Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

DI TÍCH ĐÁ NỔI

10:47 22/05/2020

Đá Nổi nằm trên một cánh đồng lúa, thuộc địa phận ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách TP Long Xuyên khoảng 18,5km theo hướng Tây Nam. Từ thành phố Long Xuyên đi theo tỉnh lộ 943 khoảng 10km đến TT Phú Hòa rẽ trái vào cầu Đình, đi khoảng 11km sẽ đến UBND xã Phú Thuận, từ UBDN xã Phú Thuận chạy dọc theo con kênh Phú Tây khoảng 3km sau đó chạy theo con rạch Cái Mây khoảng 500m sẽ đến di tích Gò Đá Nổi.
Sở dĩ cánh đồng lúa có tên là Đá Nổi vì theo người ta kể lại, vào mùa mưa trên cánh đồng thường xuất hiện những khối đá có lổ như đá ong nổi lềnh bềnh trên mặt nước lúc lâu sau thì biến mất. Vì vậy mọi người thường gọi là cánh đồng Đá Nổi.
Theo những nghiên cứu khảo cổ, do những kiến trúc đá nằm sâu dưới đất nhưng do mưa lũ, lớp đất phủ trên mặt kiến trúc bị xoáy mòn, dần dần lộ những khối đá nằm ở phía dưới. Qua nhiều năm đá lộ càng nhiều; nhất là sau những đợt mưa lũ lớn. Do không nắm được những hiện tượng xoáy mòn của lũ, nhiều người lầm tưởng là đá tự nhiên nổi lên và luôn gọi là cánh đồng Đá Nổi nhằm đánh dấu sự khác biệt so với những cánh đồng khác.
Phạm vi phân bố của di tích này khá rộng có diện tích dài khoảng 1500 m, rộng 800m. Nhưng nơi có đá thường tập trung ở hai bên bờ của con lung nhỏ có tên là lung Xẻo Mây.
Phía bên bờ bắc của con lung này là miếu Bà Chúa Xứ. Cách đây khoảng 40 năm ngôi miếu này chỉ là cái am nhỏ được nhân dân dựng lên để tu hành. Lúc đầu am được dựng bằng cây và lợp lá. Nay là một ngôi miếu lớn được lợp tôn và ngói. Người chủ trì là một vị sư già. Hằng năm vào những ngày giỗ Ông và giỗ Bà, du khách từ xa đến khá đông. Những ngày thường thì ít khách.
Mục đích của những người đến miếu vì sự linh thiêng ở nơi đây. Ai ai cũng cầu mong được may mắn trong làm ăn và hạnh phúc trong cuộc sống. Miếu bà Đá Nổi cũng như miếu bà chùa sứ Núi Sam đều là những tượng thần được khai quật, được nhân dân đem về thờ cúng.
Trong quá trình sản xuất nhân dân địa phương đã thấy dấu vết của những cọc gỗ nhà sàn, be thuyền, những viên gạch có kích thước lớn, những đồ đựng bằng gốm, nhiều mảnh gốm vỡ, những công cụ làm bằng đá… Và cũng có người lượm được những đồ quý lạ như vàng được chạm trổ với những hình thù kì lạ và đa dạng, đá quí nhiều màu sắc. Phần lớn những đồ vật bằng đá, bằng gốm, bằng gỗ được thu gom về để trong miếu thờ. Những khối đá cổ lộ thiên ở quanh vùng được chở về xây nền cho ngôi miếu.
Trong quá trình khai quật các nhà khảo cổ học đã nhận thấy rằng: những gò đá nằm sát bờ lung đều bị ngập nước, phần lớn những gò đá này đã bị đào phá không thể cứu vãn được. Những điểm cư trú đều bị ngập nước, chỉ còn một điểm ít bị đào phá và có thể khai quật được, đó là một thửa ruộng có bề mặt bằng phẳng nằm ở phía bắc của miếu Bà Chúa Xứ, có độ cao 0,20m so với mặt ruộng xung quanh. Đám ruộng này có hình tam giác. Đáy nằm ở phía nam sát bờ lung. Đỉnh hướng về phía bắc, diện tích rộng khoảng 3.500m2. Ở phía bắc của thửa ruộng đã bị những người bòn vàng đào phá, ở phía nam một phần bị đào thành rạch dẫn nước vào sát chân miếu, phần bị đắp cao để xây miếu.
Tại các nơi bị những người dân bòn vàng đào phá đã tìm được hai ngôi mộ. Một mộ ở phía nam nằm dưới mực nước trong con rạch mới đào. Mộ được xây có hộc gạch ở trung tâm, xung quanh được tấn đá và cát trắng. Mộ ở phía bắc nằm ở đất trũng đã được đào kiểm chứng lại. Kết quả mộ có cấu tạo khá đặc biệt: trung tâm có hộc xây bằng gạch, xung quanh bên ngoài được phủ một lớp gạch vỡ. Lớp gạch này có dạng cao ở trung tâm và thấp dần ra xung quanh theo dạng hình tròn. Nhìn chung mộ có dạng giống loại hình mộ gò nhưng nằm sâu dưới mặt đất. Từ những nhận biết trên, các nhà khảo cổ của Viện KHXH nhận định rằng thế đất cao này có thể là một khu mộ táng cổ thuộc loại hình gò mộ và quyết định khai quật. Kết quả đã phát hiện được 7 ngôi mộ.
 
Trong quá trình khai quật các hiện vật tìm thấy trong các hố rất phong phú như: nhiều mảnh vàng chạm hình người, hình rắn, hình hươu, hình đầu bò, hình ốc, hình rùa, hình cá; các hiện vật nhẫn vàng, hạt chuỗi, đá quý, tiền kim loại, mặt dây chuyền vàng… (Hiện nay được bảo quản, trưng bày ở Bảo tàng An Giang).
 
Theo nhận định của các nhà khảo cổ thì di tích Đá Nổi là di chỉ khảo cổ học có loại hình di tích cư trú và di tích mộ táng thuộc nền văn hóa Óc Eo có niên đại từ thế kỉ thứ II đến thế kỉ thứ VII.
Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã tiến hành thám sát, làm hồ sơ xếp hạng di tích Đá Nổi là di tích cấp tỉnh, và đã được UBND tỉnh An Giang ra quyết định công nhận số 885/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2017 về việc xếp hạng Di tích Lịch sử -Văn hóa cấp tỉnh cho Di tích Khảo cổ Đá Nổi, xã Phú Thuận huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang.

Thùy Trâm

các tin khác