Ủy ban nhân dân tỉnh an giang

ban quản lý di tích văn hóa óc eo

thông tin cẦN BIẾT
  • Nhà trưng bày:

    Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

    + Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

    + Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

  • Các điểm di tích:

    Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

    Phòng Quản trị và Du lịch

    SĐT: 02963.878.156

    Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

GÒ THÁP AN LỢI

03:28 08/04/2021

       Di tích kiến trúc gò tháp An Lợi ở tọa độ 10º26’18’’ vĩ bắc 105º00’28’’ kinh đông, thuộc ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách đường tỉnh lộ 948 khoảng 100m về phía đông. Phía tây tỉnh lộ là khu vực giáp núi Nam Qui, là một trong những dãy núi không cao nằm trong hệ thống núi “Tịnh Biên – Tri Tôn”. Đường chân núi chỉ cách Gò Tháp không quá 500m về phía Đông. Kiến trúc Gò Tháp An Lợi cách Thành phố Long Xuyên khoảng 55km. Các loại phương tiện đường bộ như xe Honda, xe du lịch đều tới di tích được dễ dàng.
       Trước đây, Di tích kiến trúc cổ An Lợi, sở hữu chủ khu đất là ông Chau Ôn – Nguyên Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban ấp An Lợi quản lý. Sau khi Bảo tàng An Giang phát hiện di tích, ngành Văn hóa Thông tin đã thỏa thuận với UBND huyện Tri Tôn và xã Châu Lăng, đề nghị địa phương có biện pháp gìn giữ và bảo vệ tại chỗ. Đồng thời còn mua đất khoảng 1000m2 để bảo quản và khai thác lâu dài. Hiện nay di tích Gò Tháp An Lợi được quản lý bởi Ban quản lý Di tích văn hóa óc Eo tỉnh An Giang.
         Di tích là một gò nhỏ có xuất lộ nhiều gạch nằm trên một thế đất khá bằng phẳng, xung quanh có nhiều ao, đầm, trũng trong địa bàn cư trú của đồng bào Khmer. Di tích là một công trình kiến trúc qui mô lớn và kiên cố nằm theo hướng Đông - Tây, giống với các công trình kiến trúc văn hóa Óc Eo đều quay mặt về phía Đông. Tổng thể là một khối kiến trúc gạch, đến nay vẫn còn khá bền vững. 
         Theo chuyện kể của các vị bô lão sống lâu đời tại đây truyền tụng cho nhiều thế hệ con cháu, kết hợp sự quan tâm các dấu vết còn lại thì di tích xưa kia có thiết diện rộng lớn gấp vài lần so với hiện nay. Vì nhu cầu của người dân địa phương nên họ đến đây đào bới lấy hàng chục xe bò gạch tại di tích chuyển đi nơi khác để xây giếng nước, lót nền… 
 
