biển Rạch Giá, theo sông Rạch Giá – Long Xuyên vào sông Hậu. Sau đó, xuôi theo dòng sông Hậu qua Cù Lao Dung, Cù Lao Mây, nhập vào biển Đông hoặc theo rạch Cái Tàu lên sông Tiền và ra Cửa Đại để tiếp tục hải trình ven theo đường biển của mình. Hệ thống kênh mương này, sau thế kỷ VII, do không được nạo vét thường xuyên nên đã bị bùn, rác lắng đọng, ứ lấp một phần. Năm 1818, vua Gia Long đã sai Thoại Ngọc Hầu đôn đốc dân phu nạo vét khai thông, xong việc, vua cho đặt tên là Thoại Hà để ghi nhận công lao. Thậm chí đến tận ngày nay, sông này vẫn là một tuyến giao thông quan trọng kết nối vùng Hà Tiên – Rạch Giá với Hậu Giang (Kỷ yếu Hội thảo, tr. 392-405).

(Còn tiếp)

TÀI LIỆU DẪN

Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”. An Giang, tháng 11/2023.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo

các tin khác