        Năm 1999, trong cuộc khảo sát và điền dã, các cán bộ của Bảo tàng An Giang đã phát hiện dấu tích của kiến trúc cổ Gò Tháp An Lợi tại ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Năm 2002, Bảo Tàng An Giang phối hợp với Trung tâm Khảo cổ tiến hành khảo sát lại di tích nay, Kết quả bước đầu cho thấy, phạm vi kiến trúc, đặc biệt là ở hai phía Đông – Tây, có những hố đào lớn và sâu để lấy gạch, nhiều phiến đá có dấu gia công phát lộ trên bề mặt di tích và một số được cất giữ ở nhà dân. Tuy bị đào phá nhưng kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn so với các di tích văn hóa Óc Eo khác trên địa bàn tỉnh An Giang. Kiến trúc khá cao từ 1,5 mét đến 2,5 mét. Dựa và đặc điểm bước đầu đoàn định, di tích có niên đại khoảng thế kỷ VII đến VIII, thuộc giai đoạn Hậu Óc Eo.
Cuộc khai quật năm 2004 của Bảo tàng An Giang và Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã làm xuất lộ toàn bộ kiến trúc Gò Tháp An Lợi, thu được nhiều hiện vật, và làm bật lên giá trị của di tích Gò Tháp An lợi.
         Kiến trúc di tích được xây với bình đồ hình chữ nhật, bẻ góc nhiều lần ở phía đông cân xứng với phía nam; Kiến trúc có kết cấu bằng gạch, đá dài khoảng 19,2 mét, rộng khoảng 11,6 mét, cao từ 2,5 mét đến 3,6 mét. Được xây dựng trên nền móng đá hoa cương. Phần trên của kiến trúc bị sụp đổ.
Bề mặt kiến trúc của di tích có hình chữ nhật được chia làm hai ngăn: phía đông và phía tây. Ngăn phía đông là tiền sảnh được lát chủ yếu bằng gạch vỡ và xà bần với cát màu đỏ nhạt nối liền với các bậc lên xuống ở phía đông, ngăn phía tây là hậu sảnh được xây hoàn toàn bằng gạch nguyên, ở giữa có hố thờ.
          Xung quanh bên ngoài hai ngăn được xây tường bao bọc, vòng tường trong phía trên xây bằng gạch, vòng tường trong phía dưới được xây bằng đá và cát màu xám; vòng bên ngoài được xây bằng gạch.
          Vật liệu xây dựng chính của kiến trúc chủ yếu là đá, cát và gạch. Đá được sử dụng chủ yếu là đá hoa cương, có lẽ là vật liệu sẵn có trong vùng hoặc được khai thác từ núi Nam Qui. Cát ở kiến trúc là loại cát mịn, màu xám trắng, cũng được khai thác tại gần khu vực di tích. Gạch kiến trúc Gò Tháp An Lợi có màu xám vàng, xám trắng, đỏ nhạt có độ nung cao. Kích cỡ của từng viên gạch không giống nhau, dài từ 27 cm – 34,5 cm, rộng từ 16 cm – 22 cm, cao từ 7 cm – 9 cm.
Hiện vật được tìm thấy không nhiều, chủ yếu là các hiện vật bằng đá gồm bàn đá, các loại đá kiến trúc nhiều hình dạng như hình chữ nhật, hình bán nguyệt, hình cánh quạt, nhiều máng nước thiêng Somasutra, mảnh linga hiện thực, ngoài ra còn có một số mảnh gốm cổ, vòi bình thuộc hiện vật văn hóa Óc Eo.
          Từ những phát hiện về kiến trúc di tích và di vật được tìm thấy. Có thể thấy được Gò Tháp An Lợi là loại di tích kiến trúc tôn giáo thuộc thời kỳ Hậu Óc Eo, niên đại đoán định từ thế kỷ thứ VII đến thứ VIII sau công nguyên. Bố cục kiến trúc gồm hai phần gồm tiền sảnh ở phía đông, hậu sảnh ở phía tây, giữa có hố thờ, trên hố thờ và bên cạnh hố thờ có máng nước thiêng Somasutra. Vì vậy, di tích là một đền thờ tín ngưỡng Shiva, và là nơi thực hiện nghi thức tôn giáo của các cư dân cổ.
Di tích Gò Tháp An Lợi được công nhận là di tích quốc gia tại Quyết định số 10/2008/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/2/2008 của Bộ VHTTDL về việc xếp hạng di tích khảo cổ Gò tháp An Lợi xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang.
           Hiện nay, di tích đã được xây mái che, và có tường rào bảo vệ, thuộc sự quản lý của Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo. Hằng năm, di tích đều được trùng tu và bảo quản tốt, được cải tạo cảnh quan nhằm phục vụ khách tham quan du lịch, góp phần vào công cuộc gìn giữ và phát huy giá trị di sản.      
 
Tài liệu tham khảo
Đặng Văn Thắng 2020. Na Phật Na Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam. Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo tàng An Giang (2002). Lược sử Di tích kiến trúc Tháp cổ An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Bảo tàng An Giang, Trung Tâm Nghiên cứu Khảo cổ học (2004). Di tích kiến trúc Tháp cổ An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Võ Sĩ Khải 2002. Văn hoá đồng bằng Nam Bộ (di tích kiến trúc cổ). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Lê Thị Liên 2003. Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cưủ Long trước Thế Kỷ 10. Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang 2017. Một số di tích văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở An Giang.
Louis Malleret (1959). L’Archéologie du delta du Mekong, Tome Priemer: L’Exploration archéologie et les fouilles d’Oc Eo École Francaise d’Êxtreme Orient, Paris.
Đặng Văn Thắng 2005. Vương quốc Phù Nam Lịch sử và Văn hóa. Viện văn hóa Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin.
Bảo tàng An Giang (2004). Di tích kiến trúc Tháp cổ An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

 

Thùy Trâm

các tin khác